Ông Nguyễn Đức Chung: "Bất động sản Hà Nội còn dư địa rất lớn"
TCDN - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nói về tiềm năng và triển vọng khá sáng sủa đối với thị trường bất động sản Thủ đô
“Hiện nay đô thị hóa của Hà Nội mới đạt 53%, hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 phấn đấu Hà Nội có tỷ lệ đô thị hóa sẽ đạt trên 70%... nên thị trường bất động sản Hà Nội còn dư địa rất lớn, là "địa chỉ đỏ" cho các nhà đầu tư”.
Phát biểu trên được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra tại hội nghị gặp mặt hội viên toàn quốc Hiệp hội Bất động sản Việt Nam năm 2019, tối 27/7.
Tại sự kiện, Chủ tịch Hà Nội cho hay, những năm gần đây, Hà Nội là một trong những thành phố có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất của Việt Nam. Gắn liền với sự phát triển mạnh mẽ của Hà Nội là sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường bất động sản, sự góp công không nhỏ của các nhà đầu tư; phát triển bất động sản.
Theo ông Chung, Hà Nội được các nhà đầu tư lựa chọn bởi có cơ sở hạ tầng tốt, các khu công nghiệp hoàn thiện, giao thông thuận lợi… Đặc biệt, dân số Hà Nội đang tăng mạnh, tạo ra lực cầu về nhà ở lớn. Vì thế, bất động sản vẫn là kênh bỏ vốn hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước vì khả năng thanh khoản tốt.”
“Hà Nội chính thức được Thủ tướng giao cho tham gia mạng lưới đô thị của ASEAN, vì vậy định hướng sắp tới Hà Nội sẽ xây dựng đô thị thông minh. Do đó, những khu đô thị mới hình thành trong thời gian tới, Hà Nội mong muốn các nhà đầu tư sẽ quan tâm xây dựng các khu đô thị thông minh, tòa nhà thông minh để phát triển cao hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân và khách hàng của mình", ông Chung nói.
Chủ tịch Hà Nội cũng nhấn mạnh, quan điểm thu hút đầu tư của thành phố là ngân sách Nhà nước chỉ tập trung đầu tư vào những dự án hạ tầng kỹ thuật khung, những dự án trọng điểm có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; những dự án mang tính đặc thù được quy định phải sử dụng vốn Nhà nước.
Đối với các lĩnh vực khác, thành phố ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghệ mới, sử dụng và tạo năng lượng sạch trong các lĩnh vực thông qua kêu gọi nguồn vốn đầu tư xã hội theo nhiều hình thức. Theo đó, Hà Nội sẽ đổi mới chính sách thu hút đầu tư và thực hiện các giải pháp hỗ trợ các nhà đầu tư hiện có mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, thành phố kêu gọi các dự án đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, các dự án xã hội hóa trong các lĩnh vực kết cấu hạ tầng, dịch vụ đô thị và an sinh xã hội, trong đó ưu tiên cho tăng trưởng xanh, ưu tiên đầu tư các công viên, khu vui chơi giải trí; nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cải tạo chung cư cũ, nước sạch nông thôn.
Ông Chung cũng nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội sẽ cần rất nhiều nguồn lực và kinh nghiệm cho đầu tư phát triển và chắc chắn sẽ trở thành một địa chỉ đỏ thu hút các nhà tư bất động sản trong và ngoài nước.
Trước đó, tại một hội nghị của Hiệp hội bất động sản diễn ra cùng ngày, Chủ tịch GPInvest Nguyễn Quốc Hiệp cho biết, trong thời gian qua, các doanh nghiệp như GP Invest đang gặp phải khó khăn về những thay đổi trong chính sách, đặc biệt là về luật pháp, hành lang pháp lý. Điều mà các doanh nghiệp muốn kiến nghị lên Chính phủ, Quốc hội là sửa đổi luật pháp, làm thế nào để không ảnh hưởng tới thay đổi các chính sách khác.
“Chúng tôi đã từng vấp phải dự án mà do khái niệm Luật Đất đai 2014 thay đổi, các cơ quan hành pháp đều thay đổi về quy trình, khái niệm, có thủ tục hành chính xong rồi mà giờ thay đổi coi như làm lại từ con số 0. Đây là điều đầu tiên tôi cho rằng Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cần có kiến nghị về mặt lập pháp", ông Hiệp nói.
Đáng chú ý, doanh nhân này cho rằng, trong bối cảnh thị trường hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp, khó khăn, Hà Nội trong 6 tháng đầu năm chỉ phê duyệt 6 dự án, cho thấy sự căng thẳng như thế nào. Do đó, mong muốn Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tiếp tục có những kiến nghị để giảm bớt sự phức tạp trong các thủ tục hành chính. Những thủ tục này hiện này đang rối như một mớ bòng bong, làm doanh nghiệp mệt mỏi.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899