Quốc hội khai mạc ngày 20/10, dự kiến kéo dài 17 ngày
TCDN - Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV dự kiến khai mạc vào ngày 20/10, kéo dài 17 ngày chia làm 2 đợt họp trực tuyến kết hợp họp tập trung.
Sáng 13/10, dưới sự điều hành của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Theo đó, kỳ họp này sẽ thảo luận Báo cáo về công tác phòng, chống dịch COVID-19 (trong đó có nội dung về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 được quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15) cùng với phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.
Nội dung kỳ họp cũng bổ sung dự thảo Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến trình Quốc hội xem xét, thông qua; rút Báo cáo về thực hiện Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu (EU) và các nước thành viên Liên minh châu Âu theo đề nghị của Chính phủ (vì tính đến hết tháng 9/2021, hiệp định này chưa có hiệu lực do chỉ có 8 trong tổng số 27 các nước thành viên EU phê chuẩn Hiệp định). Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sau khi hiệp định có hiệu lực và được triển khai thực hiện. Ngoài ra, Quốc hội sẽ mặc niệm cán bộ y tế, chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử vong do đại dịch COVID-19 trong phiên khai mạc kỳ họp.
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17 ngày: Đợt 1 là 11 ngày, từ ngày 20/10 đến 01/11; đợt 2 là 6 ngày, từ ngày 08/11 đến ngày 13/11/2021.
Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã dự kiến chương trình kỳ họp để dự phòng cho trường hợp dịch bệnh trong cả nước vẫn diễn biến phức tạp, Quốc hội phải họp trực tuyến cả kỳ nhưng bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch
Về biểu quyết thông qua các nội dung, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, theo phương án họp trực tuyến kết hợp với họp tập trung, việc biểu quyết thông qua các dự thảo luật, nghị quyết (tại đợt 2) vẫn áp dụng hình thức biểu quyết điện tử như thông lệ, riêng việc thông qua chương trình kỳ họp (tại phiên trù bị) đề nghị áp dụng hình thức biểu quyết qua phần mềm cài đặt trên iPad.
Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với Tờ trình của Tổng Thư ký Quốc hội; thống nhất với phương án tổ chức kỳ họp trực tuyến kết hợp họp tập trung, đồng thời có phương án dự phòng trực tuyến cả kỳ, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp. Để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả kỳ họp trong bối cảnh dịch covid-19, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất nên bố trí đợt 2 liền mạch, Quốc hội có thể làm việc cả ngày chủ nhật, đồng thời cần điều chỉnh lại nội dung làm việc sao cho hợp lý, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là kỳ họp hết sức quan trọng vì bước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ và quyết định khung khổ kế hoạch năm 2022, tinh thần là tiếp tục đổi mới, rút ngắn tối đa thời gian kỳ họp nhưng phải đảm bảo chất lượng cao nhất để sản phẩm cuối cùng là các dự án luật, các dự thảo Nghị quyết, các quyết sách đúng đắn nhất. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ, của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan hữu quan phối hợp với nhau rất chặt chẽ, rất trách nhiệm, nhiều vòng, nhiều lớp để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 2 tới, nhất là trong điều kiện dịch bệnh.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Văn phòng Quốc hội xem xét, tính toán có thể họp cả Chủ nhật như kỳ họp trước để có thể bế mạc Kỳ họp thứ 2 sớm hơn khoảng 3 ngày, đồng thời có thể sẽ họp thêm chuyên đề vào cuối năm để xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.
Về Báo cáo thẩm tra, Chủ tịch Quốc hội nhất trí có thêm báo cáo về phòng chống dịch Covid-19 và thực hiện Nghị quyết 30 của Quốc hội, đồng thời đề xuất Báo cáo này có thể tính cả 2 phương án: Một là gửi cho đại biểu tự nghiên cứu, không trình Quốc hội. Hai là cần phải có báo cáo thẩm tra riêng của Ủy ban Xã hội và Báo cáo thẩm tra kinh tế - xã hội của Ủy ban Kinh tế.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899