Xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử: Doanh nghiệp tự tin vào năng lực, sản phẩm

14/02/2021, 11:29

TCDN - Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới phát triển mạnh và là cánh cửa mới cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến. Để không bỏ lỡ cơ hội lớn, doanh nghiệp xuất khẩu cần tự tin vào chính năng lực sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm, đảm bảo giao hàng đúng hẹn cho các đơn hàng lớn.

Điểm tựa duy trì đà phát triển

Theo khảo sát mới nhất của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) năm 2019 tốc độ tăng trưởng TMĐT đạt trên 32%, đưa tốc độ tăng trưởng của cả giai đoạn 2016 - 2019 đạt khoảng 30%. Quy mô TMĐT bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2019 đạt khoảng 11,5 tỷ USD, dự báo năm 2020 sẽ tiếp tục duy trì ở mức trên 30% và quy mô TMĐT sẽ vượt con số 15 tỷ USD.

Còn theo tính toán của các tập đoàn lớn thế giới như Google, Temasek và Bain & Company, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ như hiện nay, nhiều khả năng quy mô TMĐT của Việt Nam sẽ vươn tới ngưỡng 43 tỷ USD và đứng vị trí thứ 3 trong khu vực ASEAN vào năm 2025.

Nghiên cứu từ Alibaba.com cho thấy, hiện nay 65% người mua hàng B2B lên thẳng các trang TMĐT và gõ tìm kiếm các sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu của họ, so với chỉ 54% người mua hàng tìm kiếm thông qua Google. Như vậy, sức hút của các trang TMĐT đang ngày càng trở nên lớn hơn và đáp ứng đúng nhu cầu tìm kiếm hàng hóa của người mua hàng toàn cầu.

Nghiên cứu của Statista (Công y nghiên cứu về thị trường và dữ liệu người dùng) cũng cho thấy Amazon là nhà bán lẻ TMĐT phổ biến nhất tại hị trường Hoa Kỳ, tính đến đến nay Amazon chiếm hơn 38,7% tổng doanh số bán lẻ TMĐT tại Hoa Kỳ. Tiếp cận được với sàn TMĐT Amazon, Alibaba sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa một cách dễ dàng hơn, tiết kiệm được cả thời gian và chi phí, qua đó mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu và phát triển sản xuất kinh doanh - Bà Nguyễn Phương Trinh - Quản lý tài khoản cấp cao của Amazon Global Selling Vietnam chia sẻ.

Bà Đoàn Thúy - Nhà sáng lập, phụ trách kinh doanh xuất khẩu của Công ty Glovimex cho biết: Glovimex đã xuất khẩu hàng qua TMĐT gần 3 năm nay. Khi chuyển đổi từ mô hình offline sang online, doanh nghiệp đã tìm hiểu các kênh marketing online, kết hợp nhiều kênh bao gồm các sàn TMĐT B2B, các kênh mạng xã hội, website doanh nghiệp… để quảng bá sản phẩm. Dần dần, sản phẩm của Glovimex đã có vị thế nhất định trên sàn TMĐT. Đây cũng là điểm tựa để dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng trong năm 2020 vẫn duy trì được đà phát triển tốt.

“Doanh thu khi bán hàng qua TMĐT tăng gấp 2 lần so với phương thức truyền thống. Đặc biệt với sản phẩm của doanh nghiệp là thủ công, truyền thống, nếu đưa tham gia các hội chợ thì chi phí tốn kém hơn, đồng thời cũng chỉ có một số dịp nhất định trong năm, TMĐT giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí đi lại, nhân sự đồng thời tiếp cận nhiều khách hàng hơn và đơn hàng nhiều hơn”, bà Thúy chia sẻ.

6-6

Xuất phát từ sự tự tin

Theo ông Nguyễn Thiên Phúc - Giám đốc kinh doanh và vận hành Công ty Innovative Hub, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam rất đa dạng, giàu tiềm năng để xuất khẩu. Đặc biệt là các mặt hàng nông sản, trái cây của Việt Nam rất hấp dẫn người tiêu dùng nước ngoài, nhưng vì các rào cản về chất lượng xuất khẩu, giá thành nên còn phần nào hạn chế thị phần.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần tự tin vào chính năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình, tự tin vào sản phẩm, chất lượng, giá cả, giao hàng đúng hẹn, đảm bảo số lượng cho các đơn hàng lớn.

Doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến việc xây dựng lại việc nhận diện thương hiệu, cần có hình ảnh chỉn chu và thông tin nội dung của sản phẩm phù hợp, chính xác, đầy đủ và chi tiết… Từ đó giúp người mua tìm kiếm về sản phẩm tốt hơn, tin tưởng vào sản phẩm của doanh nghiệp nhiều hơn.

Để bắt đầu hành trình xuất khẩu sản phẩm trên sàn TMĐT - Bà Lê Tú Uyên- Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu đồ thủ công mỹ nghệ Love Natural chia sẻ, mọi sự khởi đầu của một chiến lược mới, một giải pháp kinh doanh mới đều xuất phát từ sự tự tin ở bản thân từng doanh nghiệp. Đương nhiên, không thể cứ nói như vậy là mọi chuyện đã được giải quyết ổn thỏa, bởi để xuất khẩu thành công cần hội tụ rất nhiều yếu tố như sản phẩm phải chất lượng, giá thành phải tốt, sản lượng sản xuất phải đủ lớn để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng...

Bên cạnh đó, để xuất khẩu qua TMĐT, doanh nghiệp phải sử dụng Tiếng Anh là ngôn ngữ mặc định và trên nền tảng TMĐT còn hỗ trợ dịch thuật tới hơn 16 ngôn ngữ phổ biến khác trên toàn cầu, giúp các nhà nhập khẩu và xuất khẩu trao đổi thông tin thuận tiện, dễ dàng hơn. Doanh nghiệp cũng cần sáng tạo, hoạt động tích cực trong các gian hàng của mình để hấp dẫn khách mua, nâng cao thứ hạng gian hàng, tăng khả năng quảng bá sản phẩm, đặc biệt là tiếp cận nhà nhập khẩu một cách toàn diện nhất bởi tính cạnh tranh trong TMĐT rất khốc liệt.

Một yếu tố quan trọng nữa là chuyển đổi số, doanh nghiệp cần số hóa tất cả điểm tiếp xúc mà doanh nghiệp sử dụng để tương tác với người mua hàng, qua đó hỗ trợ cho công tác bán hàng tốt nhất từ khâu marketting, bán hàng, cho tới chăm sóc khách hàng... Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp mở gian hàng trên các sàn TMĐT tuy nhiên người nhập khẩu lại tiếp cận doanh nghiệp qua các kênh khác như Email, website của doanh nghiệp, thậm chí gặp trực tiếp doanh nghiệp… Nếu doanh nghiệp chuẩn hóa, số hóa tất cả các kênh thì khả năng tiếp cận của người nhập khẩu rất lớn.

6-3_CMYK

Ông Lê Trọng Thêm - Giám đốc Công ty Luật LTT & Lawyers nhấn mạnh, thực tế trong kinh doanh luôn có những rủi ro, đặc biệt là TMĐT, khi người bán và người mua chưa bao giờ gặp nhau. Thêm vào đó là khác biệt về văn hóa, quy trình, dòng ngoại tệ thanh toán, đặc biệt là về tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa giữa các quốc gia, nơi xuất khẩu và nơi nhập khẩu, những luật lệ quốc tế nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam sẽ có thể gây rủi ro cho các doanh nghiệp Việt.

Đơn cử như về rủi ro trong thanh toán, bên bán đều mong muốn nhận tiền trước, trong khi đó bên mua muốn nhận hàng rồi mới thanh toán, khi đó có sự khác biệt về lợi ích giữa hai bên, vai trò của sàn TMĐT với tư cách là bên trung gian rất quan trọng.

Sự khác biệt về luật pháp, cơ chế, chính sách của đơn vị trung gian cũng có thể đem lại những tranh chấp khi doanh nghiệp Việt mới tham gia và chưa hiểu rõ luật chơi. Hay như rủi ro về địa chính trị, người bán không biết người mua ở quốc gia nào, khi hàng chuyển đi rồi nhưng phát hiện người mua ở quốc gia đang ở nước cấm vận, mà hàng đã đi nhưng tiền sẽ ách tắc ở đâu đó.

Để có thể tránh những rủi ro không đáng có và có thể tận dụng tốt cơ hội để kinh doanh qua sàn TMĐT một cách hiệu quả, theo ông Thêm, doanh nghiệp cần tìm hiểu hướng dẫn từ những đơn vị cung cấp sàn, nắm luật chơi mà sàn TMĐT quốc tế đặt ra, nắm bắt luật pháp của bên bán và bên mua để tránh những rủi ro. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tham gia những hiệp hội, tăng cường sự kết nối với cơ quan quản lý nhà nước để tìm sự hỗ trợ trong việc giải quyết những bất đồng, mâu thuẫn mà họ gặp phải trong quá trình hoạt động

Hồng Loan

Tạp chí in số Tết 2021
Bạn đang đọc bài viết Xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử: Doanh nghiệp tự tin vào năng lực, sản phẩm tại chuyên mục Số đặc biệt Xuân Tân Sửu 2021 của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan