Nhóm doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế có mức lãi đậm

28/07/2020, 13:59

TCDN - Do nhu cầu tiêu dùng cao, các doanh nghiệp lĩnh vực vật tư y tế, dược phẩm (khẩu trang, nước sát khuẩn tay, trang phục phòng dịch..) đã có một kỳ kinh doanh rất thuận lợi, doanh thu và lợi nhuận gia tăng đột biến.

Lãi sau thuế tăng đột biến

Tổng công ty Cổ phần Y tế Danameco (HNX: DNM) vừa công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II rất ấn tượng, với doanh thu thuần và lợi nhuận tăng gần 380% và 570% so với cùng kỳ năm 2019, đạt lần lượt 239 tỷ đồng và 17,4 tỷ đồng.

DNM lý giải, doanh thu và lợi nhuận tăng cao chủ yếu do đại dịch Covid-19 bùng phát, doanh nghiệp đã tập trung đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch như khẩu trang, trang phục bảo hộ...

Bên cạnh đó, nhà sản xuất khẩu trang này cũng đầu tư thêm máy móc thiết bị, phát triển thị trường, khiến lợi nhuận tăng tới gần 570%.

Theo đó, nửa đầu năm 2020, DNM đã mua thêm trên 78 tỷ đồng máy móc, thiết bị để đáp ứng nhu cầu khẩu trang. Với một doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu hơn 110 tỷ đồng thì đây là con số không hề nhỏ.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chính vì thế mà nợ vay trong nửa đầu năm của DNM cũng tăng mạnh, tính đến 30/6/2020, khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đạt 184,6 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so với đầu năm 2020. Các khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn tăng gần 5 lần so với đầu năm, đạt 12,8 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp sản xuất khẩu trang này ghi nhận doanh thu tăng gấp 4,1 lần cùng kỳ năm 2019, đạt 366 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế gấp 8,5 lần cùng kỳ, đạt 25,5 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh này đã giúp DNM vượt 5% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2020 chỉ sau 6 tháng.

Tương tự, báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HoSE: TCM) cho thấy, doanh nghiệp đã ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 948 tỷ đồng trong quý, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Giá vốn tăng chậm hơn, khiến lợi nhuận gộp tăng mạnh 46%, lên 188 tỷ đồng. Chốt quý, TCM báo lãi sau thuế tăng 56%, đạt 81 tỷ đồng.

Theo TCM, doanh thu và lợi nhuận tăng cao chủ yếu do doanh nghiệp xuất khẩu nhiều đơn hàng khẩu trang vải kháng khuẩn và đồ bảo hộ y tế.

Lũy kế 6 tháng, TCM ghi nhận doanh thu đạt 1.738 tỷ đồng, lãi sau thuế tăng 21%, đạt 115 tỷ đồng. Được biết, doanh nghiệp này đặt mục tiêu doanh thu trong năm nay là 3.780 đồng, với lợi nhuận sau thuế kỳ vọng đạt 188 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được sau nửa năm, TCM đã thực hiện được 46% kế hoạch doanh thu và 61% chỉ tiêu lợi nhuận kế hoạch đề ra.

Hiện nay, thông tin về những ca bệnh Covid-19 mới tại Đà Nẵng và Quảng Ngãi đã làm dấy lên mối lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai, khiến nhu cầu về khẩu trang tăng cao trở lại.

Ghi nhận cho thấy, nhiều người dân đã đổ xô, săn lùng mua khẩu trang y tế khiến cho các giao dịch buôn bán lại diễn ra tấp nập. Điều này dự báo sẽ đưa cổ phiếu của các doanh nghiệp trên tăng mạnh, đơn cử như DNM đã tăng 9,9% lên mức 45.500 đồng/cổ phiếu chốt phiên giao dịch 27/7, bất chấp toàn thị trường chịu cảnh bán tháo.

Xử lý nghiêm tình trạng trục lợi tăng giá

Ngay sau khi Đà Nẵng phát hiện ca nhiễm đầu tiên, nhiều người buôn bán online đã đăng “tút” gom hàng, với giá ban đầu chỉ 50.000 đồng/hộp 50 chiếc khẩu trang y tế (KTYT), nhưng vài ngày sau đó đã vọt lên 70.000 - 75.000 đồng/hộp. Tình trạng này xảy ra ở nhiều tỉnh thành trên cả nước.

“Tối hôm qua, tôi lấy buôn đang 1,7 triệu đồng/thùng (50 hộp) khẩu trang 4 lớp kháng khuẩn, sáng nay đã tăng lên 2,4 triệu, chiều tăng lên 2,8 triệu, rồi 3 triệu/thùng, không kém một xu. Lấy số lượng lớn cũng không được giảm giá. Hôm qua họ hứa để cho mình 50 thùng, hôm nay đã kêu hết hàng vì khan hiếm nguyên liệu”, chị N.Y, một người bán hàng online, cho biết.

Nắm bắt nhu cầu của người dân tăng cao, nhiều nhân viên các nhà máy sản xuất khẩu trang cũng tìm cách “tuồn” hàng ra bán. Mày mò một lúc trên các hội nhóm bán buôn, chúng tôi tìm được một mối tự xưng là kế toán công ty, bán hàng với giá “mềm” hơn một chút - 2,7 triệu đồng/thùng nếu lấy 10 thùng trở lên, nhưng phải 2 ngày nữa mới có hàng.

Tại thị trường Hà Nội, KTYT cũng được đẩy giá lên trong ngày 26/7, thấp nhất 60.000 đồng/hộp 50 chiếc loại 4 lớp, cao nhất đến hơn 100.000 đồng/hộp.

Trao đổi với PV, chủ một đại lý tại chợ thuốc Hapulico (chợ bán buôn thuốc lớn nhất Hà Nội) cho biết, nhiều nhà máy đã báo giá tăng và hàng "khan hiếm".

Một số đầu mối bán buôn ở chợ thuốc Hapulico báo giá 2,8 - 3 triệu/thùng KTYT, trong khi trước đó vài tiếng, nhiều người còn rao bán giá 2 triệu/thùng.

Nhận thấy dịch Covid-19 xuất hiện trở lại có thể là cơ hội để các nhà bán lẻ khẩu trang và nước rửa tăng giá bán. Công an TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ và địa phương những giải pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, Công an TP.Đà Nẵng sẽ phối hợp liên ngành, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác phòng chống dịch, các hành vi trục lợi bất chính như sản xuất hàng giả, tái chế khẩu trang y tế đã sử dụng, gian lận thương mại gây bất ổn thị trường.

Cục Quản lý thị trường TP.Đà Nẵng cho hay đã tăng cường lực lượng giám sát các cửa hàng vật tư y tế, hiệu thuốc… để chống đầu cơ, găm giá, trục lợi; chưa phát hiện các trường hợp vi phạm.

Sở Y tế Hải Phòng cũng đã có văn bản nghiêm cấm các cơ sở kinh doanh dược phẩm tăng giá thuốc và KTYT. Còn tại Nghệ An, ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế, cho biết Sở sẽ liên hệ với một số nhà cung cấp khẩu trang để đề nghị cung ứng KTYT cho các nhà thuốc.

Sở Y tế Nghệ An cũng sẽ phối hợp với quản lý thị trường và công an kiểm tra, kiểm soát giá bán và sẽ xử lý nghiêm nhà thuốc lợi dụng dịch để đẩy giá KTYT lên cao.

Thanh Hà
Bạn đang đọc bài viết Nhóm doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế có mức lãi đậm tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Việt Nam xuất hơn nửa tỷ chiếc khẩu trang trong 6 tháng
Trong 6 tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn nửa tỷ chiếc khẩu trang ra các thị trường lớn như Mỹ, Đức, Singapore, Hàn Quốc…. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khuyến cáo các doanh nghiệp cần quản lý chặt chẽ quy trình sản xuất, chất lượng hàng hóa để tránh bị mất đơn hàng trong thời gian tới.