Công tác xã hội tại trường học: Phát huy khả năng học tập, hỗ trợ học sinh vượt qua rào cản

29/11/2022, 13:38

TCDN - Nhân viên công tác xã hội học đường được coi là cầu nối giữa học sinh, gia đình, nhà trường để giúp các em có được điều kiện và phát huy khả năng học tập tốt nhất trong đời sống hiện nay cũng như đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong hỗ trợ học sinh vượt qua các rào cản.

6-1

Cô Nguyễn Thanh Nga, giáo viên trường THCS tại TPHCM cho rằng, học sinh hiện nay gặp nhiều vấn đề, thách thức trong cuộc sống khiến việc học tập của các em bị ảnh hưởng. Nhiều trường hợp cần hỗ trợ vật chất, tinh thần để có thể theo học trên lớp. Với trường hợp đặc biệt khó khăn, hoặc là con em của các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt, nhà trường còn phải giúp phòng ngừa, ngăn chặn học sinh không bỏ học đi lao động sớm, sa vào tệ nạn xã hội.

Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn công tác xã hội trong trường học đã có sức lan tỏa rộng rãi đến các trường học. Học sinh biết tìm đến đúng người và được hỗ trợ đúng phương pháp. Nếu như trước kia, các hoạt động được thực hiện tự phát và “bản năng”, do đó khi các em gặp khó khăn thì không biết nên tìm đến đầu mối hỗ trợ ở đâu, và ngược lại, khi các em tìm đến thầy cô được hỗ trợ một cách có hệ thống chứ không phải rời rạc và theo kinh nghiệm như trước kia.

Trường THCS Phương Trung (huyện Thanh Oai) là một trong những đơn vị triển khai hiệu quả mô hình công tác xã hội trường học của thành phố Hà Nội. Nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, tập huấn, sinh hoạt ngoại khóa, diễn đàn trẻ em... nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ giáo viên về vai trò, tầm quan trọng của công tác xã hội trong trường học. Các thầy cô thường nắm bắt tình hình học sinh qua bạn học. Nhờ các đầu mối này, giáo viên dễ dàng phát hiện khi học sinh trong lớp có vấn đề bất thường.

Ngoài ra, kinh nghiệm của Trường THCS Phương Trung cho thấy một kênh rất hiệu quả để có thể phát hiện sớm các vấn đề của học sinh là qua Confession - học sinh được đăng tải ẩn danh nên các em có thể thoải mái và thẳng thắn hơn trong việc chia sẻ. Nhờ đó, hoạt động phát hiện, phòng ngừa và can thiệp sớm có thể triển khai hiệu quả.

Ông Doãn Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành một số văn bản liên quan đến Công tác xã hội, đặc biệt có Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT về hướng dẫn Công tác xã hội trong trường học. Theo đó, các đơn vị trường học đã phối hợp tốt với Đoàn Thanh niên, Tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm lớp, nhân viên y tế làm đầu mối tham mưu triển khai công tác xã hội tại nhà trường.

Bên cạnh đó, các nhà trường đã thành lập các câu lạc bộ, tổ, nhóm làm công tác xã hội với nòng cốt là các đoàn viên, đội viên trong trường, lớp để trợ giúp các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt được tham gia một cách bình đẳng hoạt động giáo dục tại trường học và cộng đồng; hướng dẫn các đoàn viên, đội viên phát huy vai trò tự quản, chủ động tích cực tham gia hoạt động công tác xã hội trong trường học.

Ngoài ra, các sở Giáo dục và Đào tạo còn phối hợp với cơ quan ban ngành, chính quyền địa phương và nhà trường cũng như gia đình học sinh để tổ chức tuyên truyền, giáo dục để phòng ngừa, hạn chế nguy cơ người học rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, bị xâm hại, bị bạo lực, bỏ học, vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động hỗ trợ phát triển, hòa nhập cộng đồng cho học sinh sau can thiệp hoặc học sinh, giáo viên, phụ huynh có nhu cầu hỗ trợ phát triển, hòa nhập cộng đồng và kết nối nguồn lực từ cộng đồng tham gia, phối hợp cùng các đơn vị trên địa bàn thúc đẩy hoạt động công tác xã hội trong trường học.

Qua thực tiễn gần 4 năm triển khai, bên cạnh kết quả đạt được còn tồn tại những hạn chế như kết quả triển khai công tác xã hội vẫn chưa thực sự đi vào chiều sâu.

Theo quy định hiện nay, trong các trường học không có vị trí việc làm dành cho công tác xã hội, cán bộ, nhân viên công tác xã hội là cán bộ kiêm nhiệm được giao đầu mối làm công tác xã hội vì vậy không có chuyên môn làm công tác xã hội; hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn còn nhiều hạn chế, chưa thường xuyên được tập huấn; quy trình triển khai thực hiện công tác xã hội trong trường học nhiều nơi chưa được thực hiện đúng quy trình.

Theo bà Nguyễn Thúy Liễu, Phó trưởng phụ trách phòng chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, ở các trường học hiện nay, tổng phụ trách đoàn đội thường kiêm nhiệm chăm sóc y tế ban đầu và công tác xã hội tâm lý học đường. Tuy vậy, việc kiêm nhiệm bấp bênh bởi “không phải kiêm nhiệm từ đầu đến cuối mà có khi làm 2-3 tháng hoặc hết tuổi tổng phụ trách thì lại chuyển sang công việc khác. Thậm chí có khi đi tập huấn về công tác xã hội về chưa kịp triển khai đã chuyển công tác”. Trong khi đó, bà Liễu cho rằng để tích lũy được vốn xã hội, tâm lý học đường hoặc công tác tổng phụ trách đòi hỏi dày dặn kinh nghiệm.

Bà Liễu đánh giá, việc không có biên chế khiến việc thu hút nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp về công tác trong các trường học công lập gần như bất khả thi.

Cô Nguyễn Thị Chính - Hiệu trưởng Trường THCS Phương Trung cho biết, vẫn còn khoảng trống về các hoạt động can thiệp, trợ giúp trong trường học. Điều này rất cần có các tổ chức hoạt động chuyên nghiệp để hỗ trợ học sinh, giúp các em được hòa nhập trong môi trường giáo dục một cách tốt nhất.

Trong nhiều trường hợp, khả năng phát hiện, phòng ngừa, can thiệp và phát triển của trường học nói chung và giáo viên nói riêng sẽ tốt hơn gia đình, bởi không phải gia đình nào cũng có đủ hiểu biết, năng lực và nguồn lực để hiểu và hỗ trợ con em mình khi gặp vướng mắc trong cuộc sống. Bên cạnh đó, do truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, các trường học với uy tín của mình cũng khá thuận lợi trong việc huy động các nguồn lực để hỗ trợ học sinh.

Chia sẻ về khó khăn khi làm công tác xã hội trường học, cô Nguyễn Như Quỳnh, Phòng Giáo dục và Đào tạo Ngô Quyền, Hải Phòng cho biết, giáo viên gặp áp lực khi đối mặt với nhiều vấn đề của học sinh và phụ huynh. Chẳng hạn như trẻ tăng động, giảm chú ý, ngại giao tiếp bằng mắt với người lớn, thích sống trên màn hình ảo, sống bằng trò chơi, lạm dụng thiết bị điện tử vì cảm thấy được an ủi trong khi bố mẹ bận “trăm công ngàn việc”.

Nhiều phụ huynh không tương tác được với con, nói câu trước câu sau là nổi đóa, không tin con làm được, thường hay so sánh con nhà người ta, bắt đi học thêm, thậm chí phó mặc cho các thầy, các cô. Trong khi đó, giáo viên lại thiếu kỹ năng lắng nghe, giao tiếp với học sinh, đặc biệt là thiếu phương pháp xử lý tình huống với những học sinh khác biệt.

“Là giáo viên mảng công tác xã hội, thấy học sinh khó khăn mình rất thương nhưng khả năng của mình nhỏ bé, chỉ có thể chia sẻ an ủi, nhưng làm được cái gì rộng hơn để trợ giúp các em thì chưa tìm ra phương pháp”, cô Phạm Thị Hà, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Bình trăn trở.

Lê Lan

Tạp chí in số 11/2022
Bạn đang đọc bài viết Công tác xã hội tại trường học: Phát huy khả năng học tập, hỗ trợ học sinh vượt qua rào cản tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Hiệu quả phát triển nghề công tác xã hội tại Hải Phòng
Với việc thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác xã hội phù hợp với từng nhóm đối tượng, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng được cộng đồng đánh giá cao, nhu cầu cung cấp dịch vụ năm sau luôn cao hơn năm trước.
Phát triển công tác xã hội lĩnh vực nông thôn, miền núi
Ngày 21/10, Cục Bảo trợ xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Đại học Lao động – Xã hội tổ chức khóa đào tạo cán bộ quản lý công tác xã hội cấp cao và công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn, miền núi năm 2022.