Hoàn thiện công tác tài chính công đoàn
TCDN - Để công tác tài chính công đoàn công khai, minh bạch và ngày càng hiệu quả, bài viết cập nhật thực trạng tài chính công đoàn, một số nội dung của dự thảo Luật Công đoàn năm 2012, qua đó đề xuất giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Tóm tắt
Trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, hoạt động của tổ chức công đoàn nói chung và công tác tài chính công đoàn nói riêng đã có những kết quả tích cực. Công tác tài chính công đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, đó là đảm bảo nguồn tài chính cho hoạt động của tổ chức, tạo cơ sở vật chất để phục vụ đoàn viên và người lao động. Thu tài chính công đoàn trung bình mỗi năm tăng 12%. Tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 so với năm 2012 tăng 2,3 lần, trong đó, thu kinh phí công đoàn tăng 2,57 lần, đoàn phí công đoàn tăng 2,26 lần, thu khác tăng 1,24 lần. Các cấp công đoàn đã thực hiện tiết kiệm 10% chi hành chính và hoạt động phong trào để tập trung nguồn đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn phục vụ nhu cầu thiết thực cho đoàn viên và người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước.
Để công tác tài chính công đoàn công khai, minh bạch và ngày càng hiệu quả, bài viết cập nhật thực trạng tài chính công đoàn, một số nội dung của dự thảo Luật Công đoàn năm 2012, qua đó đề xuất giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Thực trạng
Luật Công đoàn năm 2012 đã được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2013. Công tác tài chính công đoàn đã được Luật quy định rõ từ Điều 26 đến Điều 29. Trong đó, khoản 2, Điều 26 quy định: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng, được thực hiện ổn định và phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm điều kiện vật chất cho tổ chức Công đoàn thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ to lớn mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Sau khi có Luật Công đoàn năm 2012, Chính Phủ đã ban hành Nghị định 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định chi tiết về tài chính công đoàn trong đó đối tượng đóng kinh phí công đoàn là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, không phân biệt cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó đã có hay chưa có tổ chức công đoàn. Nghị định này cũng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo các cấp công đoàn chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính, thuế, thanh tra lao động cùng cấp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện đóng kinh phí công đoàn, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm pháp luật về đóng kinh phí công đoàn.
Báo cáo về tình hình thu tài chính công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động cho hay, tổng thu trong 7 năm (từ năm 2013 - 2019) là 100.353 tỉ đồng. Trong đó, đoàn phí công đoàn là 25.250 tỉ đồng, chiếm 25,1% tổng số thu; kinh phí công đoàn là 62.825 tỉ đồng, chiếm 62,6% tổng số thu; ngân sách nhà nước hỗ trợ 332 tỉ đồng và các khoản thu khác là 11.946 tỉ đồng, chiếm 12,3% tổng số thu.
Thu tài chính công đoàn trung bình mỗi năm tăng 12%. Tổng thu tài chính công đoàn năm 2019 so với năm 2012 tăng 2,3 lần, trong đó, thu kinh phí công đoàn tăng 2,57 lần, đoàn phí công đoàn tăng 2,26 lần, thu khác tăng 1,24 lần.
Về chi tài chính, Tổng liên đoàn Lao động cho biết, từ năm 2013 - 2019, tổng số chi tại các cấp công đoàn là 76.955 tỉ đồng.
Số chi tập trung nhiều nhất tại cấp công đoàn cơ sở với 56.336 tỉ đồng, chiếm 73,2 % tổng chi; số chi tại cấp quận, huyện và đơn vị sự nghiệp là 11.649 tỉ đồng, chiếm 15,1% tổng chi; số chi tại cấp tỉnh, ngành 8.395 tỉ đồng, chiếm 10,9% tổng chi; số chi tại cấp Tổng liên đoàn 575 tỉ đồng, chiếm 0,8% tổng chi.
Theo Tổng liên đoàn Lao động, sau khi có luật Công đoàn 2012, Công đoàn Việt Nam đã điều chỉnh giảm tỷ trọng chi tại các cấp trên để tập trung nguồn kinh phí cho cấp cấp công đoàn cơ sở sử dụng, nhằm mục tiêu chi chăm lo, bảo vệ lợi ích cho đoàn viên, người lao động. Cụ thể, về nội dung chi tại các cấp công đoàn trong giai đoạn 2013 - 2019, Tổng liên đoàn Lao động cho hay, tại cấp Tổng liên đoàn, chi cho hoạt động chiếm 36,3%; chi lương, phụ cấp chiếm 30,1%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn tài sản công đoàn 13,3%; chi quản lý hành chính 20,3%.
Tại cấp tỉnh, ngành, chi cho hoạt động chiếm 34.5%; chi lương, phụ cấp chiếm 28,6%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn tài sản công đoàn 19,9%; chi quản lý hành chính 16,5%; chi hoạt động tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở 0,5%.
Tại cấp quận huyện và đơn vị sự nghiệp, chi cho hoạt động chiếm 44%; chi lương, phụ cấp chiếm 34,5%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn tài sản công đoàn 5%; chi quản lý hành chính 15,7%; chi hoạt động tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở 0,8%.
Tại cấp công đoàn cơ sở, cơ bản chi chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động với tỷ trọng chi là 81,5%; chi lương, phụ cấp chiếm 13,1%; chi quản lý hành chính chỉ chiếm 5,2%; chi đầu tư xây dựng, mua sắm và sửa chữa lớn tài sản công đoàn chiếm tỉ trọng rất nhỏ, chỉ 0,2%.
Tổng liên đoàn Lao động cho hay, nội dung chi hoạt động tại các công đoàn cấp trên trực tiếp trở lên chủ yếu là cho các hoạt động chăm lo, bảo vệ đoàn viên và người lao động tại công đoàn cơ sở.
Ngoài ra, tại các doanh nghiệp chưa thành lập công đoàn cơ sở, người lao động vẫn được sự quan tâm, chăm lo, vệ quyền lợi của người lao động tại các cấp công đoàn. Từ năm 2013 - 2019, tổng số chi tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở là 223 tỉ đồng. Số còn lại chưa chi tại nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở sẽ được công đoàn cấp trên trả lại cho công đoàn cơ sở khi được thành lập.
Tổng liên đoàn Lao động cũng cho biết, từ năm 2013, công đoàn không thực hiện thu kinh phí công đoàn tập trung khu vực hành chính sự nghiệp trung ương về cấp Tổng liên đoàn (trước đây Tổng liên đoàn thu 2% kinh phí của khu vực hành chính sự nghiệp trung ương).
Đồng thời, Tổng Liên đoàn lao động chỉ đạo liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành Trung ương hạn chế việc thu tài chính mà phân cấp thu cho công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.
Tổng liên đoàn Lao động cũng khẳng định, trong giai đoạn 2012 - 2020, nguồn tài chính của tổ chức công đoàn được dành cho công đoàn cơ sở là chủ yếu. Thực hiện nghị quyết của Tổng liên đoàn Lao động, từ năm 2016, nguồn kinh phí công đoàn dành cho công đoàn cơ sở mỗi năm tăng 1%.
Năm 2020, tỷ lệ phân phối cho các cấp công đoàn như sau: nguồn thu tại cấp tại cấp công đoàn cơ sở được sử dụng bao gồm 70% nguồn thu kinh phí công đoàn, 60% nguồn thu đoàn phí công đoàn, 100% nguồn thu khác. Tại công đoàn cấp trên cơ sở trở lên sử dụng phần còn lại của nguồn thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn.
Tổng liên đoàn Lao động khẳng định, thực tiễn tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam nhiều thập kỷ qua cho thấy, nguồn thu kinh phí công đoàn 2% cùng với các nguồn thu khác là cơ sở quan trọng để tổ chức Công đoàn xây dựng được nguồn lực đủ mạnh thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Đảng giao phó.
Đối với công đoàn cơ sở, phần kinh phí này giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc đảm bảo nguồn tài chính để công đoàn cơ sở hoạt động, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, đặc biệt là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Do đó, việc giữ ổn định nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là thực sự cần thiết.
Sửa đổi tài chính công đoàn, tạo điều kiện chăm lo cho người lao động
Chuẩn bị trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2020), Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công đoàn sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp thứ 48.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động nhấn mạnh, Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với việc ký kết, triển khai các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và phê chuẩn, thực thi các công ước quốc tế về lao động, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng và có những tác động sâu sắc đến sản xuất và đời sống… đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế.
