Sàn giao dịch thương mại điện tử Ebay, Amazon, Bestbuy… có phải nộp thuế hộ?
TCDN - Trên thế giới, nhiều nước đã yêu cầu sàn giao dịch thương mại điện tử thực hiện khai thay và nộp thay thuế cho cá nhân kinh doanh qua sàn.
Theo Thống kê của Tổng cục Thuế, hiện nay, các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn nhất trên thế giới (như eBay, Amazon, Bestbuy,...) đang thực hiện nghĩa vụ tính thuế doanh thu (hoặc thuế GTGT) đối với từng đơn hàng, sau đó, nộp vào ngân sách thay cho người bán trên sàn của mình. Khi người mua đặt hàng, sẽ có số thuế tạm tính được cộng vào tiền thanh toán. Số thuế này sẽ được xác định chính xác tại email xác nhận đơn hàng gửi đến cho người mua.
Các thông tin về quy định tính và nộp thuế thay cho người bán thường được các sàn điện tử thông báo công khai trên website của mình.
Đơn cử như trường hợp eBay: tại mục thông tin về thuế dành cho người bán hàng, eBay thông báo rõ người bán hàng có trách nhiệm phải chịu các khoản thuế và phí bao gồm: thuế doanh thu, thuế thu nhập và thuế nhập khẩu (với người mua ở nước ngoài). Số tiền thuế từ các đơn hàng này, eBay có trách nhiệm thu hộ và nộp cho cơ quan thuế thay cho người bán.
Từ 1/1/2021, đã có tổng số 44 cơ quan thuế các nước yêu cầu eBay thực hiện nghĩa vụ này.
Bên cạnh đó, từ năm 2018, 2019, cơ quan thuế các nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc, Đức đã triển khai các biện pháp để thu thuế doanh thu thông qua các sàn điện tử. Khi người mua thực hiện mua hàng từ người bán ở nước ngoài, thì giao dịch này phải thuộc đối tượng chịu thuế ở nơi tiêu thụ (nơi người mua ở).
Tuy nhiên, người bán không phải lúc nào cũng xác định được số thuế họ phải nộp cho mỗi quốc gia mà họ bán hàng tới. Theo đó, các nước đã ban hành các đạo luật yêu cầu các sàn giao dịch điện tử phải có nghĩa vụ xác định nghĩa vụ thuế của người bán và thu hộ rồi nộp cho cơ quan thuế.
Tại Trung Quốc, ngoài việc thực hiện thu hộ, nộp hộ thuế cho người bán, cơ quan thuế còn yêu cầu DN kinh doanh sàn điện tử phải xuất hóa đơn cho khách hàng, đồng thời, khai báo thông tin về hoạt động mua bán, các thông tin về thuế có liên quan của các giao dịch cho cơ quan thuế và lưu trữ các thông tin này trong tối thiểu 3 năm.
Tháng 3/2019, OECD đã ban hành tài liệu “Vai trò của người tạo lập nền tảng kỹ thuật số trong việc thu thuế GTGT/thuế doanh thu đối với hoạt động kinh doanh qua mạng”. Theo đó, OECD khuyến nghị các nước nên thống nhất cách thức và có chế độ quy định người tạo lập nền tảng kỹ thuật số (các sàn giao dịch điện tử) là người có trách nhiệm đầy đủ và duy nhất trong việc xác định số thuế phải nộp của các đơn hàng, thu hộ và nộp cho cơ quan thuế. Việc càng nhiều quốc gia thống nhất cách thức này, sẽ tạo điều kiện cho các sàn dễ dàng hơn trong việc thực hiện và giảm chi phí tuân thủ của họ.
Ông Nguyễn Việt Anh, Chủ nhiệm các dự án hỗ trợ kỹ thuật về cải cách thuế tại Việt Nam thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, đối với quy định nghĩa vụ thu thập dữ liệu, lưu giữ hồ sơ, nộp hồ sơ và nộp thuế của người kê khai và nộp thuế thay cho cá nhân, hộ kinh doanh bao gồm cả đối tác địa phương của các nền tảng kỹ thuật số ở nước ngoài và chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy các quốc gia rất chú trọng đến vấn đề này, và thường có các quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin của các sàn giao dịch thương mại điện tử, các nền tảng số nước ngoài.
Vào tháng 7 năm 2020, OECD đã công bố các quy tắc mẫu được thiết kế để trở thành một phần của quy trình quốc tế nhằm thu thập và chia sẻ thông tin về các nhà cung cấp sử dụng nền tảng kỹ thuật số để bán dịch vụ. Mục đích của hệ thống là “đảm bảo người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế có quyền truy cập kịp thời vào thông tin chất lượng cao, nhằm nâng cao tính tuân thủ và giảm thiểu gánh nặng tuân thủ cho cơ quan quản lý thuế và người nộp thuế”. Các quy tắc được đề xuất tập trung vào việc báo cáo thu nhập từ việc cho thuê bất động sản và từ việc cung cấp các dịch vụ cá nhân trong nền kinh tế chia sẻ và hợp đồng biểu diễn.
Mạnh mẽ hơn, vào tháng 3 năm 2021, Hội đồng Liên minh Châu Âu đã áp đặt một nghĩa vụ mới đối với các nhà vận hành nền tảng số phải báo cáo thông tin thu nhập của người bán hàng trên các nền tảng của họ và để các quốc gia thành viên tự động trao đổi thông tin này. Một số quốc gia đã yêu cầu trực tiếp các nhà vận hành nền tảng ở nước ngoài cung cấp dữ liệu về các doanh nghiệp trong nước sử dụng các nền tảng đó.
“Chúng tôi khuyến nghị Việt Nam nên xem xét cách tiếp cận vấn đề này để thu thập được dữ liệu về các cá nhân, hộ kinh doanh và Việt Nam giao dịch trực tiếp thông qua các nền tảng ở nước ngoài”, ông Việt Anh cho hay.
Đồng thời nhấn mạnh, thu thập dữ liệu từ các nền tảng số là một phần của chiến lược quản lý tuân thủ đối với các giao dịch thương mại điện tử. Việc thu thập dữ liệu từ các nền tảng, trong nước và ngoài nước, sẽ rất có giá trị trong việc phát hiện các cá nhân, hộ kinh doanh có phát sinh hoạt động nhưng chưa đăng ký với cơ quan thuế. Trong bối cảnh này, việc quy định nghĩa vụ kê khai, nộp thuế và cung cấp thông tin của các sàn thương mại điện tử, các nền tảng số như thảo luận ở trên sẽ giúp cơ quan thuế Việt Nam quản lý tốt các giao dịch thương mại điện tử phát sinh trên các nền tảng này, cũng như đối với cá nhân có thu nhập từ sản phẩm, dịch vụ nội dung thông tin số.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899