Phân tích các yếu tố tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường đại học Nông Lâm TP. HCM

25/12/2020, 09:41

TCDN - Khởi nghiệp đã và đang được coi là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Lee và ctv. (2006) cũng cho rằng tinh thần khởi nghiệp được chú trọng ở nhiều quốc gia và được xem là cách thức để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

7-1

Tóm tắt

Nghiên cứu nhằm phân tích các yếu tố tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Mẫu nghiên cứu được khảo sát từ 367 sinh viên. Nghiên cứu sử dụng mô hình cân bằng cấu trúc tuyến tính (SEM) để phân tích. Kết quả nghiên cứu cho thấy các nhân tố ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên: Thái độ đối với khởi sự kinh doanh, Nhận thức kiểm soát hành vi, Nhu cầu thành tích, Giáo dục khởi sự kinh doanh.

1. Đặt vấn đề

Khởi nghiệp đã và đang được coi là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế ở nhiều quốc gia trên thế giới. Lee và ctv. (2006) cũng cho rằng tinh thần khởi nghiệp được chú trọng ở nhiều quốc gia và được xem là cách thức để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Thế hệ trẻ được kỳ vọng là lực lượng tiên phong cho phong trào Quốc gia khởi nghiệp.

Vấn đề đặt ra là làm sao để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp đối với thanh niên, đặc biệt là sinh viên đang học tập ở các Trường đại học? Câu trả lời là đa dạng vì có nhiều yếu tố tác động đến việc quyết định thực hiện khởi nghiệp của một cá nhân. Mô hình sự kiện khởi sự kinh doanh (SEE) của Shapero và Sokol (1982) và mô hình lý thuyết hành vi có kế hoạch (TPB) của Ajzen (1991) là hai mô hình được sử dụng phổ biến để nghiên cứu về ý định khởi sự kinh doanh từ những năm 1990. Khởi nghiệp diễn ra nếu một cá nhân có thái độ tích cực, có suy nghĩ, dự định về hành động đó. Một ý định mạnh mẽ sẽ luôn dẫn tới nỗ lực để bắt đầu khởi sự công việc kinh doanh mới, mặc dù việc khởi nghiệp có thể nhanh hay chậm lại do điều kiện hoàn cảnh môi trường xung quanh. Điều này cũng đã được chứng minh ở một số nghiên cứu trong lĩnh vực khởi sự kinh doanh (Krueger & Brazeal, 1994; Krueger và ctv, 2000). Để ý định khởi nghiệp biến thành hành động thì cần có chất xúc tác trong quá trình lao động và học tập hằng ngày. Đối với môi trường giáo dục, nó phụ thuộc rất lớn vào hoạt động giảng dạy và hoạt động ngoại khóa nhằm rèn luyện cho sinh viên trở thành thực thể hoàn chỉnh hơn về kiến thức, kỹ năng và thái độ (Nguyễn, 2016). Có nhiều nghiên cứu về sinh viên khởi nghiệp ở các trường đại học tại Việt Nam. Nhìn chung, cần khẳng định giá trị các thang đo đối với các nghiên cứu về lĩnh vực này (Ngô, 2016) và sử dụng mô hình cân bằng cấu trúc tuyến tính SEM để có thể nhận ra những yếu tố tiềm ẩn. Đây cũng chính là phương pháp được nghiên cứu này sử dụng để phân tích các yếu tố.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Mô hình nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu dựa vào lý thuyết hành vi dự định (TPB), hành động hợp lý (TRA), sự kiện khởi sự kinh doanh (SEE) và kế thừa các nghiên cứu gần đây.

Hình 1. Mô hình nghiên cứu

Hình 1. Mô hình nghiên cứu

Các giả thuyết nghiên cứu:

Giả thuyết H1: Thái độ đối với tiền bạc có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp.

Giả thuyết H2: Thái độ đối với khởi nghiệp ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp.

Giả thuyết H3: Chuẩn chủ quan có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp.

Giả thuyết H4: Nhận thức kiểm soát hành vi có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp.

Giả thuyết H5: Nhu cầu thành tích có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp.

Giả thuyết H6: Kinh nghiệm có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp.

Giả thuyết H7: Giáo dục khởi nghiệp có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp.

Giả thuyết H8: Thái độ đối với khởi nghiệp là biến trung gian giữa kinh nghiệm khởi nghiệp và ý định khởi nghiệp.

Giả thuyết H9: Thái độ đối với khởi nghiệp là biến trung gian giữa giáo dục khởi nghiệp và ý định khởi nghiệp.

2.2. Mẫu và thang đo

Theo J.F Hair và ctv. (1998), đối với phân tích nhân tố khám phá EFA thì cỡ mẫu tối thiểu phải bằng 5 lần các mệnh đề trong thang đo. Trong mô hình nghiên cứu có tất cả 37 biến số dùng trong phân tích nhân tố, do vậy cỡ mẫu tối thiểu cần đạt được là: 37 x 5 = 185 quan sát. Nghiên cứu phát ra 400 phiếu quan sát và thu về 386 phiếu, trong đó có 367 phiếu hợp lệ, đạt tỉ lệ 91,75% đảm bảo đủ dung lượng và tính đại diện mẫu.

2.3. Phương pháp phân tích số liệu

2.3.1. Kiểm định độ tin cậy thang đo bằng hệ số Cronbach’s Anpha

Là một hệ số chỉ ra mức tương quan tích cực giữa những câu hỏi trong bộ phiếu điều tra (Sekaran, 2010). Độ tin cậy của mỗi thang đo có hệ số alpha >0,7 là khá tốt (Zikmund, 2010)

2.3.2. Đánh giá mức độ hội tụ bằng phân tích nhân tố khám phá EFA

Nghiên cứu sử dụng phép trích Principal Axis Factoring với phép quay Promimax. Tổng phương sai trích >=50% và Hệ số KMO (0.5 ≤ KMO ≤ 1) được dùng để xem xét sự thích hợp của nhân tố. Kiểm định Bartlett: Sig<0,05 có ý nghĩa thống kê và các biến quan sát có tương quan với nhau trong tổng thể (Gerbing, 1988). Hệ số tải nhân tố Factor Loađing lớn hơn 0,5 có ý nghĩa thực tiễn (Hair, 1998).

2.3.3. Kiểm định thang đo bằng phân tích nhân tố khẳng định CFA

Thông qua các chỉ tiêu Chi-square điều chỉnh theo bậc tự do (CMIN/df); chỉ số tích hợp so sánh CFI (comparative Fit Index), chỉ số TLI (Tucker & Lewis index) và chỉ số RMSEA (Root Mean Square Error Approximation) và chỉ số MI (Modification Indices); nếu một mô hình nhận được giá trị TLI, CFI> 0,9 ; CMIN/df< 2 hoặc 3; RMSEA < 0,08 thì mô hình được xem là phù hợp với dữ liệu (Hair, 1998).

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Kết quả phân tích độ tin cậy Cronbach’s Alpha

3.1.1. Kết quả phân tích độ tin cậy Cronbach Alpha’s cho biến phụ thuộc

Bai7_Bang1

Sau khi loại bỏ biến YDINH3, YDINH6 do không đảm bảo độ tin cậy còn lại 4 biến quan sát và Cronbach’s Alpha là 0,846 đạt yêu cầu, các biến quan sát đều có hệ số tương quan cao (>0,6) thể hiện mối tương quan mạnh. Hệ số tương quan biến-tổng và hiệp phương sai trung bình giữa các biến quan sát đều đạt giá trị trên 0,5. Như vậy thang đo Ý định khởi nghiệp đảm bảo độ tin cậy.

3.1.2. Kết quả phân tích Cronbach Alpha độ tin cậy cho các biến độc lập

Theo Bảng 2, hệ số Cronbach’s Alpha các thang đo Thái độ đối với tiền bạc (0,724), Chuẩn mực chủ quan (0,833), Giáo dục khởi nghiệp (0,770), Nhu cầu thành tích (0,822), Kinh nghiệm khởi nghiệp (0,705) đều đảm bảo độ tin cậy và không có biến bị loại. Thang đo Thái độ đối với khởi nghiệp sau khi loại bỏ biến TDKN1 và TDKN5 còn lại 3 biến quan sát có hệ số Cronbach’s Alpha là 0,763. Thang đo Nhận thức kiểm soát hành vi sau khi loại bỏ biến NTKSHV2 và NTKSHV5 còn lại 4 biến quan sát có hệ số Cronbach’s Alpha là 0,685. Tất cả các thang đo đều có hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,6; đồng thời, tất cả các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng lớn hơn 0,3. Như vậy, các thang đo là đáng tin cậy và có 27 biến quan sát được giữ lại để đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA nhằm kiểm định giá trị thang đo.

3.2. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA thang đo các nhân tố

Đối với thang đo các biến độc lập (sau khi loại biến quan sát GDKN5 do có hệ số tải nhân tố < 0,5) cho thấy hệ số KMO đạt 0,863 và tổng phương sai trích của 7 nhóm nhân tố giải thích 63.667% sự biến thiên của dữ liệu, và các biến quan sát hội tụ về 7 nhóm nhân tố.

Đối với thang đo biến phụ thuộc, kết quả 04 biến quan sát của thang đo này đều hội tụ thành một nhân tố, không có biến quan sát bị loại, hệ số KMO là 0,744; phương sai trích là 68,56 %; hệ số tải nhân tố của 03 biến quan sát > 0,5; hệ số Eigenvalues đạt 2,743. Như vậy, các hệ số đạt yêu cầu thang đo.

Bảng 3 tóm tắt kết quả phân tích EFA trên cho thấy tổng phương sai trích lũy các nhân tố đều > 50%, hệ số tải của các nhân tố đều > 0,5. Hệ số 0<KMO<1 và hệ số Eigenvalue của các nhân tố đều lớn hơn 1 nên tất cả các nhân tố đều được giữ lại để phân tích.

3.3. Kết quả phân tích nhân tố khẳng định CFA

bai7_bang4_hinh2

Theo Bảng 4, Hình 2, kết quả phân tích CFA cho thấy chỉ số CMIN/DF = 1,704 < 2, các chỉ số GFI, TLI, CFI đều lớn hơn 0,9; giá trị RMSEA = 0,044 < 0,06. Do đó mô hình nghiên cứu đề xuất là đáng tin cậy, phù hợp với dữ liệu khảo sát và không có tương quan giữa các sai số đo lường nên nó đạt được tính đơn nguyên. Các trọng số chuẩn hoá đều lớn hơn 0,5 vì vậy có ý nghĩa thống kê, nên các khái niệm đạt được giá trị hội tụ.

Theo Bảng 5, các thang đo đều có hệ số CR từ 0,713 đến 8,33 (>0,6). Các thang đo Chuẩn mực chủ quan, Thái độ đối với khởi nghiệp, Ý định khởi nghiệp có hệ số AVE > 0,5. Các thang đo còn lại có AVE gần bằng 0,5 nên cũng có thể chấp nhận được. Do đó, về cơ bản các thang đo đã đạt giá trị phân biệt. Như vậy, mô hình nghiên cứu phù hợp với dữ liệu điều tra. Đồng thời, các khái niệm có thể sử dụng tốt trong phân tích SEM.

3.4. Phân tích thống kê mô tả các thang đo trong mô hình

Kết quả thống kê mô tả cho thấy các đối tượng trả lời đều thể hiện mức độ đồng ý tương đối cao; trừ yếu tố Nhận thức kiểm soát hành vi có xu hướng đồng ý ở dưới mức trung bình 2.85 điểm. Yếu tố Giáo dục khởi nghiệp chỉ ở mức trung bình 3.17 điểm. Sinh viên trong mẫu khảo sát có xu hướng thể hiện sự đồng tình tương đối cao với các phát biểu về Chuẩn mực chủ quan (3.55 điểm), Kinh nghiệm khởi nghiệp (3.62 điểm), Thái độ với tiền bạc (3.72 điểm). Thái độ đối với Khởi nghiệp và Nhu cầu về thành tích nhận được xu hướng đồng tình cao nhất (3.93 điểm). Kết quả thống kê mô tả cũng cho thấy Ý định khởi nghiệp của sinh niên tương đối cao 3.47 điểm.

3.5. Phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính

Hình 3, các chỉ số xác định độ phù hợp của mô hình: CMIN/DF = 1,93; GFI, CFI và TLI đều lớn hơn 0,9; giá trị RMSEA = 0,05 < 0,06, do đó mô hình nghiên cứu sau khi được điều chỉnh vẫn phù hợp với dữ liệu khảo sát.

Bai7_Bang7

Trong mô hình cấu trúc điều chỉnh, biến Giáo dục khởi nghiệp và Kinh nghiệm khởi nghiệp đều có ảnh hưởng đến Thái độ khởi nghiệp. Các biến Nhu cầu thành tích, Thái độ khởi nghiệp, Nhận thức kiểm soát hành vi, Giáo dục khởi nghiệp đều có ý nghĩa thống kê (p<0,05) và mang dấu dương cho thấy các biến tác động tích cực tới Ý định khởi nghiệp.

Các hệ số hồi quy chuẩn hóa cho thấy Kinh nghiệm khởi nghiệp có tác động rất mạnh đến Thái độ đối với khởi nghiệp (0,419). Thái độ đối với khởi nghiệp (0,369) và Nhận thức kiểm soát hành vi (0,321) cũng có tác động mạnh đến ý định khởi nghiệp. Nhu cầu thành tích (0,187) có tác động yếu nhất đến Ý định khởi nghiệp. Giáo dục khởi nghiệp vừa tác động trực tiếp và vừa tác động gián tiếp đến ý định khởi nghiệp.

4. Kết luận và thảo luận

4.1. Kết luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy các giả thuyết được ủng hộ thông qua nghiên cứu là Thái độ khởi nghiệp, Nhận thức kiểm soát hành vi, Nhu cầu thành tích, Giáo dục khởi nghiệp tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp. Các giả thuyết chưa đủ cơ sở kết luận là Thái độ đối với tiền bạc, Chuẩn mực chủ quan và Kinh nghiệm khởi nghiệp. Trong đó, thái độ khởi nghiệp vừa là biến trung gian giữa kinh nghiệm khởi nghiệp và ý định khởi nghiệp, vừa là biến trung gian giữa giáo dục khởi nghiệp và ý định khởi nghiệp. Kinh nghiệm khởi nghiệp tuy không tác động trực tiếp đế ý định khởi nghiệp của sinh viên nhưng lại tác động đến thái độ khởi nghiệp.

4.2. Thảo luận

Để đẩy mạnh ý định khởi nghiệp của sinh viên tại trường, ngoài những chương trình tập huấn ngắn hạn và môn Khởi nghiệp đã được giảng dạy, cần đẩy mạnh nhiều hơn nữa các hội thảo, tọa đàm, các hoạt động ngoại khóa kết nối doanh nhân, doanh nghiệp để sinh viên vừa trang bị thêm kiến thức khởi nghiệp, nhận ra các cơ hội kinh doanh và đặc biệt là nhìn nhận vấn đề khởi nghiệp một cách tích cực hơn. Trong công tác đào tạo, bên cạnh những cuộc thi trong những năm gần đây nhà trường đã thực hiện khá tốt, thì cần có những cơ chế để các ý tưởng khởi nghiệp được hiện thực hóa. Việc này sẽ góp phần tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp thông qua nhu cầu thành tích và nhận thức kiểm soát hành vi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Ajzen.I. (1991). The Theory of Planned Behavior. Organizational Behavior And Human Decision Processes 50: 179 - 211.

2Hair, J. F., William, C. B., Babin, B. J. & Anderson, R. E. (2010), Multivariate Data Analysis, Englewood Cliffs, NJ: Prentice Hall.

3. Guerrero M., Rialp J. và Urbano D. (2006) The impact of desirability and feasibility on entrepreneurial intentions: A structural equation model. International Entrepreneurship and Management Journal 4:35-50. DOI 10.1007/s11365-006-0032-x.

4. Krueger N.F. Jr và Carsrud A.L. (1993) Entrepreneurial intentions: Applying the theory of planned behavior. Entrepreneurship and Regional Development 5: 315-330.

5. Ngô, T.T., & Cao, V.Q. (2016). Literature review on students’ entrepreneurial intention. Journal of Science Ho Chi Minh City Open University 50 (5), 56-70.

6. Shapero, Albert & Lisa.S. (1982). The Social Dimensions of Entrepreneurship”. Encyclopedia of entrepreneurship 72-90.

ThS. Hoàng Thế Vinh

ThS. Phạm Thùy Dung

CN. Nguyễn Trọng Tín

Trường Đại Học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh

Bạn đang đọc bài viết Phân tích các yếu tố tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Trường đại học Nông Lâm TP. HCM tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong cách mạng công nghiệp 4.0
Thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT), mà trọng tâm là hợp tác xã (HTX) đã và đang phát triển rộng khắp trên các vùng miền, địa phương, cả nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, để khu vực KTTT, HTX ngày càng phát triển trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.