Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Chính phủ chưa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu
TCDN - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng Quỹ.
Đưa sách giáo khoa vào Danh mục hàng hóa dịch vụ do nhà nước định giá
Chiều 2/11/2022, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Giá (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật giá số 11/2012/QH13 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIII, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013 thay thế Pháp lệnh giá năm 2002. Sau 9 năm thực hiện, Luật giá đã đi vào cuộc sống, đạt được nhiều kết quả tích cực; đồng thời cũng phát sinh tồn tại, hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật giá và các Luật chuyên ngành khác có quy định về giá.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, qua rà soát, đề xuất đưa ra khỏi Danh mục 14 hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với 4 tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá đã đề ra tại Luật và thực hiện theo cơ chế giá thị trường, gồm: Dịch vụ hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay, dịch vụ soi chiếu an ninh; Một số nội dung của thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán do các tổ chức cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán cung cấp;
Thuốc lá điếu sản xuất trong nước; Thù lao dịch vụ đấu giá; Dịch vụ quy hoạch; Thù lao môi giới, dịch vụ đưa người lao động đi nước ngoài làm việc; Thù lao công chứng; Cho thuê, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản nhà nước là công trình kết cấu hạ tầng; Nước ngầm; Dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại chợ; Nhà ở xã hội do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, xây dựng; Mặt nước; Dịch vụ sử dụng khu vực biển.
Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị bổ sung 2 mặt hàng vào Danh mục hàng hóa dịch vụ do nhà nước định giá là sách giáo khoa và Hàng hóa, dịch vụ phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các đơn vị, doanh nghiệp quốc phòng, an ninh. Như vậy, danh mục hàng hóa dịch vụ do nhà nước định giá là 40 nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Đối với chính sách về bình ổn giá, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá và giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm tính linh hoạt trong thực hiện. Các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên có điều chỉnh theo nội dung chính sách. Bên cạnh đó, mặc dù tại dự thảo Luật giá sửa đổi không quy định điều chỉnh trực tiếp đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên do những quy định về lập quỹ bình ổn giá tại Luật cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến tính pháp lý của quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Theo đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là quỹ đặc thù, được thành lập trước khi có các quy định về quỹ bình ổn giá tại Luật Giá. Khác với các Quỹ tài chính khác, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được hình thành và quản lý nhằm mục đích duy nhất là góp phần bình ổn giá xăng dầu; không phát sinh tổ chức bộ máy và không quản lý tập trung. Tổng mức trích lập hàng năm phụ thuộc vào sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước; tổng mức sử dụng phụ thuộc vào diễn biến thị trường, mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô từng thời kỳ và từng thời điểm điều hành giá. Thực tế việc quy định tại Luật Giá chỉ có sự ảnh hưởng nhất định, theo hướng tăng cường cơ sở pháp lý của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Người đứng đầu ngành tài chính cho biết, đến nay cũng có rất nhiều ý kiến khác nhau về Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Tại Báo cáo số 463-ĐGS ngày 22/10/2019 của Đoàn Giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, tuy chưa kiến nghị bỏ Quỹ nhưng cũng có nêu về Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã không còn phù hợp. Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo Quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng.
Về dư luận xã hội thông qua phản ánh từ báo chí, các chuyên gia thì cũng có nêu các cơ quan quản lý cần xem xét, nghiên cứu xóa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tăng tính chủ động, linh hoạt trong điều chỉnh giá, để giá xăng dầu trong nước vận hành theo giá thế giới. Trên cơ sở đó, tại dự thảo gửi lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng, có đề nghị rà soát đánh giá để xem xét sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay, trong suốt thời gian qua, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được sử dụng nhất quán cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu theo đúng quy định của pháp luật. Việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo nên một “bước đệm” nhằm góp phần bình ổn giá trong trường hợp cần thiết, linh hoạt trong việc bình ổn giá nhằm ổn định giá xăng dầu trong một thời kỳ hoặc không cho giá xăng dầu trong nước tăng sốc, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.
Trên cơ sở đánh giá kỹ cho thấy thời gian qua diễn biến giá mặt hàng này phức tạp, khó dự báo nên công cụ Quỹ bình ổn giá vẫn cần thiết. Vì vậy, Chính phủ đã thống nhất đề xuất trước mắt chưa bỏ công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đồng thời củng cố các cơ chế trong triển khai, tổ chức thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng Quỹ.
Một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Giá (sửa đổi) Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường nhấn mạnh Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí với đề xuất sửa đổi Luật nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.
Để đảm bảo tính thống nhất, cụ thể, bao quát của dự thảo Luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị: Các luật khác có thể quy định những vấn đề đặc thù, cụ thể thuộc lĩnh vực chuyên ngành liên quan đến quản lý giá, song cần tuân thủ các nguyên tắc chung được quy định tại Luật này. Đề nghị Chính phủ rà soát các luật liên quan để bảo đảm không mâu thuẫn, chồng chéo. Cần rà soát, bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định trong chính Luật Giá.
Về nguyên tắc bình ổn giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị việc áp dụng bình ổn giá phải bảo đảm: Bình ổn trên cơ sở điều tiết thông qua các biện pháp kinh tế như điều hòa cung-cầu; Đối với một số mặt hàng cần có khung giá phù hợp; kiểm soát tốt biến động giá từ đó kiềm chế lạm phát hoặc giảm phát; hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, trái quy luật thị trường; Hạn chế áp dụng biện pháp hỗ trợ về giá thông qua trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để bù giá, bù lỗ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách nêu rõ, việc quy định về Quỹ bình ổn giá cần đánh giá kỹ, toàn diện cả lý luận và thực tiễn, làm rõ ưu điểm, nhược điểm; xác định rõ trường hợp thành lập, điều kiện thành lập; việc thành lập Quỹ cần có mục tiêu, thời hạn và giải thể Quỹ khi hoàn thành mục tiêu.
Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần phải đổi mới theo hướng: Việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm, tiến tới phải vận hành theo thị trường; Việc điều hành Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đòi hỏi linh hoạt, hiệu quả, kịp thời hơn nữa; Cần tăng cường trách nhiệm quản lý, đề cao tính công khai, minh bạch trước người dân. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Về danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, so với quy định của Luật hiện hành, Dự thảo Luật bổ sung nhiều hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá. Tuy nhiên đề nghị rà soát, để một mặt bảo đảm vai trò quản lý nhà nước song phải tôn trọng yếu tố thị trường. Đồng thời bổ sung các tiêu chí để bảo đảm tính cụ thể, tránh áp dụng tùy tiện, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Đối với một số lĩnh vực đặc thù cần đánh giá kỹ thực tiễn để có quy định khắc phục những bất cập phát sinh thời gian qua.
Đối với giá sách giáo khoa, đây là mặt hàng thiết yếu và giá sách giáo khoa có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, tác động trực tiếp đến người dân, trong đó có người thu nhập thấp. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị cần thiết phải kiểm soát, khống chế mặt bằng giá để bảo đảm không tác động tiêu cực đến người tiêu dùng, để tạo công cụ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân, nhất là người nghèo.
Về kiểm tra yếu tố hình thành giá, dự thảo Luật sửa đổi nhiều so với quy định hiện hành về kiểm tra yếu tố hình thành giá. Tuy nhiên Tờ trình của Chính phủ chưa báo cáo về các nội dung sửa đổi. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị báo cáo cụ thể về những nội dung này; ngoài ra, một số nội dung tại dự thảo Luật chưa hợp lý.
Về thẩm định giá của Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị quy định rõ giá trị pháp lý của Kết quả thẩm định giá của Hội đồng thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá của doanh nghiệp và cần rà soát kỹ từng điều khoản của Luật để đảm bảo rõ ràng, minh bạch, khả thi khi áp dụng, đảm bảo tính thống nhất của các điều khoản trong dự thảo Luật.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899