Tình hình kinh tế vĩ mô và triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam 2021

15/02/2021, 08:32

TCDN - Kinh tế đang hồi phục và triển vọng của nhiều ngành nghề, lĩnh vực trong năm 2021sẽ giúp thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng nóng khi dòng vốn nhàn rỗi chưa tìm được đường ra nào khác, khi lãi suất huy động tiếp tục ở mức thấp.

4-4

Biến động khó lường

Những thời khắc cuối cùng của 2020 chuẩn bị khép lại, đánh dấu một năm đầy biến động của lịch sử hiện đại thế kỷ 21, đối với kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. Bầu cử Mỹ đang trên đường đến hồi kết với nhiều tranh cãi, và một sự kiện trọng đại tương tự ở Việt Nam là Đại hội Đảng đang chuẩn bị diễn ra vào cuối tháng 01/2021 sẽ quyết định tương lai của Việt Nam trong chu kỳ kinh tế 5 năm 2021 - 2025 này. Sau một loạt những thảm họa và dịch bệnh xảy ra trong năm 2020, 2021 sẽ là một năm bản lề, nhiều cơ hội cũng như đầy thử thách đối với nền kinh tế xã hội Việt Nam.

Trong kế hoạch 5 năm tới, Chính phủ Việt Nam nhắm đến mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% - 7%. Đây là một con số đầy tham vọng. Cần phải lưu ý rằng phương thức tính GDP gần đây đã được thay đổi, theo đó bao gồm cả khu vực kinh tế chưa được quan sát. Như vậy, chỉ số GDP cơ sở đã tăng lên 27% sau khi thay đổi cách tính và mục tiêu như trên của Chính phủ Việt Nam cũng cho thấy cái nhìn đầy tích cực về tình hình kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.

Trong khi kinh tế Việt Nam không tránh khỏi bị tổn thương bởi đại dịch Covid-19, so với các nước trong khu vực cũng như trên toàn thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm số rất ít nước có tăng trưởng GDP dương trong năm 2021 với mức tăng trưởng 2,91% trong khi GDP toàn thế giới tăng trưởng âm 4%. Phục hồi kinh tế tại Việt Nam chính thức được ghi nhận vào Quý 3/2020. Theo số liệu của Tổng cục thống kê, GDP 9 tháng đầu năm của Việt Nam ghi nhận mức 2,12% (Quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,62%), đây là mức tăng trưởng tích cực, đáng ghi nhận về sự nỗ lực của Đảng và Nhà nước cũng như của toàn thể các doanh nghiệp trong nền kinh tế trong bối cảnh Việt Nam không chỉ ảnh hưởng bởi đại dịch toàn cầu mà đây cũng là một năm kỷ lục về số cơn bão nhiệt đới tàn phá Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn nhận một cách thực tế là tỷ lệ thất nghiệp cao hơn, lượng hàng tồn kho lưu thông trong nền kinh tế thấp hơn, tỷ lệ gửi tiết kiệm cao cũng như lòng tin người tiêu dùng bị xói mòn trong năm 2020 với những diễn biến tiêu cực của tình hình chung kinh tế thế giới. Mặc dù vậy, 2021 vẫn có thể là một năm diễn biến khả quan với tăng trưởng GDP thực khoảng 6,5% với thời điểm tăng tốc sẽ bắt đầu từ Quý 2/2021 cho đến hết 2022 với nhiều yếu tố tích cực sau đây.

Thứ nhất, Việt Nam ngày càng trở thành một trung tâm quan trọng của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, hỗ trợ bởi một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết giữa Việt Nam với những trung tâm kinh tế lớn của thế giới như CP-TPP, EVFTA, RCEP và gần đây nhất là UKVFTA. Trong Quý 4/2020, chỉ số tăng trưởng khu công nghiệp IIP đã tăng lên 6,3% so với cùng kỳ năm trước với mức tăng trưởng riêng trong tháng 12/2020 là 9,5% trong khi khu vực sản xuất ghi nhận mức tăng trưởng 9%. Đây là một dấu hiệu quan trọng đánh dấu sản xuất đã quay lại mức trước khi xảy ra giãn cách xã hội do đại dịch Covid.

Thứ hai, Chính phủ Việt Nam đã lựa chọn cách tiếp cận hỗ trợ và thúc đẩy nền kinh tế qua hình thức đầu tư công và cơ sở hạ tầng được cải thiện từ đầu tư công cũng làm cho nền kinh tế trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư FDI.

Thứ ba, Chính phủ ban hành một loạt quy định mới có hiệu lực từ năm 2021 giải quyết vướng mắc của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán, Luật đầu tư đối tác công tư… Đặc biệt, thời gian tới cũng được coi là thời kỳ của những doanh nghiệp nhà nước cuối cùng được cổ phần hóa.

4-3

Thị trường chứng khoán thăng hoa

Cũng giống như nhiều quốc gia khác, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có những hành động nhất định để hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, đặc biệt khi chúng ta không chỉ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mà còn phải hứng chịu một loạt thiên tai.

