Quản trị đại học tư thục không vì lợi nhuận

25/09/2019, 14:45

TCDN - Phát triển mô hình trường đại học tư thục không vì lợi nhuận góp phần tạo nên nền giáo dục chất lượng cao, không bị ảnh hưởng bởi thần quyền, thế quyền, hay các lợi ích đặc biệt khác. Tuy nhiên, mô hình trường này chỉ mới xuất hiện ở Việt Nam, việc xây dựng mô hình quản trị còn lúng túng...

dh

Cuộc khảo sát mới đây do PGS.TS Phạm Thị Huyền, Trưởng nhóm khảo sát cáctrường ĐHTT (Bộ GDĐT) cho thấy, cơ sở vật chất là điểm mạnh đáng tự hào của các trường ĐHTT, kể cả khi so sánh với nhiều trường ĐH công lập. Về đội ngũ giảng dạy, các trường đã có sự chuyển biến, phát triển về số lượng và chất lượng. Trong đó, có nhiều trường có từ 700 đến hơn 1.000 giảng viên, vượt xa so với nhiều trường công lập. Bên cạnh đó, quy mô và ngành nghề đào tạo của các trường cũng ngày một mở rộng theo hướng trường đa ngành.

Hiện các trường ĐHTT đã trải rộng khắp cả nước. Điều này đã tạo ra nhiều cơ hội thuận lợi để người dân tiếp cận với giáo dục ĐH. Trong đó, một số trường có uy tín như Trường ĐH Thăng Long, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Trường ĐH DuyTân, Trường ĐH Đông Á, Trường ĐH Nam Cần Thơ, Trường ĐH Võ Trường Toản, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Công nghệ TPHCM, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Hoa Sen,Trường ĐH Văn Lang…

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ GD-ĐT, đa số các trường phát triển theo hướng thực hành và ứng dụng, nên có 43/59 trường báo cáo có phòng thí nghiệm, 45 xưởng thực hành. Chi phí mỗi trường tự đầu tư cho mỗi phòng thí nghiệm là 8,6 tỷ đồng; xưởng thực hành là 6,5 tỷ đồng. Trong đó, cả nước có 3 trường ĐH đạt chuẩn 3 sao về cơ sở vật chất (do tổ chức Anh quốc đánh giá) thì ĐHTT có 2 trường là ĐH FPT và ĐH Nguyễn TấtThành.

Nhiều trường đã và đang đầu tư mạnh cho cơ sở vật chất với mức đầu tư từ 1.000 - 2.000 tỷ đồng như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Văn Lang…

So với trước đây, hoạt động nghiên cứu khoa học của cá ctrường ĐHTT đã có sự khác biệt đáng kể. Trong năm 2018, Trường ĐH Duy Tân lọt vào tốp đầu của Việt Nam về số bài đăng trên các tạp chí uy tín của thế giới. 2 năm gần đây, nhiều nhà khoa học trẻ của các trường như ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ TPHCM…được vinh dự nhận giải thưởng Quả cầu vàng do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Mô hình đại học tư thục không vì lợi nhuận

Việt Nam bắt đầu có mô hình trường hoạt động không vì lợi nhuận theo sau Nghị quyết 05/2005 của Chính phủ. Theo đó, cơ sở tư nhân có quyền hoạt động lợi nhuận hay phi lợi nhuận, nếu hoạt động phi lợi nhuận thì được quyền chia cổ tức cho nhà đầu tư nhưng ở một mức nhất định, còn phần không chia đó thì được miễn đóng thuế vì đó là phần để tái đầu tư trở lại phát triển hoạt động giáo dục.

Để giám sát, theo Quyết định 70/2014/QĐ-TTg Điều lệ trường đại học, mục 4, chương 3 về tổ chức và quản lý của trường đại học tư thục phi lợi nhuận, điều 29 khẳng định, Hội đồng quản trị đại diện cho quyền sở hữu chung của cộng đồng nhà trường là cơ quan quyền lực cao nhất; đại diện các thành viên góp vốn chỉ chiếm không quá 20% tổng số thành viên của Hội đồng quản trị. Quy định này đã pha loãng quyền của cổ đông và tạo sự độc lập cho hoạt động giáo dục với mục tiêu vì lợi nhuận.

Tuy nhiên, những trường tư thục đã hoạt động theo hướng phi lợi nhuận nhưng chưa được cấp phép sẽ gặp khó trong việc chuyển đổi. Bởi theo quy định tại điểm b, khoản 2, điều 34 của Điều lệ trường ĐH: muốn chuyển đổi sang phi lợi nhuận phải có đủ sự ủng hộ của đại diện tối thiểu 75% tổng số vốn của các thành viên góp vốn.

