Tổng kết Chương trình trợ giúp người khuyết tật
TCDN - Ngày 23/10, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị Tổng kết Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020 (Đề án 1019) và triển khai Chương trình giai đoạn 2021 – 2030.
Chi hơn 300 tỷ đồng/năm trợ giúp người khuyết tật
Theo Ủy ban Quốc gia về Người khuyết tật Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ; 28,3% là trẻ em, gần 29% là người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2019, đã có gần 3 triệu người khuyết tật được cấp giấy chứng nhận khuyết tật.
Từ năm 2013 - 2020, kinh phí thực hiện Đề án 1019 từ dự toán chi thường xuyên hàng năm khoảng trên 300 tỷ đồng, trong đó bố trí cho các Bộ, ngành trung ương 86,24 tỷ đồng, địa phương 214 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện Việt Nam có gần 30.000 trẻ chiếm khoảng 2% dân số trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, thực hiện nhiệm vụ cung cấp các dịch vụ phát hiện sớm, những khiếm khuyết của trẻ trước sinh và sơ sinh trong phạm vi của Đề án 1019 được triển khai thực hiện lồng ghép trong Đề án sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh.
Về Trợ giúp tiếp cận giáo dục, đến nay, cả nước đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở 20 tỉnh, thành phố, phát triển được mạng lưới giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở 63 tỉnh, thành trong cả nước; biên soạn và cung cấp một số giáo trình, tài liệu phục vụ việc học tập của học sinh khuyết tật, số lượng học sinh khuyết tật được đi học trong giai đoạn 2012 – 2020 đã tăng gấp khoảng 10 lần so với giai đoạn 2000 – 2010, đồng thời chất lượng học tập của trẻ khuyết tật được nâng cao, trên 45,8% trẻ khuyết tật được xếp loại học lực trung bình trở lên, tỷ lệ lưu ban, bỏ học ở trẻ em khuyết tật đã giảm đáng kể.
Cả nước hiện có 1.912 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổng số giáo viên tham gia dạy nghề cho người khuyết tật là 3.359 giáo viên. Giai đoạn 2012- 2020, bình quân mỗi năm có từ 17.000 – 20.000 người khuyết tật được dạy nghề theo Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn.
Trong giai đoạn 2012-2020, các hoạt động phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ hỗ trợ cho người khuyết tật trong Đề án đã góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe người khuyết tật. Ước tính, trung bình mỗi năm có khoảng 90% bà mẹ có thai được khám, sàng lọc khuyết tật trước khi sinh; 60% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi tiếp cận được dịch vụ sàng lọc khuyết tật sớm sau sinh và có khoảng 2.000 dụng cụ chỉnh hình và dụng cụ trợ giúp được cung cấp cho người khuyết tật.
8 năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập trung vào tổ chức giáo dục hòa nhập và thực hiện các chính sách, chế độ ưu tiên đối với học sinh khuyết tật và cán bộ, giáo viên tham gia giáo dục hòa nhập. Cả nước đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập ở 20 tỉnh, thành phố với 122 trung tâm, cơ sở cấp tỉnh, huyện và mạng lưới giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở 63 tỉnh, thành phố.
Trong giai đoạn 2012-2020, số học sinh khuyết tật được đi học tăng gấp 10 lần so với giai đoạn 2000-2010, với chất lượng được nâng cao (45,8% trẻ khuyết tật được xếp loại học lực trung bình trở lên). Hằng năm, có từ 2.000-2.500 giáo viên các cấp được đào tạo về nghiệp vụ giáo dục hòa nhập. Cùng với đó, thông qua Đề án đã có 1.500 bảng viết, bộ sách chữ nổi theo chương trình của Bộ GD&ĐT được cấp miễn phí cho học sinh khuyết tật...
Cũng trong giai đoạn trên, trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế, bình quân mỗi năm có từ 17-20.000 người khuyết tật được dạy nghề; 20.000 lượt người khuyết tật được giới thiệu việc làm với tỷ lệ thành công đạt trên 50% và 38.567 người khuyết tật được vay vốn Quỹ quốc gia về việc làm.
Giai đoạn 2012-2020 cũng có 28.784 lượt người khuyết tật có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý và 400.000-500.000 lượt hộ gia đình có người khuyết tật và người khuyết tật được hướng dẫn kỹ năng, phương pháp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người khuyết tật.
Ông Nguyễn Văn Hồi - Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, hàng năm, chương trình dạy nghề hỗ trợ cho khoảng 20.000 người khuyết tật học nghề, hàng chục nghìn người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng được chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ xã hội, hệ thống giao thông, công trình tiếp cận có sự nhận thức cơ bản; hơn 1,1 triệu người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khoảng trống cần có những giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác trợ giúp người khuyết tật, đảm bảo an sinh xã hội. Cùng với đó, cần nhiều kinh nghiệm tốt, giải pháp hay của các địa phương, cơ sở, nhất là cần chỉ ra những điểm còn khiếm khuyết, giải pháp khắc phục.
Tăng thêm 3 nhóm hoạt động
Giới thiệu về Chương trình Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030, bà Đinh Thị Thụy - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cho biết, giai đoạn trước có 9 nhóm hoạt động, giai đoạn này tăng thêm 3 nhóm hoạt động (12 nhóm) là nhóm đối với phụ nữ khuyết tật; Hội người khuyết tật; trợ giúp cho người khuyết tật sống độc lập thông qua trợ giúp về phương tiện. Trong đó, riêng đối với hoạt động trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế sẽ tập trung các nhiệm vụ: Rà soát và hoàn thiện văn bản hướng dẫn tổ chức đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật; thống kê, đánh giá các cơ sở đào tạo nghề và nhu cầu học nghề của người khuyết tật; xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề linh hoạt về thời gian, địa điểm, tiến độ đào tạo; các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ có sử dụng lao động là người khuyết tật hoặc của người khuyết tật.
Đáng chú ý, sẽ nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật; xây dựng mô hình hỗ trợ người khuyết tật khởi nghiệp; mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với người khuyết tật; mô hình hợp tác xã có người khuyết tật tham gia chuỗi giá trị sản phẩm. Ưu tiên thanh niên khuyết tật khởi nghiệp, phụ nữ khuyết tật, người khuyết tật và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật được vay vốn ưu đãi để tạo việc làm và mở rộng việc làm...
Về trợ giúp y tế, sẽ hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về giám định khuyết tật, phục hồi chức năng và các chính sách BHYT cho người khuyết tật; thực hiện các dịch vụ phát hiện sớm khiếm khuyết ở trẻ trước khi sinh và trẻ sơ sinh; tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản; phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật; triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Kinh phí thực hiện Chương trình bao gồm: Ngân sách nhà nước được bố trí từ dự toán chi thường xuyên hàng năm của các bộ, ngành cơ quan trung ương và các địa phương; các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án liên quan khác để thực hiện các hoạt động của Chương trình theo phân cấp của pháp luật về ngân sách nhà nước; Đóng góp, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.Các bộ, ngành và địa phương lập dự toán ngân sách hàng năm để thực hiện Chương trình và quản lý, sử dụng kinh phí theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Chuyên mục có sự phối hợp của Cục Bảo trợ xã hội
email: [email protected], hotline: 086 508 6899