Trong những tháng đầu năm 2020, tăng trưởng tín dụng bị chậm lại khi toàn quốc bị giãn cách xã hội và nhà đầu tư trở nên hoài nghi về một tương lai vô định chưa biết đến bao giờ ảnh hưởng bởi đại dịch mới chậm lại khi chưa có một dấu hiệu gì cho thấy vắc xin có thể được điều chế thành công trong tương lai gần. Điều này cũng gây ảnh hưởng mạnh đến tâm lý nhà đầu tư trong những tháng cuối năm khi một vài quốc gia đã công bố thành công bước đầu về điều chế vắc xin. NHNN mặc dù không tăng cung tiền trên thị trường mở (OMO), tuy nhiên, đã mua 22 tỷ Đô la Mỹ trên thị trường ngoại hối và qua đó cung cấp một tỷ lệ Việt Nam đồng tương đương lên thị trường trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chậm chạp. Thanh khoản hệ thống dư thừa cũng dẫn đến việc một loạt ngân hàng thương mại hạ lãi suất tiền gửi.

Trong năm 2020, NHNN đã có 03 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm tới 1,5-2,0%/ năm. Theo đó, đến cuối tháng 11/2020, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng hơn 1%/ năm so với cuối năm 2019. Tín dụng trong năm 2020 tăng trưởng thấp hơn các năm, đạt 10,14% so với cuối năm 2019 (năm 2019 là 13,5%). Với một nền kinh tế có tỷ lệ tiết kiệm lớn như Việt Nam, việc hạ lãi suất tiền gửi ngân hàng đã dẫn đến dòng vốn nhàn rồi dịch chuyển vào thị trường chứng khoán tăng trưởng nóng, đặc biệt là thị trường trái phiếu. Các doanh nghiệp ồ ạt phát hành trái phiếu để tái cấu trúc các khoản vay cũ, cũng như đáo hạn các khoản vay không đủ điều kiện để các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay. Theo Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành năm 2020 tăng 50% so với cùng kỳ. Theo nghiên cứu của Công ty cổ phần chứng khoán SSI, tổng quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện tại tương đương khoảng 8,6% tổng tiền gửi toàn hệ thống ngân hàng. Bộ Tài chính đã trở nên lo ngại khi phần lớn nhà đầu tư trái phiếu là những nhà đầu tư mới và đã phải ban hành Thông tư 81 trong năm 2020 để hạn chế trái phiếu của những doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn khi chi trả cho nhà đầu tư.

Về thị trường chứng khoán, tháng 11/2020 đánh dấu là thời điểm lịch sử với nhiều tài khoản mở mới nhất mọi thời đại. Nhà đầu tư cá nhân tiếp tục áp đảo nhà đầu tư tổ chức về khối lượng giao dịch. Tuy nhiên, trong khi giá cổ phiếu liên tục tăng nóng sau khi rơi tự do khi ghi nhận thông tin về những ca Covid đầu tiên thì nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng. Đến hết tháng 11/2020, theo ghi nhận của UBCKNN thì nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng 700 triệu Đô la Mỹ tại thị trường Việt Nam.

Sở Giao dịch chứng khoán Hồ Chí Minh đã liên tiếp gặp sự cố khi hệ thống giao dịch dường như đã đạt ngưỡng giới hạn. Trong năm 2019, trung bình khối lượng giao dịch trên thị trường tại sàn HoSE chỉ dao đồng từ 3-5.000 tỷ mỗi ngày thì đến tháng 12/2020, con số này là 11-15.000 tỷ đồng. Với những nhân tố thúc đẩy nêu trên, có thể nhìn nhận một cách chủ quan rằng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nóng khi dòng vốn nhàn rỗi chưa tìm được đường ra nào khác khi lãi suất huy động tiếp tục ở mức thấp. Dự kiến TTCK sẽ bớt hạ nhiệt khi những thông tin về tình hình kinh doanh của các tổ chức niêm yết trong năm 2020 sẽ được ban hành vào đầu Quý 2/2021 và phân hóa giữa những doanh nghiệp giữ vững được hoạt động kinh doanh hoặc bị ảnh hưởng ít trong năm 2020 và những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhưng có giá cổ phiếu tăng phi mã thúc đẩy bởi dòng vốn nhàn rỗi dư thừa.

Hoa Nguyễn

Tạp chí in số Tết 2021
Bạn đang đọc bài viết Tình hình kinh tế vĩ mô và triển vọng thị trường chứng khoán Việt Nam 2021 tại chuyên mục Số đặc biệt Xuân Tân Sửu 2021 của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

M&A2021: Bất động sản và du lịch, nghỉ dưỡng là điểm sáng
Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2021, đưa quy mô thị trường trở lại mốc bình thường là 5 tỷ USD. Lĩnh vực bất động sản và những lĩnh vực phục vụ cho du lịch, nghỉ dưỡng cũng sẽ trở thành điểm sáng thu hút M&A.
Ngày xuân thương nhớ ngày xưa
Xưa, làng tôi có một cái đình, nằm ở đầu làng, cạnh là một cây gáo, thân thẳng đứng, cành nhánh sum sê, bốn mùa soi bóng dưới dòng sông Cu Đê nước trong leo lẻo. Nghe kể, ngôi đình này được xây dựng từ 300 năm trước, do người dân trong làng góp sức theo lệ mà thành.