Ông Trump khó duy trì chiến tranh thương mại

01/09/2019, 07:30

TCDN - Làm nhiều cách để ép các công ty Mỹ rời Trung Quốc, ông Trump làm cách nào để duy trì chiến tranh thương mại với Trung Quốc?

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 30/8 (giờ địa phương) tuyên bố, 13% số công ty Mỹ đang ở Trung Quốc sẽ rời đi do tác động của các đòn thuế quan. Tuy nhiên, ông Trump không ngạc nhiên về điều này.

Tổng thống Mỹ kỳ vọng sẽ rút được các công ty Mỹ khỏi Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ kỳ vọng sẽ rút được các công ty Mỹ khỏi Trung Quốc.

"Sắp tới, 13% các công ty Mỹ sẽ rời khỏi Trung Quốc và tôi không hề ngạc nhiên về điều này. Nhiều doanh nhiệp đã ra đi và sẽ còn nhiều hơn nữa" - Tổng thống Mỹ tuyên bố.

Trong ngày 30/8, Tổng thống Mỹ cũng chỉ đích danh công ty General Motors (GM) – nhà sản xuất ô tô lớn nhất ở Mỹ, vì sự hiện diện quan trọng của tập đoàn này ở Trung Quốc và đặt ra câu hỏi liệu nhà sản xuất ô tô có nên chuyển hoạt động sang Mỹ hay không.

“Trước kia là một gã khổng lồ tại Detroit (Mỹ) và hiện là một trong những nhà sản xuất ô tô nhỏ nhất ở đó. Họ đã chuyển hầu hết các nhà máy lớn sang Trung Quốc, trước khi tôi trở thành tổng thống Mỹ. Điều này đã được thực hiện trước đó nhờ sự giúp đỡ của Mỹ. Bây giờ, họ nên bắt đầu quay trở lại Mỹ một lần nữa” - Tổng thống Mỹ nói.

Tuy nhiên, theo báo chí Mỹ, GM vẫn là nhà sản xuất ô tô lớn nhất ở Mỹ theo doanh số. Nhìn chung, GM cho biết họ sử dụng gần 100.000 người ở Mỹ tại 132 địa điểm ở 27 tiểu bang.

Lời chỉ trích của ông Trump đối với GM đưa ra xuất hiện khoảng một tuần sau khi Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế 25% vào cuối năm nay đối với xe hơi của Mỹ vào nước này.

Việc rút các công ty Mỹ khỏi Trung Quốc đã là mục tiêu không đổi của Tổng thống Donald Trump từ khi ông khởi động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. Đòn thuế quan cũng là một cách thức mà ông Trump kéo các công ty Mỹ về nước.

Tuy nhiên, rõ ràng là để rời Trung Quốc, công ty Mỹ đã phải chịu đòn rất đau.

John Bonell, một cố vấn cấp cao của ZoZo Go, một công ty tư vấn cho các nhà sản xuất ô tô kinh doanh tại Trung Quốc cho biết: “Những quy tắc ở Trung Quốc chỉ ra rằng để bán xe thành công ở Trung Quốc, bạn bắt buộc phải sản xuất ở Trung Quốc”.

Gần như tất cả các xe mà GM sản xuất tại Trung Quốc đều được bán ở nước này, tuy nhiên, hãng này đã xuất khẩu xe Buick Envision từ Trung Quốc sang Mỹ. GM đã bán 30.152 chiếc Envision vào năm ngoái tại Mỹ, chiếm 1% doanh số bán hàng trong nước.

Nếu rút khỏi quốc gia châu Á này, công ty Mỹ sẽ khó lòng mà bán hàng được ở đây.

Vị cố vấn này cho rằng, GM sẽ khó lòng rời khỏi Bắc Kinh.

“Bất cứ ai, sản phẩm nào của GM ở Trung Quốc, nó sẽ ở lại Trung Quốc. Họ sẽ không rời khỏi Trung Quốc để rồi lại xuất khẩu xe sang Trung Quốc” - ông John Bonell cho hay.

Không chỉ mình GM, hàng trăm công ty Mỹ đã gửi thư tới Tổng thống Mỹ đề nghị ngừng áp thuế quan mới vào ngày 1/9 tới vì nó ảnh hưởng đến các công ty Mỹ và người tiêu dùng Mỹ.

 Nhưng Tổng thống Mỹ kiên định với quan điểm rằng, càng "đánh" đau, các công ty Mỹ sẽ buộc phải rời Trung Quốc  và tìm nhà sản xuất thay thế. Ông Trump tin rằng, nước Mỹ không nên kinh doanh với Bắc Kinh và dù có thiệt hại thế nào, Mỹ cũng phải đấu cuộc chiến này với Trung Quốc để lấy lại công bằng thương mại suốt 25 năm qua.

Ông Trump cho rằng, ông sẽ sớm có được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc và điều này là do Bắc Kinh buộc phải hạ nhiệt với Mỹ.

“Các công ty sẽ rời Trung Quốc trong tương lai gần. Đây là một lo ngại lớn đối với Trung Quốc. Họ không thể cạnh tranh với Mỹ trong cuộc chiến thuế này. Mỹ sẽ giành chiến thắng. Chúng tôi đang có các cuộc thảo luận với phía Trung Quốc và các cuộc gặp đang được lên kế hoạch” - ông Trump nói.

Thực tế là càng duy trì cuộc chiến thuế quan dài tới đâu thì Mỹ càng có khả năng chiến thắng Trung Quốc và thúc đẩy các công ty Mỹ rời Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Trump đang đứng trước nguy cơ không thể tiếp tục vị thế ông chủ Nhà Trắng để làm điều này bởi các đòn thuế quan đang làm mất lòng các nông dân và doanh nghiệp Mỹ.

Theo Báo đất Việt 

Bạn đang đọc bài viết Ông Trump khó duy trì chiến tranh thương mại tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan