Ninh Bình thu ngân sách nhà nước lần đầu đạt 23.300 tỷ đồng

08/12/2022, 10:45
báo nói -

TCDN - Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình năm 2022 ước đạt 23.300 tỷ đồng, tăng 16,4% so với dự toán, tăng 11,2% so với năm 2021.

Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội năm 2022 và phương hướng năm 2023 tại kỳ họp HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV ngày 7/12, ông Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, kinh tế tiếp tục phục hồi trong trạng thái bình thường mới, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 8,62%; nông nghiệp được mùa; phong trào xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, vượt kế hoạch đề ra; dịch vụ phục hồi và phát triển mạnh mẽ, nhất là lĩnh vực du lịch đã có bước phát triển đột phá cả về chất lượng và số lượng. 

Cụ thể, tổng sản phẩm xã hội (GRDP) trên địa bàn tỉnh (theo giá SS 2010) năm 2022 tăng 8,62% so với năm 2021, vượt cao so kế hoạch đề ra. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy tăng 3,04%, cao nhất từ trước đến nay; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 5,67%, riêng công nghiệp tăng 5,96%; khu vực dịch vụ tăng mạnh mẽ, đạt 15,45%; thuế nhập khẩu, sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,99%.

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.

Ông Phạm Quang Ngọc, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình.

Quy mô nền kinh tế đạt  81.775 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 81 triệu đồng, tăng 9,1 triệu đồng so với năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ với tỷ trọng dịch vụ là 44,2%; công nghiệp - xây dựng là 45,2%; nông, lâm, thủy sản là 10,6%. 

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 7,6% so với năm 2021 và vượt 7,8% kế hoạch năm. Cơ cấu vốn đầu tư có sự chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 98%.

Đến ngày 25/11/2022 đã giải ngân đạt 93,9% kế hoạch vốn, luôn đứng trong tốp đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. 

Tổng giá trị sản xuất ngành dịch vụ tăng 17,95% so với năm 2021, trong đó: tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 71,6%. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 6,6% và vượt 12,5% kế hoạch năm; thị trường xuất khẩu mở rộng. Tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 2,0%. Hoạt động vận tải phục hồi tích cực ở tất cả các lĩnh vực. Vận tải hành khách tăng gần 70%; vận tải hàng hóa tăng trên 43%; doanh thu tăng trên 47%.

Hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, thực hiện thành công Kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch, tạo chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, có nhiều sản phẩm mới phục vụ du lịch, nhất là số phòng khách sạn 4, 5 sao đưa vào hoạt động và nhiều hoạt động du lịch được tổ chức, lượng khách đến với Ninh Bình đạt gần 3,7 triệu lượt, gấp 3,6 lần so với năm 2021, vượt 47,6% kế hoạch năm; doanh thu tăng gấp 3,7 lần; doanh thu trung bình trên 01 lượt khách gấp hơn 2 lần so với năm 2019.  

Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2022 ước đạt 23.300 tỷ đồng, tăng 16,4% so với dự toán, tăng 11,2% so với năm 2021. Trong đó thu nội địa (không bao gồm tiền sử dụng đất, xổ số kiến thiết) là 15.470 tỷ đồng, tăng 17,3% so với dự toán và tăng 16,3% so với năm 2021; thu tiền sử dụng đất ước đạt 2.680 tỷ đồng, đạt 100% dự toán, bằng 69,2% so với năm 2021; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ước đạt 50 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 5.100 tỷ đồng, tăng 24,2% so với dự toán, tăng 36,7% so với năm 2021. 

Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện cả năm là 18.551 tỷ đồng, tăng 13,8% so với dự toán, tăng 17,5% so với thực hiện năm 2021. Trong đó: chi đầu tư phát triển chiếm 42,7% tổng chi ngân sách, tăng 16,5% so với dự toán; chi thường xuyên tăng 2,5%.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn cơ bản đảm bảo vốn tín dụng cho phát triển sản xuất và tiêu dùng, tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tăng 7,5%. Tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng, tổ chức tín dụng tăng 14%.

Công tác thu hút đầu tư được đổi mới mạnh mẽ, theo hướng thực chất; tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm là 5.817 tỷ đồng, tăng gấp 1,62 lần so với cùng kỳ.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho hay, trong năm 2023, Ninh Bình đặt mục tiêu phấn đấu GRDP năm 2023 tăng 7,5% so với năm 2022.

Ninh Bình sẽ phát triển công nghiệp theo chiều sâu, phát huy tối đa công suất hiện có của các nhà máy; chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo, công nghiệp phụ trợ ô tô, nâng cao giá trị tăng thêm trong giá trị sản xuất các sản phẩm chủ lực, thu hút các dự án, nhất là các dự án FDI; tập trung thu hút đầu tư nhà máy xử lý rác thải.

Tập trung phát triển các ngành dịch vụ. Đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm du lịch mới, nhất là sản phẩm du lịch chất lượng cao. Tăng cường các hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch và hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thành đưa vào khai thác các dự án dịch vụ du lịch.

Phấn đấu hoàn thành dự toán thu năm 2023 ở mức cao nhất. Tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu thuế và xử lý nợ đọng thuế. Triệt để tiết kiệm chi, chống lãng phí, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính.

Tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; ưu tiên thanh toán dứt điểm các khoản nợ đọng xây dựng cơ bản đủ điều kiện thanh toán theo quy định và tập trung cho các công trình, dự án trọng tâm của tỉnh; phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn được giao; kiểm soát chặt chẽ việc lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư các dự án đầu tư công; không phát sinh nợ xây dựng cơ bản.

Hà Giang
Bạn đang đọc bài viết Ninh Bình thu ngân sách nhà nước lần đầu đạt 23.300 tỷ đồng tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Ninh Bình cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh
Với phương châm “Đổi mới phương thức hoạt động xúc tiến đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, chuyển từ thu hút đầu tư bị động sang hướng chủ động”, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã tổ chức các đoàn công tác để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và người lao động, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Chính thức chỉ thu phí không dừng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình
Cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình chính thức chỉ có thu phí không dừng từ ngày 22/7. Như vậy, VEC đã thực hiện nghiêm và sẽ hoàn thành chỉ đạo của Chính phủ là đến ngày 1/8/2022, tất cả các trạm thu phí trên 4 tuyến cao tốc đều thực hiện thu phí theo hình thức hoàn toàn tự động không dừng.