PGS. TS Trần Quốc Toản, Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận phân ra làm 3 loại:

Một là, các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận cung cấp các dịch vụ giáo dục - đào tạo miễn phí. Loại cơ sở này tồn tại và hoạt động hoàn toàn dựa trên nguồn kinh phí tài trợ của nhà nước, các tổ chức và cá nhân.

Hai là, các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận có thu phí từ các dịch vụ cung cấp, nhưng ở mức thấp, chủ yếu để cân đối thu chi cho các hoạt động và không chia lợi nhuận (nếu có). Nguồn kinh phí hoạt động của các cơ sở này dựa vào sự tài trợ của nhà nước, các tổ chức, cá nhân và vào thu phí từ các dịch vụ (phí thấp).

Ba là, các cơ sở giáo dục không vì lợi nhuận hoạt động có thu phí từ cung cấp các dịch vụ theo cơ chế thị trường (thu phí như các cơ sở vì lợi nhuận). Nhưng lợi nhuận thu được không chia cho bất kỳ ai, mà được giữ lại để đầu tư phát triển cơ sở, mở rộng và nâng cao chất lượng các dịch vụ.

Loại thứ ba này cũng vẫn có thể nhận được kinh phí của nhà tài trợ; ví dụ một số trường đại học tư nổi tiếng trên thế giới như Harvard của Mỹ, Waseda của Nhật… thu học phí rất cao, nhận được tài trợ rất lớn của các nhà hảo tâm, nhưng vẫn là trường không vì lợi nhuận.

Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu Chương trình giảng dạy Kinh tế Fulbright, ở châu Âu, châu Mỹ đã diễn ra làn sóng tư nhân hóa các trường đại học, đặc biệt từ năm 2000 trở lại đây. Có 3 lý do chính: Để đáp ứng nhu cầu xã hội; do cần sự đa dạng trong giáo dục đại học; do nhu cầu về một nền giáo dục chất lượng cao, không bị ảnh hưởng bởi thần quyền, thế quyền, hay các lợi ích đặc biệt khác.

Đặc biệt, trong danh sách những trường đại học hàng đầu thế giới đa số là trường tư thục ở các nước tư bản nhưng lại không vì mục đích lợi nhuận, như Harvard, Yale, Stanford ở Mỹ…

Đại học tư thục không vì lợi nhuận không có nghĩa là không có lợi nhuận, ngược lại, hệ thống các trường này phải tạo ra lợi nhuận, thậm chí rất nhiều lợi nhuận. Ví như đại học Harvard năm 2013 có nguồn quỹ là 32,7 tỷ USD. Chính phủ Mỹ có thể bị đóng cửa vì thiếu ngân sách hoạt động nhưng các đại học lớn như Harvard, Stanford thì không bao giờ. Theo đó, các trường Đại học tư thục không vì lợi nhuận cần nhận được nguồn vốn đóng góp từ các quỹ, tài trợ từ doanh nghiệp, các tổ chức xã hội và nhà nước trên cơ sở chứng minh được chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Và những lợi nhuận này đều được dành tái đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, giáo dục, cơ sở vật chất thay vì ưu tiên phân phối cho cổ đông như mô hình trường vì lợi nhuận.

Quản trị đại học tư thục không vì lợi nhuận

Theo nghĩa chung nhất, quản trị có nghĩa là hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm soát một nhóm người, một tổ chức hay một quốc gia nhằm đáp ứng nhu cầu của họ. Trước kia quản trị (governance) thường gắn với chính phủ (government, chính quyền) đến mức được sử dụng thay thế cho nhau và đều chủ yếu nói về quyền lực nhà nước, quản trị nhà nước. Hiện nay khái niệm quản trị được mở rộng bao gồm: Quản trị nhà nước, quản trị xã hội, quản trị doanh nghiệp.

Đối với một trường đại học, quản trị là các hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành trường đại học để nhà trường phát triển và đạt hiệu quả cao nhất. Có 3 mô hình quản trị đại học: Tổ chức hành chính, cộng đồng học giả và đại học doanh nghiệp. 3 mô hình này tùy thuộc vào vị trí và pháp nhân của từng trường đại học.

Hiện mô hình quản trị của cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận tại Việt Nam có những đặc trưng sau:

Capture

Một số đề xuất

Để xây dựng một đại học phi lợi nhuận, trước tiên phải có luật cho mô hình này và phải đồng bộ với các luật khác như Luật Thuế, Luật Đầu tư,… Thực tế cho thấy, việc thành lập một tổ chức trường theo mô hình phi lợi nhuận hoàn toàn không khó. Tài chính hoạt động trường có thể đến từ nhiều nguồn đóng góp từ xã hội và tín dụng. Quan trọng là tổ chức trường có kế hoạch hoạt động hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu và tạo niềm tin lâu dài cho người học.

dieukienxinhocbongduhocanhcap3(2)
Ở Mỹ có 4.500 trường cao đẳng và đại học, trong đó có trên 600 trường đại học lớn nhỏ theo mô hình trường phi lợi nhuận và đóng vai trò rất lớn cho nền giáo dục đại học Hoa Kỳ và thế giới. Không có trường nào trong số 500 trường hàng đầu của Mỹ là trường vì lợi nhuận cả. Năm trường phi lợi nhuận hàng đầu của Mỹ có nguồn tiền đóng góp từ cựu sinh viên, xã hội và đầu tư sinh lời bao gồm: ĐH Harvard (36 tỉ USD), ĐH Yale (27,1 tỉ USD), ĐH Stanford (24,7 tỉ USD), ĐH Princeton (23,8 tỉ USD), ĐH MIT (14,9 tỉ USD). Tài sản và cơ sở vật chất của trường cao hơn gấp nhiều lần so với số tiền đóng góp.

Nguồn thu chính cho trường gồm: học phí, đóng góp của xã hội (gồm cựu học sinh, sinh viên), hợp đồng với chính phủ và các doanh nghiệp, nguồn thu từ các hoạt động đầu tư. Trường càng nổi tiếng càng thuận lợi việc gây quỹ và có đượchợp đồng. Trường tự cân đối chi thu. Tài sản được quyền thế chấp như doanh nghiệp, nhưng không liên đới đến trách nhiệm cá nhân của thành viên HĐQT, ngoại trừ vi phạm điều luật.

Theo mô hình trường phi lợi nhuận của Mỹ và các nước phát triển, trường phi lợi nhuận có quy chế được miễn thuế theo luật. Theo đó, (1) Trường không trả thuế doanh nghiệp và các loại thuế khác (vì hoạt động xã hội, không có cổ đông hay chia cổ tức); tuy nhiên, nếu tổ chức trường hoạt động kinh doanh ngoài mục đích giáo dục của trường, phần lợi nhuận có thể phải trả thuế, cho dù nguồn thu cũng sẽ đổ về cho hoạt động trường.

(2) Phần đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cho trường sẽ được miễn trừ thuế.

(3) Các trường nổi tiếng thường nhận nhiều hợp đồng lớn từ chính phủ, doanh nghiệp từ các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, dự án…giúp làm tăng giá trị và hoạt động của trường và tính cộng đồng, gắn kết với xã hội.

(4) Học phí thu ở các đại học phi lợi nhuận cao hơn trường công và trường lợi nhuận, vì chi phí hoạt động và đầu tư cao hơn. Xã hội thường đánh giá phần lớn loại trường này có chất lượng và đẳng cấp hơn. Trường phi lợi nhuận cũng có khả năng cấp nhiều học bổng cho sinh viên nghèo, học giỏi để tăng khả năng cạnh tranh của sinh viên trong trường.

Tuy nhiên, một trong các nguyên tắc quan trọng để chuẩn phi lợi nhuận là phải minh bạch trong tài chính. Nếu không minh bạch, việc xảy ra tranh chấp là tất yếu.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ, Đề án “Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thời kỳ 2016 - 2020”;

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm (2013), Báo cáo đánh giá toàn diện 20 năm quan hệ hợp tác phát triển giữa Việt Nam và các nhà tài trợ (1993-2013);

3. Ủy ban Kinh tế Quốc hội, năm (2013), Báo cáo nghiên cứu “Đổi mới thể chế quản lý, sử dụng và giám sát vốn ODA nhằm tăng cường tính bền vững của nợ nước ngoài và nợ quốc gia Việt Nam trong giai đoạn phát triển mới (2013-2020)”.

ThS. Thái Vân Hà

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội

Tạp chí in số tháng 9/2019
Bạn đang đọc bài viết Quản trị đại học tư thục không vì lợi nhuận tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Bất cập của Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu
Về thuế, phí hiện nay chiếm khoảng 49-51% giá bán xăng dầu. Hiện mức thuế trong một lít xăng của chúng ta quá cao so với nhiều nước đặc biệt là thuế môi trường. Điều này cơ quan chức năng cần nhận thức rõ, cần có sự điều chỉnh lại.