Thu ngân sách nhà nước không nên dựa vào các nguồn thu kém bền vững
TCDN - Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng, Việt Nam hiện nay cần đạt mục tiêu cao nhất là đảm bảo tính bền vững của nợ công; ổn định quy mô nợ công theo khả năng thu thuế; thu ngân sách nhà nước cần giảm dựa vào các nguồn thu kém bền vững, tránh phát sinh những loại phí - lệ phí mới.
Tại Diễn đàn Chính sách Tài khoá và Phát triển Việt Nam 2022 chủ đề “Thách thức chính sách kinh tế vĩ mô hậu-Covid” ngày 24/11 , PGS.TS. Phạm Thế Anh, Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU); Kinh tế trưởng, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS) cho rằng, tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước có chậm lại nhưng vẫn ở mức cao, từ 11,5%/năm trong giai đoạn 2011-15 xuống còn 8,8%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020; Tỷ lệ thu ngân sách/GDP tăng từ 23,6% lên 25,2% trong cùng giai đoạn, cao nhất trong ASEAN-5; tỷ lệ thu từ thuế và phí giảm nhanh, từ 88% trong năm 2011 xuống còn 72% trong năm 2020; Tỷ trọng thuế TNDN giảm nhanh chỉ còn khoảng 17% gần đây.
Thuế VAT chiếm tỷ trọng lớn nhất và có xu hướng giảm nhẹ; tỷ trọng thuế xuất nhập khẩu giảm chỉ còn một nửa trong giai đoạn 2016 - 2020 so với 2011 - 2015; tỷ trọng thu tiền sử dụng đất, thuế bảo vệ môi trường, và thu khác tăng nhanh.
Chi ngân sách nhà nước của Việt Nam tăng gần 2 lần sau một thập kỷ. Cơ cấu chi kém hợp lý. Chi hàng năm liên tục vượt dự toán - thể hiện kỷ luật ngân sách chưa chặt, đặc biệt là trong giai đoạn 2011 - 2015. Chi ngân sách nhà nước mặc dù có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao nhất so với các nước trong khu vực. Chi tiêu của chính phủ các nước ASEAN có xu hướng tăng mạnh trong năm 2020 - thể hiện tính nghịch chu kỳ.
Về nợ công, tỷ lệ nợ công/GDP có xu hướng giảm, tuy nhiên tỷ lệ nợ công/Thu ngân sách nhà nước lại tăng. Nghĩa vụ trả nợ của chính phủ/thu ngân sách nhà nước tăng nhanh. Ngoại trừ Malaysia, tỷ lệ nợ công/GDP là khá cao so với ASEAN-5.
Trước tình trạng trên, theo ông Phạm Thế Anh, mục tiêu cao nhất là đảm bảo tính bền vững của nợ công; ổn định quy mô nợ công theo khả năng thu thuế; Kiểm soát nghĩa vụ nợ/Thu ngân sách; Cải thiện cơ cấu chi ngân sách theo hướng giảm tiêu dùng tăng chi đầu tư phát triển.
Thu ngân sách nhà nước cần giảm dựa vào các nguồn thu kém bền vững, tránh phát sinh những loại phí - lệ phí mới. Chính sách tài khóa nên theo hướng nghịch chu kỳ, tạo đệm tài khóa trong thời kỳ khó khăn.
Đối với chính sách tiền tệ, ông Phạm Thế Anh nhấn mạnh, ưu tiên mục tiêu kiểm soát lạm; tăng trưởng cung tiền phải được kiểm soát một cách phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Chính sách tiền tệ phải được thực hiện theo quy tắc, minh bạch dễ dự đoán; tránh chuyển từ thái cực này sang thái cực khác một cách đột ngột; tăng cường các chính sách cẩn trận trọng kinh tế vĩ mô; loại bỏ các can thiệp hành chính.
Cũng theo chuyên gia Phạm Thế Anh, Việt Nam nên theo đuổi chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý thay vì chính sách neo tỷ giá như hiện nay. Ông Anh dẫn chứng, Thái Lan theo đuổi chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý trong khi đó Việt Nam neo tỷ giá. Tuy nhiên, từ đầu năm tới nay đồng tiền Thái Lan mất giá khoảng 9,7% như chúng ta nhưng lại không tăng lãi suất như ở Việt Nam. Các nước trong khu vực Asean lãi suất chỉ ở mức 3 - 5%.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899