Bất cập của Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu

24/09/2019, 08:37

TCDN - Về thuế, phí hiện nay chiếm khoảng 49-51% giá bán xăng dầu. Hiện mức thuế trong một lít xăng của chúng ta quá cao so với nhiều nước đặc biệt là thuế môi trường. Điều này cơ quan chức năng cần nhận thức rõ, cần có sự điều chỉnh lại.

hang-loat-co-so-kinh-doanh-xang-dau-bi-so-gay-bb-baaac5gfFu

Sau khi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu có hiệu lực từ 01/11/2014 đến nay, thị trường xăng dầu trong nước đã có nhiều chuyển biến tích cực. Kinh doanh xăng dầu đã cơ bản vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Giá xăng dầu trong nước được điều hành linh hoạt, kịp thời, đảm bảo hiệu quả, theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quy định của pháp luật, nhìn chung phù hợp xu hướng biến động của giá thế giới.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghị định 83/2017/NĐ-CP cũng đã nảy sinh một số bất cập cần sửa đổi. Theo Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, bất cập cần được xem xét, đó là: Những quy định điều kiện kinh doanh xăng dầu đang bất cập với những quy định của luật pháp ra đời sau Nghị định 83/2014/NĐ-CP như Luật Doanh Nghiệp (có hiệu lực từ 1/7/2015), Luật Đầu tư (có hiệu lực từ 1/7/2015). Theo cam kết WTO và các Hiệp định FTA, Việt Nam chưa mở cửa thị trường xăng dầu. Tuy nhiên, để thu hút đầu tư nước ngoài, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư góp vốn 75% và được phép phân phối các sản phẩm của nhà máy tại thị trường Việt Nam.

Về dự trữ xăng dầu, bắt buộc đối với doanh nghiệp nhằm ổn định thị trường nhưng quy định thời gian dự trữ lưu thông tối thiểu 30 ngày khiến lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh không hiệu quả hoặc bị lỗ (mua cao bán thấp). Tuy nhiên, cần làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc dự trữ xăng dầu phục vụ an ninh năng lượng quốc gia để bảo đảm ổn định mức dự trữ xăng dầu quốc gia và cần tăng thời gian dự trữ xăng dầu quốc gia để phục vụ cho quốc phòng, an ninh, an toàn năng lượng.

Về tần suất điều chỉnh giá, đề xuất rút ngắn tần suất điều chỉnh giá xăng dầu xuống còn 10 ngày, để giá bán lẻ trong nước ngày càng tiệm cận với giá thế giới, tránh việc giá thế giới giảm, giá trong nước lại tăng và ngược lại. Cần xem xét bỏ giá cơ sở, không dùng giá cơ sở để điều chỉnh giá bán lẻ như hiện nay mà giá cơ sở chỉ là những tiêu chí để doanh nghiệp tham khảo tùy theo điều kiện cụ thể để doanh nghiệp quyết định giá bán lẻ. Nên bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để lĩnh vực kinh doanh xăng dầu hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường, giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng chung của giá thế giới, giá xăng dầu tăng cao, người tiêu dùng sẽ trả ở mức cao và ngược lại, khi giá xăng dầu xuống thấp người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi. Về thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở, Hiệp hội kiến nghị áp thuế nhập khẩu dựa trên mức thuế suất nhập khẩu thấp nhất theo các cam kết tại các Hiệp định Thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để tính giá cơ sở, đồng thời tăng thu thuế nội địa (thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Bảo vệ môi trường...) để bù đắp cho ngân sách nhà nước do giảm thu thuế nhập khẩu.

Một số doanh nghiệp có đề xuất điều chỉnh giảm số ngày dự trữ xăng dầu quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP từ 30 ngày như hiện nay xuống 15 ngày do các nhà máy sản xuất xăng dầu trong nước đã đáp ứng được phần lớn nhu cầu xăng dầu tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, qua thực tế và đặc biệt là sau sự cố gián đoạn sản xuất của Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn gần đây (ngày 24/02/2019) dẫn tới thiếu hụt nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa cho thấy quy định dự trữ xăng dầu 30 ngày tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP là phù hợp với thực tế, giúp doanh nghiệp cân đối và duy trì khả năng cung ứng xăng dầu kịp thời phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước.

2017/NĐ-CP hiện nay chủ yếu còn một số vướng mắc về thuế, phí, giá xăng dầu. Về thuế, hiện nay đang tồn tại nhiều mức thuế nhập khẩu khác nhau đối với mặt hàng xăng dầu như thuế nhập khẩu ưu đãi MFN, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các FTA mà Việt Nam đã ký kết. Đối với mặt hàng xăng, thuế nhập khẩu ưu đãi MFN, thuế nhập khẩu ở khu vực ASEAN, Trung Quốc là 20%, trong khi thuế nhập khẩu từ Hàn Quốc chỉ 10%... Điều này gây khó khăn cho việc xác định thuế nhập khẩu trong công thức tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.

1812_1_78947-700x366

Bộ Công Thương đã có báo cáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này như sau:

- Chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi, nghiên cứu, đánh giá, xem xét sửa đổi các quy định về thuế (thuế nhập khẩu bình quân gia quyền áp dụng trong tính giá cơ sở xăng dầu; nghiên cứu đưa mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các thị trường FTA khác nhau về cùng một mức; nghiên cứu quy định thuế bảo vệ môi trường cho riêng xăng sinh học E5, E10, phù hợp với mức phát thải ra môi trường); nghiên cứu sửa đổi công thức tính giá cơ sở xăng dầu tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP cho phù hợp với sự thay đổi về cơ cấu nguồn xăng dầu (xăng dầu nhập khẩu hiện nay chiếm khoảng 25-30% tổng lượng xăng dầu tiêu thụ nội địa, còn lại 70-75% là từ nguồn sản xuất trong nước).

- Bộ Công Thương tiếp tục rà soát, nghiên cứu cắt giảm một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu nhằm tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp tham gia vào hoạt động kinh doanh xăng dầu để thị trường xăng dầu cạnh tranh hơn và đảm bảo nguồn cung tốt hơn.

Theo Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, Nhà nước xác định giá cơ sở để hình thành giá bán lẻ trên thị trường xăng dầu. Công thức giá cơ sở các mặt hàng xăng, dầu ở nhiệt độ thực tế bao gồm các yếu tố và được xác định bằng (=) {Giá CIF cộng (+) Thuế nhập khẩu cộng (+) Thuế tiêu thụ đặc biệt} nhân (x) Tỷ giá ngoại tệ cộng (+) Thuế giá trị gia tăng cộng (+) Chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ Bình ổn giá cộng (+) Lợi nhuận định mức cộng (+) Thuế bảo vệ môi trường cộng (+) Các loại thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về công thức và cách tính giá cơ sở bao gồm 9 yếu tố rất rõ ràng, minh bạch. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là việc xác định từng yếu tố đó như thế nào cho đúng, khách quan, minh bạch. Trong công thức tính giá cơ sở, một số yếu tố đang còn nhiều quan điểm và ý kiến khác nhau, cần phải được làm rõ.

Về thuế, phí hiện nay chiếm khoảng 49-51% giá bán xăng dầu. Hiện mức thuế trong một lít xăng của chúng ta quá cao so với nhiều nước đặc biệt là thuế môi trường. Điều này cơ quan chức năng cần nhận thức rõ, cần có sự điều chỉnh lại. Riêng về xác định mức thuế nhập khẩu, hiện còn bất cập và có nhiều ý kiến khác nhau. Kể từ ngày 21/3/2016, Bộ Tài chính áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở là bình quân gia quyền các mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo thực tế nhập khẩu từng quý, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau. Thuế nhập khẩu là một yếu tố quan trọng trong cấu thành giá bán lẻ xăng dầu. Sau khi Bộ Tài chính áp dụng cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu theo bình quân gia quyền đã phát sinh chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế doanh nghiệp phải nộp với mức thuế bình quân.

Có ý kiến cho rằng, không nên áp thuế bình quân gia quyền vì không có lợi gì cho người tiêu dùng, cũng không có lợi gì cho doanh nghiệp... Ngoài ra, việc lấy số liệu quý trước để tính bình quân gia quyền cho quý sau là chưa hợp lý. Bởi, xăng dầu biến động liên tục, nếu lấy số liệu quý trước tính cho quý sau là không đúng thực tế. Theo quan điểm của tác giả đề xuất đưa thuế nhập khẩu xăng dầu đồng loạt về 10% với xăng và 0% với mặt hàng dầu. Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ làm giảm thu ngân sách, do đó đề xuất tăng thuế nội địa, như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường. Nếu thuế nhập khẩu giảm thì thuế nội địa phải tăng lên. Nếu giảm thuế nhập khẩu, tăng thuế nội địa thì mức này vẫn có thể giữ nguyên, người tiêu dùng không bị thiệt hại gì cả.

Các doanh nghiệp nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu cho rằng cách tính giá cơ sở bán lẻ xăng dầu theo mức thuế bình quân gia quyền là chưa phù hợp thực tế. Bất cập cách tính mức thuế bình quân gia quyền trong giá cơ sở sẽ luôn phát sinh chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế doanh nghiệp phải nộp với mức thuế bình quân, cách tính này thiếu tính công khai, minh bạch vì số liệu cụ thể để tính toán ra các mức thuế bình quân gia quyền khó theo dõi, giám sát. Đặc biệt, việc áp dụng mức thuế bình quân gia quyền trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu chưa giải quyết được hài hòa quyền lợi giữa Nhà nước, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh xăng dầu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Về Quỹ bình ổn giá. Trong thời gian vừa qua, dư luận có nhiều ý kiến trái chiều về sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Đặc biệt Ủy ban tài chính ngân sách của Quốc hội trình Ủy ban Thường vụ quốc hội nên xem xét lại Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Một số ý kiến cho rằng nên bãi bỏ vì Quỹ bình ổn giá xăng dầu không mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, việc sử dụng Quỹ này chưa công khai, minh bạch. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng và nhiều ý kiến chuyên gia vẫn cho rằng Quỹ bình ổn vẫn là công cụ có hiệu quả phòng ngừa rủi ro.

Thực tế trong thời gian qua, Quỹ BOG đã được sử dụng hiệu quả nhằm giữ ổn định giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội; đồng thời giảm tần suất tăng giá bán xăng dầu trong nước.

Quỹ BOG xăng dầu được xây dựng trên cơ sở trích lập lúc giá thấp để chi sử dụng khi có biến động giá tăng cao bất thường, nhằm mục tiêu bình ổn thị trường. Việc hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết vì thông qua việc điều hành sử dụng Quỹ - công cụ tài chính phòng ngừa rủi ro, góp phần quan trọng bình ổn giá xăng dầu trong nước, qua đó góp phần bình ổn mặt bằng giá cả nói chung.

Đặc biệt việc điều hành giá xăng dầu trong nước được đặt trong bối cảnh phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới, mà giá thế giới thường xuyên biến động bất thường, tăng giảm khó lường và khó có thể dự báo xu hướng biến động một cách chính xác. Như vậy, việc hình thành Quỹ bình ổn giá xăng dầu là cần thiết vì thông qua việc điều hành sử dụng Quỹ - công cụ tài chính góp phần quan trọng bình ổn giá xăng dầu trong nước, qua đó góp phần bình ổn mặt bằng giá cả nói chung.

Trong một đánh giá gần đây, Kiểm toán Nhà nước đã khẳng định: "Việc hình thành cơ chế trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá là có cơ sở pháp lý và phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi chuyển đổi việc quản lý giá xăng dầu thực hiện theo cơ chế giá thị trường, xóa bao cấp bù lỗ và phù hợp với hội nhập kinh tế quốc tế vì mục tiêu chung là bình ổn giá, kiềm chế lạm phát...”

Sau những năm tồn tại và hoạt động của Quỹ đã thể hiện rõ hiệu quả, song để quỹ này tiếp tục tồn tại cần khắc phục những bất cập, hạn chế của Quỹ. Về cơ chế hành thành DN cũng nên có vai trò trong tham gia bình ổn thị trường bằng việc góp sức cùng với người tiêu dùng thông qua chia sẻ phần lợi nhuận kinh doanh, bằng cách trích tỷ lệ rất nhỏ từ nguồn lợi nhuận vào nguồn hình thành Quỹ, tạo ra kết nối bền chặt giữa người mua và người bán.

Cần cải tiến trích lập quỹ theo hướng khi giá thế giới giảm sâu, vẫn để giá ở mức như vậy, không muốn điều chỉnh giá tại thời điểm khi đó quyết định mức thu vào Quỹ. Khi giá có biến động, tùy theo sự biến động nhiều hay ít mà trích nguồn quỹ này hợp lý cho bình ổn giá. Không nên thu và trích quỹ cố định trong mọi trường hợp, hoặc nguồn thu và trích bằng nhau khi biên độ tăng giá cơ sở không lớn. Việc này khiến công đồng cảm thấy Quỹ Bình ổn giá không có tác dụng.

Về tần suất điều chỉnh giá, hiện Việt Nam phải nhập 20-25% xăng dầu thế giới, nhưng với quan điểm điều hành giá xăng dầu trong nước phải phù hợp với giá xăng dầu thế giới, nên tần suất điều chỉnh nên là 10 ngày hoặc 1tuần.Tần suất như vậy cũng chưa thật phù hợp với sự biến động của giá xăng dầu thế giới vốn thường xuyên biến động, mà tần suất cần phải ngắn hơn. Song một vấn đề khó khăn là hiện xăng dầu dự trữ quốc gia đang được để tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối. Thực tế này dễ dẫn đến tình trạng khó tách bạch giữa xăng dầu dự trữ quốc gia và xăng dầu kinh doanh. Cần phải nghiên cứu, xây dựng cơ chế theo hướng bảo đảm minh bạch, thuận lợi trong quản lý, sử dụng xăng dầu dự trữ quốc gia.

ThS. Ngô Trí Trung

Đại học quốc gia Hà Nội

Tạp chí in số tháng 9/2019
Bạn đang đọc bài viết Bất cập của Nghị định 83/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu tại chuyên mục Bài báo khoa học của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Cải cách thủ tục hành chính trong công tác quản lý thuế tại Hà Nội
Lấy sự hài lòng của người nộp thuế là mục tiêu chính để cải cách thủ tục hành chính với phương châm “Tận tâm lắng nghe - Tận tình hướng dẫn - Tận tụy giải quyết”, Cục Thuế Hà Nội thường xuyên rà soát, đánh giá lại toàn bộ các Thủ tục hành chính thuế, các bước công việc trong quá trình quản lý thuế.