Ngày xuân thương nhớ ngày xưa

12/02/2021, 17:32

TCDN - Xưa, làng tôi có một cái đình, nằm ở đầu làng, cạnh là một cây gáo, thân thẳng đứng, cành nhánh sum sê, bốn mùa soi bóng dưới dòng sông Cu Đê nước trong leo lẻo. Nghe kể, ngôi đình này được xây dựng từ 300 năm trước, do người dân trong làng góp sức theo lệ mà thành.

Ngôi đình rộng, thoáng đãng với cây gáo cùng hàng trúc “quân tử” phía trước làm tôn vẻ yên tịnh, trang nhã cho ngôi đình, hơn nữa có khả năng chống sạt lở khi lũ lụt kéo về.

3

Hàng năm, cứ đến tết, cả làng kéo nhau ra đây, dưới bóng cây gáo góp vui bằng các trò chơi dân gian, thôi thì đủ thứ, kể cả đua thuyền, có khi kéo dài đến rằm tháng giêng. Vào những ngày lễ, dưới bóng cây gáo là nơi quần tụ mọi người. Tại đây, vào những ngày đầu của Cách mạng tháng Tám năm 1945, lần đầu tiên trong lịch sử, người dân quê tôi đến đình làng, tựu tề xung quanh cây gáo để bỏ phiếu bầu ra người trưởng thôn, thay lý trưởng. Lá phiếu là bông hoa vạn thọ, bỏ vào hai cái nón lá, tương ứng với hai ứng viên được giới thiệu. Chiếc nón nào nhiều hoa hơn, người ấy sẽ làm trưởng thôn, trưởng làng.

Nếu tính từ mùa thu năm ấy, người trưởng thôn của làng tôi (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) là ông Hồ Thúc Kha có kiến thức tây học lẫn nho học, còn Chủ tịch Lâm thời UBND thành phố Đà Nẵng đầu tiên kể từ năm 1945 là ông Lê Văn Hiến. Năm 1946 ông Lê Văn Hiến trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I, là Bộ trưởng Tài chính của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa thành lập, còn Bà Lê Thị Xuyến (vợ ông) là Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam đầu tiên. Không rõ giữa cây gáo và ông Hồ Thúc Kha có liên quan gì mà năm 1946 khi kháng chiến toàn quốc nổ ra, cả làng chạy giặc, không còn là trưởng thôn nữa, năm 1954, tập kết ra Bắc ông theo học đại học lâm nghiệp, ra trường về làm ở Viện Nghiên cứu lâm nghiệp (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội). Mươi năm trước, mấy lần ra Hà Nội, tôi ghé thăm ông, nhưng quên hỏi ông có nhớ cây gáo sân đình không? Theo ông mô tả, làng tôi thời ông còn nhỏ, chưa xa quê, đất đai màu mỡ lạ thường, còn rừng thì nguyên sinh, là nơi chung sống của muôn loài, kể cả voi, hổ, gấu ngựa. Nguồn phù sa từ nguồn mang về hằng năm qua mỗi cơn lũ làm cho làng tôi tươi tốt, thanh bình.

Thời gian lẳng lặng đi qua, chiến tranh liên miên, hết chống Pháp rồi đến chống Mỹ, cộng thêm sự tàn phá rừng đầu nguồn dữ dội kể từ sau ngày quê hương giải phóng, lũ lụt hết năm này đến năm khác tấn công làng tôi quá chừng. Một lần nữa người dân quê tôi không được gắn bó với ngôi làng yêu thương của mình, đành từ biệt ra đi. Đây là lần thứ 3, hai lần trước vào các năm 1946 và 1965 khi tiếng súng vang lên, khi chiến dịch bình định nông thôn với ấp chiến lược của chế độ Sài Gòn lan tỏa mọi ngõ ngách. Cái đình, vì thế cố nhiên giờ đây cũng chẳng còn. Có chăng chỉ còn những phiến đá xanh rêu, trơ gan cùng tuế nguyệt, nằm chỏng trơ ven sông. Còn cây gáo với da cây màu trắng, thẳng tắp, hùng dũng, chi chít kỷ niệm vui buồn gửi gắm cùng bộ rễ khỏe khắn năm nào cũng chẳng còn, dẫu chỉ là một chút phế tích.

