Những người chủ "đặc biệt" của người yếu thế
TCDN - Những người chủ “đặc biệt” này là những cá nhân đầy tâm huyết vì nhóm người yếu thế. Họ đã tạo ra những doanh nghiệp xã hội, tạo công việc thu nhập cho nhóm người khuyết tật.
Việc thành lập các doanh nghiệp tạo tác động xã hội hiện đang là xu thế trên thế giới và Việt Nam, nhằm giúp giải quyết những vấn đề cấp thiết của xã hội ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có vấn đề việc làm của người khuyết tật (NKT).
Đối với nhiều NKT trong độ tuổi lao động, để có được một cái nghề phù hợp với dạng tật đã khó, chưa nói đến có được một công ăn việc làm ổn định nuôi sống bản thân còn khó hơn. Hiện xã hội phát triển, có nhiều cơ hội việc làm cho NKT hơn nhưng khi đi làm do rào cản về môi trường làm việc, về giao tiếp, tiếp cận và hòa nhập bị hạn chế khiến họ phải bỏ việc. NKT nói chung tham gia lao động vẫn còn không ít trở ngại và là một đối tượng đặc biệt, có đặc thù cộng đồng riêng cũng có những khó khăn và trăn trở về việc làm, đó là cộng đồng người điếc/khiếm thính.
Mặc dù thuộc nhóm người yếu thế trong xã hội, nhưng có những con người không để khó khăn, trở ngại ngăn cản họ nỗ lực để tạo ra những thay đổi tích cực trong xã hội thông qua các sáng kiến kinh doanh của họ. Nhằm tạo ra cái nghề và việc làm bền vững cho những người điếc/khiếm thính.
Lương Thị Kiều Thúy và tiệm “ Giặt là Sáng”
Với mục đích sống: “làm vì mọi người”, cô gái nhỏ bé mất thính lực từ năm 10 tuổi luôn dám nghĩ dám làm trong kinh doanh. Thúy bắt đầu từ một Dự án “Nghiên cứu về tình trạng việc làm của người Điếc tại Hà Nội năm 2019” rồi nhen nhóm ước mơ tạo ra một công việc phù hợp để góp phần tạo công ăn, việc làm cho những người đồng cảnh.
Thúy kể: "Giặt là Sáng chứa đựng những khao khát của những người khuyết tật nghe/nói về một công việc tạo ra giá trị bình đẳng - mình mong muốn mỗi khách hàng đến với Giặt là Sáng sẽ cảm thấy bản thân mình tử tế hơn, bao dung hơn, trái tim của họ "SÁNG" lên một cách lấp lánh khi họ vừa nhận lại những sản phẩm dịch vụ tốt, vừa tạo cơ hội việc làm cho người Điếc/khiếm thính. Để từ đó dần lan tỏa những điều tử tế đến với mọi người trong xã hội.”
Giặt Là Sáng hay còn được biết đến với tên gọi Tiệm giặt là của người Điếc được thành lập từ tháng 12/2020. Hiện nay tiệm đã có 2 cơ sở dịch vụ giặt là tại Hà Nội phục vụ cho gần 4000 khách hàng và đang chuẩn bị cho cơ sở mới đầu tiên tại Tp.HCM.
Tiệm được vận hành hoàn toàn bởi những người điếc/khiếm thính, cung cấp 6 dịch vụ cho khách hàng như giặt sấy, giặt là (ủi), giặt chăn, giày, túi và dịch vụ tẩy đồ.
Các sản phẩm của khách hàng được chăm chút cẩn thận bởi những người điếc có lợi thế trong công việc giặt là, họ là người rất kiên nhẫn, tỉ mỉ và không bị phân tâm bởi tiếng ồn khi làm việc.
Họ mong muốn được cống hiến giá trị của mình qua công việc này, tiếp tục dạy nghề giặt là cho những người điếc/khiếm thính khác tại Việt Nam, tạo cơ hội đưa ra dịch vụ bình đẳng, thông qua đó chứng minh nỗ lực của người điếc/khiếm thính trong xã hội góp phần phát triển cộng đồng bền vững, xây dựng một xã hội văn minh.
Nguyễn Thái Thành lập ra salon tóc Thành Nguyễn Beyoutiful
Với tâm niệm truyền lửa, truyền nghề cho những người điếc khác bằng Ngôn ngữ Ký hiệu. Vốn có niềm đam mê với nghề làm tóc, cái nghề được xem là “làm dâu trăm họ”, bởi sự đặc thù đòi hỏi sự tỉ mỉ và giao tiếp tốt để làm hài lòng khách hàng. Những khó khăn đó từ ban đầu cứ thế nhân lên, nhưng không vì thế mà Thành từ bỏ.
Thành chia sẻ: “Khó khăn cũng chỉ khiến đam mê nghề tóc đối với một người điếc như tôi trở nên đặc biệt hơn”.
Năm 2007, chàng thanh niên điếc theo học lớp dạy nghề tóc tại Bắc Giang. Nhiều năm học nghề tóc, ý thức được những khó khăn của bản thân, Thành nỗ lực không nghỉ để tích lũy kinh nghiệm và giành được rất nhiều giải thưởng danh giá về nghề tóc.
Từ một cửa hàng tóc bình dân lên đến salon tóc hạng trung, “Thợ của salon đều là người điếc, chúng tôi dùng đôi mắt để lắng nghe, đôi tay để nói chuyện. Thành Nguyễn sẽ giúp các bạn điếc tiếp cận việc làm tóc, một công việc cho phép người điếc sử dụng thế mạnh của mình là quan sát để tạo ra vẻ đẹp mỗi ngày”, anh Thành chia sẻ.
Thành Nguyễn từ lúc bắt đầu chặng đường khởi nghiệp cho đến hiện tại, hàng năm nhận được rất nhiều giải thưởng, bằng khen trong và ngoài nước như: bằng khen Cá nhân đóng góp tích cực cho mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc , giải thưởng Sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng Én xanh, Giải thưởng tình nguyện quốc gia,…
Số lượng học viên tăng đến thời điểm hiện tại là 110 học viên cả người điếc/khiếm thính, người nghe. Có bạn thì ở lại tiệm làm nhân viên, có gần 10 bạn đã mở cửa hàng tại quê nhà, một số lượng đông đi làm nhân viên ở các salon khác có thu nhập ổn định khoảng 5-12 triệu đồng/tháng.
Salon tóc Thành Nguyễn hiện tại có 1 cơ sở duy nhất ở số 55 ngõ Văn Chương, Hà Nội. Định hướng phát triển và kế hoạch 2023 là mở thêm 1 cơ sở ở Hà Nội và mở rộng hoạt dộng dạy nghề tạo nền tảng cho phát triển trong miền Nam- Tp.HCM.
Trong thời gian tới, Thành Nguyễn sẽ tập hợp người điếc đã được đào tạo nghề nhưng đang chưa có việc làm do ảnh hưởng của covid hoặc có nguyện vọng làm việc tại môi trường thân thiện với người điếc nơi người điếc được trao quyền nhiều hơn. Đây sẽ là một nơi vừa cung cấp dịch vụ làm tóc, vừa là nơi đào tạo kỹ năng sống và hòa nhập cho người điếc ở Việt Nam. Tầm nhìn của Thành Nguyễn là sẽ không chỉ dừng lại ở con số 2 cơ sở mà là nhân rộng ra nhiều địa bàn trên Hà Nội và điều kiện nam tiến vào Tp.HCM để tạo thành một chuỗi cơ sở salon tóc uy tín do người Điếc làm chủ và truyền nghề cho các thế hệ sau.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899