Quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại thành phố Hà Nội

24/03/2020, 15:21

TCDN - Tăng cường quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử (TMĐT) ở thành phố Hà Nội là nội dung quan trọng của hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho các hoạt động trao đổi, cung cấp, mua bán, xử lý thông tin giữa Nhà nước với các doanh nghiệp và nhân dân.

online-shopping-e-commerce2_usqo

Thành phố Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, KHCN và đầu mối giao thương lớn của cả nước; là địa phương sớm tiếp nhận và phát sinh những hiện tượng KT-XH mới. Do đó, Hà Nội là nơi phát sinh và phát triển TMĐT sớm so với cả nước. Trong những năm vừa qua, việc QLNN đối với TMĐT ở thành phố Hà Nội đạt được một số kết quả nhất định, như: Công tác quán triệt và cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, chính sách về TMĐT ngày càng được quan tâm, củng cố, hoàn thiện và phù hợp với thực tiễn hoạt động TMĐT trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh đó việc QLNN với TMĐT ở thành phố Hà Nội còn một số hạn chế như: Một số quy định bất hợp lý về TMĐT vẫn chưa được khắc phục, thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa các chính sách với nhau và giữa chính sách trong nước với thông lệ quốc tế gây khó khăn lúng túng cho địa phương khi áp dụng. Những quy định về cấp phép thành lập website hay mua bán tên miền chưa phù hợp với thực tiễn.

Hiện có 15.166 website TMĐT đã đăng ký hoạt động với Bộ Công thương, trong đó có trên 2528 website hoạt động không phép. Nhiều vấn đề về luật, chính sách, thuế... liên quan đến TMĐT chưa được làm rõ; một số chính sách chưa thực sự hỗ trợ tạo điều kiện để TMĐT phát triển.

Đặc biệt, hiện Hà Nội vẫn chưa xây dựng được cơ chế quản lý thuế hiệu quả đối với các doanh nghiệp kinh doanh TMĐT, mức xử phạt đối với những sai phạm trong kinh doanh TMĐT chưa đủ sức răn đe. Việc quản lý thuế hiện nay đối với loại hình kinh doanh qua mạng gặp nhiều khó khăn trong việc xác định người nộp thuế, doanh thu tính thuế, quy mô kinh doanh, quá trình giao dịch… Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về TMĐT ở Thành phố trong thời gian vừa qua chủ yếu tập trung vào cổ vũ, động viên cho việc ứng dụng TMĐT, chưa chú trọng đến vấn đề giáo dục pháp luật. Ý thức tự giác chưa cao kèm theo những hạn chế về sự hiểu biết, một số không nhỏ các cá nhân không biết rằng việc mình kinh doanh trên website TMĐT hoặc kinh doanh trực tuyến trên mạng xã hội là phải đăng ký, kê khai thuế.

Để tăng cường quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử ở thành phố Hà Nội trong thời gian tới cần thực hiện có hiệu quả một số nội dung, biện pháp cơ bản sau.

Một là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách và các công cụ quản lý phù hợp với yêu cầu phát triển TMĐT ở Thành phố Hà Nội.

Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng hàng đầu nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả QLNN đối với TMĐT ở thành phố Hà Nội hiện nay. TMĐT phát triển dựa trên những thành tựu của tiến bộ KHCN, nhất là lĩnh vực ICT và sự phát triển của các phần mềm ứng dụng trên nền tảng internet và thiết bị di động. Bên cạnh những lợi ích to lớn đối với các chủ thể tham gia, TMĐT cũng nảy sinh nhiều vấn đề rất mới, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với cả khách hàng và những nhà cung cấp, đòi hỏi phải thường xuyên bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện khung pháp lý, các quy định cụ thể, các công cụ và tăng cường vai trò của các cơ quan QLNN đối với hoạt động này. Tập trung rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành mới các chính sách, văn bản pháp quy và văn bản hành chính để hỗ trợ, tạo điều kiện cho sự phát triển của TMĐT phù hợp với thông lệ quốc tế và các cam kết quốc tế của Việt Nam. Xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện liên quan tới việc thừa nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử: Văn bản pháp quy thừa nhận giá trị pháp lý của hóa đơn, chứng từ kế toán ở dạng chứng từ điện tử khi đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các nghiệp vụ thuế và kế toán khi triển khai hoạt động mua, bán trực tuyến hàng hóa hoặc dịch vụ; Văn bản hướng dẫn thừa nhận giá trị pháp lý của hồ sơ, đơn, giấy xác nhận ở dạng chứng từ điện tử khi đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể để hỗ trợ thực hiện một phần hoặc toàn bộ quy trình đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, đấu thầu mua sắm qua các phương tiện điện tử. Bảo đảm cho người tiêu dùng khi tham gia giao dịch TMĐT được bảo vệ về mặt luật pháp theo chuẩn mực quốc tế như trong giao dịch thương mại truyền thống về số, chất lượng hàng hóa dịch vụ. Văn bản hướng dẫn về quản lý website TMĐT: các quy định về đăng ký, quản lý website TMĐT trên cơ sở tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh.

