Quản trị công ty cổ phần: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam

24/09/2024, 16:10

TCDN - Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày các vấn đề cơ bản về QTCT cổ phần của một số quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm về QTCT ở Việt Nam.

8-1

TÓM TẮT:

Trên thế giới có 2 mô hình quản trị công ty cơ bản là mô hình hội đồng 1 tầng (đơn lớp) và mô hình hội đồng 2 tầng. Trong đó, cấu trúc hội đồng đơn lớp, về cơ bản, được xây dựng theo mô hình luật công ty theo kiểu Anglo-American, mà Luật Công ty Hoa Kỳ là điển hình. Cấu trúc quản trị theo mô hình hội đồng 2 tầng, gồm có: Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng giám sát và Hội đồng quản trị. 

Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày các vấn đề cơ bản về QTCT cổ phần của một số quốc gia trên thế giới, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm về QTCT ở Việt Nam.

1. Quản trị công ty cổ phần theo quy định pháp luật Việt Nam

Khung pháp lý quy định về quản trị công ty cổ phần tại Việt Nam được đề cập trong các văn bản Luật: Doanh nghiệp, chứng khoán, kế toán, kiểm toán… và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành. Cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần được đề cập trong quy định văn bản Luật Doanh nghiệp năm 2020: Các công ty cổ phần khi tổ chức quản lý và hoạt động thì có quyền lựa chọn một trong hai mô hình sau:

Mô hình 1: Mô hình có ban kiểm soát và không bắt buộc có ban kiểm soát

Trường hợp thứ nhất có ban kiểm soát, mô hình cơ cấu tổ chức bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Trường hợp thứ hai không bắt buộc có ban kiểm soát, cơ cấu tổ chức công ty cổ phần bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc (Áp dụng trong trường hợp công ty cổ phần có dưới 11 cổ đông và các cổ đông là tổ chức mà tổ chức đó sở hữu nhỏ hơn 50% tổng số cổ phần của công ty)

Mô hình 2: Áp dụng cho công ty cổ phần có ít nhất 20% số thành viên Hội đồng quản trị phải là thành viên độc lập.Mô hình này cơ cấu tổ chức cũng bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.

Ngoài ra, đối với các công ty đại chúng, Luật chứng khoán năm 2019 và Nghị định 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ còn có những quy định riêng về vấn đề quản trị công ty: Cơ cấu Hội đồng quản trị của công ty đại chúng và số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập của công ty niêm yết (Điều 276 Nghị định)

2. Một số mô hình quản trị công ty cổ phần trên thế giới

Mô hình quản trị công ty trên thế giới có 2 mô hình cơ bản là mô hình hội đồng 1 tầng (đơn lớp) và mô hình hội đồng 2 tầng, theo đó:Trên thế giới có 2 mô hình quản trị công ty cơ bản là mô hình hội đồng 1 tầng (đơn lớp) và mô hình hội đồng 2 tầng. Trong đó:

- Mô hình hội đồng một tầng (đơn lớp) có trong Luật Công ty của hầu hết các nước thuộc hệ thống thông luật (common law) như: Mỹ, Anh, Australia, New Zealand, Canada,…; cũng như không ít các nước thuộc dòng luật thành văn (civil law). Cấu trúc hội đồng đơn lớp, về cơ bản, được xây dựng theo mô hình luật công ty theo kiểu Anglo-American, mà Luật Công ty Hoa Kỳ là điển hình.

- Mô hình hội đồng 2 tầng (điển hình theo Luật Công ty của Cộng hòa Liên bang Đức) có đặc điểm là cấu trúc quản trị, điều hành có 2 hội đồng theo thứ bậc và có sự tham gia nhất định của đại diện người lao động vào hội đồng phía trên. Cấu trúc quản trị theo mô hình hội đồng 2 tầng, gồm có: Đại hội đồng cổ đông; Hội đồng giám sát và Hội đồng quản trị. 

2.1. Mô hình quản trị CTCP theo pháp luật Hoa Kỳ

Theo Luật Công ty Anh - Mỹ, cấu trúc quản trị nội bộ của 1 CTCP gồm:

(i) Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ);

(ii) Hội đồng giám đốc (HĐGĐ). Bộ phận quản trị và điều hành công ty chỉ do một cơ quan đảm nhiệm là HĐGĐ. HĐGĐ được bầu chọn bởi ĐHĐCĐ, các vấn đề liên quan đến quyền hành trong công ty đều được đặt vào tay HĐGĐ (trừ các quy định khác). Điều này có thể hiểu rằng, tất cả các hoạt động sản xuất - kinh doanh, các vấn đề quan trọng khác của công ty đều chịu sự quản lý, chỉ đạo của HĐGĐ.

Bên cạnh đó, HĐGĐ là những người có quyền chia cổ tức cho các cổ đông và bổ nhiệm các thành viên cũng như các phân chia nhân sự vào những vị trí đảm nhiệm công tác trong công ty. Pháp luật công ty của các nước Anh - Mỹ không có quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Giám đốc (TGĐ) mà quyền lực của TGĐ sẽ do HĐGĐ quyết định trên cơ sở ủy nhiệm, vì thế không phải các TGĐ đều có quyền lực như nhau.

Hình 1: Mô hình Hội đồng quản trị 1 tầng

Hình 1: Mô hình Hội đồng quản trị 1 tầng

Như vậy, theo mô hình QTCT cổ phần theo cấu trúc hội đồng đơn lớp kiểu Anh - Mỹ, không có 1 cơ quan chuyên trách làm nhiệm vụ giám sát những người quản lý - điều hành công ty, như: Ban Kiểm soát trong các Luật Doanh nghiệp của Việt Nam và Luật Công ty Trung Quốc, hay như Hội đồng giám sát trong mô hình hội đồng 2 tầng của Cộng hòa Liên bang Đức mà chúng ta sẽ nghiên cứu sau đây.

2.2. Mô hình quản trị CTCP theo pháp luật một số quốc gia châu Âu 

Bên cạnh mô hình quản trị CTCP theo cấu trúc hội đồng đơn lớp, mô hình quản trị CTCP theo cấu trúc hội đồng kép (song lớp hay 2 tầng) đã tồn tại trong hầu hết luật công ty của các nước châu Âu, mà Luật Công ty Cộng hòa Liên bang Đức là một điển hình. Theo đó, mô hình quản trị 2 tầng có 2 đặc điểm quan trọng, gồm: (i) Cấu trúc quản trị - điều hành có 2 hội đồng theo thứ bậc; (ii) Có thể có sự tham gia nhất định của đại diện người lao động vào hội đồng phía trên.

Cấu trúc quản trị nội bộ của CTCP gồm có: (i) Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ); (ii) Hội đồng giám sát (HĐGS); (iii) HĐQT. Việc quản lý, điều hành CTCP được phân chia cho 2 cơ quan là HĐGS và HĐQT, như 1 thiết chế 2 tầng, mà ở đó HĐGS nằm ở tầng trên. Đây gọi là cấu trúc hội đồng kép hay hội đồng 2 tầng. Về nguyên tắc, ĐHĐCĐ sẽ bầu chọn thành viên của HĐGS, nhưng người lao động cũng có quyền lựa chọn thành viên của HĐGS theo đạo luật về sự tham gia của người lao động vào QTCT. Theo đó, tỷ lệ số thành viên của Hội đồng giám sát do người lao động bầu chọn và cổ đông bầu chọn sẽ phụ thuộc vào số lao động của công ty. Đại diện do phía người lao động và cổ đông bầu chọn trong HĐGS đều có quyền và nghĩa vụ như nhau.

Đối với các CTCP sử dụng trên 500 lao động thì 1/3 tổng số thành viên của HĐGS sẽ do phía người lao động bầu chọn. Nếu công ty sử dụng trên 2.000 lao động thì 1/2 số thành viên của HĐGS phải là đại diện do người lao động và Công đoàn bầu chọn, song Chủ tịch của HĐGS sẽ phải là người do cổ đông lựa chọn và người này sẽ có lá phiếu quyết định khi số phiếu thuận và phiếu chống bằng nhau.

HĐGS có thẩm quyền chọn, bổ nhiệm, cách chức các thành viên của HĐQT. Không những thế, HĐGS còn tham gia trực tiếp vào việc đưa ra các quyết định quan trọng trong việc QTCT và giám sát các hoạt động của HĐQT. HĐQT thực hiện chức năng điều hành công việc kinh doanh hàng ngày của công ty. Các thành viên của HĐQT cùng nhau chịu trách nhiệm về việc điều hành, phát triển chiến lược kinh doanh của công ty trong mối liên hệ thường xuyên và báo cáo thường xuyên với HĐGS.

Cho đến nay, chỉ có 3 nước châu Âu lựa chọn mô hình này là Áo, Thụy Sĩ và Hà Lan. Bên cạnh đó, một vài quốc gia châu Âu khác cũng đã tiếp nhận mô hình này ở mức độ nhất định về đại diện người lao động tham gia vào cấu trúc QTCT cổ phần như Đan Mạch, Luxămbua và Thụy Điển. Điều đó cho thấy, mô hình QTCT theo Luật Công ty của Đức vẫn luôn có những ưu điểm cụ thể của nó.

