Những ngành nghề nào tiếp tục khó khăn về việc làm trong quý 1/2023?

01/02/2023, 10:21

TCDN - Tính đến ngày 30/1, 95% người lao động quay trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế dự báo, một số ngành thâm dụng lao động bị cắt giảm đơn hàng như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong quý này.

Ngành dệt may, da giày, chế biến gỗ tiếp tục gặp khó 

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH ) vừa có báo cáo về tình hình lao động, việc làm trong dịp Tết Quý Mão năm 2023. Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng LĐ-TB&XH cho biết, trong quý cuối cùng của năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán 2023, một số doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm. Do đó, tình hình thất nghiệp quý 4/2022 có xu hướng tăng lên so với quý trước.

Dự báo ngành dệt may tiếp tục gặp khó trong quý 1/2023 do sụt giảm đơn hàng của các thị trường lớn.

Dự báo ngành dệt may tiếp tục gặp khó trong quý 1/2023 do sụt giảm đơn hàng của các thị trường lớn.

Cụ thể, số liệu công bố trước đó của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy tới hết năm 2022, cả nước có 528 doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, tập trung ở các ngành nghề: Dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí công nghiệp phụ trợ... Điều này đã khiến 637.491 lao động (chiếm khoảng 4% tổng số lao động trong doanh nghiệp) bị ảnh hưởng, đa số là giảm giờ làm thêm và giảm giờ làm việc bình thường. Trong đó, có 53 nghìn người bị mất việc, nghỉ việc do không có việc làm.

Theo bà Nguyễn Thị Hà, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ở một số ngành nghề thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, chế biến gỗ, cơ khí... sẽ tiếp tục bị cắt giảm đơn hàng, nên tiếp tục gặp khó khăn. Tình trạng này có thể kéo dài tới hết quý 1/2023, nên tiếp tục ảnh hưởng tới vấn đề bảo đảm việc làm cho người lao động, tình hình quan hệ lao động sẽ có những diễn biến phức tạp, tranh chấp có thể xảy ra nhiều hơn. 

Tiến sĩ Trịnh Đoàn Tuấn Linh, chuyên gia kinh tế phân tích, các doanh nghiệp gặp khó khăn chủ yếu do những thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu giảm nhu cầu tiêu dùng dẫn tới cắt giảm cả đơn hàng đã ký lẫn đơn hàng mới. Theo ông Linh, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm đơn hàng của những ngành nghề này trên thị trường quốc tế.

Trong đó, các yếu tố như xung đột quân sự giữa Nga — Ukraine; sự cạnh chiến lược giữa các nước lớn; sự gia tăng bảo hộ thương mại; lạm phát, giá cả tăng cao, chính sách tiền tệ thắt chặt...đã làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn bị suy giảm dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng (cả các đơn hàng đã ký và đơn hàng dự kiến), dẫn tới các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm việc làm. 

Ngoài ra, các doanh nghiệp còn bị ảnh hưởng do tác động từ tình hình thế giới dẫn tới giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao; một số nguyên liệu đầu vào phụ thuộc vào nước ngoài không ổn định, khiến khả năng sản xuất không ổn định, khó bảo đảm nguồn cung và sức mua trong nước .

Nguồn cung lao động vẫn rất khả quan  

Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tổng hợp báo cáo từ tổ chức công đoàn các địa phương cho thấy, đến ngày 30/1, cả nước có hơn 95% người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết. Hiện tại, hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đã diễn ra bình thường trở lại.  

Tổng hợp báo cáo các cấp công đoàn cho thấy, trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, đã có gần 6,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động được tổ chức công đoàn chăm lo tết. Tổng kinh phí hỗ trợ trên 4.581 tỷ đồng, trong đó chi từ nguồn tài chính công đoàn khoảng 1.954 tỷ đồng, từ nguồn kêu gọi xã hội hóa trên 2.627 tỷ đồng.

Số kinh phí trên được sử dụng để hỗ trợ quà tết và tiền tới gần 4,5 triệu lượt đoàn viên, người lao động (tổng số tiền trên 4.239 tỷ đồng); hỗ trợ vé tàu, xe, máy bay, phương tiện cho công nhân về quê đón tết (kinh phí trên 183 tỷ đồng); các hình thức hỗ trợ khác (kinh phí trên 140 tỷ đồng). 

Đánh giá về tình hình thị trường lao động, việc làm đầu năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH nhận định thị trường lao động sẽ tiếp tục đà phục hồi dựa trên dự báo kinh tế - xã hội tiếp tục ổn định, hoạt động của các doanh nghiệp sớm ổn định trở lại và gia tăng nhu cầu tuyển dụng.

Dự kiến, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng trong 3 tháng đầu năm, với nhu cầu tuyển mới cao hơn số mất việc làm trong các doanh nghiệp cuối năm 2022. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), dự báo trong quý 1 và quý 2/2023, tình trạng thiếu lao động cục bộ sẽ tiếp tục diễn ra, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động ở một số địa bàn có thể gia tăng từ 350.000-400.000 lao động. 

Tổng hợp báo cáo của 63 tỉnh, thành phố cho thấy nhu cầu tuyển dụng trong các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2022 và quý 1/2023 khoảng 377,7 nghìn người. Con số này cao hơn rất nhiều so với số mất việc làm trong các doanh nghiệp thời gian vừa qua. 

Theo nhận xét của Bộ LĐ-TB&XH, nhìn tổng thể, thị trường lao động nước ta vẫn dư thừa lao động và phát triển không đồng đều; cung lao động còn nhiều bất cập; số lượng lao động có trình độ, kỹ năng nghề cao còn thấp. Việc kết nối cung - cầu lao động còn hạn chế, vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung - cầu cục bộ ở một số địa phương, khu vực, ngành nghề.

 Bên cạnh đó, tổ chức dịch vụ việc làm hoạt động chưa thống nhất, tính chuyên nghiệp chưa cao. Hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện, chưa thật sự có sự kết nối về thông tin trên phạm vi giữa các ngành, vùng, trên cả nước.  

Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê Nguyễn Trung Tiến cho biết Thủ tướng Chính phủ đã có công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động. 

Theo ông Tiến, để thị trường lao động phục hồi bền vững, bảo đảm cuộc sống cho người lao động, Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp như triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.  

Đặc biệt, các doanh nghiệp và cơ quan chức năng cần chú trọng đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực. Thông qua các hoạt động như sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục thực hiện chích sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm… 

Bộ LĐ-TB&XH cũng tiếp tục đẩy mạnh rà soát, tổ chức nắm bắt về tình hình nhu cầu tuyển dụng, tình hình cắt giảm sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, các ngành sử dụng nhiều lao động như may mặc, da giày, sản xuất gỗ... để có phương án kết nối cung - cầu lao động, kết nối người lao động với người sử dụng lao động có nhu cầu.   

Hoài Thương
Bạn đang đọc bài viết Những ngành nghề nào tiếp tục khó khăn về việc làm trong quý 1/2023? tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bổ sung một số ngành nghề được ưu đãi đầu tư
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 37/2020/NĐ-CP bổ sung Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.