Phát triển dịch vụ công tác xã hội đối với người tâm thần

30/11/2022, 09:18

TCDN - Thông qua công tác xã hội lâm sàng có thể phát hiện, chuẩn đoán được vấn đề sức khỏe tâm thần của người bệnh và có thể có những tư vấn, liệu pháp về mặt tâm lý, xã hội phù hợp, không cần dùng đến thuốc để chữa trị.

7-1

Theo thống kê của Bộ Y tế, nước ta hiện có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Chỉ tính riêng 10 bệnh tâm thần thường gặp nhất như: Trầm cảm, động kinh, rối loạn hành vi, tâm thần phân liệt... đã có hơn 13 triệu người mắc, trong đó khoảng 40% bệnh nhân ở độ tuổi dưới 30. Tuy nhiên, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, cứ 10 người thì chỉ có 2-3 người được điều trị.

Một số bệnh viện tâm thần tuyến Trung ương và địa phương đã triển khai hoạt động công tác xã hội với sự tham gia của đội ngũ nhân viên y tế kiêm nhiệm và tình nguyện viên nhằm hỗ trợ thầy thuốc trong phân loại bệnh nhân, tư vấn, giới thiệu dịch vụ chuyển tuyến, hỗ trợ chăm sóc cho người bệnh,… góp phần làm giảm bớt khó khăn trong quá trình tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng đội ngũ này còn khá mỏng, đặc biệt là tại hầu hết các cơ sở y tế có đông người bệnh tâm thần. Trong thực tế, đội ngũ cán bộ, nhân viên trong các trung tâm công tác xã hội, cơ sở bảo trợ xã hội của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có rất ít người được đào tạo các kiến thức và kỹ năng về công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần.

Theo đánh giá của các chuyên gia, những dịch vụ công tác xã hội hiện nay vẫn còn đơn điệu. Trung tâm Công tác xã hội ra đời, song bước đầu chỉ dừng lại ở những hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về nghề công tác xã hội, những dịch vụ công tác xã hội cũng chỉ mới đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của nhóm đối tượng yếu thế, trong đó có người tâm thần.

Thêm nữa, dịch vụ công tác xã hội chỉ phát triển ở các cơ sở cung cấp dịch vụ xã hội của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, chưa được triển khai sâu rộng, đồng bộ ở các ngành liên quan khác như: Y tế, Giáo dục, Tư pháp… dẫn đến người tâm thần chưa có cơ hội để tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần. Sự thiếu vắng một hệ thống dịch vụ xã hội chuyên nghiệp, liên tục, hiệu quả, có khả năng đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người tâm thần càng khiến cho họ khó có khả năng phục hồi và hòa nhập hơn. Bên cạnh đó, hiện nay thái độ kỳ thị, xa lánh, quan niệm lệch chuẩn hoặc thờ ơ đối với người tâm thần vẫn còn khá phổ biến trong xã hội. Điều này đang tạo nên gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng người tâm thần tại các cơ sở trợ giúp xã hội.

Để cung cấp tốt hơn và phát triển dịch vụ công tác xã hội đối với người tâm thần; huy động sự tham gia của xã hội, nhất là gia đình, cộng đồng trợ giúp về vật chất, tinh thần, phục hồi chức năng cho người tâm thần để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, phòng ngừa rối nhiễu tâm trí, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, các chuyên gia cho rằng, vấn đề trước tiên là cần tiếp tục truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Cụ thể, cần tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần; về các dịch vụ hỗ trợ xã hội như: Tư vấn, tham vấn tâm lý sức khoẻ cho người tâm thần, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại các cơ sở bảo trợ xã hội, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần tại gia đình, cộng đồng… để cho người tâm thần và gia đình người tâm thần có thể tham gia.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp cho hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người tâm thần. Theo qui định tại Điểm d, Khoản 6, Điều 5 Thông tư số 33/2017/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội: “Nhân viên chăm sóc người tâm thần: 01 nhân viên chăm sóc phụ trách tối đa 02 người tâm thần đặc biệt nặng, tối đa 04 người tâm thần nặng hoặc tối đa 10 người tâm thần đã phục hồi, ổn định”.

Tuy nhiên, trên thực tế số lượng nhân viên chăm sóc người tâm thần trong các cơ sở bảo trợ xã hội công lập còn rất hạn chế, chưa được bố trí đủ theo qui định (do bị ràng buộc bởi chính sách tinh giản biên chế).

Người tâm thần là đối tượng đặc thù trong nhóm người yếu thế, do vậy cần có một cơ chế riêng về biên chế, đảm bảo số lượng người làm việc theo qui định để công tác chăm sóc người tâm thần đạt hiệu quả.

Thứ ba, cần quan tâm đầu tư kinh phí cho hoạt động cung cấp dịch vụ công tác xã hội đối với người tâm thần. Hiện nay kinh phí hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước. Định mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng đối với người tâm thần đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các trung tâm bảo trợ xã hội hiện nay còn thấp (tại Khánh Hòa, người tâm thần thuộc dạng khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em/người cao tuổi 1.200.000 đồng/người/tháng; người tâm thần khác 900.000 đồng/người/tháng). Do vậy, các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc người tâm thần, ngoài những khoản ngân sách được giao cần phải chủ động tự tạo nguồn ngân sách cho đơn vị, vận động các nguồn từ thiện xã hội.

