Hoà Phát lỗ gần 1.800 tỷ khi vừa nhận danh hiệu "Lợi nhuận tốt nhất"

02/11/2022, 15:38

TCDN - Tập đoàn Hòa Phát báo lỗ quý 3 ở mức 1.786 tỷ đồng, trong khi doanh nghiệp này vừa đứng đầu Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022.

Tập đoàn Hoà Phát (HPG) vừa công bố BCTC quý 3/2022 với doanh thu 34.441 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ 2021. Khấu trừ các chi phí, HPG báo lỗ quý 3 ở mức 1.786 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi lịch sử hơn 10.000 tỷ đồng.  

Nợ phải trả của Hòa Phát đến ngày 30/9 là 85.729 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Hòa Phát đến ngày 30/9 là 85.729 tỷ đồng.

Hoà Phát cho biết kết quả kinh doanh trên là do nhu cầu thép suy yếu ở cả trong nước và thế giới, giá nguyên vật liệu trong đó đặc biệt là giá than cao gấp ba lần so với thời điểm bình thường, tín dụng thắt chặt, tỷ giá và lãi suất tăng mạnh. 

Nợ phải trả của Hòa Phát đến ngày 30/9 là 85.729 tỷ đồng, giảm hơn so với nợ tại ngày 30/6 (107.581 tỷ đồng).

Trước đó, ngày 15/9, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố Bảng xếp hạng PROFIT500 - Top 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022.

Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp đứng đầu đầu Bảng xếp hạng Top 500 Doanh nghiệp tư nhân lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2022 khi tổng nợ phải trả của Hòa Phát lúc này là 107.581 tỷ đồng, trong đó có 66.910 tỷ đồng nợ phải trả tài chính và 37.664 tỷ đồng tài sản tài chính hưởng lãi suất cố định, chiếm 51,8% tổng nguồn vốn. Đây cũng là lần đầu tiên tổng nợ của Hòa Phát vượt mốc 100.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tập đoàn thép của Chủ tịch Trần Đình Long còn hơn 3.100 tỷ đồng nợ phải trả tài chính chịu lãi suất thả nổi.

hoa-phat-chi-gan-1100-ty-dong-tra-co-tuc-20151470984444

Trong phiên giao dịch chứng khoán đầu tiên tháng 11, cổ phiếu đầu ngành thép HPG của Tập đoàn Hòa Phát khi kết phiên giảm 4,15% xuống mức 15.000 đồng/cp - mức giá thấp nhất 25 tháng kể từ đầu tháng 10/2020.

Không chỉ giảm mạnh, thanh khoản cũng xác lập kỷ lục với tổng giá trị giao dịch khớp lệnh đạt gần 82 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1,4% khối lượng cổ phiếu lưu hành của công ty. Giá trị giao dịch của HPG trong phiên được đẩy lên mức 1.244 tỷ đồng, chiếm gần 12% thanh khoản sàn HoSE.

Đây là phiên thứ 3 liên tiếp cổ phiếu này giảm điểm, thậm chí phiên 31/10 còn giảm sàn 6,85%. So với vùng đỉnh hồi tháng 10 của một năm về trước, cổ phiếu HPG đã bay 66% giá trị, vốn hóa theo đó mất gần 168.000 tỷ đồng, xấp xỉ 7 tỷ USD trong vòng 1 năm, hiện còn 87.200 tỷ đồng. Con số này khiến Hòa Phát ngày càng xa rời nhóm vốn hóa lớn nhất tại thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung.

Để hình dung về sự khốc liệt về cú lao dốc của cổ phiếu đầu ngành thép, con số gần 7 tỷ USD mà Hòa Phát mất đi chỉ trong hơn 12 tháng qua gấp tới 4 lần vốn hóa của 2 công ty chứng khoán lớn nhất thị trường là SSI và VND cộng lại, thậm chí tương đương với tổng vốn hóa của 10 ngân hàng thương mại tầm nhỏ và trung như LPB, OCB, ABB, BAB, KLB, NAB, BVB, SGB, PGB, VAB.

Cùng với sự lao dốc của cổ phiếu HPG, tài sản của Chủ tịch Trần Đình Long cũng bốc hơi đáng kể. Theo Forbes, tính tới 1/11, tổng tài sản của tỷ phú Trần Đình Long còn 1,2 tỷ USD và đứng thứ 2.182 thế giới. So với đầu năm, lượng tài sản của vị Chủ tịch này đã giảm 1,8 tỷ USD, thứ bậc xếp hạng trong danh sách tỷ phú thế giới cũng tụt 1.231 bậc so với đầu năm.

Ngày 16/5/2022, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt đối với Tập đoàn Hoà Phát số tiền 125 triệu đồng do công ty này không đảm bảo cơ cấu, số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập.

Viết Dinh
Bạn đang đọc bài viết Hoà Phát lỗ gần 1.800 tỷ khi vừa nhận danh hiệu "Lợi nhuận tốt nhất" tại chuyên mục Pháp luật tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan