Sắp cưỡng chế 70 phòng trọ vi phạm xây dựng tại quận Bình Tân

20/10/2023, 15:03
báo nói -

TCDN - Theo thông báo, hết ngày 17/10 UBND P.Tân Tạo (Q.Bình Tân, Tp.HCM) sẽ tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm xây dựng tại thửa đất số 70,71,72,74 tờ bản đồ số 49 (TL-2005), đường QL1A. Nhiều năm qua, chủ của những căn phòng trọ này vẫn đóng thuế đầy đủ.

UBND P.Tân Tạo đã có thông báo yêu cầu chủ đầu tư và người thuê di dời trang thiết bị, vật dụng ra khỏi nhà đến hết ngày 17/10. Theo đó, 70 căn phòng trọ xây dựng trong khu đất trên sẽ bị cưỡng chế tháo gỡ. Chủ những căn phòng trọ này cho biết đã lập công ty, kinh doanh phòng trọ và đóng thuế đầy đủ nhiều năm qua, không vi phạm nghĩa vụ đối với nhà nước.

Khu trọ được chủ thuê lại từ người của BCCI

Việc cưỡng chế được thực hiện theo Quyết định số 2350/QĐ-CCXP ngày 09/06/2022 của UBND Q.Bình Tân, về cưỡng chế thi hành biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng. Cá nhân vi phạm là bà Lý Thị Ngọc Điệp (ngụ Q.Bình Tân). Bà Điệp chính là chủ của 70 căn trọ và một số ki-ốt xây tạm trên khu đất.

Trao đổi với PV, bà Điệp khẳng định không có ý kiến về hoạt động cưỡng chế theo các quy định pháp luật hiện hành. Tuy vậy, việc cưỡng chế (nếu có) được tiến hành vào thời điểm này là chưa hợp lý, bởi cá nhân bà đã có đơn khởi kiện quyết định số 2350/QĐ-CCXP của UBND Q.Bình Tân. Hiện vụ kiện đang được TAND Cấp cao tại Tp.HCM thụ lý (ngày 18/06/2023).

Khu đất 2.600m2 được xây dựng 70 phòng trọ và một số ki-ốt cho thuê từ năm 2000 là đất hiện thuộc sở hữu Công ty Khang Phúc (Ảnh: T.U)

Khu đất 2.600m2 được xây dựng 70 phòng trọ và một số ki-ốt cho thuê từ năm 2000 là đất hiện thuộc sở hữu Công ty Khang Phúc (Ảnh: T.U)

“Tôi không cản trở hoạt động cưỡng chế nhưng hãy đợi đến khi TAND Cấp cao tại Tp.HCM có phán quyết cuối cùng. Tránh những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra mà không thể khắc phục được”, bà Điệp trần tình.

Theo tìm hiểu, khu đất trên có nguồn gốc thuộc sơ hữu Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Bình Chánh - BCCI (nay là Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc, thành viên của Công ty Nhà Khang Điền).

Từ năm 2000, gia đình Bà Điệp đã thuê đất lại từ ông Kỷ Văn Nghĩa và ông Bùi Văn Bé Năm (đều là nhân viên BCCI). Từ đó đến nay, bà Điệp duy trì kinh doanh cho thuê ki-ốt và phòng trọ theo Giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0725/HKD.TM do UBND Q.Bình Tân cấp ngày 26/05/2000. Bà Điệp khẳng định, trong quá trình kinh doanh luôn tuân thủ các quy định pháp luật và hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Trong thời gian bà Điệp kinh doanh, BCCI từng yêu cầu bà Điệp tháo dở công trình nhà trọ, ki-ốt với lý do tự ý xây dựng trên đất công ty này vào năm 2004. Song song đó, BCCI cũng có văn bản đề nghị UBND Q.Bình Tân giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, phía UBND quận đã có văn bản từ chối giải quyết và đề nghị BCCI khởi kiện bà Điệp trong một vụ án dân sự khác.

Năm 2015, BCCI về tay Công ty Nhà Khang Điền, một ông lớn bất động sản nổi tiếng tại Tp.HCM. Sau khi về tay Nhà Khang Điền thì năm 2018, BCCI cũng chính thức được được đổi tên mới thành Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Phúc (Công ty Khang Phúc).

Theo lời bà Điệp, từ đó đến nay Công ty Khang Phúc cũng không có bất kỳ trao đổi nào với phía gia đình bà Điệp. Mặc dù vậy, từ năm 2020 thì UBND P.Tân Tạo liên tục cử đoàn kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với khu trọ và ki-ốt cho thuê của gia đình bà Điệp. Và cuối cùng là quyết định cưỡng chế số 2350/QĐ-CCXP của UBND Q.Bình Tân mà bà Điệp đang tiến hành khởi kiện.

Người thuê trọ chưa biết đi đâu

Ngày 17/10, có mặt tại khu trọ nêu trên, PV ghi nhận hiện có khoảng 70 phòng trọ và một số ki-ốt mặt tiền đường lớn đang cho thuê tổ chức kinh doanh, buôn bán. Ước tính có khoảng 200 nhân khẩu đang sinh sống tại đây, chủ yếu là công nhân và người lao động tự do có thu nhập thấp. Trước thông tin khu trọ sắp bị cưỡng chế, người dân tỏ ra hoang mang, lo lắng. Thậm chí, một số hộ còn chưa tính được chuyện thuê nơi khác để chuyển đi.

Anh Triều, chủ cơ sở cơ khí đang thuê mặt bằng kinh doanh từ bà Điệp cho biết, ông đã thuê địa điểm này để làm ăn gần 20 năm nay, giờ nhận thông báo Nhà nước sẽ cưỡng chế, di dời, không cho làm nữa, ông cũng chưa biết xoay sở như thế nào.

Xóm trọ nghèo hoang mang, lo lắng trước thông tin sắp bị cưỡng chế (Ảnh: T.U).

Xóm trọ nghèo hoang mang, lo lắng trước thông tin sắp bị cưỡng chế (Ảnh: T.U).

Cũng có gần 20 năm gắn bó với khu trọ, chị Thùy (quê Thanh Hoá) làm nghề mua bán ve chai chia sẻ: “Tôi đèo 2 con từ quê vào Tp.HCM năm 2003, chị chủ thấy khổ nên cho thuê giá rẻ rồi ở đây luôn từ đó đến nay. Cũng nhờ vậy mà mấy mẹ con lay lắt, kiếm sống qua ngày. Tôi nói thật, bây giờ mà đi thuê chỗ khác nhiều tiền hơn là không thuê nổi. Từ hôm hay tin bị cưỡng chế, không cho thuê nữa đến nay tôi mất ăn, mất ngủ”.

Khác với anh Triều và chị Thuỳ, chị Thảo ở miền Tây vừa lên Tp.HCM làm công nhân được vài tháng cũng chọn khu trọ này làm nơi tá túc vì giá “mềm”. Theo lời chị Thảo, quanh khu vực này không thiếu phòng trọ tiện nghi nhưng với công nhân mới, lương thấp, lại không ổn định như chị thì giá rẻ mới là lựa chọn hàng đầu. Còn lại, chỉ cần che nắng, che mưa là được.

Khi PV đề cập đến việc khu trọ sắp bị cưỡng chế, tháo dở, chị Thảo thở một hơi thật dài rồi nói: “bây giờ không có tiền, tôi cũng chưa phải đi đâu nữa…!”.

Trao đổi với PV, bà Lý Thị Ngọc Điệp chủ đầu tư khu trọ và ki-ốt khẳng định, không phản đối quyết định cưỡng chế của UBND Q.Bình Tân và sẵn sàng tháo dỡ, di dời trả lại mặt bằng cho Công ty Khang Phúc. Tuy vậy, bà Điệp mong muốn phía công ty này phải có chính sách giải quyết hỗ trợ công trình, tài sản trên đất vì bà là người thuê lại tài sản từ người của BCCI (tiền thân của Công ty Khang Phúc) chứ không phải chiếm dụng đất.

Trác Út
Bạn đang đọc bài viết Sắp cưỡng chế 70 phòng trọ vi phạm xây dựng tại quận Bình Tân tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Tiêu thụ thép xây dựng tăng cao
Sản lượng bán hàng thép xây dựng đạt hơn 958.500 tấn vào tháng 9/2023. Mức này tăng 9% so với tháng 8 và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.