Các mặt hàng nông sản Việt Nam: Rủi ro về giá và vấn đề phòng vệ

18/12/2020, 15:14

TCDN - Việt Nam là một nước nông nghiệp truyền thống với mức đóng góp vào GDP trung bình giai đoạn 2010-2019 của ngành nông nghiệp đạt tới 19,96% GDP cả nước, tương đương với 842,6 nghìn tỷ đồng.

3-1

Tóm tắt

Sử dụng công cụ độ lệch chuẩn để đo lường rủi ro của các mặt hàng nông sản, bài viết cho thấy rủi ro về giá của các mặt hàng nông sản của Việt Nam (bao gồm gạo, cà phê, cao su, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn) đang ở mức cao đối với 3/5 mặt hàng được phân tích, bao gồm gạo, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn. Việt Nam đã đa dạng hóa các công cụ phòng vệ rủi ro, bao gồm chính sách tạm trữ, bảo hiểm nông nghiệp, hợp đồng tiêu thụ nông sản, công cụ phái sinh và đạt được những thành tựu nhất định. Tuy vậy, các công cụ Việt Nam áp dụng hiện nay hoặc chưa đạt hiệu quả cao hoặc chưa thể áp dụng thành công, phần lớn sự can thiệp còn phụ thuộc vào Chính phủ, thay vì một giải pháp từ thị trường. Từ đó, bài viết đề xuất một số kiến nghị dành cho người nông dân và doanh nghiệp, các cơ quan nhà nước, các trung gian tài chính bao gồm các ngân hàng thương mại và sở giao dịch hàng hoá, nhằm nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro về giá của các mặt hàng nông sản tại Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

Việt Nam là một nước nông nghiệp truyền thống với mức đóng góp vào GDP trung bình giai đoạn 2010-2019 của ngành nông nghiệp đạt tới 19,96% GDP cả nước, tương đương với 842,6 nghìn tỷ đồng (Statista Research Department, 2020). Hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP đang có xu hướng giảm dần. Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 của Tổng cục Thống kê, GDP nông nghiệp giảm xuống còn 13,96% tổng GDP, trong khi năm 2010 còn số này là trên 50% tổng GDP. Mặc dù vậy, nông nghiệp vẫn là một trong những ngành chiến lược chủ chốt của Chính phủ Việt Nam (OECD, 2015). Sự phát triển của nông nghiệp đem lại cho Việt Nam nguồn nông sản dồi dào. Theo số liệu khảo sát của Tổ chức Cà phê Quốc tế (International Coffee Organization ICO), năm 2018, Việt Nam là nước sản xuất cà phê xếp vị trí thứ 2 toàn thế giới, chỉ sau Brazil với sản lượng gần 30 triệu bao/năm. Theo Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO), Việt Nam sản xuất được khoảng 2,66 triệu tấn hạt điều nguyên vỏ trong năm 2018, cao gấp 3,4 lần Ấn Độ và trở thành nước đứng đầu thế giới về sản xuất hạt điều… Không chỉ vậy, Việt Nam còn là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới. Năm 2019, Việt Nam tiếp tục trở thành nước có trị giá xuất khẩu lớn nhất thế giới đối với hạt điều, đồng thời đứng thứ tư thế giới với các mặt hàng như gạo, cà phê, cao su…

Tuy nhiên, nông sản Việt Nam thường xuyên gặp rủi ro về giá. Rủi ro về giá đem lại thiệt hại lớn cho người nông dân cũng như doanh nghiệp. Những biến động bất lợi về giá khiến nhiều hộ nông dân buộc phải chặt bỏ, chuyển sang trồng các loại cây khác có giá trị hơn. Năm 2019, khi giá mủ cao su xuống thấp, người dân Thanh Hóa buộc phải chặt bỏ tới 1.260 ha cao su chỉ trong vòng một năm, tỉnh Đắk Nông hơn 200 ha cao su cũng bị chặt bỏ vì cây trồng không có giá trị kinh tế. Doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản cũng phải hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động vì càng làm càng thua lỗ khi giá nông sản sụt giảm. Rủi ro về giá càng đáng quan tâm trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào thương mại quốc tế. Tính đến nay, Việt Nam đã ký kết 12 Hiệp định thương mại tự do với 56 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới (Nguyen Van Bo, Dao The Anh, 2019). Điều này không chỉ mang lại cơ hội mà còn kèm theo những rủi ro, thách thức bởi nông sản Việt cần tạo cho mình một mức giá cạnh tranh và chủ động trong việc phòng vệ rủi ro về giá.

