Sắc thuế tài sản sẽ giúp hạn chế nạn đầu cơ bất động sản

20/12/2018, 09:49

TCDN - Trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN, TS. Nguyễn Đình Chiến - giảng viên Khoa Thuế và Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, việc ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết.

Sắc thuế tài sản sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản hoạt động minh bạch hơn.
Sắc thuế tài sản sẽ góp phần giúp thị trường bất động sản hoạt động minh bạch hơn.
Thông qua sắc thuế này, Nhà nước sẽ đảm bảo công bằng trong phân phối của cải, tài sản xã hội; giúp hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, giúp thị trường bất động sản minh bạch hơn.

* PV: Thảo luận Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại kỳ họp vừa qua, có đại biểu Quốc hội đề nghị ban hành Luật Thuế về tài sản, nhất là đối với bất động sản để quản lý chặt chẽ thị trường này. Theo ông, trong bối cảnh hiện nay có cần thiết phải ban hành luật này hay không?

TS. Nguyễn Đình Chiến
TS. Nguyễn Đình Chiến
-TS. Nguyễn Đình Chiến: Mỗi một sắc thuế với việc xác định đối tượng điều chỉnh, cách thức điều chỉnh cụ thể sẽ có thêm các vai trò khác nhau trong điều tiết vĩ mô. Theo tôi, việc ban hành Luật Thuế tài sản là cần thiết. Bởi vì, thuế tài sản sẽ điều chỉnh đối với các tài sản có giá trị lớn, Nhà nước có thể quản lý và điều tiết bằng thuế. Thông qua sắc thuế này, Nhà nước quản lý, kiểm soát được tài sản trong dân cư. Theo đó, những người có nhiều tài sản, tài sản có giá trị lớn phải đóng thuế nhiều, người có ít tài sản đóng thuế ít, người không có tài sản chịu thuế hoặc có nhưng chưa đến mức phải tính thuế thì không phải nộp thuế. Quy định như vậy sẽ đảm bảo yêu cầu công bằng trong đánh thuế, giải quyết những vấn đề bất công bằng trong phân phối của cải, tài sản xã hội.

Ngoài ra, việc đánh thuế tài sản vào bất động sản cũng có tác động đến hành vi đầu cơ bất động sản, khi những hoạt động này được kiểm soát chặt chẽ hơn. Do đó có thể nói, cùng với các chính sách quản lý khác của Nhà nước, sắc thuế tài sản sẽ góp phần hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, giúp thị trường minh bạch hơn. Tuy nhiên, tác dụng thực tế của thuế tài sản trong việc hạn chế đầu cơ bất động sản còn phù thuộc nhiều vào nội dung cụ thể của luật như chọn đối tượng điều chỉnh, mức độ điều tiết cũng như thực tiễn triển khai thực thi luật và sự đồng bộ của các chính sách quản lý bất động sản khác.

* PV: Theo quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân, các doanh nghiệp, cá nhân chỉ được cấp quyền sử dụng đất chứ không cấp quyền sở hữu tài sản. Theo ông việc đánh thuế tài sản với đất, nhà liệu có hợp lý?

-TS. Nguyễn Đình Chiến: Điều 105, Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam đã xác định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”; và tại Điều 181, Bộ Luật này, “Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.

Như vậy, ở Việt Nam đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước giao quyền sử dụng cho các đối tượng trong xã hội để sử dụng đất và người sử dụng đất được phép mua bán, trao đổi quyền sử dụng đất trên thị trường thì thuế đánh vào tài sản sẽ đánh vào quyền sử dụng đất. Trong trường hợp này, quyền sử dụng đất chính là quyền tài sản cũng đồng thời là tài sản theo quy định của Bộ Luật Dân sự.

Hiện tại, Việt Nam đã có 2 sắc thuế đánh vào quyền sử dụng đất là Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp đánh vào quyền sử dụng đất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đánh vào quyền sử dụng đất để ở, xây dựng công trình và sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.

Tôi cho rằng, sự ra đời của Luật Thuế tài sản thay thế cho 2 luật thuế nói trên đồng thời bổ sung thêm nhà vào đối tượng chịu thuế sẽ đảm bảo phù hợp các quy định pháp lý và thực tiễn hiện nay.

* PV: Nếu dự án luật này được triển khai, theo ông việc đánh thuế đối với tài sản nên theo phương án nào?

-TS. Nguyễn Đình Chiến: Trên cơ sở lý thuyết và thực tiễn một số quốc gia, việc đánh thuế tài sản có thể lựa chọn một trong hai phương án.

Thứ nhất, chỉ đánh thuế vào tài sản chịu thuế thứ hai trở đi. Người chỉ sở hữu một tài sản chịu thuế không phải nộp thuế. Người sở hữu từ hai tài sản chịu thuế trở lên sẽ phải nộp thuế đối với các tài sản chịu thuế còn lại ngoài tài sản chịu thuế thứ nhất. Tuy nhiên, phương án này sẽ gặp khó khăn nhất định trong quản lý tài sản chịu thuế, như xác định số lượng tài sản chịu thuế của một người là bao nhiêu, việc xác định tài sản nào là thứ nhất, thứ hai trở đi. Ngoài ra, trường hợp một người có nhiều hơn một tài sản nhưng đều giá trị thấp, cuộc sống khó khăn với một người chỉ có một tài sản nhưng giá trị rất lớn, cuộc sống khá giả thì việc chỉ đánh thuế vào tài sản thứ hai trở đi lại trở nên không hợp lý.

Thứ hai, đánh thuế vào bất cứ tài sản nào miễn nó thuộc diện chịu thuế (có giá trị vượt quá mức khởi điểm chịu thuế). Lúc này, các tài sản có giá trị (xác định theo các quy định về giá tính thuế) vượt quá một ngưỡng nhất định sẽ thuộc diện phải tính thuế. Thuế tài sản sẽ tính trên phần giá trị vượt quá ngưỡng chịu thuế đó. Các tài sản có giá trị không vượt quá ngưỡng chịu thuế sẽ không thuộc diện tính thuế.

Trong điều kiện Việt Nam còn gặp không ít khó khăn trong quản lý tài sản dân cư, thị trường bất động sản chưa thực sự minh bạch, hệ thống quản lý nhà đất và các giao dịch bất động sản còn chưa đầy đủ nên việc tính thuế trên tất cả các tài sản không phân biệt thứ nhất, thứ hai là phù hợp.

* PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Thời báo tài chính Việt Nam
Bạn đang đọc bài viết Sắc thuế tài sản sẽ giúp hạn chế nạn đầu cơ bất động sản tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận