Phó thủ tướng nêu vấn đề Biển Đông tại Liên Hợp Quốc

29/09/2019, 09:08

TCDN - Ngày 28/9, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York, Hoa Kỳ.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Tại hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).

Theo Phó thủ tướng, sự kết nối Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Biển Đông có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Ông cũng khẳng định Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình theo Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế, bao gồm đàm phán, hòa giải và giải quyết tư pháp. Những nỗ lực của các quốc gia liên quan đã mang lại kết quả tích cực trong việc giải quyết khác biệt và tranh chấp.

"Tuy nhiên, Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, bao gồm những sự cố nghiêm trọng xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại các khu vực hàng hải của chúng tôi theo định nghĩa của UNCLOS. Các quốc gia có liên quan nên kiềm chế các hành vi đơn phương có thể làm phức tạp hoặc leo thang căng thẳng trên biển và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp với phần lớn diện tích Biển Đông, chồng lấn lên vùng biển các nước khác trong khu vực, bao gồm Việt Nam. Từ đầu tháng 7 đến nay, nhóm tàu khảo sát Địa chất Hải Dương 8 Trung Quốc liên tục vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở phía nam Biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo các quy định trong UNCLOS. 

Cũng trong bài phát biểu, Phó thủ tướng nói trong 75 năm qua, chủ nghĩa đa phương, với Liên Hợp Quốc là trung tâm, đã trở thành điều không thể thiếu. Hợp tác đa phương có một vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và sự hỗ trợ của Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác đã giúp Việt Nam xây dựng lại đất nước sau nhiều thập kỷ chiến tranh.

Phó thủ tướng cho biết Việt Nam vinh dự được bầu làm thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hồi tháng 6. Việt Nam sẽ nỗ lực hết mình để làm việc với tư cách thành viên Liên Hợp Quốc rộng lớn hơn, hướng tới các mục tiêu cuối cùng là hòa bình và phát triển bền vững.

Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Bộ trưởng Ngoại giao các nước Tunisia, Hungary, Chile, Burundi, cùng Tổng Thư ký Liên đoàn Arab, Bộ trưởng Văn phòng Cố vấn Nhà nước Myanmar và Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức.

Tại các cuộc gặp, lãnh đạo các nước và các đối tác bày tỏ đánh giá cao những thành tựu to lớn của Việt Nam trong phát triển, coi việc Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2020-2021, cũng như việc Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN năm tới là minh chứng của sự tín nhiệm mà cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.

Các nước cũng nêu kỳ vọng và mong muốn Việt Nam phát huy vai trò trên cả hai cương vị để có những đóng góp lớn hơn nữa vào việc giữ gìn hòa bình, an ninh thế giới, các khu vực, thúc đẩy tự do hóa thương mại, quản trị toàn cầu...

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định quyết tâm của Việt Nam thực hiện tốt trọng trách đa phương tại Hội đồng Bảo an LHQ, đề nghị các nước phối hợp tích cực với Việt Nam tại các diễn đàn đa phương, nhất là LHQ và ASEAN trong thời gian tới, đồng thời đề xuất nhiều biện pháp nhằm tăng cường quan hệ chính trị song phương, trao đổi đoàn, mở rộng hợp tác kinh tế - thương mại, và giao lưu nhân dân.

Tại cuộc tọa đàm với các doanh nghiệp Mỹ do Hội đồng Kinh doanh vì sự hiểu biết quốc tế (BCIU) và Tập đoàn năng lượng AES tổ chức, cũng như trong tiếp xúc với một số tập đoàn Mỹ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã thông tin về tình hình kinh tế, môi trường đầu tư - kinh doanh, các chính sách phát triển kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, đặc biệt là quyết tâm đổi mới đồng bộ, toàn diện nền kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh, hệ thống luật pháp minh bạch và công bằng.

Phó Thủ tướng đánh giá cao việc hai nước đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của nhau, trong đó Việt Nam đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực cho hàng hoá và dịch vụ của Mỹ ở khu vực.

Phó Thủ tướng cho biết hai bên vừa tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc trong hợp tác, đồng thời tiếp tục thảo luận để tiến tới xây dựng khuôn khổ quan hệ kinh tế - thương mại mới, ổn định, lâu dài, phù hợp với tính chất, mức độ quan hệ kinh tế song phương và khuôn khổ quan hệ chung.

Các doanh nghiệp Mỹ bày tỏ ấn tượng tích cực trước những thành tựu phát triển, đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong tái cơ cấu, cải thiện môi trường đầu tư; cũng như những nỗ lực của Chính phủ hai nước trong việc tạo khuôn khổ kinh tế - thương mại ổn định, qua đó tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước.

Các doanh nghiệp đều thông báo kế hoạch tiếp tục kinh doanh lâu dài, mở rộng và tăng cường hoạt động đầu tư, sản xuất tại Việt Nam với nhiều dự án mới, trong đó có các dự án trọng điểm chiến lược như sản xuất khí ga hóa lỏng, kinh tế số, viễn thông, hạ tầng cơ sở mạng...

Nhật Nam
Bạn đang đọc bài viết Phó thủ tướng nêu vấn đề Biển Đông tại Liên Hợp Quốc tại chuyên mục Tin tức của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Việt Nam hoan nghênh lập trường của EU về Biển Đông
“Việt Nam hoan nghênh lập trường của EU ủng hộ tự do, an ninh, an toàn hàng hải tại Biển Đông, đề nghị phía EU tiếp tục tham gia đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, thượng tôn pháp luật và tôn trọng UNCLOS 1982, quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven Biển Đông”.