Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ: Hợp chuẩn quốc tế, tập trung nhóm hàng có lợi thế cạnh tranh

13/02/2021, 15:56

TCDN - Nhiều sản phẩm gốm, sứ, sơn mài, đồ gỗ, hàng mây tre, dệt may, thêu đan… của Việt Nam được người tiêu dùng thế giới ưa chuộng dùng làm đồ trang trí nội thất và quà tặng. Tuy nhiên, hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ dung lượng thị trường.

7-1

Lợi nhuận gấp 5 - 10 lần

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ trong những năm qua luôn trong nhóm 10 mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và ngành thủ công mỹ nghệ có vai trò quan trọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, là ngành nghề thu hút nhiều lao động tham gia làm hàng xuất khẩu, góp phần xoá đói giảm nghèo ở nông thôn.

Thống kê của Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho thấy, cứ 1 triệu USD xuất khẩu của ngành thủ công mỹ nghệ mang lại lợi nhuận gấp 5 - 10 lần so với ngành khai thác; giải quyết việc làm từ 3 - 5 nghìn lao động, nhóm hàng thủ công mỹ nghệ được xếp vào nhóm sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu lớn và có tỷ suất lợi nhuận cao. Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này mang lại giá trị gia tăng lớn và được coi là ngành hàng mũi nhọn để tập trung phát triển xuất khẩu trong các năm tới.

Các sản phẩm thủ công của Việt Nam đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam giai đoạn 2015 - 2019 tăng trung bình 9,5%/năm, từ 1,62 tỷ USD (2015) lên đến 2,23 tỷ USD (2019).

Thị trường Mỹ là thị trường tiêu thụ lớn nhất cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam (với doanh số chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu hàng năm), bên cạnh đó là các thị trường như Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (đặc biệt là Đức, Anh, Pháp, Hà Lan…), Úc, Hàn Quốc…

Các thương hiệu được biết đến như hàng mây tre lá của Hiền Uyên Vi (Bình Dương), túi xách của Kiến Hưng (Đồng Tháp), gốm sứ của Quang Vinh (Hà Nội), trang sức của Minh Giang (Hà Nội), đồ chơi của Bình Nga (TP. Hồ Chí Minh), gốm sứ Minh Long (Bình Dương), chăn ga gối đệm (hàng thêu) của Tập đoàn Hoàng Hải (Hưng Yên)… Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm đặc trưng từ các làng nghề nổi tiếng như sen Đồng Tháp, mành trúc Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), đá Non Nước (Đà Nẵng),… Khách hàng thế giới quan tâm đặc biệt đến hàng thủ công mỹ nghệ Việt. Việt Nam cũng được xem là nước có nguồn hàng ổn định, chất lượng tốt mà các nhà nhập khẩu hàng thủ công và trang trí gia đình trên thế giới có thể tin cậy, lựa chọn.

Hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu chủ yếu bao gồm 5 nhóm: Túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù; đồ chơi, dụng cụ thể thao và bộ phận; hàng gốm sứ; sản phẩm mây, tre, cói, thảm; gỗ mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, nhiều mặt hàng thời trang, quà tặng đã được xuất khẩu tại chỗ thông qua việc phục vụ nhu cầu mua sắm của khách nước ngoài đến Việt Nam (hiện chiếm khoảng 15% tổng chi tiêu- khoảng 15 USD/khách). Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu tại chỗ của Việt Nam thời gian qua chưa được chú trọng một cách chiến lược.

Đáp ứng nhiều phân khúc thị trường khác nhau

Ông Lê Bá Ngọc, Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) cho biết, cả nước hiện có 5.411 làng nghề và làng có nghề. Trong đó có 1.864 làng nghề truyền thống và 115 nghề truyền thống đã được công nhận. Đây là lợi thế lớn để Việt Nam tăng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ, cũng là cơ hội để các ngành nghề thể hiện sức mạnh sáng tạo, nét độc đáo trong sản xuất sản phẩm thủ công. Tuy nhiên, sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt vẫn gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, do năng lực cạnh tranh còn thấp. Trên thị trường quốc tế, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam thường bị đánh giá là mẫu mã đơn điệu, giá thành cao hơn so với một số nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc… Vậy nên, hàng thủ công mỹ nghệ Việt thường gặp khó khăn khi xuất khẩu vào các thị trường lớn như Hoa Kỳ (Mỹ), Nhật Bản, Châu Âu (EU), vì các thị trường này có nhiều quốc gia cùng tham gia cạnh tranh xuất khẩu.

Ở trong nước, doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ hiện nay đang thiếu nhiều nhân sự có năng lực, chuyên môn sâu về marketing để mở rộng thị trường xuất khẩu. Lại nữa, doanh nghiệp hầu hết sản xuất theo mẫu mã sẵn có của đối tác đặt hàng, hay những mẫu mã rập khuôn cũ, bởi phần lớn đều là DNVVN, các hợp tác xã, hộ sản xuất gia đình. Phần lớn doanh nghiệp chỉ đẩu tư rất ít, thậm chí là không có đầu tư bộ phận thiết kế. Sản phẩm vì thế không có lợi thế cạnh tranh. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ yêu cầu ngày càng cao về chất lượng lẫn mẫu mã sản phẩm. Cụ thể như thị trường Mỹ, vốn là nhà nhập khẩu lớn nhất các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, với tổng giá trị gần 70 tỷ USD/năm. Nhưng thị trường này yêu cầu cao về chất lượng, sản phẩm độc đáo và có giá trị lịch sử.

Tại mỗi kỳ hội chợ tại nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam đã kết nối trực tiếp với trung bình khoảng 500 khách hàng đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới với nhiều khách hàng tiềm năng đã và đang mua hàng trong khu vực.

Hiện tiến trình sự hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang mở ra rất nhiều cơ hội và thách thức cho các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Do đó, để ngành hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam có thể mạnh mẽ vươn ra thế giới, ngành thủ công mỹ nghệ cần xác định hướng chiến lược xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ giai đoạn 2021 - 2025 là nâng cao năng lực xuất khẩu chuỗi giá trị hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam trên cơ sở tập trung vào các nhóm mặt hàng có lợi thế cạnh tranh, gia tăng giá trị sản phẩm, tăng cường hợp chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng được nhiều phân khúc thị trường khác nhau, trong đó tập trung vào phân khúc thị trường trung và cao cấp.

Minh Nguyệt

Tạp chí in số Tết 2021

Tin liên quan

Năm 2021: Vàng tiếp tục tăng giá, USD bất ổn
Năm Tân Sửu, Tân là âm kim, Sửu là âm thổ, là năm hành thổ nên vàng tiếp tục tăng giá. Việt Nam cần cẩn trọng trong vấn đề tích trữ USD, bởi năm 2021, USD không phải là đồng tiền ổn định - Chuyên Gia Phong Thủy Nguyễn Song Hà - Công ty Phong Thủy VNN nhận định.