Phát triển nhân lực du lịch trước yêu cầu tăng trưởng xanh của thành phố Hải Phòng

22/12/2024, 10:00
báo nói -

TCDN - Để đối phó với các tác động biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng phức tạp đòi hỏi phải có sự thay đổi phù hợp, nhanh chóng và cần thiết, một trong những việc cần làm ngay đó là định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh đang được nhiều quốc gia hướng tới.

1-1

TÓM TẮT:

Đứng trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu ngày càng phức tạp, gây nên những ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ đời sống - kinh tế - chính trị - văn hoá của các quốc gia. Để đối phó với các tác động này đòi hỏi phải có sự thay đổi phù hợp, nhanh chóng và cần thiết, một trong những việc cần làm ngay đó là định hướng phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh đang được nhiều quốc gia hướng tới. Việc phát triển du lịch theo xu hướng này cũng không phải là ngoại lệ, đó vừa là xu hướng thay đổi theo thời đại vừa là động lực để thúc đẩy sự hoàn thiện của ngành du lịch ở từng địa phương. Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi phải có sự chuẩn bị sẵn sàng của nhân lực du lịch trước các cơ hội và thách thức của yêu cầu tăng trưởng xanh.

1. Tăng trưởng xanh và thách thức đối với ngành du lịch Hải Phòng

“Tăng trưởng xanh” là thuật ngữ được xuất hiện giai đoạn những năm 2000 do giáo sư Paul Ekins, người Anh đưa ra khi bàn về sự phát triển kinh tế theo hướng đảm bảo sự thân thiện, bền vững về mặt môi trường. Tăng trưởng xanh có nghĩa là: đặt sự tăng trưởng GDP trong yêu cầu bảo tồn hoặc tăng cường của các hệ sinh thái và mang lại nhiều đóng góp cho sức khỏe, phúc lợi và chất lượng cuộc sống của con người. Quan điểm này đã nhanh chóng trở thành một phương thức hay xu hướng phát triển được quan tâm và vận dụng cho nhiều lĩnh vực kinh tế, trong đó có du lịch.

“Tăng trưởng xanh” có thể được đúc kết ở 3 điểm cốt lõi: Tăng trưởng xanh là tăng trưởng sạch, thân thiện với môi trường, giảm phát thải khí nhà kính để giảm thiểu biến đổi khí hậu (ít carbon); Tăng trưởng xanh là tăng trưởng theo chiều sâu, hao tổn ít nhiên liệu, tăng cường các ngành công nghiệp sinh thái, đổi mới công nghệ; Tăng trưởng xanh là tăng trưởng bền vững, xóa đói giảm nghèo và phát triển công bằng. Ở chừng mực nhất định, về mặt ý nghĩa và tính chất, khái niệm này gần như tương đồng và là một phần cụ thể hóa, mang tính mấu chốt của khái niệm “Phát triển bền vững” (ở khía cạnh kinh tế) vốn đã được đưa ra và sử dụng từ nhiều thập kỷ trước.

Theo xu hướng phát triển và yêu cầu thay đổi, tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) đã lập ra Chương trình Phát triển du lịch bền vững. Cùng với đó, những năm gần đây, UNWTO đã xem việc phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như là một phần của lộ trình hướng tới phát triển bền vững. UNWTO nhấn mạnh vai trò tiềm năng của du lịch như một tác nhân kích thích kinh tế trong nền kinh tế xanh. Năm 2011, UNWTO đã phát hành cuốn sách Tourism in the Green Economy (Du lịch trong nền kinh tế xanh), điều này cho thấy quan điểm về việc phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là rất quan trọng, cần thiết và gắn liền với sự phát triển nền kinh tế xanh.Hải Phòng là thành phố cảng, trung tâm công nghiệp và là đầu mối giao thông quan trọng giao lưu kinh tế trong và ngoài nước, là cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng kinh tế động lực, trọng điểm phía Bắc. Trong những năm qua, kinh tế Hải Phòng có bước tăng trưởng khá và ổn định.

Hải Phòng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư phát triển đồng bộ và hiện đại, trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông đã tạo sức hút lớn đối với các nhà đâu tư trong và ngoài nước có tiềm lực tài chính và công nghệ tiên tiến đến với Hải Phòng, kéo theo sự gia tăng về nhu cầu lao động trong các ngành kinh tế.

