Hiệu quả phát triển nghề công tác xã hội tại Hải Phòng

05/11/2022, 10:51

TCDN - Với việc thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về công tác xã hội phù hợp với từng nhóm đối tượng, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng được cộng đồng đánh giá cao, nhu cầu cung cấp dịch vụ năm sau luôn cao hơn năm trước.

Can thiệp, trị liệu cho trẻ em chậm phát triển tại Trung tâm

Can thiệp, trị liệu cho trẻ em chậm phát triển tại Trung tâm

Thay đổi nhận thức của cộng đồng

Trong thời gian qua, Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng đã cung cấp các dịch vụ công tác xã hội, phối hợp với các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và người dân để trợ giúp các đối tượng khó khăn, yếu thế sinh sống tại cộng đồng giải quyết những vấn đề xã hội. Đây trở thành địa chỉ tin cậy, thân thiện, sát cánh đồng hành cùng với đội ngũ công tác xã hội ở cơ sở trợ giúp đối tượng ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.

Trung tâm cũng có những đóng góp tích cực vào quá trình thay đổi nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về nghề công tác xã hội. Thực tế, nhân viên công tác xã hội khi đi thực hiện trợ giúp đối tượng ở cộng đồng vẫn thường bị nhầm lẫn là những người làm từ thiện. Tuy nhiên, vai trò trợ giúp của nhân viên công tác xã hội có sự khác biệt với những người làm từ thiện.

Mục đích khi họ đến gặp để trợ giúp đối tượng khó khăn không phải chỉ xuất phát từ lòng thương người, hảo tâm như người làm từ thiện mà được xác định là trách nhiệm của người làm nghề công tác xã hội, đặt lợi ích của đối tượng là quan trọng nhất. Họ được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ của nghề công tác xã hội, với chức danh công tác xã hội viên họ mang kiến thức, kỹ năng đã được đào tạo từ trường học và kinh nghiệm làm việc để trợ giúp đối tượng, xoa dịu những vấn đề khó khăn trước mắt và hướng tới kết quả mang tính chất lâu dài.

Một trong những phương pháp đặc trưng của nghề công tác xã hội là quản lý trường hợp. Đây là một quá trình trợ giúp, nhân viên công tác xã hội khắc phục khó khăn về thời gian, thời tiết, không kể sớm tối, nắng mưa, khoảng cách vị trí địa lý, tạo sự thuận lợi nhất cho các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn để tới nhà gặp trực tiếp đối tượng, thu thập thông tin, đánh giá nhu cầu, xây dựng và thực hiện kế hoạch can thiệp trợ giúp, kết nối các nguồn lực đáp ứng nhu cầu ưu tiên thiết yếu của đối tượng.

Đối tượng trợ giúp đa dạng về hoàn cảnh, nhận thức xã hội và có nhu cầu khác nhau. Không phải chỉ có những người có hoàn cảnh khó khăn như người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo,.. cần trợ giúp về thu nhập, mức sống mà còn có những người sống trong gia đình có điều kiện kinh tế khá giả nhưng khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Có những trường hợp bố mẹ ly hôn, không có sự đồng thuận trong việc chăm nuôi con, khó khăn giải quyết khúc mắc, nảy sinh mâu thuẫn, vô tình tạo ra những hố sâu về khoảng cách giữa các thành viên trong gia đình, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ. Nhân viên công tác xã hội đóng vai trò là người trung gian, kết nối, trợ giúp cải thiện mối quan hệ, giúp thân chủ lựa chọn được phương án giải quyết vấn đề phù hợp, hiệu quả.

Hay trường hợp phụ huynh khi có con là trẻ em rối loạn phát triển, rất nhiều nỗi niềm lo lắng, băn khoăn tìm kiếm địa chỉ tin cậy để can thiệp - trị liệu cho con, nhiều khi còn mang theo tâm lý chán nản, thất vọng khi không nhìn thấy sự đột phá của con mình. Nhân viên công tác xã hội giúp phụ huynh nhận diện đúng vấn đề của trẻ, xây dựng, củng cố niềm tin và giúp họ có phương pháp phù hợp, hiệu quả để đồng hành cùng con.