Tuổi thơ chân đất mình trần, những câu chuyện kể về ngôi đình với cây gáo đối với tôi là hình ảnh đẹp như chiếc áo lụa Hà Đông em đi rồi chợt nắng. Lớn lên, có dịp đến các làng quê xa theo chiều dài đất nước, mới hay, chẳng riêng gì làng tôi mà nhiều nơi khác, đình làng cũng chẳng còn nhiều sau khi trải qua những cuộc bể dâu, do khách quan và chủ quan của con người. Thay vì mọi sinh hoạt văn hóa, vui chơi ở đình làng thì giờ đây diễn ra ở nhà văn hóa thôn, hay sân trụ sở UBND xã. Nhà văn hóa thôn ở đâu cũng có, nhiều nơi có cả sách báo, điện thoại, internet, wifi, 3G, 4G nhưng xem chừng văng vắng, không mấy mặn mà, đặc biệt thiếu bóng cây xanh. Vì ít bóng mát, thiếu người lui tới, nên nhiều nhà văn hóa cứ ẩm mốc, cỏ mọc kín lối đi. Gần đây, quá trình đô thị hóa dồn dập tiến về các làng quê, có nơi nhà văn hóa thôn biến thành cửa hàng bia. Những cây đa, lộc vừng, sung, khế… với bộ rễ cũ kỹ, thân sù sì bốn mùa điểm xuyết ngôi làng đều trở thành hàng hóa. Cây cổ thụ cũng lần lượt “bỏ” làng quê ra thành thị, chẳng khác gì trai tráng trong làng. Vì thế, chẳng có gì lạ khi các làng quê hôm nay trong bộn bề, tấp nập của cuộc sống cứ mơ về một ngôi đình thân thương với cây đa giếng nước mờ xa để xuân thu nhị kỳ nhà nhà gặp nhau, con em trong làng ngược xuôi đoàn tụ.

Lịch sử ghi lại: Đình làng với cây đa (làng tôi là cây gáo) “là nơi sinh hoạt văn hóa của các gia đình nông thôn xưa. Khi nho giáo phát triển, đình làng cũng là nơi thờ Thành Hoàng. Thành Hoàng là người có công khai khẩn, phân phát đất đai, được người dân bản địa vinh danh. Đình làng còn là nơi bàn bạc cơ nghiệp nông trang, mùa vụ, thảo luận và ban hành khế ước hương thôn”. Đó là khế ước thành văn hay không thành văn nhưng mọi người đều nhất nhất tuân thủ, giữ gìn. Các khế ước ấy như những viên gạch cùng luỹ tre, cây đa, bến nước góp phần làm nên bản sắc văn hóa làng quê, là thành trì vững chắc của xã hội. Và, từ những chiếc nôi văn hóa làng quê đã sản sinh, nuôi dưỡng những tấm lòng đôn hậu, nhân văn, giàu tình người. Đối với làng tôi, xưa có lệ, hằng năm mỗi người đều có trách nhiệm trồng tre, trúc ven sông nhằm tạo cảnh quang và bảo vệ làng không bị sạt lỡ. Cây gáo ở đình làng chỉ là một trong muôn một.

5

Tết rồi, về làng tựu tề cùng họ hàng, bạn bè, uống chén rượu xuân ấm nồng nghĩ về một mái đình hiện hữu với cây gáo cùng hàng trúc quân tử đều tăm tắp như sống dậy tuổi thơ năm nảo, năm nào. Bất chợt, tôi chạy ra đình làng, dẫu nay chỉ là phế tích, để tận hưởng âm thanh vọng về đâu đây theo tiếng trống, tiếng nhạc, tiếng hò reo... Đó là cảm giác thú vị thường có trong những người con đi xa có dịp trở về, dẫu cảm giác ấy không hình, không thanh, không sắc, không mùi, không vị. Thôi thì cứ xem đó là màu của màu, vị của vị, hình của hình có được chăng?

Ông Hồ Thúc Kha - người con đức độ cùa làng, sau khi nghỉ hưu thời gian, chuyển nhà về thành phố Đà Nẵng ở. Hôm ông 100 tuổi, có người đề nghị để ông yên nghỉ ở nghĩa trang thành phố cho tiện hương khói hoặc nghĩa trang Hoà Sơn vốn rộng và đẹp (ngoài rìa Thành phố) cuối cùng gia đình đưa ông về quê, nằm cạnh bìa rừng trùng điệp mới trồng, non non màu lá, chếch về hướng mặt trời mọc, cách mộ ông cừng mươi mét, ai đó trồng một cây gáo, lá dày, khoẻ, thân no đầy, vươn thẳng nhìn trời xanh, chốc chốc cành nhánh đu đưa trong nắng sớm.

Hồ Anh Mỹ

Bạn đang đọc bài viết Ngày xuân thương nhớ ngày xưa tại chuyên mục Số đặc biệt Xuân Tân Sửu 2021 của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Xuất khẩu qua sàn thương mại điện tử: Doanh nghiệp tự tin vào năng lực, sản phẩm
Thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới phát triển mạnh và là cánh cửa mới cho các doanh nghiệp Việt xuất khẩu trực tuyến. Để không bỏ lỡ cơ hội lớn, doanh nghiệp xuất khẩu cần tự tin vào chính năng lực sản xuất, kinh doanh và chất lượng sản phẩm, đảm bảo giao hàng đúng hẹn cho các đơn hàng lớn.
Năm 2021: Vàng tiếp tục tăng giá, USD bất ổn
Năm Tân Sửu, Tân là âm kim, Sửu là âm thổ, là năm hành thổ nên vàng tiếp tục tăng giá. Việt Nam cần cẩn trọng trong vấn đề tích trữ USD, bởi năm 2021, USD không phải là đồng tiền ổn định - Chuyên Gia Phong Thủy Nguyễn Song Hà - Công ty Phong Thủy VNN nhận định.