Phát triển du lịch cộng đồng: Xóa đói giảm nghèo, bảo tồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa

17/02/2021, 13:52

TCDN - Xuất hiện ở Việt Nam khoảng 3 thập kỷ, mô hình du lịch cộng đồng đã khẳng định được vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch bền vững cũng như bảo tồn những giá trị văn hóa, giá trị làng nghề và tạo việc làm cho cộng đồng địa phương.

4-1

300 làng, bản hoạt động du lịch cộng đồng

Ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành đánh giá, du lịch cộng đồng đem lại nhiều lợi ích kinh tế, xã hội cho người dân địa phương thông qua tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cộng đồng, có ý nghĩa to lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, đặc biệt ở một số địa phương như Lào Cai, Hòa Bình, Lai Châu, Quảng Nam…

Bên cạnh đó, du lịch cộng đồng đã giúp khai thác, phát huy, giới thiệu và góp phần bảo tồn, lưu giữ các tài nguyên tự nhiên và văn hóa đặc sắc của Việt Nam.

Theo Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, đến năm 2020, trên cả nước có khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động du lịch cộng đồng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đến cuối năm 2019, cả nước có hơn 5.000 homestay hoạt động với sức chứa gần 100.000 khách, trong đó có hơn 2.000 cơ sở đã được công nhận đạt chuẩn.

Điển hình như tại Hà Giang, có hơn 30 mô hình cộng đồng, mỗi mô hình có 10 tiêu chí và địa phương đang xây dựng thêm một tiêu chuẩn quốc tế. Một số hộ tại Hà Giang đã được công nhận đạt tiêu chuẩn ASEAN. Việc quy hoạch 36 làng cộng đồng đang được ưu tiên, có điều kiện kết nối tour tuyến.

Du lịch cộng đồng ở Sa Pa (Lào Cai) được khởi xướng cách đây hơn hai chục năm tại trung tâm xã Tả Van, cách Sa Pa khoảng 10km. Từ năm 2008, với sự giúp đỡ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (IUCN) và Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), thị xã Sa Pa đã xây dựng thí điểm Dự án hỗ trợ du lịch bền vững. Với mục tiêu đào tạo, nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số ở Sa Pa trong việc kinh doanh du lịch, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc… Dự án hỗ trợ du lịch cộng đồng bền vững tại Sa Pa đã đạt hiệu quả cụ thể, đến nay đã nhân rộng ra nhiều xã như: Cát Cát, Lao Chải, Tả Van, Tả Phìn, Nậm Cang… với sự tham gia của 295 hộ dân cùng làm du lịch.

Còn tại Quảng Ninh, từ nay đến năm 2022, địa phương dự tính sẽ xây dựng 3 mô hình thí điểm về du lịch cộng đồng bao gồm: Khu bảo tồn văn hóa người Dao ở thôn Sơn Hải, xã Nam Sơn (huyện Ba Chẽ); làng văn hóa dân tộc Tày thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn (Bình Liêu) và điểm du lịch cộng đồng nông nghiệp xã Tiền An (Quảng Yên).

Giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh sẽ xây dựng thêm 9 điểm du lịch cộng đồng khác có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững.

Giai đoạn sau năm 2025, tỉnh sẽ tập trung vào việc đánh giá và rà soát kết quả thực hiện chính sách, điều chỉnh, cập nhật số lượng các điểm phát triển du lịch cộng đồng còn lại theo điều kiện thực tế và cân đối nguồn ngân sách.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng như các địa phương chưa thực sự quan tâm; du lịch chưa thực sự gắn kết cộng đồng, không bảo tồn được bản sắc văn hóa; hạ hầng thiếu và yếu, chưa có sản phẩm đặc sắc thu hút du khách; điều kiện vệ sinh, môi trường không đảm bảo, phát triển nóng dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh…

4-5

Xây dựng mỗi cộng đồng một sản phẩm

Theo PGS.TS. Phạm Hồng Long - Trưởng Khoa Du lịch học Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN), để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng cần xây dựng và thực hiện các chính sách pháp luật, quy chế quản lý đồng nhất; khuyến khích người dân tham vào du lịch cộng đồng, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng; phát huy nguồn lực xã hội, tăng cường liên kết các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch cộng đồng; xây dựng mỗi cộng đồng một sản phẩm để tránh trùng lặp; đẩy mạnh xúc tiến quảng bá, hợp tác quốc tế và hội nhập.

Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng - HHDL Việt Nam Phạm Hải Quỳnh nhận định, cần xem xét, cải thiện các cơ chế, chính sách phát triển du lịch cộng đồng, đặc biệt là các chính sách liên quan đến các thủ tục quản lý người nước ngoài, quản lý lưu trú, thu gom và xử lý chất thải nông thôn…; có chính sách hỗ trợ các hộ kinh doanh du lịch, người dân địa phương trực tiếp làm du lịch được tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch nông nghiệp...

Đồng thời, cần quan tâm đến các chính sách đầu tư hạ tầng như: hệ thống nhà vệ sinh đạt chuẩn, hệ thống điện, cấp thoát nước, bãi đỗ xe, trung tâm hướng dẫn, trưng bày cung cấp thông tin du lịch, bảng giới thiệu, bản đồ hướng dẫn, điểm dừng chân...

“Cần tăng cường vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong hỗ trợ, định hướng xây dựng sản phẩm; ban hành các chính sách hỗ trợ cụ thể lồng ghép đầu tư, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng sản xuất, hạ tầng phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp kết hợp với làm du lịch. Xác định rõ từng vai trò của cộng đồng, doanh nghiệp và các bên liên quan, từ đó đưa ra các giải pháp cụ thể xây dựng các chương trình hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng đối với từng điểm đến đặc thù”, ông Phạm Hải Quỳnh nhấn mạnh.

Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho rằng, cần có các yếu tố thiết yếu về hạ tầng như giao thông đi lại thuận lợi, cơ sở vật chất phục vụ du lịch, thông tin, dịch vụ cho khách, an toàn sức khỏe trong khu vực du lịch cộng đồng, nguồn nhân lực...

“Mặt khác, cần hoạch định, xác định các khu vực có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng, trên cơ sở đó có chính sách hỗ trợ để đảm bảo việc xây dựng các mô hình cộng đồng có tính bản sắc, hiệu quả và khả thi,” ông Thủy nói.

TS. Vũ Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch nêu một số bài học quốc tế. Thứ nhất, du lịch cộng đồng cần được coi trọng và là một trong những nội dung không thể thiếu trong các chính sách, chiến lược và đề án phát triển du lịch của Việt Nam nói chung và các địa phương trong thời gian tới.

Thứ hai, chính sách phát triển du lịch cộng đồng cần được lồng ghép trong các chính sách khác về phát triển vùng, phát triển cộng đồng, chính sách xây dựng nông thôn mới… Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách đầu tư, hỗ trợ thích đáng, khuyến khích sự phát triển của du lịch cộng đồng.

“Cần đẩy mạnh khai thác tốt thị trường khách du lịch nội địa, lồng ghép việc quảng bá các sản phẩm, điểm đến, đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch giáo dục, du lịch học đường đến các điểm đến du lịch cộng đồng; nghiên cứu tạo ra một phong trào ‘staycation’ trong nước, khơi dậy lòng tự hào về quê hương, về địa phương mình đang sống nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch tại điểm đến bằng chính những du khách tại địa phương hoặc các khu vực lân cận…” - ông Nam chia sẻ.

Kim Hương

Tạp chí in số Tết 2021
Bạn đang đọc bài viết Phát triển du lịch cộng đồng: Xóa đói giảm nghèo, bảo tồn tài nguyên tự nhiên và văn hóa tại chuyên mục Số đặc biệt Xuân Tân Sửu 2021 của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử: Doanh nghiệp tự tin vào năng lực, sản phẩm
Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới phát triển mạnh và là cánh cửa mới cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến. Để không bỏ lỡ cơ hội lớn, doanh nghiệp xuất khẩu cần tự tin vào chính năng lực sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm, đảm bảo giao hàng đúng hẹn cho các đơn hàng lớn.