Đặc biệt, Trung tâm cũng cung cấp hiệu quả dịch vụ tuyên truyền, giáo dục xã hội nâng cao nhận thức về công tác xã hội và năng lực tự giải quyết vấn đề xã hội cho đội ngũ làm công tác xã hội ở cơ sở hay chính các đối tượng cần trợ giúp; tiến hành đa dạng các hình thức truyền thông, từ trực tiếp đến gián tiếp, linh hoạt thích ứng với điều kiện thực tiễn, tổ chức trên 300 hội nghị tuyên truyền cho gần 40.000 lượt người tham dự; tổ chức gần 160 hội nghị tập huấn kỹ năng công tác xã hội cho hơn 12.400 lượt đại biểu là cán bộ các ban, ngành, đoàn thể, bí thư chi bộ, trưởng thôn, tổ trưởng, hội viên, cộng tác viên công tác xã hội, học sinh, đối tượng trợ giúp xã hội để cập nhật các kiến thức về quy định, chính sách, kỹ năng làm việc đối với các đối tượng bảo trợ xã hội, kỹ năng nhận biết các vấn đề, phát hiện sớm trẻ em rối nhiễu tâm trí, kỹ năng sống... giúp các đối tượng phát triển khả năng tự giải quyết vấn đề xã hội của mình, phòng ngừa rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Với việc liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung, hình thức tổ chức phù hợp với từng nhóm đối tượng tham gia, Trung tâm luôn được cộng đồng đánh giá cao, ghi nhận bằng việc nhu cầu đăng ký cung cấp dịch vụ về công tác xã hội ở các địa phương năm sau luôn cao hơn năm trước.

Trong công tác trợ giúp đối tượng, quản lý trường hợp là dịch vụ đặc trưng của nghề công tác xã hội, trong những năm qua, Trung tâm đã nỗ lực thực hiện quản lý trường hợp cho 676 đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (mồ coi, bị bỏ rơi, bị xâm hại,..) người khuyết tật, người cao tuổi, người nghèo, người gặp khó khăn, yếu thế sinh sống tại cộng đồng. Đây là quá trình trợ giúp đối tượng từ việc đến tận nơi trực tiếp gặp đối tượng, đánh giá, xác định nhu cầu cho đến tổ chức thực hiện hỗ trợ, kết nối chính sách, vận động và điều phối nguồn lực trợ giúp họ nâng cao năng lực tự giải quyết các vấn đề xã hội một cách hiệu quả, với nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp “luôn đặt lợi ích của đối tượng là quan trọng nhất”. Các đối tượng được tiếp nhận trợ giúp từ danh sách của phòng Lao động Thương binh và Xã hội quận/huyện cung cấp, hay được phát hiện thông qua các hoạt động ở cộng đồng về mô hình, dự án như “Mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” năm 2018 do Cục Bảo trợ xã hội lựa chọn thành phố Hải Phòng là địa phương thứ 5 nhân rộng thí điểm; Dự án hỗ trợ các câu lạc bộ trẻ em khuyết tật do Tổ chức EFA- Japan tài trợ.