Một trong những hoạt động theo các mô hình tiên tiến hiện nay là cung cấp dịch vụ ngoài cộng đồng. Theo đánh giá và phân tích, nhu cầu ngoài cộng đồng về việc chăm sóc người tâm thần là rất lớn. Việc bổ sung chức năng chăm sóc theo yêu cầu sẽ mở rộng loại hình chăm sóc theo đúng hướng chuyên nghiệp, sẽ đáp ứng được nhu cầu của cộng đồng cũng như tạo nguồn ngân sách cho các cơ sở để có thể bổ sung thêm các hoạt động hữu ích cho sự phát triển của đơn vị.

Thứ tư, cần triển khai mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí. Việc triển khai mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí là phù hợp và hết sức cần thiết, nhằm phát hiện, can thiệp và phòng ngừa sớm cho người rối nhiễu tâm trí có nguy cơ cao bị tâm thần, đồng thời góp phần giảm bớt số người tâm thần vào các cơ sở bảo trợ xã hội, giúp các gia đình phát hiện sớm người thân bị rối nhiễu tâm trí để có biện pháp chăm sóc kịp thời tránh gây ra các tổn thương bệnh lý tâm thần suốt đời.

Mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí được thực hiện gồm 03 hoạt động chính, đó là hoạt động đánh giá, sàng lọc và can thiệp sớm; Hoạt động đánh giá, sàng lọc và can thiệp sớm không chỉ giúp phát hiện người rối nhiễu tâm trí mà còn hỗ trợ gia đình, người chăm sóc vượt qua khủng hoảng, cân bằng cuộc sống để cùng tham gia vào quá trình trị liệu và phục hồi chức năng tâm lý xã hội cho người rối nhiễu tâm trí.

Các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc người tâm thần/trung tâm công tác xã hội có nhiệm vụ tổ chức truyền thông, tập huấn nâng cao nhận thức kỹ năng cho cộng đồng về phát hiện sớm, tư vấn, kết nối, cung cấp các dịch vụ trị liệu tâm lý, hành vi; đồng thời phối hợp cùng chính quyền địa phương trợ giúp xã hội cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Hoạt động cung cấp các dịch vụ phòng ngừa. Hoạt động này đề cao vai trò của mạng lưới cán bộ y tế, cán bộ xã/phường/thị trấn tại cộng đồng về việc phát hiện sớm, tư vấn kết nối người có nguy cơ cao về rối nhiễu tâm trí tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, tham vấn và trị liệu tâm lý cá nhân và nhóm, trị liệu nhận thức hành vi tại các cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc người tâm thần và tiếp cận với các dịch vụ trợ giúp xã hội khác từ các chương trình chính sách của Nhà nước tại địa phương.

Cộng tác viên công tác xã hội và nhân viên y tế sẽ tham gia vào các hoạt động trợ giúp tại cộng đồng. Với những kiến thức được trang bị về công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần, cộng tác viên có kinh nghiệm trong việc trợ giúp đối tượng thấy rõ các vấn đề của mình, kịp thời cung cấp thông tin và kết nối họ tiếp cận các dịch vụ phòng ngừa sẵn có tại cộng đồng và Trung tâm.

Hoạt động trợ giúp xã hội cho người tâm thần có hoàn cảnh khó khăn. Đây là hoạt động xã hội trong mô hình phục hồi chức năng cho người tâm thần dựa vào cộng đồng với sự phối kết hợp giữa chính quyền địa phương, ngành Y tế và nhân viên công tác xã hội ở cơ sở, nhằm tăng cơ hội và tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh tâm thần trở về hòa nhập cộng đồng, giảm sự phân biệt kỳ thị, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người bệnh, hạn chế tối đa tần suất tái phát bệnh đối với người bệnh tâm thần.

Thành Chung

Tạp chí in số 11/2022
Bạn đang đọc bài viết Phát triển dịch vụ công tác xã hội đối với người tâm thần tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Phát triển công tác xã hội đối với trẻ em khuyết tật tại Nam Định: Vừa phục hồi chức năng,vừa đào tạo, hướng nghiệp
Trong thời gian qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Nam Định đã luôn thực hiện có hiệu quả các hoạt động trợ giúp xã hội; trọng tâm là công tác quản lý, nuôi dưỡng cho các diện đối Bảo trợ xã hội, dạy nghề, văn hóa, phục hồi chức năng cho đối tượng là trẻ khuyết tật.
Hiệu quả phát triển nghề công tác xã hội tại Hải Phòng
Với việc thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác xã hội phù hợp với từng nhóm đối tượng, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng được cộng đồng đánh giá cao, nhu cầu cung cấp dịch vụ năm sau luôn cao hơn năm trước.