Doanh nghiệp gặp khó khăn, thu ngân sách nhà nước giảm
TCDN - Ông Nguyễn Minh Tân, Phó vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết, từ tháng 6 trở lại đây, thu ngân sách nhà nước chỉ đạt từ 4 - 6% so với dự toán, điều đó cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh có vấn đề. Các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Chiều 10/11, Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) tổ chức Tọa đàm “Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 - Triển vọng và thách thức”.
Ông Nguyễn Minh Tân cho biết, dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13,3%GDP. Dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2023 là 2.076,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 291,6 nghìn tỷ đồng (+16,3%) so với dự toán năm 2022.
PGS, TS. Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính cho rằng dự báo số tăng thu quá thận trọng trong bối cảnh vĩ mô hiện nay (chỉ tăng 3,25 % so với ước thực hiện 2022, trong khi lạm phát của năm 2022 và 2023 đều dự kiến cao hơn 5%). Tổng thu NSNN giai đoạn 2023 - 2025 chỉ tăng 10,3% so với thu NSNN 03 năm 2020 - 2022, Dự kiến tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7%GDP, tỷ lệ này thấp hơn nhiều trung bình giai đoạn 2016 - 2021 (trung bình 24,6 % tính theo GDP cũ và 18,5 % nếu tính theo GDP điều chỉnh).
“Tỷ lệ thu ngân sách trên tổng GDP giảm có thể là một tín hiệu đáng mừng cho sự giảm nhẹ gánh nặng thuế đối với người dân và doanh nghiệp, tuy nhiên, nếu chi ngân sách vẫn cao thì công tác cân đối ngân sách sẽ gặp khó khăn. Thêm vào đó, thực tế gánh nặng thuế - phí đối với doanh nghiệp và người dân không có khuynh hướng giảm (chưa kể gánh nặng không chính thức), nên chúng tôi cho rằng các chỉ tiêu cần được xây dựng sát với thực tiễn và thực hành hiện nay nhằm tránh các rủi rõ vì dự báo sai”, ông Cường nhấn mạnh.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tân cho hay, trong thực tiễn có những yếu tố bất định khó lường nên cơ quan tài chính sẽ chia phần thu ngân sách nhà nước làm 2 khối là khoản thu lõi (từ sản xuất kinh doanh) và khoản thu phát sinh.
Trong những năm gần đây, theo thống kê của cơ quan tài chính, khoản thu bền vững của ngân sách là khoản thu lõi tăng từ 8 - 10%. Các khoản thu phát sinh như khoản thu từ đất đai không ổn định, bất thường, có địa bàn này thu tốt địa bàn khác thu kém. Do đó, theo ông Tân, trong tính toán Bộ Tài chính lường trước mọi yếu tố để đưa vào dự báo thu của năm sau.
Đối với dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2023, ông Tân cho rằng, nếu thoạt nhìn con số thì thấy khó hiểu. Trong khi chỉ tiêu tăng GDP là 6,5%, CPI là 4,5 % thì tăng thu ngân sách nhà nước rất thấp.
Ông Tân lý giải, tình hình kinh tế vĩ mô nói chung và thu ngân sách nhà nước nói riêng đang có vấn đề đang cần có giải pháp ứng xử kịp thời.
Cụ thể, trong lĩnh vực thu ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2022 thu ngân sách nhà nước mỗi tháng trung bình đạt 11% dự toán, từ tháng 6 trở lại đây chỉ đạt 4 - 6% so với dự toán đề ra. Điều đó cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh có vấn đề.
Theo ông Tân, những tháng đầu năm nhiều doanh nghiệp hoạt động tốt do có cú hích từ phát triển cuối năm 2021 đến đầu năm 2022. Nhưng từ sau đó doanh nghiệp bị ảnh hưởng do hợp đồng giảm, khó khăn sản xuất kinh doanh… nên số thu nộp ngân sách nhà nước giảm.
Trong khi đó diễn biến kinh tế thế giới khó lường, tăng trưởng kinh tế thế giới bị suy giảm, tác động tới các nền kinh tế thế giới về tăng trưởng, thương mại, việc làm. Do đó Chính phủ thảo luận và lựa chọn giải pháp chủ động trong điều hành trước bối cảnh biến động của thế giới. Trong trường hợp có vượt thu, chúng ta có quy định rõ ràng nguồn vượt thu để ưu tiên mục tiêu gì.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899