Bài viết làm rõ thực trạng rủi ro về giá đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam cũng như tính hiệu quả của các biện pháp phòng vệ rủi ro về giá mà Việt Nam đang triển khai. Bài viết tập trung phân tích 5 loại nông sản điển hình với sản lượng sản xuất cũng như trị giá xuất khẩu chiếm khoảng 90% tổng sản lượng nông sản Việt Nam năm 2019, bao gồm gạo, cà phê, cao su, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn.

Ngoài phần đặt vấn đề, phần 2 của bài viết sẽ trình bày thực trạng rủi ro về giá của các mặt hàng nông sản Việt Nam. Phần 3 trình bày thực trạng triển khai các biện pháp phòng vệ rủi ro về giá cho các mặt hàng nông sản. Phần 4 sẽ đưa ra các kết luận và kiến nghị cần thiết.

2. Thực trạng rủi ro về giá của các mặt hàng nông sản Việt Nam

Rủi ro về giá hàng hóa là một trong những dạng rủi ro nghiêm trọng nhất (Achille Barnabé Assouto và cộng sự, 2020). Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển năm 2019, hai nguồn rủi ro chính đối với hàng hóa của các nước đang phát triển là rủi ro giá cả và rủi ro liên quan đến thời tiết và khí hậu. Rủi ro về giá của các mặt hàng nông sản Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.

Bai3_Hinh1

Hình 1 cho thấy 5 mặt hàng nông sản điển hình của Việt Nam là gạo, cà phê, cao su, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn đều tăng giá trong giai đoạn từ năm 2000 - 2018. Ngoại trừ gạo và sắn có giá tương đối ổn định theo thời gian, ba mặt hàng còn lại là cà phê, cao su và hat điều có giá biến động đáng kể. Giá cà phê sụt giảm năm 2004 từ mức 495,8 USD/tấn năm 2000 xuống còn 104 USD/tấn, sau đó tăng trưởng trở lại và tiếp tục sụt giảm vào năm 2008 từ mức giá 1166,4 USD/tấn năm 2007 xuống còn 1103,3 USD/tấn. Năm 2015, giá cà phê tiếp tục có đợt giảm giá từ 1695 USD/tấn năm 2011 xuống còn 1498,5 USD/tấn. Với hạt điều, năm 2002, giá hạt điều chỉ còn 441,8 USD/tấn, giảm 34,29% so với mức giá 671,7 USD/tấn vào năm 2000. Giá hạt điều tiếp tục chững lại, xuất hiện thêm những đợt giảm giá vào năm 2007, năm 2014 và bắt đầu có dấu hiệu phục hồi trong những năm trở lại đây. Biến động lớn nhất là giá cao su. Giá cao su từng giảm vào năm 2001 từ mức 759,1 USD/tấn năm 2000 xuống còn 534,2 USD/tấn nhưng nhanh chóng tăng giá và đạt mức giá kỷ lục là 3322,7 USD/tấn vào năm 2011. Kể từ thời điểm đó, giá cao su lao dốc nhanh chóng, đến thời điểm năm 2016 chỉ còn 1036,4 USD/tấn, tương đương với giảm khoảng 3,2 lần so với năm 2011.

Đối với giá xuất khẩu, mặc dù là quốc gia xuất khẩu lớn trên thế giới nhưng nông sản Việt Nam có giá xuất khẩu thường ở mức thấp so với các quốc gia khác. Đo lường độ rủi ro về giá theo độ lệch chuẩn (Standard deviation) còn cho thấy nông sản nước ta có mức rủi ro về giá đáng lo ngại. Bảng dưới đây mô tả thứ hạng của mỗi mặt hàng nông sản so với 5 quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới năm 2019 xét trên các tiêu chí về giá xuất khẩu trung bình giai đoạn 2004 - 2018 (theo đó mức độ 1 thể hiện giá xuất khẩu thấp nhất hoặc độ lệch chuẩn lớn nhất, mức độ 5 thể hiện giá xuất khẩu cao nhất/ độ lệch chuẩn nhỏ nhất).

Bai3_Bang1

Bảng 1 cho thấy giá xuất khẩu của năm mặt hàng nông sản của Việt Nam kém cạnh tranh hơn khi so sánh với bốn quốc qia có vị thế xuất khẩu tương đương. Hầu hết các mặt hàng nông sản của nước ta có mức giá trung bình - thấp, đặc biệt là giá gạo và giá cà phê ở mức thấp nhất trong năm nước. Độ lệch chuẩn của giá xuất khẩu còn cho thấy rủi ro về giá của Việt Nam đang ở mức cao đối với ba trên năm mặt hàng được phân tích, bao gồm gạo, hạt điều, sắn và các sản phẩm từ sắn. Achille Barnabé Assouto và cộng sự (2020) cho rằng giá cả thường xuyên biến động mạnh và rủi ro về giá đối với người nông dân chủ yếu là do độ trễ giữa quyết định sản xuất và thời điểm thu hoạch. Đối với doanh nghiệp, doanh nghiệp thường phải tìm nguồn thu mua nguyên liệu sản xuất đầu vào trước khi sản xuất đồng thời bán sản phẩm ở mức giá đã được cam kết trước. Sự không ăn khớp giữa các thời điểm trong bối cảnh giá cả biến động đặt doanh nghiệp vào khả năng gặp phải rủi ro về giá. Với Việt Nam, có ba nguyên nhân chính để lý giải cho thực trạng đã nêu.

