Công tác quản lý thu – chi ngân sách nhà nước

02/11/2022, 20:56

TCDN - Bộ Tài chính trả lời về công tác quản lý thu – chi ngân sách nhà nước.

Hỏi: Tôi hiện đang công tác tại Phòng tài chính – kế hoạch huyện Mường Ảng tỉnh Điện Biên muốn hỏi Bộ tài chính trả lời giúp đơn vị về vấn đề như sau: Trong năm 2021 huyện tôi có 01 UBND xã Nặm Lịch muốn tất toán tài khoản 3751 và tài khoản 3731 tổng số dư tư 2 tài khoản này là: 69.355.500 đồng. Nguồn gốc số tiền này là Chi phí Ban QLDA xã được hưởng từ chi phí quản lý dự án của các công trình dự án bằng nguồn vốn đầu tư công do Ban QLDA xã làm chủ đầu tư thuộc nguồn vốn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135…từ năm 2017 trở về trước.

Tài khoản trên là chi phí Ban QLDA xã được hưởng khi thực hiện quản lý dự án các công trình vốn đầu tư công thuộc các CTMTQG, để chi trả thủ lao kiêm nhiệm cho các thành viên Ban QLDA xã và chi văn phòng phẩm…đến nay các công trình đã được nghiệm thu, được cấp có thẩm quyền thẩm tra phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành, đã được tất toán vốn đầu tư của dự án theo quy định (trong đó có cả chi phí Ban QLDA mà xã được hưởng)… Đến năm 2021 thì Ban QLDA xã không thể xác định được nhiệm vụ chi vì trong thời gian này chủ tịch xã và kế toán đều là người mới, các thanh viên của ban quản lý dự án xã cũng thay đổi nhân sự.

Do đó UBND xã đã xin ý kiến HĐND xã và được HDND xã thống nhất bằng văn bản cho phép nộp số tiền trên vào thu NSNN cấp xã. Sau khi nhận được văn bản của HĐND xã thì UBND xã ra quyết định nộp số tiền trên vào thu thu ngân sách xã. Đến thời điểm cuối năm 2021 UBND xã trình HĐND cùng cấp cho phép phân bổ số tiền 69.355.500 đồng vào dự toán chi thường xuyên mã nguồn 15 để chi cho một số nhiệm vụ chi khác.

Trong năm 2022 Phòng thanh tra KBNN Điện Biên có kết luận việc xử lý số dư ở TK tiền gửi trên khi hết nhiệm vụ chi vào Thu NSNN cấp xã là khồng đúng, đồng thời việc xã phân bổ số tiền bằng dự toán vào mã nguồn 15 là sai và yêu cầu UBND xã Nặm Lịch nộp trả số tiền: 69.355.500đ vào thu ngân sách cấp trên cấp trung ương.

Vậy tôi kính mong được trả lời việc kết luận của Thanh tra KBNN Điện Biên kết luận như vậy là đúng hay sai?. Rất mong sớm nhận được câu trả lời của Quý Bộ để Phòng có cơ sở tham mưu, làm tốt công tác quản lý thu – chi ngân sách Nhà nước trong thời gian tới. Trân trọng cám ơn!

Trả lời:

Căn cứ tiết đ, Khoản 2, Điều 9 Thông tư 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước quy định: “Số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được xác định hàng năm. Việc sử dụng vốn, kinh phí bổ sung có mục tiêu phải theo đúng mục tiêu quy định. Trường hợp ngân sách cấp dưới sử dụng không đúng mục tiêu hoặc sử dụng không hết, phải hoàn trả ngân sách cấp trên”.

Tại Điều 11 Thông tư số 349/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về thanh toán, quyết toán nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 quy định:

“Điều 11. Quản lý chi phí quản lý dự án

1.  Việc quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án thực hiện theo Thông tư của Bộ Tài chính quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt đồng quản lý dự án của các Chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.

2.  Đối với chi phí quản lý dự án của Ban quản lý xã, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành định mức chi phí quản lý dự án và nội dung chi phù hợp với các quy định hiện hành và điều kiện cụ thể của địa phương nhưng không cao hơn các định mức chi phí theo cơ chế đầu tư thông thường”. Theo đó các khoản chi phí quản lý dự án mà xã được hưởng từ các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành định mức và nội dung chi.

Từ các quy định nêu trên và theo nội dung trong câu hỏi của ông Doãn Đức Chính “Nguồn gốc số tiền 69.355.500 đồng là Chi phí ban Quản lý dự án xã được hưởng từ chi phí quản lý dự án của các công trình dự án bằng nguồn vốn đầu tư công do Ban Quản lý dự án xã làm chủ đầu tư thuộc nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình 135… từ năm 2017 trở về trước”. Vì vậy, số tiền của Ban Quản lý xã không xác định được nhiệm vụ chi phải nộp trả ngân sách nhà nước, kết luận của Phòng Thanh tra – Kiểm tra KBNN Điện Biên là đúng với quy định hiện hành.

PV
Bạn đang đọc bài viết Công tác quản lý thu – chi ngân sách nhà nước tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

10 tháng, thu ngân sách nhà nước cán đích cả năm
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó thu nội địa đạt 98,4% dự toán, tăng 12,1%, tạo dư địa trong điều hành tài khóa.
Thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước tăng 14,3%
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đánh giá cả năm thu ngân sách ước tăng 14,3% so với dự toán. Tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước đạt 17,2% GDP, từ thuế, phí đạt 13,9% GDP, trong đó thu nội địa đạt 9,8%, thu dầu thô vượt 141%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 23,6%.