Phát triển bền vững khu công nghiệp: Từ "nâu" sang "xanh"

22/04/2024, 20:31
báo nói -

TCDN - Việc phát triển các khu công nghiệp theo hướng xanh và bền vững sẽ góp phần đáng kể vào việc hiện thực hóa các cam kết hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050”. Tuy nhiên, việc xanh hoá chưa được quan tâm, nhận thức về khu công nghiệp phát triển bền vững vẫn còn yếu.

3-1

Nhiều dư địa

Hiện cả ước có 418 khu công nghiệp đã thành lập. Tổng diện tích đất công nghiệp đạt khoảng 89,2 nghìn ha. Trong số các khu công nghiệp đã được thành lập, có 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 92,2 nghìn ha.

Trong số 298 khu công nghiệp đang hoạt động, có 272 khu công nghiệp đã vận hành nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (đạt tỷ lệ khoảng 91,3%), đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao.

Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, góp phần vào việc chuyển cán cân thương mại của Việt Nam từ nhập siêu, đến cân bằng và sang xuất siêu, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách.

Báo cáo tổng kết 30 năm phát triển KCN, khu kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, đến năm 2030 sẽ có từ 40-50% địa phương chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu sang khu công nghiệp sinh thái và 8-10% địa phương có định hướng xây dựng khu công nghiệp sinh thái mới.

Tuy nhiên, kết quả khảo sát thực trạng các khu công nghiệp theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (EESG) do Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) cùng tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững tại Việt Nam (IDH Việt Nam) thực hiện cho thấy, xanh hoá các khu công nghiệp chưa được quan tâm nhiều.

Nghiên cứu chỉ ra, tỷ lệ ban hành chính sách phát triển EESG trong các khu công nghiệp còn thấp: chỉ 39% có chính sách quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường, 21% có chính sách quản trị rủi ro đảm bảo tuân thủ về xã hội, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, nhận thức về khu công nghiệp phát triển bền vững còn yếu. Kết quả phỏng vấn sâu cho biết có tới 50% khu công nghiệp chưa nghe đến khái niệm khu công nghiệp phát triển bền vững, 30% có nghe hiểu về khái niệm khu công nghiệp sinh thái và 20% hiểu rõ khu công nghiệp phát triển bền vững cần bảo đảm cân đối về phát triển đồng thời của 4 trụ cột EESG.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, chỉ có 22% khu công nghiệp có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế. Đáng lưu ý, 77% khu công nghiệp không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.

Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), kết quả nghiên cứu đã chỉ ra một số “điểm nghẽn” trong các khía cạnh về nhận thức, xây dựng chính sách, quản trị của các khu công nghiệp liên quan đến việc phát triển bền vững các khu công nghiệp.

Cùng quan điểm, bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng dư địa để phát triển các khu công nghiệp xanh, khu công nghiệp bền vững là rất lớn. Đó là việc phát triển đồng bộ, phát triển xanh trong hệ thống khu công nghiệp, khu kinh tế sẽ có những đóng góp tích cực và đáng kể vào nỗ lực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Hơn nữa, với việc Việt Nam có 16 FTA đã ký kết và 3 FTA đang đàm phán, những yêu cầu về chuỗi ngành hàng, chuỗi giá trị và các khâu về sản xuất xanh sạch rất quan trọng, để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào thị trường khó tính.

Hay chiến lược Quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021-2030 cũng như cam kết của Chính phủ tại COP26 là những yêu cầu bức thiết đặt ra đối với khu vực sản xuất công nghiệp để phát triển theo hướng xanh, bền vững.

Theo xu hướng này, mô hình khu công nghiệp truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế. Nguyên lý của việc phát triển các khu công nghiệp bền vững bắt đầu từ sinh thái công nghiệp, chuyển đổi mô hình sản xuất theo nền kinh tế tuyến tính sang nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó hệ sinh thái công nghiệp được phát triển như một hệ sinh thái tự nhiên và sản phẩm của quá trình sản xuất đầu ra này có thể là quá trình đầu vào của quá trình sản xuất khác. Tương tự, các sản phẩm phụ hay sản phẩm thải bỏ của một quá trình sản xuất cũng là nguyên liệu hữu ích đầu vào cho một quy trình sản xuất khác.