Thứ nhất, nền nông nghiệp Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào thương lái khiến người nông dân bị động trước những biến động về giá trong mỗi vụ mùa. Ông Julien Brun, Tổng Giám Đốc, CEL Consulting, công ty tư vấn về chuỗi giá trị tại khu vực Đông Nam Á cho biết chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp tại Việt Nam có quá nhiều các bên trung gian (các thương lái) đóng vai trò mua nông sản từ nông dân và bán cho doanh nghiệp xuất khẩu. Hơn 90% nông dân Việt Nam coi thương lái là nguồn thông tin duy nhất về thị trường và cũng là đối tượng thu mua nông sản duy nhất của họ. Về phía doanh nghiệp, cũng chính vì không có sự tương tác với nông dân nên hầu như cũng không nắm rõ được tình hình nguồn cung. Từ đó, thương lái dễ dàng độc quyền, có các động thái thao túng giá và nguồn cung. Hành vi ứng xử của thương lái lại theo tín hiệu của thị trường nên có khả năng ép giá, dễ đẩy người dân đến tình trạng "được mùa mất giá và mất mùa được giá".

Thứ hai, sự bị động ở khâu xuất khẩu của các doanh nghiệp. Hiện nay, việc xuất khẩu nông sản của nước ta đang quá lệ thuộc vào một số thị trường nhất định như Trung Quốc, khu vực Đông Nam Á (Philippines, Malaysia, Indonesia) và châu Phi, chưa có chiến lược mở rộng thị trường trong khi các thị trường này đang tồn tại áp lực cạnh tranh gay gắt từ các bên xuất khẩu khác. Sự phụ thuộc khiến cho chỉ một biến động trong chính sách của bên nhập khẩu cũng có thể làm cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp phải rủi ro về giá. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam thay vì đưa hàng lên các sàn hàng hóa thế giới lại bán hàng cho đối tác theo phương thức trừ lùi. Với hình thức này, các đối tác nước ngoài thường ký hợp đồng mua hàng giao sau, giá xuất khẩu không được chốt tại thời điểm ký hợp đồng mà căn cứ vào giá tại sàn thế giới vào đúng ngày giao hàng, sau đó lấy giá này trừ đi các chi phí chênh lệch, thuế, vận chuyển... Bởi vậy, việc không theo sát biến động giá trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế khiến doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam khó có thể lường trước biến động bất thường của giá.

Thứ ba, sự chủ động của doanh nghiệp xuất khẩu cà phê và cao su đang khiến rủi ro về giá được kiểm soát tốt hơn. Theo ông Phạm Quang Thắng, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong nước tham gia giao dịch trên các sàn giao dịch hàng hóa quốc tế nhằm tránh rủi ro, mạnh nhất là các doanh nghiệp kinh doanh cà phê tham gia sàn LIFFE London, NYBOT Mỹ… Đây là hướng đi cần thiết bởi lẽ giao thương hàng hóa qua các sàn giao dịch sẽ rút ngắn khoảng cách giữa nhà sản xuất và giá thị trường.

3. Thực trạng triển khai các biện pháp phòng vệ rủi ro về giá của các mặt hàng nông sản Việt Nam

Trước những biến động về giá, các công cụ phòng vệ rủi ro về giá cho các mặt hàng nông sản đã được triển khai tại Việt Nam, điển hình là Tạm trữ, Bảo hiểm nông nghiệp, Các công cụ thị trường như Hợp đồng tiêu thụ nông sản và Công cụ phái sinh.

+ Chính sách tạm trữ: Chính sách tạm trữ là một sự can thiệp phổ biến của Chính phủ. Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải thu mua nông sản với giá mục tiêu được Chính phủ đưa ra, đồng thời nhận trợ cấp của Chính phủ cho tất cả các khoản thanh toán lãi suất cho các khoản vay ngân hàng để tiến hành tạm trữ với thời gian thông thường từ 3 - 4 tháng. Tại Việt Nam, chính sách tạm trữ được áp dụng với 2 loại nông sản là gạo và cà phê.

Ngay từ năm 2000, Bộ Nông nghiệp và phát triền nông thôn đã ban hành Thông tư số 116/2000/QĐ/BNN-KH về việc ban hành quy chế tạm trữ và quản lý lượng cà phê tạm trữ do các doanh nghiệp cà phê Việt Nam thường có năng lực tài chính yếu, không có khả năng dự trữ cà phê mà thường xuất khẩu ngay khi có hợp đồng, thực hiện theo các các nguyên tắc trừ lùi và chưa chốt giá để quay vòng vốn nhanh nhằm trang trải chi tiêu cuộc sống và tái đầu tư cho mùa tiếp theo khiến cà phê Việt Nam bị ép giá. Giai đoạn 2009 - 2010, xu hướng giảm giá cà phê thế giới diễn ra, chính sách thu mua tạm trữ cà phê đã được ban hành vào tháng 4/2010 theo quyết định số 481/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạm trữ tối đa 200.000 tấn cà phê sản xuất niên vụ 2009 - 2010; thực hiện hỗ trợ lãi suất với mức 6%/năm đối với số cà phê mua tạm trữ. Là nước xuất khẩu cà phê lớn, chính sách tạm trữ cà phê của Việt Nam tại thời điểm đó không chỉ giúp giá cà phê trong nước tăng mà giá cà phê Robusta thế giới cũng tăng mạnh. Mặc dù vậy, chính sách này được đánh giá là chậm trễ nên không đạt được mục tiêu đề ra. Tính đến thời điểm dự thảo chính sách, gần 2/3 tổng sản lượng cà phê của Việt Nam đã được đưa ra thị trường thế giới với mức giá thấp do cà phê Việt Nam được xuất khẩu ồ ạt ngay khi vừa thu hoạch xong.

Đối với lúa gạo, chính sách tạm trữ được sử dụng thường xuyên hơn. Nhiều Quyết định của Thủ tướng Chính phủ được đưa ra như: Quyết định số 993/QĐ- TTg về việc tạm trữ tối đa một triệu tấn (1.000.000 tấn) quy gạo vụ Hè thu năm 2010; ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay mua lúa, gạo tạm trữ; Quyết định số 812/QĐ-TTg về việc mua tạm trữ tối đa 500.000 tấn (năm trăm nghìn tấn) quy gạo vụ Hè Thu năm 2012, Quyết định số 850/QĐ-TTg về mua tạm trữ thóc, gạo vụ hè thu năm 2013, Quyết định số 373a/QĐ-TTg mua tạm trữ 1.000.000 tấn (một triệu tấn) quy gạo trong vụ Đông Xuân 2013 - 2014 ở đồng bằng sông Cửu Long,… Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, không nên giao cho doanh nghiệp xuất khẩu thu mua tạm trữ như hiện nay. Chính phủ nên dùng ngân sách thu mua lúa gạo trong dân rồi lưu vào hệ thống dự trữ quốc gia, giúp cho áp lực cung cầu bớt căng thẳng, sau đó chọn thời điểm thích hợp cho doanh nghiệp đấu thầu mua lại để bán ra thị trường thế giới. Ngoài ra, một số vướng mắc khác của chính sách tạm trữ có thể kể tới như nông dân được hưởng lợi rất ít, doanh nghiệp thu mua báo lỗ, Nhà nước vẫn phải chi tiền cho thấy chính sách chưa mang lại hiệu quả trong quá trình thực hiện… (Vũ Văn Hùng, 2013).

+ Bảo hiểm nông nghiệp: Với đặc thù nền nông nghiệp sản xuất manh mún, quy mô sản xuất nhỏ, khả năng tham gia bảo hiểm nông nghiệp của người dân Việt càng trở nên khó khăn do chi phí bảo hiểm lớn. Số lượng đơn bảo hiểm nông nghiệp ít, chưa đáp ứng được nguyên tắc số đông, xác suất rủi ro lại chưa được thống kê đầy đủ nên rất ít doanh nghiệp muốn cung cấp sản phẩm này.

Được khởi động từ năm 1982 song cho đến nay phí bảo hiểm nông nghiệp của Việt Nam chỉ chiếm tỉ trọng rất ít trong doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ, chiếm 0,069% (2004); khoảng 0,008% (2005), gần 0,012% (2006) và 0,01%/năm (2007-2010) (Phạm Thị Thanh Bình, 2017). Từ năm 2011 đến năm 2013, Việt Nam cũng triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với cây lúa tại 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên cả nước. Phí bảo hiểm được trợ cấp bởi Chính phủ: 100% cho các hộ nghèo, 80% cho các hộ cận nghèo; 60% cho các hộ khác và 20% cho tổ chức sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chỉ có 236.396 hộ nông dân tham gia bảo hiểm với cây lúa, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực hiện bồi thường 17,4 tỷ đồng (tỷ lệ bồi thường đạt 19%).

Năm 2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP về bảo hiểm nông nghiệp nhưng chưa khiến hình thức này được ưa chuộng tại Việt Nam vì người dân chưa hiểu biết nhiều và chưa nhận thức được lợi ích mà loại hình này đem lại. Ngày 26/6/2019, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg về thực hiện chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp với kỳ vọng “nối lại” chính sách bảo hiểm nông nghiệp trước đây. Theo đó, trong năm 2020, chính sách bảo hiểm nông nghiệp sẽ được triển khai tại 20 tỉnh thành. Các đối tượng được hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp là lúa gạo, chăn nuôi trâu bò, chăn nuôi heo và nuôi tôm. Mức hỗ trợ từ 20-90% phí mua bảo hiểm nông nghiệp, tùy đối tượng và địa bàn.

+ Hợp đồng tiêu thụ nông sản: Ngay từ năm 2002, Chính phủ đã ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng”, đặt mục tiêu đến năm 2005 phải có ít nhất 30% và năm 2010 có trên 50% sản lượng nông sản của một số ngành sản xuất hàng hoá lớn được tiêu thụ thông qua hợp đồng. Tiếp đó là các chính sách bổ trợ, thúc đẩy việc thực hiện như: Chỉ thị 25/2008/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; Chỉ thị 1965/CT-BNN-TT năm 2013 về việc đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo mô hình cánh đồng mẫu lớn... Tuy nhiên, đến đầu năm 2013, nhiều mặt hàng chủ lực như lúa gạo tiêu thụ qua hợp đồng chỉ đạt 2,12%; cà phê 2,5%… Sự thất bại của hợp đồng canh tác tại Việt Nam được Trần Quốc Nhân và cộng sự (2012) lý giải thông qua các lý do sau: (i) Sự hiểu biết và thực thi theo các qui định pháp luật của nông dân nước ta còn rất thấp; (ii) Giá biến động bất lợi sẽ khiến một bên có khuynh hướng phá vỡ hợp đồng đã ký. Đặc biệt, nông dân ở nước ta hay phá vỡ hợp đồng do khả năng chịu đựng rủi ro về tài chính kém; (iii) Lợi ích do hợp đồng mang lại chưa đủ hấp dẫn; (iv) Áp lực thị trường chưa thật sự đủ mạnh để ép các bên liên kết với nhau. Nếu hợp đồng bị phá vỡ, hai bên vẫn mua/bán được nông sản trên thị trường tự do hay là từ thương lái mà không cần hợp đồng.

+ Công cụ phái sinh: Việt Nam đã đưa vào áp dụng các sản phẩm phái sinh hàng hóa từ năm 2002 thông qua Sở giao dịch Hạt điều (2002), Trung tâm Giao dịch Thủy sản Cần Giờ (Cangio ATC, 2002), Trung tâm Giao dịch Cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC- Buon Ma Thuot Coffee Exchange Center, 2006), Sàn Giao dịch hàng hóa Việt Nam (VNX, 2010), Công ty cổ phần Sở giao dịch hàng hóa và cà phê Buôn Ma Thuột (BCCE, 2016),... Nhìn chung, quy mô nhỏ lẻ, phân tán, khó thu hút nhà đầu tư tham gia thị trường và nhiều lý do khác đã khiến cho các sàn giao dịch này không đạt được mục tiêu đề ra.

Năm 2018, Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (Mercantile Exchange of Vietnam - MXV) trực thuộc Công ty cổ phần Giao dịch hàng hóa Việt Nam ra đời theo Giấy phép số 486/GP-BCT của Bộ Công thương đã đánh dấu một hướng đi mới cho phòng vệ rủi ro về giá cho nông sản Việt Nam: Thay vì thành lập các trung tâm/sở giao dịch hàng hoá nội địa, Việt Nam kết nối giao dịch trong nước với các sàn giao dịch hàng hoá quốc tế như CME, ICE hay TOCOM… thông qua Sở giao dịch hàng hoá Việt Nam (MXV).

Chính thức đi vào vận hành từ ngày 17/08/2018, song phải đến tháng 9/2019, MXV mới ghi nhận các giao dịch trên sàn. Các sản phẩm giao dịch trên MXV ngày càng đa dạng. Bắt đầu với 3 sản phẩm ít ỏi là cà phê, cao su và thép, cho đến nay, đã có 19 mặt hàng được cấp phép giao dịch trên MXV. Theo Quyết định số1369/QĐ-BCT, mặt hàng gạo cũng đang được thí điểm trước khi được giao dịch chính thức. Trước đây, trên MXV chỉ có 5 thành viên kinh doanh thì nay con số này đã đạt đến 17. Số lượng ngân hàng cung cấp dịch vụ phái sinh hàng hóa cũng được mở rộng với nhiều tên tuổi lớn như BIDV, Sacombank, Vietinbank, Vietcombank...

