Năm 2023 dự kiến thu ngân sách nhà nước 1.600 nghìn tỷ đồng

27/10/2022, 19:16
báo nói -

TCDN - Dự toán tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 15,7% GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13,3% GDP.

Thực hiện quy định của Luật Ngân sách nhà nước, trên cơ sở các báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) và phân bổ ngân sách trung ương năm 2023, Bộ Tài chính biên soạn và phát hành “Báo cáo công khai dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 Chính phủ trình Quốc hội”.

Báo cáo nêu rõ, với dự báo tình hình kinh tế thế giới và trong nước, cùng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xác định mục tiêu NSNN năm 2023 là: Đẩy mạnh thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục cơ cấu lại NSNN, nợ công gắn với huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính, góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, các mục tiêu Kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, đảm bảo nguồn cho cải cách tiền lương và chính sách bảo hiểm xã hội khi được thực hiện; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự đảm bảo kinh phí hoạt động khu vực sự nghiệp công lập theo các Nghị quyết của trung ương.

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trên cơ sở đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 (dự kiến tốc độ tăng GDP khoảng 6,5%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu khoảng 8% so với năm 2022), dự toán NSNN năm 2023 như sau:

Dự toán tổng thu cân đối NSNN năm 2023 là 1.620,7 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ huy động vào NSNN khoảng 15,7%GDP, trong đó từ thuế, phí khoảng 13,3%GDP.

Cụ thể dự toán thu nội địa: 1.334,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 82,3% tổng thu cân đối NSNN, tăng khoảng 3,2% so với ước thực hiện năm 2022; dự toán thu dầu thô: 42 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,6% tổng thu cân đối NSNN, trên cơ sở sản lượng khai thác khoảng 8 triệu tấn (mỗi tấn tương đương khoảng 7,5 thùng), giá dầu dự toán khoảng 70 USD/thùng; dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu: 239 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,7% tổng thu cân đối NSNN. Trong đó: dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 425 nghìn tỷ đồng; dự toán chi hoàn thuế giá trị gia tăng là 186 nghìn tỷ đồng. Dự toán thu viện trợ: 5,5 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, với phương án nêu trên, dự toán thu NSNN năm 2023 tăng khoảng 209 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2022. Đây là mức dự toán tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới và khu vực còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước ở một số ngành, lĩnh vực còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Đối với chi NSNN, Bộ Tài chính kiến nghị nguyên tắc bố trí dự toán chi NSNN năm 2023 như sau:

Thứ nhất, đảm bảo đủ kinh phí thực hiện Chương trình phục hồi theo Nghị quyết của Quốc hội; đảm bảo bố trí tổng chi đầu tư phát triển lớn hơn bội chi NSNN cho các nhiệm vụ đầu tư công theo Luật đầu tư công và các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển theo Luật NSNN; chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn.

Thứ hai, xác định lại tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia, áp dụng cho cả thời kỳ ổn định ngân sách và số bổ sung cân đối cho từng địa phương năm 2023.

Thứ ba, bố trí kinh phí tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức; tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội đối tượng do NSNN đảm bảo và hỗ trợ thêm đối với đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng thấp, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chế độ an sinh xã hội gắn với lương cơ sở; điều chỉnh phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở; điều chỉnh chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia theo phê duyệt; các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bố trí hợp lý dự phòng, dự trữ quốc gia theo quy định để bảo đảm xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Theo đó, dự toán tổng chi cân đối NSNN năm 2023 là 2.076,2 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 291,6 nghìn tỷ đồng (+16,3%) so với dự toán năm 2022.

Trong đó, chi đầu tư phát triển: 726,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 35% tổng chi NSNN, tăng 38,1% so dự toán năm 2022, đảm bảo đủ nguồn thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Chi trả nợ lãi: 102,9 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với dự toán năm 2022.

Chi thường xuyên: 1.172,3 nghìn tỷ đồng, tăng 5,4% so với dự toán năm 2022. Trong đó, bố trí đảm bảo hoạt động bộ máy nhà nước, thực hiện các chế độ, chính sách đã ban hành; chi thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và một số nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, chi tinh giản biên chế;...

Dự toán bội chi NSNN năm 2023 là 455,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,42% GDP (bội chi NSTW khoảng 430,5 nghìn tỷ đồng, tương đương 4,18% GDP, bội chi NSĐP là 25 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,24% GDP). Trong đó: bội chi cho Chương trình phục hồi khoảng 1,53% GDP, bội chi cho cân đối NSNN là 2,89% GDP (dự toán năm 2022 là 4% GDP) là mức rất tích cực.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 19-20% tổng thu NSNN. Đến cuối năm 2023, nợ công khoảng 44-45% GDP, nợ Chính phủ khoảng 41-42% GDP, nợ nước ngoài khoảng 41-42% GDP, thấp hơn mức trần và ngưỡng cảnh báo được Quốc hội cho phép.

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Năm 2023 dự kiến thu ngân sách nhà nước 1.600 nghìn tỷ đồng tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Thu ngân sách nhà nước năm 2022 ước tăng 14,3%
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, đánh giá cả năm thu ngân sách ước tăng 14,3% so với dự toán. Tỷ lệ huy động ngân sách nhà nước đạt 17,2% GDP, từ thuế, phí đạt 13,9% GDP, trong đó thu nội địa đạt 9,8%, thu dầu thô vượt 141%, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt 23,6%.