Theo báo cáo từ Sở Du lịch TP Hải Phòng, trong 8 tháng đầu năm, du lịch Hải Phòng ước tính đón và phục vụ khoảng hơn 6,5 triệu lượt khách. Trong đó, đảo Cát Bà đón khoảng 2,8 triệu lượt khách, khu du lịch Đồ Sơn đón khoảng 2,6 triệu lượt khách.

Ông Vũ Huy Thưởng - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết: “Sở đã có những chỉ đạo với các ban ngành triển khai các công tác nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của thành phố. Bên cạnh đó, thời gian qua thành phố cũng đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ, phương tiện vận chuyển như đưa vào hoạt động 2 phà mới di chuyển sang đảo Cát Bà cùng với 8 phà cũ, giảm 50% giá vé cáp treo nhằm kích cầu du lịch, xây dựng thêm các tuyến đường giao thông… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch”.

Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 554 cơ sở lưu trú du lịch với 16.284 phòng. Trong đó, có 6 khách sạn hạng 5 sao, 09 khách sạn 4 sao và 04 khách sạn hạng 3 sao. TP Hải Phòng hiện sở hữu 4 sân golf đạt tiêu chuẩn quốc tế, thu hút lượng du khách tham gia thường xuyên và ổn định trong 4 mùa.

Ông Mai Xuân Thắng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hải Phòng nhấn mạnh: “Chưa bao giờ kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông, lưu trú của Hải Phòng lại tốt như vậy. Riêng Cát Bà có khoảng 15.000 phòng, Vịnh Lan Hạ có 1.400 phòng, Đồ Sơn cũng tương đương. Tuy nhiên, nguồn khách của Hải Phòng vẫn còn hạn chế, mang tính thời vụ. Trong khi, nguồn khách nội địa đang có khả năng chi trả cao hơn trước rất nhiều. Chính vì vậy, trong tương lai, các sở ban ngành, các doanh nghiệp du lịch cần phải xây dựng thêm các sản phẩm mới, phát triển hoạt động du lịch 4 mùa, giữ chân du khách lâu hơn, thu nguồn lợi nhuận lớn từ ẩm thực, lưu trú...”.

2. Thực trạng nhân lực du lịch trước đòi hỏi phát triển xanh

Theo Đề án Tổng thể phát triển du lịch TP Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được của UBND TP Hải Phòng đã phê duyệt với định hướng phát triển và mục tiêu rất cụ thể. Đề án nêu rõ: đến năm 2025, ngành du lịch của thành phố đặt mục tiêu đón khoảng 10 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng nguồn thu từ hoạt động du lịch đạt 12.400 tỷ đồng và đóng góp khoảng 2,80% GRDP thành phố. Mục tiêu đến năm 2030, thành phố Hải Phòng đón khoảng 20 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 2,8 triệu lượt khách quốc tế, tổng nguồn thu từ các hoạt động du lịch đạt 25.500 tỷ đồng, đóng góp khoảng 4,19% GRDP thành phố. Về mục tiêu cải thiện việc làm: ngành du lịch sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 18.700 lao động trực tiếp năm 2025, đến 2030 là 23.000 lao động. Đồng thời, cũng sẽ góp phần bảo tồn văn hóa, tuyên truyền và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.

Tuy nhiên, mục tiêu phát triển du lịch cần phải gắn liền với bảo vệ môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả, tham gia tích cực vào bảo tồn hệ sinh thái và giảm thiểu tác động môi trường về rác thải, khí thải tại các khu, điểm du lịch. Điều này đặc biệt quan trọng và là một trong những yêu cầu bắt buộc khi thành phố đang hướng tới tăng trưởng xanh. Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% các khu, điểm du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân huỷ.

Hải Phòng là một trong những thành phố lớn của Việt Nam, với tiềm năng phát triển du lịch đa dạng nhờ vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện và nhiều tài nguyên du lịch phong phú như Đồ Sơn, Cát Bà, cùng các giá trị văn hóa - lịch sử đặc sắc. Tuy nhiên, thực trạng nhân lực trong ngành du lịch tại Hải Phòng hiện đang gặp một số thách thức và cơ hội. Để đạt được các mục tiêu đề ra đòi hỏi nhân lực du lịch của thành phố Hải Phòng phải vừa đảm bảo về số lượng và chất lương, phải đạt được các tiêu chuẩn của quốc gia và khu vực. Hiện nay nhân lực du lịch của thành phố Hải Phòng vẫn còn ở mức khá khiêm tốn. Tổng số doanh nghiệp lữ hành hoạt động trên địa bàn thành phố là 142 doanh nghiệp. Trong đó có 85 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, 54 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, 03 chi nhánh công ty kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành.