“Chúng ta sẽ hướng tới việc kết nối các khu công nghiệp với cộng đồng dân cư xung quanh và tập trung vào việc phát triển thành phố, đô thị theo hướng bền vững. Trong đó nhấn mạnh vào việc sử dụng quản lý tốt rác thải, tái sử dụng, cũng như nâng cao trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp, cộng đồng sản xuất công nghiệp, bà Hiếu cho biết.

Có lộ trình, tiêu chuẩn rõ ràng

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP HCM cho biết, vấn đề đặt ra là cần làm rõ, như thế nào là khu công nghiệp sinh thái, như thế nào là khu công nghiệp xanh và hướng tới phát triển bền vững?

Ông thông tin, hiện nay, chúng ta đang bị những quy định cũ và các câu chuyện mới lẫn lộn với nhau. Ví dụ tại chương trình Net Zero Đài Loan và các khu công nghiệp sinh thái tại Đài Loan, khi khảo sát chúng tôi thấy rằng, họ có những lộ trình và quy định hết sức rõ ràng cho câu chuyện như thế nào là phát triển bền vững, như thế nào là Net Zero đối với các khu công nghiệp.

Thứ nhất, khi nói đến các khu công nghiệp xanh không phải là trồng nhiều cây mà là từ thiết kế vật liệu, đến phát thải trong suốt quá trình sản xuất. Vì vậy, việc phát thải carbon là câu chuyện then chốt hiện nay. Tại Toronto, Singapore hay Đài Loan, họ đưa ra những tiêu chuẩn rõ ràng cho các nhà máy trong các khu công nghiệp đạt đủ tiêu chuẩn mới được đưa vào vận hành.

Đồng thời, họ có các chính sách rất rõ ràng, đó là chuyển đổi các nhà máy hiện hữu theo hướng trung hòa carbon. “Từ một số kinh nghiệm đó để thấy, chúng ta cần thể chế hóa cụ thể, thì mới nói được câu chuyện phát triển bền vững các khu công nghiệp ở Việt Nam” - ông Kỳ nói.

Thứ hai, chúng ta cũng nói nhiều đến quản lý rác thải, tái chế và cộng sinh công nghiệp. Ông Đinh Hồng Kỳ cho biết, đây là hai vấn đề có mối quan hệ tương hỗ với nhau, nghĩa là cộng sinh công nghiệp thì phải thiết kế, quy hoạch từ đầu để đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp kia. Sâu xa hơn mới đến câu chuyện kinh tế tuần hoàn, trong khi chúng ta còn đang ở một nền kinh tế tuyến tính.

“Vì chúng ta không có công nghệ xử lý tái chế thì chưa thể nói đến tuần hoàn. Chúng tôi cho rằng, vai trò của Nhà nước hiện rất quan trọng trong việc thay đổi các quy định, đặc biệt là xử lý rác thải tái chế, hỗ trợ các khu công nghiệp” - ông nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Công Thịnh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng cho rằng thực tế, làm hạ tầng khu công nghiệp sẽ phải tham chiếu nhiều quy chuẩn. Thứ nhất, yêu cầu 25% quỹ đất dành cho cây xanh, giao thông, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, nhưng trong QCVN 01:2021/BXD chỉ quy định tối thiểu 10% cây xanh. Do đó, để làm được khu công nghiệp sinh thái, cần phải có tỉ lệ cây xanh cao hơn, tuy nhiên điều đó chưa chắc được coi là đánh giá đủ các yêu cầu. Cụ thể, khi đi kiểm tra ở một khu công nghiệp, diện tích cây xanh có thể đủ nhưng chất lượng của cây xanh không đạt. Quanh hàng rào khu công nghiệp, cây xanh phải dày tối thiểu 10m, nhưng hiện nay phần lớn các khu công nghiệp đều chưa đáp ứng tiêu chuẩn này.

Thanh Hải

Tạp chí in số tháng 4/2024
Bạn đang đọc bài viết Phát triển bền vững khu công nghiệp: Từ "nâu" sang "xanh" tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899