M&A2021: Bất động sản và du lịch, nghỉ dưỡng là điểm sáng
TCDN - Hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) tại Việt Nam có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2021, đưa quy mô thị trường trở lại mốc bình thường là 5 tỷ USD. Lĩnh vực bất động sản và những lĩnh vực phục vụ cho du lịch, nghỉ dưỡng cũng sẽ trở thành điểm sáng thu hút M&A.
Hồi phục theo mô hình chữ V
Trên phạm vi toàn cầu, giá trị M&A năm 2020 tính đến quý II/2020 đã ghi nhận suy giảm 52%. Việt Nam được đánh giá ít bị tác động nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á nhưng trong trạng thái bình thường mới, hoạt động M&A dự kiến suy giảm, với giá trị năm 2020 ước đạt 3,5 tỷ USD (bằng 48,6% so với năm 2019).
Tuy nhiên giới đầu tư và doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn tin vào sức bật của thị trường M&A trong giai đoạn hậu Covid. Theo dự báo của CMAC, thị trường có thể sẽ hồi phục theo mô hình chữ V trong giai đoạn 2021 - 2022. Theo đó thị trường có thể phục hồi về mức 4,5 - 5 tỷ USD vào năm 2021 trước khi bật mạnh hơn trở lại với giá trị 7 tỷ USD vào năm 2022.
Trên thực tế, nhiều tổ chức nước ngoài đã nhắc tới Việt Nam như một “trung tâm” thu hút vốn đầu tư của khu vực với biểu hiện rõ nét trong lĩnh vực M&A. Số liệu thống kê cũng cho thấy, tính đến ngày 20/12 tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đã đạt con số 28,5 tỷ USD.
“Việt Nam là một trong rất ít quốc gia trên thế giới và trong khu vực có mức tăng trưởng dương, đặc biệt, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo của nước ta đang đạt mức tăng trưởng cao, lại đã khống chế đại dịch tương đối tốt, có sự ổn định tình hình kinh tế - xã hội. Đó là một trong những nhân tố giúp đầu tư nước ngoài gia tăng trong thời gian tới, đầu tư nước ngoài nói chung và M&A nói riêng sẽ có nhiều cơ hội để tăng trưởng ở Việt Nam trong năm 2021”, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế dự báo.
Các chuyên gia cho rằng, hoạt động M&A tại Việt Nam có thể hồi phục trở lại từ giữa năm 2021, đưa quy mô thị trường trở lại mốc bình thường là 5 tỷ USD.
Nhận định về xu hướng M&A tại thị trường Việt Nam trong thời gian tới, ông Nicolas Audier - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) chia sẻ, nhờ vào Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được ký kết sẽ gián tiếp thúc đẩy các giao dịch M&A được thông qua. Những dự án từ châu Âu qua Việt Nam nhân dịp này sẽ bùng nổ.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, nhà đầu tư sẽ quan tâm đầu tiên đến môi trường đầu tư ổn định, thứ hai là lợi nhuận đem lại cao. Nếu nền sản xuất và nền kinh tế không tăng trưởng ổn định thì khó lòng có được hai yếu tố này. Hiện có rất nhiều quốc gia đang lo lắng làn sóng dịch quay trở lại nhưng Việt Nam lại khá an tâm.
Đặc biệt, với sự thay đổi của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp trong năm 2020 là một trong những cú hích quan trọng giúp môi trường kinh doanh của Việt Nam càng trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Chuyên gia cho rằng hàng loạt đổi mới về cơ chế quản lý, cải thiện về môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh của Việt Nam đã được các nhà đầu tư trên thế giới đánh giá cao, minh chứng là năng lực cạnh tranh của chúng ta được nâng lên 9 bậc.
“Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới đã đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư, số lượng đầu tư đã tăng lên rất cao. Những điều đó cho thấy hai luật này đã tác động rất tốt đến môi trường kinh doanh của Việt Nam. Việt Nam đang có lực hấp dẫn rất lớn với nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư quốc tế”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Còn theo ông Masataka Sam Yoshida, Giám đốc toàn cầu Dịch vụ mua bán - sáp nhập xuyên quốc gia, RECOF Corporation, Tổng giám đốc RECOF Việt Nam, xu hướng M&A của công ty Nhật vào Việt Nam tới đây sẽ sôi động. Bởi các công ty Nhật cần thị trường mới để mở rộng, hầu hết các lĩnh vực ở Nhật đã phát triển chạm trần, gần 1/3 dân số tuổi trên 65 tuổi, khiến độ tuổi trung bình của người Nhật là 48,4 tuổi, hơn người Việt Nam gần 20 tuổi.
Chế biến chế tạo, nông nghiệp, chế biến là ngành nổi bật
Nhận định về một số lĩnh vực có thể thu hút M&A, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng chế biến chế tạo, nông nghiệp, chế biến nông sản… sẽ là những ngành nổi bật. Nông nghiệp của Việt Nam có mức tăng trưởng tốt, cơ cấu trong nông nghiệp thay đổi đáng kể, nhất là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến đã đi vào chiều sâu.
Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản và những lĩnh vực phục vụ cho du lịch, nghỉ dưỡng cũng sẽ trở thành điểm sáng bởi lẽ Việt Nam là quốc gia thuận lợi cho hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng và tiềm năng còn rất dồi dào.
Một yếu tố khác khiến M&A sẽ sôi động hơn trong năm là tuy tình hình kinh doanh đã khả quan nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn, họ đang cần vốn nên muốn hợp tác với doanh nghiệp khác hoặc tìm cách thu lại vốn để tìm ngành nghề kinh doanh mới khiến M&A trở thành xu hướng tất yếu sau đại dịch.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh doanh nghiệp cần cẩn trọng trong quá trình M&A đối với cả bên bán và bên mua. Đối với những doanh nghiệp trì trệ, có hoạt động giảm sút, dù muốn nhanh chóng M&A nhưng cũng cần đánh giá mình một cách chuẩn xác để tránh tình trạng bán mình với giá rẻ, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn. Với người mua cũng cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ đối tác, thị phần, hoạt động trước đây ra sao để có thể tiến tới quá trình M&A thành công, tạo lợi ích cho cả hai bên.
Hương Liên
email: [email protected], hotline: 086 508 6899