Mặc dù số lượng lao động trong ngành du lịch tăng lên hàng năm, nhưng tỷ lệ nhân lực được đào tạo bài bản về chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng phục vụ khách du lịch vẫn còn hạn chế. Nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao hiện nay chưa đồng đều về chất lượng. Song nhiều nhân lực tại các cơ sở du lịch nhỏ, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, chưa được đào tạo đúng chuẩn. Vì vậy cần có những chính sách hữu hiệu thiết thực để đào tạo được đội ngũ nhân lực đủ mạnh đáp ứng nhu cầu tăng trưởng xanh trong tương lai

3. Giải pháp phát triển nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu tăng trưởng xanh

Hoàn thiện bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng nhân lực du lịch đáp ứng tăng trưởng xanh

Đứng trước những thay đổi trong giai đoạn mới, hướng tới phát triển xanh thì mọi ngành nghề đều cần có sự điều chỉnh sao cho phù hợp, ngành du lịch cũng không phải là ngoại lệ. Thậm chí du lịch sẽ là một trong những yếu tố giúp cho quá trình tuyên truyền, quảng bá, phổ cập thông tin cũng như sự hiểu biết nhất định về tăng trưởng xanh đến quần chúng nhân dân. Cần.

Để có được nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành Du lịch tại Việt Nam, bộ Tiêu chuẩn Kỹ năng nghề Du lịch Việt Nam (VTOS) cần phải được bổ sung, sửa đổi phù hợp với bối cảnh mới. Bộ tiêu chuẩn VTOS mới được phát triển mở rộng bao gồm cả các lĩnh vực được xác định là quan trọng đối với Việt Nam, như thuyết minh du lịch, phục vụ trên tàu thủy du lịch và vận hành cơ sở lưu trú nhỏ, cũng như mở rộng thành 5 bậc nghề nghiệp từ nhân viên tập sự cho tới quản lý cấp cao. Toàn bộ các tiêu chuẩn này giúp người lao động, người sử dụng lao động, giảng viên và sinh viên các trường du lịch nghiên cứu, áp dụng và thực hiện theo tiêu chuẩn VTOS nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cũng như hiệu quả đào tạo nghề du lịch một cách thống nhất. Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam sửa đổi ngoài việc kế thừa các nội dung từ phiên bản trước đã được phát triển phù hợp với các quy định của Việt Nam cũng như được chuẩn hóa, tương thích với các tiêu chuẩn nghề quốc tế, tiêu chuẩn ASEAN. Tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam bản mới sẽ góp phần nâng cao chất lượng của ngành du lịch thông qua việc triển khai thực hiện, định hướng công tác đào tạo và hội nhập khu vực.

Từ việc áp dụng các tiêu chuẩn cụ thể trong ngành du lịch, công tác giáo dục và đào tạo trong lĩnh vực này sẽ có định hướng cụ thể. Lao động sau khi được đào tạo sẽ có khả năng làm việc hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của thị trường cũng như đảm bảo sự cạnh tranh với lao động của các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Kết hợp đào tạo và thực hành

Khảo sát về tuyển dụng nhân lực du lịch sau khi tốt nghiệp đáp ứng yêu cầu công việc thì tỷ lệ này hiện tại còn chưa cao. Đa số các công ty du lịch, lữ hành đều phải đào tạo lại lao động trước khi sử dụng. Điều này bắt nguồn do các chương trình đào tạo còn thiên nhiều về lý luận, chưa bắt kịp với yêu cầu thực tiễn và điều này sẽ là một trong những rào cản cho nâng cao chất lượng nhân lực du lịch trước yêu cầu tăng trưởng xanh.

Các trường đại học, cao đẳng cần nghiên cứu xây dựng giáo trình dựa trên tiêu chuẩn quốc tế về đào tạo du lịch có sự phù hợp với yêu cầu tại Việt Nam. Phải điều chỉnh chương trình và các hình thức đào tạo theo hướng mở, dễ dàng chuyển đổi, liên thông; bao gồm các học phần cơ bản và các học phần tự chọn. Các học phần cơ bản nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng của ngành đào tạo. Các học phần tự chọn theo hướng chuyên sâu về các lĩnh vực du lịch theo vùng miền, khu vực địa lý, loại hình du lịch...

Để nâng cao tay nghề, nghiệp vụ việc thực hành, thực tập tại doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc và cần tăng thêm thời lượng đào tạo. Cơ sở đào tạo tự chủ lựa chọn doanh nghiệp đối tác; chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng và năng lực tham gia đào tạo của doanh nghiệp đối tác trong quá trình phối hợp đào tạo và tổ chức cho sinh viên thực hành, thực tập. Do cơ chế quản lý của các cơ sở đào tạo đang chuyển dần sang tự chủ nên việc đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động thực hành trong nhà trường vẫn còn hạn chế và chưa theo kịp thực tiễn. Chính vì vậy việc tăng thêm thời lượng thực hành bên ngoài trường học là một trong những giải pháp rất hiệu quả. Nhà trường và doanh nghiệp sẽ kết hợp để cùng cử chuyên gia và giảng viên cùng tham gia giảng dạy lý thuyết và thực hành song song ngay tại doanh nghiệp thực tập, ngay tại các điểm du lịch. Việc này vừa khuyến khích việc học tập chủ động, vừa là cơ hộc để giảng viên có thêm cơ hội tiếp cận thực tế.

Chứng chỉ về ngoại ngữ và tin học phải là yêu cầu bắt buộc

Trong thời đại công nghệ số hiện nay những yêu cầu vầ ngoại ngữ và tin học là bắt buộc và tất yếu phải có. Ngoại ngữ là một trong những tiêu chí hàng đầu đối với lao động trong ngành du lịch. Hơn nữa, khách du lịch quốc tế vào Việt Nam đến từ rất nhiều nước khác nhau, nên việc sử dụng nhiều loại ngôn ngữ khác nhau là không thể tránh được. Vì vậy, để hạn chế tình trạng các doanh nghiệp lữ hành phải dùng giải pháp cho du khách nghe thuyết trình bằng tiếng Anh hoặc dùng máy phiên dịch với chi phí cao, hay phải thuê hướng dẫn viên du lịch “ngoài luồng” với chi phí đắt đỏ thì việc đào tạo thêm các thứ tiếng hiếm là cần thiết, như các ngôn ngữ: Tây Ban Nha, Italia, Đức, Ả rập...

Các chính sách khác

Với yêu cầu của phát triển xanh như hiện nay dẫn đến sự thay đổi và điều chỉnh của hầu hết tất cả các ngành nghề trong đó có ngành du lịch. Để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ giữa các ban ngành.

Đối với những người làm công tác quản lý nhà nước về du lịch, nghiên cứu du lịch, các giáo viên, giảng viên giảng, đào tạo viên đào tạo, dạy nghề, huấn luyện và bồi dưỡng du lịch thì yêu cầu phải có trình độ chuyên môn từ bậc đại học trở lên. Đồng thời phải có cơ chế chính sách vừa có tính động viên khuyến khích vừa có tính bắt buộc nhằm thu hút và giữ chân nhân tài.

Tài liệu tham khảo:

1.https://vietnamtourism.gov.vn/post/32779

2.https://baohaiphong.vn/vi//khac-phuc-tinh-trang-thieu-hut-nguon-nhan-luc-phuc-vu-nganh-du-lich--chu-dong-dao-tao-theo-nhu-cau-81595.htm

3.Bùi Hiền - Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp - diendandoanhnghiep.vn - Đăng ngày 06/9/2024

4.https://dl.vhu.edu.vn/vi/nghien-cuu-trao-doi/mot-so-giai-phap-nang-cao-chat-luong-nguon-nhan-luc-du-lich-o-nuoc-ta-hien-nay

TS. Lê Thanh Tùng

Trường Đại học Hải Phòng

TS. Nguyễn Thị Hoàng Đan

Trường Đại học Quản lý và Công nghệ Hải Phòng

Tạp chí in số tháng 12/2024
Bạn đang đọc bài viết Phát triển nhân lực du lịch trước yêu cầu tăng trưởng xanh của thành phố Hải Phòng tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899