Hai là, kiện toàn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước liên quan đến TMĐT trên địa bàn Thành phố.

Đây là giải pháp có ý nghĩa trực tiếp đến tăng cường và nâng cao hiệu quả QLNN đối với TMĐT trên địa bàn Thành phố. Cơ quan QLNN các cấp thực hiện vai trò điều tiết vĩ mô các hoạt động kinh tế; do đó, việc quản lý của các cơ quan QLNN thông qua các công cụ và chức năng quản lý của mình là một yếu tố quan trọng có ý nghĩa định hướng và thúc đẩy đối với việc phát triển TMĐT. Bằng các công cụ quản lý, cơ quan QLNN các cấp xây dựng hành lang pháp lý, định hướng mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cho phát triển TMĐT, khuyến khích các yếu tố tích cực, hạn chế các yếu tố tiêu cực, bất cập trong phát triển TMĐT. Cùng với sự phát triển của hệ thống hạ tầng và sự gia tăng của nhu cầu giao dịch TMĐT, các cơ quan quản lý cần phải quan tâm tới việc tạo dựng các hành lang pháp lý điều chỉnh các quan hệ giao dịch trên mạng, tạo ra môi trường an toàn, công bằng, đem lại lợi ích cho các chủ thể tham gia, hạn chế các rủi ro hay tranh chấp trong TMĐT. Cụ thể: Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và tăng cường phối hợp lực lượng trong công tác QLNN đối với TMĐT ở Thành phố; xây dựng, kiện toàn bộ máy chuyên trách QLNN về TMĐT của Thành phố và tại các quận, huyện. vực TMĐT; xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch về phát triển TMĐT; xây dựng, đào tạo lực lượng cán bộ chuyên trách về TMĐT của Thành phố có chuyên môn sâu đáp ứng được công tác QLNN về TMĐT; xây dựng cơ chế, bộ máy để giải quyết kịp thời những tranh chấp và vấn đề phát sinh trong TMĐT…

Ba là, tăng cường tuyên truyền và phổ cập kiến thức về Internet và TMĐT cho người dân và doanh nghiệp để họ cùng tham gia giám sát hoạt động giao dịch TMĐT trên địa bàn.

Hoạt động thương mại dù dưới hình thức nào, muốn phát triển thì cũng cần có số lượng người tiêu dùng tham gia đông đảo, từ đó có thêm người bán và hàng hóa dịch vụ. Tuy nhiên, khác với các hoạt động thương mại truyền thống, để có thể tham gia được vào hệ thống TMĐT, doanh nghiệp và người tiêu dùng cần có những hiểu biết và điều kiện nhất định về CNTT, internet, mạng xã hội... để họ có thể tự bảo đảm các quyền và lợi ích của mình. Do đó, để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng và doanh nghiệp tham gia TMĐT, cần phải đẩy mạnh truyền thông, quảng bá về tác dụng, lợi ích của TMĐT; đồng thời coi trọng tuyên truyền, phổ cập nhằm nâng cao kiến thức cơ bản về điện tử, viễn thông, internet và TMĐT đến cộng đồng dân cư, từ đó động viên họ cùng tham gia giám sát, phát hiện các vi phạm trong giao dịch TMĐT. Do đó, tuyên truyền quảng bá TMĐT trên các phương tiện truyền thông nhằm quảng bá, tuyên truyền, cung cấp thông tin về tình hình hoạt động, các mô hình ứng dụng thành công hay những vi phạm phổ biến và các sự kiện chuyên đề về TMĐT với mục tiêu tạo ra phong trào ứng dụng TMĐT sâu rộng trên địa bàn Thành phố. 

Đơn vị chủ trì hoạt động này là Sở Công thương phối hợp cùng Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, ban, ngành khác như Sở Văn hóa, thể thao, Sở Du lịch, Hội Tin học, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đài Phát thanh và Truyền hình, báo chí... Kế hoạch tuyên truyền, quảng bá cần được thực hiện liên tục và thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích, phương thức, điều kiện tham gia TMĐT thông qua các hoạt động truyền thông trên báo giấy, báo điện tử, truyền thanh, truyền hình, ấn phẩm, mạng xã hội và các hình thức khác. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo trao đổi kiến thức, kinh nghiệm phát triển và ứng dụng TMĐT cho các đối tượng liên quan.

Bốn là, cơ quan quản lý tham gia xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng, công nghệ và nhân lực, tạo dựng các nền tảng kinh tế - kĩ thuật hỗ trợ phát triển TMĐT ở thành phố Hà Nội

Đây cũng là một trong những chức năng quản lý quan trọng mà các cơ quan QLNN về TMĐT phải thực hiện nhằm hỗ trợ cho hoạt động này. Nền tảng hạ tầng CNTT quyết định sự phát triển của TMĐT cùng với viễn thông, internet và nhu cầu mở rộng các hình thức thương mại trao đổi hàng hóa, dịch vụ. TMĐT phụ thuộc chủ yếu vào hệ thống kết cấu hạ tầng và công nghệ phần cứng như: CNTT, ICT, viễn thông, internet, hệ thống thiết bị điện, điện tử... Nếu không có mạng viễn thông và internet thì chắc chắn sẽ không có TMĐT. Tuy nhiên, sự vận hành TMĐT cũng ngày càng cần phải có và hệ thống hạ tầng “mềm” đi cùng bao gồm: hệ thống quản lý trực tuyến hoạt động hoàn tất đơn hàng và vận chuyển cho TMĐT; hệ thống thanh toán TMĐT quốc gia, hạ tầng thẻ thông minh tích hợp TMĐT; hạ tầng chứng thực và giao dịch đảm bảo cho TMĐT, hệ thống tiêu chuẩn trao đổi thông điệp dữ liệu trong TMĐT; hạ tầng chứng từ điện tử trong hoạt động thương mại... Do đó, đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống hạ tầng và công nghệ thiết yếu phục vụ TMĐT là nội dung, giải pháp có ý nghĩa quyết định cho phát triển TMĐT ở Hà Nội cũng như cả nước trong thời gian tới. Tạo cơ chế thích hợp thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông - internet; tạo điều kiện hỗ trợ thúc đẩy phát triển công nghiệp ICT; hướng dẫn phát triển và ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT; phát triển hệ thống thanh toán điện tử và bảo đảm an ninh mạng. 

Năm là, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử, tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho doanh nghiệp và người dân phù hợp với yêu cầu phát triển TMĐT trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh các yếu tố thuộc về thể chế, chính sách, hạ tầng, công nghệ và nhân lực ICT giữ vai trò là nền tảng của TMĐT; vấn đề có ý nghĩa quyết định sự phát triển TMĐT là phải thu hút ngày càng nhiều chủ thể tham gia và mở rộng các loại hình, đối tượng tham gia TMĐT trên địa bàn Thành phố, bởi đây mới là “nhân vật chính” trong các giao dịch TMĐT. Do đó, phải tạo mọi điều kiện thuận lợi để phấn đấu thu hút hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức SXKD trên địa bàn có trang website giao dịch TMĐT; khuyến khích mở rộng các loại hình giao dịch B2B, B2C, G2B, G2C... để giao dịch TMĐT ngày càng trở nên phổ biến và chiếm ưu thế so với các loại hình giao dịch truyền thống. Trong đó, đứng từ góc độ QLNN, cần đặc biệt chú trọng đến việc phát triển các loại hình giao dịch điện tử giữa Nhà nước với doanh nghiệp và người dân. Đây cũng là yêu cầu, nhiệm vụ quan trọng đối với mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của mọi cấp, mọi ngành, cả hệ thống chính trị, các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp và mỗi người dân Thành phố.

Chính quyền các cấp tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích mọi người dân và doanh nghiệp tham gia sử dụng các tiện ích của TMĐT. Người tiêu dùng chỉ có thể tham gia các loại hình giao dịch TMĐT khi nhu cầu, lợi ích của mình được đáp ứng tốt hơn so với các loại hình giao dịch truyền thống (như mức độ nhanh chóng, tiện lợi, đa dạng chủng loại sản phẩm, không bị bó hẹp về thời gian, không gian...) Do đó, cần phải có cơ chế, chính sách bảo đảm lợi ích thiết thực, thỏa mãn nhu cầu tối đa, bảo vệ tốt nhất các quyền của người tiêu dùng thì mới có thể thu hút họ tham gia ngày càng đông đảo vào các loại hình giao dịch TMĐT, khiến cho loại hình giao dịch này ngày càng trở nên phổ biến và chiếm ưu thế so với giao dịch truyền thống. Cần tận dụng triệt để sự bùng nổ của truyền thông, internet, mạng xã hội, viễn thông di động để đáp ứng nhu cầu được thông tin của xã hội, từ đó kết hợp cung cấp các giao dịch TMĐT trực tuyến; đồng thời, có biện pháp tuyên truyền, hỗ trợ người tiêu dùng nâng cao nhận thức về vai trò, lợi ích của TMĐT, tự ý thức và thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình trong các giao dịch TMĐT để trở thành những người tiêu dùng thông minh, từ đó thúc đẩy sự phát triển của TMĐT.

TMĐT là các hoạt động mua bán và trao đổi hàng hóa, dịch vụ giữa các chủ thể thông qua các phương pháp và phương tiện điện tử. Đây là một loại hình giao dịch kinh tế nảy sinh gắn với sự phát triển cao của kinh tế thị trường và KHCN, đặc biệt là CNTT, viễn thông, Internet. QLNN về TMĐT ở Thành phố Hà Nội là tổng thể những cách thức, biện pháp thuộc phạm vi QLNN nhằm tạo điều kiện môi trường thuận lợi thúc đẩy, gia tăng các hoạt động mua bán sản phẩm giữa các doanh nghiệp với nhau và với người tiêu dùng, thông qua các phương pháp và phương tiện điện tử, từ đó đem lại lợi ích cho các chủ thể tham gia, đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động này. Nội dung QLNN về TMĐT ở Hà Nội bao gồm: xây dựng, hoàn thiện cơ chế chính sách, kế hoạch hóa phù hợp với yêu cầu phát triển TMĐT; tổ chức vận hành các hoạt động giao dịch TMĐT; thanh tra, kiểm tra, xử lý các phát sinh về TMĐT… ở Hà Nội.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ban Chỉ đạo TMĐT thành phố Hà Nội (2018), số 02/BCĐTMĐTTP ngày 19/01/2018, Báo cáo kết quả công tác TMĐT năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2018 của Ban Chỉ đạo TMĐT Thành phố Hà Nội.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2013): Báo cáo đánh giá mức độ ứng dụng CNTT của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông (2016), Báo cáo kết quả ứng dụng CNTT trong xây dựng chính phủ điện tử ở các sở, ngành, quận, huyện.

4. Cục TMĐT và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương (2017), Báo cáo TMĐT Việt Nam 2017.

5. Nguyễn Cao Cường (2016), “Phát triển TMĐT ở Thành phố Hồ Chí Minh”, Luận văn thạc sĩ Kinh tế, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng.

Nguyễn Phạm Mạnh Hùng

Học viện An ninh Nhân dân

Tạp chí in số tháng 3/2020
Bạn đang đọc bài viết Quản lý hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại thành phố Hà Nội tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan