Bộ Công Thương nói về đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

06/09/2022, 20:52

TCDN - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, một điều hết sức quan trọng ở Việt Nam nếu giá xăng tăng thì tất cả các mặt hàng khác đều tăng nhưng nếu giá xăng giảm thì các mặt hàng khác lại chưa giảm. Quỹ bình ổn tham gia việc bình ổn giá xăng dầu trong nước.

Trả lời câu hỏi của phóng viên chiều tối 6/9 về quan điểm của Bộ Công Thương trước đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong dự thảo Luật giá của Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, một điều hết sức quan trọng ở Việt Nam nếu giá xăng tăng thì tất cả các mặt hàng khác đều tăng nhưng nếu giá xăng giảm thì các mặt hàng khác lại chưa giảm. Chính vì vậy, Chính phủ và các bộ ngành đang hết sức giải quyết các vấn đề này. Đấy là tác dụng của quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Theo ông Hải, Quỹ bình ổn là quỹ tài chính không nằm trong ngân sách nhà nước và toàn bộ trích lập tham gia việc bình ổn giá xăng dầu trong nước. Quỹ này hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, không phát sinh cơ chế quản lý tập trung và không có cơ chế tài chính riêng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Liên quan đến việc trích lập khoảng gần 4.500 đồng cho mỗi lít xăng và khoảng 1.800 đồng cho mỗi lít dầu trong 7 kỳ điều hành xăng dầu gần nhất, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, hiểu như này là chưa đúng. Về trong mọi trường hợp chi bao nhiêu sẽ có con số và bộ máy kiểm tra kiểm soát.

Ông Hải cũng khẳng định, hiện nay công tác điều hành giá xăng dầu được liên Bộ Công Thương - Tài chính phối hợp rất chặt chẽ và Việt Nam là 1 trong những nước được đánh giá là bảo đảm được nguồn cung năng lượng, đặc biệt là mặt hàng xăng dầu tương đối tốt.

Về quỹ bình ổn xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, gọi là quỹ thì khi cần chúng ta trích và chi nhưng quan trọng là trích lúc nào và chi lúc nào. Ví dụ, 8 kỳ chi liên tục từ ngày 21/1/2022 đến kỳ ngày 21/4/2022, sau đó 5 kỳ liên tục từ 1/4/2022 đến 21/6/2022 đều bình ổn giá xăng dầu trong nước vì khi đó tăng liên tục, chúng ta phải chi liên tục, vì vậy giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới. Ở đây là giao dịch trên thị trường Singapore là biến động từ 11,38% đến 45,95% nhưng giá xăng dầu trong nước đến kỳ điều hành 22/8 vừa qua, chỉ tăng từ 1,14% đến 40,37%.

“Đấy là cái lợi của quỹ. Nhưng nếu giảm thì chúng ta lại trích 1 phần để đưa vào quỹ trong lúc quỹ có giới hạn”, ông Hải cho hay.

Về tước giấy phép của 5 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngày 15/2, Bộ Công Thương ban hành Quyết định thanh tra số 192/QĐ-BCT thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu. Trên cơ sở các biên bản vi phạm hành chính, giải trình của các đơn vị, ngày 31/8, Chánh thanh tra Bộ Công Thương ký ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đối với 11 thương nhân đầu mối và các công ty con của các thương nhân đầu mối này. Theo đó, xử phạt các đơn vị này 13 tỷ 343 triệu đồng.

Ngoài hình thức phạt tiền thì có 5 quyết định xử phạt áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu với 5 thương nhân đầu mối bao gồm: Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xăng dầu Tín Nghĩa; Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM; Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu và Công ty cổ phần Dầu khí Đông Phương.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, lỗi của họ chủ yếu do không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối theo quy định hiện hành và chắc chắn việc khi 5 doanh nghiệp này nếu đã bị tước quyền theo Điều 9 của Nghị định 83 thì họ không còn 19 quyền lợi, quyền hạn để họ thực hiện, kể cả việc không được mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán xăng dầu cho các thương nhân khác…

“Sáng nay, Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ và chiều nay Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương họp và cũng đã báo cáo hướng xử lý. Theo đó trước mắt là phạt hành chính, còn hình thức tước giấy phép trong một thời hạn thì vẫn áp dụng nhưng sẽ áp dụng trong một thời điểm phù hợp”, ông Hải nói và giải thích có 3 nguyên tắc xử lý quan trọng nhất.

Đó là xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật; lưu ý đến những khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay nhất là trong đại dịch vừa qua; bảo đảm được nguồn cung xăng dầu cho các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Do đó Bộ Công Thương đang xử lý, hy vọng tìm được biện pháp phù hợp nhất, tốt nhất trong thời điểm hiện nay.

Hà Giang
Bạn đang đọc bài viết Bộ Công Thương nói về đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bộ Tài chính đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu
Bộ Tài chính cho hay, gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.
'Rà soát các đơn vị vận tải kê khai giảm giá sau khi giá xăng dầu giảm'
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho biết, thường khi giá xăng dầu giảm sẽ có độ trễ nhất định để giá cước vận tải giảm. Bộ Giao thông Vận tải đã có một loạt chỉ đạo các đơn vị để khẩn trương triển khai các công việc như rà soát để kê khai giảm giá.
Thêm 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu bị tước giấy phép
CTCP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp; CTCP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa; Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro); Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu; CTCP Dầu khí Đông Phương là 5 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vừa bị Bộ Công Thương tước giấy phép do có những sai phạm trong kinh doanh.