Việc sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 phải đảm bảo thể chế hóa các chủ trương, nghị quyết mới của Đảng. Nhất là về đổi mới tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn nêu tại Nghị quyết 06 của BCH Trung ương khóa XII yêu cầu tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia. Điều này có nghĩa là làm cho tổ chức Công đoàn lớn mạnh lên, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người lao động, thị trường lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ, xây dựng giai cấp công nhân lớn mạnh; phát huy vai trò quan trọng của tổ chức Công đoàn trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước.
Một trong những nội dung đáng chú ý của lần sửa đổi này là việc sử dụng kinh phí công đoàn sẽ có thay đổi. Luật hiện hành (khoản 2, Điều 26) quy định: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”.
Nhiều năm qua, Tổng liên đoàn nhận định, nhiều tổ chức, cá nhân nhầm tưởng số kinh phí 2% chỉ nhằm để phục vụ cho công đoàn cấp trên cơ sở trở lên, có người hoài nghi về mục đích sử dụng nguồn kinh phí này.
Để công khai, minh bạch hơn nữa, Dự án Luật bổ sung quy định về trích kinh phí cho các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở theo hướng công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới, công đoàn cơ sở phục vụ đoàn viên công đoàn, người lao động.
Mặt khác, trong bối cảnh Bộ luật Lao động 2019 đã cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam, vấn đề chia sẻ nguồn kinh phí công đoàn với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp cần được xem xét. Vì vậy, Dự thảo Luật xây dựng 2 phương án về phân phối kinh phí công đoàn.
Theo phương án 1, 75% quỹ công đoàn được phân phối như sau: a) Tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ có tổ chức công đoàn, công đoàn cơ sở được hưởng 100% số kinh phí nêu trên. b) Tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa có công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tạm giữ 100% số kinh phí nêu trên, thực hiện chi cho người lao động tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và hoàn trả cho công đoàn cơ sở khi được thành lập. c) Tại doanh nghiệp có tổ chức của người lao động thì tổ chức của người lao động được phân phối theo số thành viên trên số lao động thu được kinh phí công đoàn.
Còn theo phương án 2, ở những nơi đã có tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, kinh phí công đoàn được phân phối cho các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở. Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Bên cạnh 2 phương án đã trình bày ở phần trên, trong quá trình hoàn thiện Dự án Luật, Tổng liên đoàn nhận được nhiều ý kiến và đề xuất các phương án khác. Chẳng hạn, sửa khoản 2, Điều 26 thành: “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động không phải là thành viên của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”.
Phương án này được cho là phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật Công đoàn (điều chỉnh các cấp công đoàn của Công đoàn Việt Nam), phù hợp với Hiến pháp. Dù chọn phương án nào, thì Tổng liên đoàn đều khẳng định việc giữ ổn định nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là hết sức cần thiết.
Bà Đỗ Thị Lan - Ủy viên Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng kinh phí 2% là cần thiết cho hoạt động công đoàn trong suốt thời gian qua. Nhờ đó, công đoàn đã đóng góp quan trọng trong việc ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng. Thế nhưng cần làm rõ kinh phí công đoàn được sử dụng có hiệu quả ra sao trong thời gian vừa qua; đánh giá môt số nội dung chi có thực hiện được như: nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn cho người lao động.... Đặc biệt, nội dung về bảo vệ người lao động phải được đưa lên hàng đầu, đồng thời bổ sung xây dựng mối quan hệ lao động, phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức Công đoàn.
Đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Kiểm toán nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động Thương binh và xã hội cũng đều ủng hộ việc duy trì kinh phí công đoàn 2%. Tuy nhiên góp ý phải làm sao để cho doanh nghiệp thấy được ích lợi của việc đóng khoản kinh phí và từ đó họ sẽ ủng hộ. Các ý kiến nhấn mạnh về việc tăng cường tính công khai, minh bạch trong sử dụng kinh phí công đoàn 2%; đồng thời các ý kiến về vấn đề phân chia nguồn kinh phí công đoàn, miễn giảm đóng kinh phí công đoàn, những quy định về quản lý tài sản công đoàn...