Hình 2: Mô hình Hội đồng quản trị 2 tầng

Hình 2: Mô hình Hội đồng quản trị 2 tầng

3. Bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam

Nghiên cứu các mô hình QTCT của các quốc gia trên thế giới có thể chỉ ra rằng, bất kỳ mô hình QTCT nào cũng có những ưu điểm và hạn chế của nó. Mô hình Anglo - Saxon được áp dụng tại Anh và Mỹ tạo điều kiện để ban giám đốc, đặc biệt là giám đốc điều hành phát huy được hết khả năng tự chủ, sáng tạo trong QTCT, nhưng mô hình này cũng tạo ra sự lạm quyền của cấp quản lý.

Trong mô hình HĐQT 2 tầng, vai trò điều hành được tách biệt với vai trò giám sát mặc dù có hạn chế trong việc làm chậm tiến trình của việc ra quyết định, nhưng chi phí trung gian sẽ giảm. Điều này giúp chúng ta đi đến kết luận rằng, mô hình QTCT 2 tầng đang được xây dựng và áp dụng tại các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các DN niêm yết trên 2 sàn chứng khoán lớn (TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội) chỉ thực sự phát huy được hiệu quả khi những hạn chế tiềm tàng được ngăn chặn. Do đó, đề xuất quan trọng nhất nhằm phát huy hiệu quả của mô hình QTCT tại Việt Nam, đó là tập trung xác định và ngăn chặn những rủi ro tiềm tàng dẫn tới việc hệ thống QTCT không hiệu quả. Chẳng hạn, tính độc lập của các giám đốc không điều hành, thành viên Ban Kiểm soát, cũng như của kiểm toán độc lập. Bên cạnh đó, nhận thức của cổ đông cũng cần được nâng cao để đảm bảo tất cả các cổ đông đều thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình.

Để hành lang pháp lý về QTCT của Việt Nam tiến gần hơn tới các thông lệ của quốc tế, các yêu cầu QTCT mới cần làm rõ khái niệm về thành viên HĐQT độc lập, vì khái niệm hiện tại chưa hoàn toàn giống với các thông lệ tối ưu quốc tế. Các quy định mới cũng cần xác định rõ yêu cầu đối với thành viên HĐQT; quy định chi tiết về giao dịch giữa các bên liên quan phải báo cáo; tăng cường công khai thông tin về đề cử HĐQT và hướng dẫn các quy trình đề cử HĐQT tốt; yêu cầu thông báo sớm về đại hội cổ đông thường niên nhằm khuyến khích cổ đông tham dự đầy đủ; các điều khoản về tăng cường thông tin cho cổ đông, về vai trò của kiểm toán độc lập, về công tác tập huấn QTCT đối với thành viên HĐQT, Ban Kiểm soát cũng cần được làm rõ trong các quy định.

Cơ quan quản lý phải có hướng dẫn phù hợp để DN triển khai áp dụng các thông lệ QTCT, trong giai đoạn hiện tại, các cơ quan quản lý nên đảm nhiệm vai trò tập huấn; nâng cao kỹ năng, năng lực, nguồn lực để tích cực giám sát, thực thi, hướng dẫn áp dụng thực tiễn QTCT hiệu quả trên thị trường một cách kịp thời, cần áp dụng những công nghệ mới nhất để phát hiện các giao dịch bất thường trên thị trường. Vai trò của Ủy ban Chứng khoán cần được tăng cường, hoạt động của Ủy ban này cũng cần được tổ chức lại, đảm bảo tính độc lập của 1 cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, những xung đột và không thống nhất giữa Luật và các văn bản dưới luật đang gây khó khăn cho hoạt động của các DN. Vì vậy, các chuẩn mực pháp lý về QTCT cần được hoàn thiện đầy đủ để tránh các cách hiểu khác nhau, tạo tiền đề tiến đến việc phù hợp với các thông lệ QTCT của thế giới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Chính phủ nước (2021), Nghị định số 47/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp, ban hành ngày 01/4/2021.Hoàng Văn Hải (2020), Quản trị công ty, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội.

IFC - International Finance Corporation (2019), Bộ nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

Thùy Vân

Tạp chí in số tháng 9/2024
Bạn đang đọc bài viết Quản trị công ty cổ phần: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam tại chuyên mục Tài chính quốc tế của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899