Trong giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 11 năm 2019, phần lớn các giao dịch là các mặt hàng nông sản (trên 70%). Kể từ khi mặt hàng năng lượng chính thức được giao dịch, khối lượng giao dịch các mặt hàng năng lượng trên MXV tăng đột biến so với khối lượng giao dịch nông sản song các giao dịch đối với mặt hàng nông sản vẫn luôn duy trì xu hướng tăng ổn định. Trong mặt hàng nông sản, giao dịch nhiều nhất trên sàn là ngô CBOT (Chiếm 27% khối lượng giao dịch), tiếp đến là đậu tương CBOT và đường ICE US. Bên cạnh đó, độ chênh lệch lớn giữa khối lượng giao dịch thực tế với vị thế mở của các hợp đồng cho thấy phần lớn các hợp đồng không được thực hiện.

Như vậy, Việt Nam đã đa dạng hóa các công cụ phòng vệ rủi ro và đạt được những thành tựu nhất định. Phòng vệ rủi ro về giá bằng công cụ phái sinh mặc dù mới được triển khai song đã đạt được những bước tiến tích cực. Tuy nhiên, việc triển khai các biện pháp phòng vệ còn tồn tại những hạn chế như các công cụ Việt Nam áp dụng hiện nay hoặc chưa đạt hiệu quả cao hoặc chưa thể áp dụng thành công, phần lớn sự can thiệp còn phụ thuộc vào Chính phủ thay vì một giải pháp từ thị trường. Ngoài ra, ngay cả việc phòng vệ rủi ro về giá bằng công cụ phái sinh đang có nhiều tiềm năng phát triển nhưng các mặt hàng có độ rủi ro về giá cao, cần được phòng vệ rủi ro lại chưa được giao dịch trên MXV hoặc chỉ đang được triển khai thí điểm (gạo). Thay vào đó, những mặt hàng được giao dịch nhiều nhất trên sàn lại là ngô, đậu tương và đường.

4. Kết luận và kiến nghị

Như vậy, phân tích thực trạng rủi ro về giá và thực trạng phòng vệ rủi ro về giá cho thấy để giải quyết vấn đề rủi ro về giá ở mức cao, Việt Nam đã triển khai các biện pháp phòng vệ rủi ro về giá song vẫn chưa khắc phục hiệu quả tình trạng này. Từ những hạn chế đã chỉ ra một số kiến nghị có thể được xem xét áp dụng bao gồm:

- Đối với người nông dân và doanh nghiệp

Thay vì tập trung vào việc tăng cường sản lượng, bỏ qua yêu cầu về chất lượng, người nông dân cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng của sản phẩm, thực hiện giải pháp tổng thể từ định hướng trồng trọt, giống cây trồng, kỹ thuật canh tác, ứng dụng khoa học công nghệ… để tạo nên những sản phẩm nông sản chất lượng cao. Người nông dân không nên nhìn lợi ích trước mắt, thấy giá một mặt hàng nông sản đang tăng, lập tức phá vỡ quy hoạch trồng trọt khiến dư cung, tự tạo nên biến động về giá. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng: Khi quy hoạch bị phá vỡ, diện tích nhân rộng một cách ồ ạt sẽ dẫn đến hậu quả trước mắt là sản lượng tăng đột biến, sản phẩm có nguy cơ rơi vào tình trạng ứ đọng, bị ép giá, không tiêu thụ được.

Các doanh nghiệp cần tạo thêm giá trị tăng cho các mặt hàng nông sản bằng cách hướng đến chế biến sâu thay vì chỉ xuất khẩu các sản phẩm sơ chế và đây cũng là một trong các cách tạo thương hiệu cho nông sản Việt. Bên cạnh đó, vì là bên trực tiếp đưa nông sản ra thị trường thế giới, đàm phán, ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài, doanh nghiệp cũng cần chủ động bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu, theo sát diễn biến giá trên thị trường quốc tế, chủ động tham gia sàn giao dịch hàng hóa để phòng ngừa rủi ro. Ngoài ra, xuất khẩu không là cách tiêu thụ duy nhất. Các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy kinh doanh, không chỉ tập trung hết tiềm lực cho xuất khẩu mà có thể khai thác tiềm năng từ thị trường trong nước thông qua hệ thống Siêu thị, Trung tâm thương mại…

- Đối với cơ quan nhà nước

Giữ vai trò trung tâm trong việc điều hành nền kinh tế vĩ mô, cơ quan nhà nước thông qua chức năng, nhiệm vụ của mình có thể tác động nhằm hỗ trợ thị trường bằng cách:

Tiếp tục nghiên cứu các công cụ phòng vệ rủi ro về giá: Do tính chất nhỏ lẻ, manh mún của sản xuất nông nghiệp Việt Nam, Chính phủ không nên triển khai bảo hiểm nông nghiệp trên diện rộng, cần tâp trung vào những khu vực có quy mô sản xuất lớn. Hợp đồng tiêu thụ nông sản không phát huy hiệu quả tại Việt Nam do người dân cũng như doanh nghiệp đã quen thuộc với hình thức truyền thống mua bán qua thương lái. Vì vậy, Chính phủ có thể tạo nên sự liên kết giữa các bên nông dân - thương lái - doanh nghiệp thay vì cố gắng loại bỏ vai trò của thương lái. Đối với tạm trữ, Chính phủ có thể học hỏi kinh nghiệm từ Brazil. Sau khi Chính phủ Brazil nhận thấy việc tạm trữ không mang lại những hiệu quả như mong đợi, họ đã chuyển sang một cách thức khác là tham gia vào thị trường phái sinh (Nguyễn Hoàng Mỹ Phương, 2013). Chính phủ có thể xem xét thành lập một cơ quan cấp Vụ trực thuộc Bộ công thương để quản lý tập trung giao dịch phái sinh hàng hóa. Về lâu dài, chúng ta nên sáp nhập Sở giao dịch hàng hóa với Sở giao dịch chứng khoán để tận dụng hạ tầng công nghệ (phần mềm giao dịch, phần mềm quản lý thông tin khách hàng…), các dịch vụ hỗ trợ sàn (cung cấp chính xác thông tin về giá, khối lượng giao dịch, đưa ra dự báo…).

Nâng cao vai trò của Hiệp hội ngành hàng: Các hiệp hội như Hiệp hội cao su cacao, Hiệp hội cà phê, Hiệp hội nông nghiệp Việt Nam… hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá, hợp tác với các tổ chức hiệp hội ngành hàng quốc tế,... Hiệp hội cũng là cơ quan đủ chuyên môn để hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng, năng suất nông sản. Do đó, Chính phủ cần trao quyền mạnh mẽ hơn cho các tổ chức này để các Hiệp hội phát huy tối đa được vai trò của mình.

Tham gia hợp tác quốc tế để mở rộng thị trường: Hiện nay, Việt Nam còn phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu truyền thống. Bởi vậy, tìm kiếm những thị trường tiêu thụ mới là điều cần thiết mà Chính phủ Việt Nam nên thực hiện. Hiên nay, Bộ Công Thương đã thông qua kế hoạch xúc tiến thương mại năm 2020, hướng đến rà soát, lựa chọn các thị trường thay thế có khả năng bổ sung cho sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, cơ cấu lại thị trường xuất khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, không phụ thuộc vào một thị trường. Đây là hướng đi quan trọng cần tiếp tục được triển khai.

- Đối với các trung gian tài chính

Với ngân hàng thương mại: Thông qua Ngân hàng, Chính phủ thực hiện các chính sách, điển hình là chính sách tạm trữ. Với người nông dân, doanh nghiệp, ngân hàng là trung gian tài chính quan trọng cung cấp nguồn vốn vay. Không dừng lại ở đó, việc phát triển công cụ phòng vệ rủi ro về giá bằng các sản phẩm phái sinh hàng hóa càng tăng cường vai trò của ngân hàng khi ngân hàng trở thành trung gian thanh toán, tài trợ tín dụng… Để phát huy vai trò mới của mình trong việc phòng vệ rủi ro về giá, ngân hàng cần chủ động triển khai các biện pháp:

(i) Nâng cao chất lượng tư vấn để giới thiệu rộng rãi đến khách hàng của mình sản phẩm của ngân hàng, trong đó có sản phẩm phái sinh hàng hóa. Ngân hàng cũng có thể thông qua các hội thảo, đào tạo, bản tin thị trường và các bài viết hỏi đáp về sản phẩm/phóng sự giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng,… để khách hàng biết đến.

(ii) Tăng cường đào tạo: Chú trọng mở các lớp tập huấn cho nhân viên về cách thức sử dụng các sản phẩm phái sinh hàng hóa. Từ đó, các cán bộ ngân hàng mới có thể vững chuyên môn, truyền đạt một cách tốt nhất để khách hàng hiểu được tại sao họ nên tham gia giao dịch này, lợi ích thu được sẽ như thế nào.

(iii) Năng động gia nhập thị trường: Hiện nay, một số ngân hàng thương mại đã cung ứng sản phẩm phái sinh giá cả hàng hóa song con số này là chưa cao so với quy mô, hệ thống rộng lớn của ngành ngân hàng. Do đó, các ngân hàng cần tích cực tham gia thị trường, chủ động trong việc kiểm soát rủi ro. Việc tạo ra một sản phẩm mới phù hợp với xu hướng của thị trường, lại thu về phí giao dịch sẽ không làm cho ngân hàng bị bất lợi.

Với Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam: Sở giao dịch giữ vai trò trung tâm trong mô hình phòng vệ rủi ro về giá thông qua công cụ phái sinh. MXV có thể nghiên cứu thực hiện những đề xuất sau:

(i) Phổ biến kiến thức: Các thất bại của những mô hình trước đều khởi nguồn từ việc người tham gia thị trường không hiểu được vai trò của phái sinh hàng hóa, không thấy dễ dàng và thuận tiện để có thể tham gia… Học hỏi kinh nghiệm của người nông dân Úc, đối tượng mà MXV hướng đến nên là các doanh nghiệp và nhà đầu tư thay vì người nông dân. Theo đó, MXV cần tăng cường các hoạt động quảng cáo, tổ chức các buổi gặp mặt, hội thảo trao đổi kinh nghiệp với doanh nghiệp, phát hành các ấn phẩm hướng dẫn,… để phổ cập các kiến thức hữu ích đến những nhóm đối tượng này.

(ii) Nghiên cứu các sản phẩm giao dịch, hình thức giao dịch mới, có tính khả thi: Có nhiều kênh đầu tư trên thị trường nên để giữ chân nhà đầu tư, MXV cần không ngừng phát triển. Sự năng động của MXV sẽ thu hút một luồng đầu tư lớn từ các nhà đầu tư tiềm năng như các nhà đầu tư tổ chức, các quỹ tài chính… Khi thị trường phát triển sôi động sẽ tiếp tục kéo theo sự gia nhập thị trường của các ngân hàng thương mại cung cấp dịch vụ thanh toán, các công ty vận tại, kho bãi…

(iii) Tăng cường liên kết: Việc tăng cường hợp tác liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông nghiệp với các Sở giao dịch trong nước và quốc tế giúp tăng khối lượng và chất lượng hàng hóa giao dịch qua Sở. Sở giao dịch trong nước cũng cần tăng cường hợp tác với các Sở giao dịch hàng hóa quốc tế để vừa học hỏi kinh nghiệm, mô hình tổ chức, quản lý, vừa gắn kết các thị trường thông qua hệ thống máy tính nối mạng toàn cầu, qua đó giúp nắm bắt được các thông tin về thị trường quốc tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Achille Barnabé Assouto , Denis Acclassato Houensou , Gervasio Semedo (2020), Price risk and farmers’ decisions: A case study from Benin, Scientific African 8 (2020)

2. Đinh Phi Hổ, Phạm Ngọc Dưỡng (2011), Một số giải pháp nhằm nâng cao kim ngạch xuất khẩu cà phê Việt Nam, Tạp chí phát triển kinh tế, trang 45-49.

3. Đinh Xuân Cường (2020), Thị trường phái sinh hàng hóa thế giới và Việt Nam, Tạp chí công thương.

4. Nam C Nguyen, M Wegener, I Russell, D Cameron, D Coventry, and I Cooper, Risk management strategies by Australian farmers: two case studies.

5. Nguyen Van Bo, Dao The Anh (2019), An overview of Vietnam's recent agricultural and rural development policy, FFTC agricultural policy platform.

6. Nguyễn Văn Lịch (2007), Những thành công trong cải cách nông nghiệp ở Ấn Độ, Tạp chí Cộng sản.

7. OECD (2015), Chính sách Nông nghiệp Việt Nam 2015, Nhà xuất bản PECD, Paris.

8. Phạm Thị Thanh Bình (2017), Bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam: Hạn chế và nguyên nhân, Bao điện tử Đảng cộng sản Việt Nam.

9. Vũ Văn Hùng (2014), Chính sách tạm trữ lúa gạo của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế: Những vấn đề đặt ra, Tạp chí phát triển kinh tế Số 279 , Tháng 1/2014, Trang 78-91.

10. Statista Research Department (2020), Agriculture in Vietnam - Statistics & Facts.

TS. Nguyễn Thị Nhung

CN. Nguyễn Thị Thu

Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN

Tạp chí in số tháng 12/2020
Bạn đang đọc bài viết Các mặt hàng nông sản Việt Nam: Rủi ro về giá và vấn đề phòng vệ tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Giải pháp phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trong cách mạng công nghiệp 4.0
Thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT), mà trọng tâm là hợp tác xã (HTX) đã và đang phát triển rộng khắp trên các vùng miền, địa phương, cả nông thôn và thành thị. Tuy nhiên, để khu vực KTTT, HTX ngày càng phát triển trong bối cảnh hội nhập hiện nay, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.