Một số giải pháp
Theo đánh giá của các chuyên gia, thu tài chính công đoàn còn thất thu ở một số doanh nghiệp ngoài nhà nước, nơi chưa có tổ chức công đoàn do việc thu kinh phí công đoàn có nơi chưa quyết liệt, chưa phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, chưa phân cấp thu theo quy định, chưa huy động toàn bộ cán bộ của đơn vị tham gia công tác thu kinh phí công đoàn, có nơi còn để thất thoát nguồn thu... Thu đoàn phí công đoàn tại công đoàn cơ sở có nơi chưa đúng quy định, công tác hướng dẫn, giám sát, quản lý của công đoàn cấp trên chưa sát sao, kịp thời. Chi tài chính công đoàn có nơi chi không đúng tiêu chuẩn, định mức, chi sai quy định...
Để công tác tài chính công đoàn công khai, minh bạch và hiệu quả, tạo nguồn lực chăm lo cho đoàn viên và người lao động, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, các cấp công đoàn cần tích cực phát huy các thành tích, ưu điểm đã đạt được đồng thời mạnh dạn, thẳng thắn phân tích những hạn chế, tồn tại từ đó có biện pháp khắc phục yếu kém. Tập trung lập kế hoạch bố trí nguồn lực để thực hiện thu tài chính đảm bảo thu đúng, thu đủ và hạn chế tối đa thất thu; đảm bảo chi tiết kiệm hiệu quả; phân phối nguồn tài chính trọng điểm, không dàn trải; từ đó tạo nguồn lực đủ mạnh đảm bảo hoạt động của tổ chức trong đó ưu tiên quan tâm bảo vệ, chăm lo đoàn viên, người lao động cũng như có nguồn để xây dựng chế độ tiền lương, phụ cấp phù hợp cho cán bộ công đoàn theo Nghị quyết của Đảng.
Thứ hai, các liên đoàn lao động tỉnh, thành phố cần sớm khảo sát đánh giá nhu cầu của đoàn viên, người lao động tại địa phương về các nhu cầu thiết yếu từ đó đề nghị Tỉnh, Thành ủy; UBND tỉnh, Thành phố chỉ đạo thực hiện đầu từ xây dựng Thiết chế công đoàn theo Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính Phủ.
Cùng với đó, các công đoàn cấp trên cơ sở quyết liệt hơn nữa việc thu kinh phí công đoàn khu vực sản xuất kinh doanh qua 01 tài khoản trung gian của tổ chức công đoàn. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong phương thức thu kinh phí công đoàn đạt được hiệu quả, đồng thời thể hiện được tính công khai, minh bạch, công bằng, hạn chế thất thu. Việc thực hiện thu qua 1 tài khoản nêu trên sẽ giảm áp lực và tạo sự chủ động tuyệt đối về nguồn kinh phí cho công đoàn cơ sở, giúp các cấp công đoàn thực hiện tốt việc phân cấp thu tài chính công đoàn.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tài chính công đoàn để ngăn chặn kịp thời các dấu hiệu vi phạm cũng như cương quyết xử lý các vi phạm. Việc quản lý tài chính, tài sản công đoàn trên cơ sở quy định pháp luật áp dụng công nghệ thông tin để quản lý trong toàn hệ thống được đồng nhất, đồng bộ.
Công tác tài chính, tài sản công đoàn sử dụng phần mềm được kết nối liên tục theo chế độ 24/24 giữa Tổng Liên đoàn và công đoàn cấp dưới từ đó tạo ra tính công khai, minh bạch cũng như giúp Tổng Liên đoàn chủ động trong việc nắm bắt tình hình thu, chi tài chính trong hệ thống công đoàn, từ đó điều hành, chỉ đạo công tác tài chính trong toàn hệ thống được tốt hơn.
Tài liệu tham khảo:
1. Luật Công đoàn (2012), (Luật số 12/2012/QH13) ngày 20/6/2012.
2. Nghị định số 191/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 quy định chi tiết về tài chính công đoàn.
3. Thông tư số 21/2005/TT-BTC ngày 22/3/2005 hướng dẫn thực hiện quy chế công khai tài chính đối với các đơn vị dự toán ngân sách và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
4. Thông tư liên tịch số 71/2014/TTLT-BTC-BNV ngày 30/5/2014 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 và Nghị định số 117/2013/NĐ-CP ngày 07/10/2013 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước.
5. Đoàn Thị Phương Diệp và các công sự (2018), Giáo trình Luật Lao động, Nhà xuất bản Đại học quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
ThS. Nguyễn Kiều Trang
Trường Chính trị Thanh Hóa
email: [email protected], hotline: 086 508 6899