Thành công từ phương pháp phát triển cộng đồng

Một trong những kết quả điển hình, thể hiện sự sáng tạo trong việc áp dụng các phương pháp công tác xã hội trong trợ giúp đối tượng ở Trung tâm đó là phương pháp phát triển cộng đồng: Lựa chọn, nghiên cứu tình hình đặc điểm, thực trạng những vấn đề xã hội của địa phương, phối hợp xây dựng kế hoạch và thực hiện khơi dậy tiềm năng, phát huy nội lực tự giải quyết vấn đề xã hội của cộng đồng. Năm 2018, Trung tâm đã thực hiện phát triển cộng đồng và kết nối vận động nhà tài trợ Tổ chức EFA-Japan, đối tác truyền thống tài trợ chương trình viện trợ phi dự án cho các câu lạc bộ trẻ em khuyết tật chấp nhận điều chỉnh, thay đổi sang mô hình “Hỗ trợ giải quyết việc làm cho người khó khăn tăng thêm thu nhập” tại phường Niệm Nghĩa, quận Lê Chân và xã Đại Bản, huyện An Dương cho 12 hộ gia đình có người khuyết tật, khó khăn tăng thêm thu nhập, với số kinh phí là 128 triệu đồng.

Kết quả dự án đã đạt cao hơn kỳ vọng, mong muốn đặt ra. Ở mỗi hộ gia đình được hỗ trợ có điều kiện, hoàn cảnh, năng lực, phương thức hỗ trợ khác nhau, kết quả lợi ích mang lại trong thời gian thực hiện dự án thể hiện không giống nhau, nhưng đều có sự thay đổi lớn, cải thiện về điều kiện môi trường việc làm, là đòn bẩy cho các hộ gia đình vươn lên thoát khỏi khó khăn.

Thông qua việc hỗ trợ giải quyết việc làm, ngoài việc trao “cần câu” và hướng dẫn người khó khăn tự “câu cá” đảm bảo mức sống tối thiểu thì bản thân những người được hỗ trợ đã có những chuyển biến tích cực về nhận thức xã hội, họ lại là những hạt nhân tuyên truyền phù hợp cho những người đồng cảnh, nhận thấy được giá trị bản thân mà bao lâu nay luôn nghĩ mình là người yếu thế, không có giá trị với người khác. Kết quả hoạt động của dự án, mô hình, quản lý trường hợp, vận động và điều phối nguồn lực hỗ trợ những người khó khăn ở cộng động đã thể hiện rõ sự khác biệt của hoạt động từ thiện với công tác xã hội trong trợ giúp đối tượng.

Hiện nhận thức về vai trò, giá trị của nghề công tác xã hội vẫn chưa thật sự sâu rộng tới hết các tầng lớp nhân dân; kết quả hoạt động của dịch vụ công tác xã hội rất khó nhìn nhận, đánh giá hiệu quả bằng các con số định lượng; đối tượng và dạng trợ giúp ngày càng nhiều, đa dạng hơn, mỗi vụ việc, mỗi trường hợp trợ giúp, mỗi dịch vụ công tác xã hội cung cấp có tính chất, đặc điểm và phương thức giải quyết khác nhau nhưng tất cả vẫn sẽ được thực hiện bởi các hoạt động chuyên nghiệp của Trung tâm công tác xã hội thành phố Hải Phòng. Nơi đây mỗi nhân viên công tác xã hội đang ngày đêm không quản ngại khó khăn, với lòng yêu nghề đầy nhiệt huyết, luôn tự hào về giá trị nghề nghiệp của mình; cống hiến hết mình bằng cái tâm của nghề công tác xã hội là nghề của sự dấn thân, của lòng nhân ái, nghề của những con người thầm lặng nhưng mang đến hạnh phúc cho mọi người, đặc biệt là những người yếu thế, dễ bị tổn thương trong xã hội. Những nỗ lực của họ sẽ góp phần giảm thiểu những rào cản trong xã hội, sự bất bình đẳng, đóng góp tích cực vào thực hiện các chính sách an sinh xã hội của thành phố.

Thu Hà
Bạn đang đọc bài viết Hiệu quả phát triển nghề công tác xã hội tại Hải Phòng tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Phát triển công tác xã hội lĩnh vực nông thôn, miền núi
Ngày 21/10, Cục Bảo trợ xã hội - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Trường Đại học Lao động – Xã hội tổ chức khóa đào tạo cán bộ quản lý công tác xã hội cấp cao và công tác xã hội trong lĩnh vực nông thôn, miền núi năm 2022.