SCIC đề xuất bán nợ cho DATC

15/08/2019, 14:28

TCDN - Vướng mắc trong quá trình xử lý công nợ trước khi thực hiện thoái vốn tại doanh nghiệp đang là nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp bán vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) chỉ đạt khoảng 38% so với kế hoạch. Vì thế SCIC đề xuất tạo cơ chế bắt tay bán nợ cho DATC.

photo1538187505955-15381875059551383974923

Ông Trần Nguyên Nam, Trưởng ban Phụ trách Ban Kế hoạch Tổng hợp – SCIC cho biết, theo Danh mục doanh nghiệp bán vốn nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao cho SCIC tại Quyết định 1001/QĐ-TTg (ngày 10/7/2017), trong giai đoạn 2017-2020, SCIC phải bán vốn nhà nước tại 132 doanh nghiệp, không kể 4 doanh nghiệp SCIC được chủ động bán và doanh nghiệp được các bộ, ngành, địa phương bàn giao về SCIC do không thoái được theo Quyết định 1232/QĐ-TTg.

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2017 đến hết tháng 6/2019, SCIC chỉ bán vốn tại 51 doanh nghiệp (bao gồm: Vinamilk và Nhựa Bình Minh), trong đó bán hết vốn tại 47 doanh nghiệp, bán bớt vốn tại 04 doanh nghiệp. Tổng giá trị thu được là 20.110 tỷ đồng, trên giá vốn là 3.469 tỷ đồng, chênh lệch bán vốn là 16.642 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,8 lần (cao hơn mức bình quân cả nước giai đoạn 2011-2015 là 1,48 lần).

Như vậy, số lượng doanh nghiệp bán vốn, SCIC đạt khoảng 38% so với danh mục bán vốn được giao tại Quyết định 1001, trong đó có một số doanh nghiệp quy mô lớn: Vinamilk, Nhựa Bình Minh, Vinaconex...

Đại diện SCIC cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tiến độ thoái vốn của SCIC chậm là do vướng mắc trong quá trình xử lý công nợ. Cụ thể, theo quy định hiện hành, trước khi thực hiện thoái vốn tại doanh nghiệp, SCIC phải xử lý dứt điểm công nợ của doanh nghiệp với SCIC và Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp do SCIC quản lý.

Trên thực tế, trong hầu hết các trường hợp, việc không trả nợ hoặc chậm trả nợ xuất phát từ nguyên nhân khách quan, chủ yếu là doanh nghiệp làm ăn khó khăn, thua lỗ kéo dài và không đủ năng lực tài chính để trả nợ. Trong những trường hợp này, việc yêu cầu thu hồi nợ của doanh nghiệp trước khi thoái vốn là không khả thi, trong khi nếu không thoái vốn thì khả năng tiếp tục mất vốn nhà nước là rất lớn do doanh nghiệp tiếp tục lún sâu vào thua lỗ.

Để khắc phục tình trạng trên SCIC đề xuất thiết lập cơ chế hợp tác mua bán nợ giữa SCIC và các tổ chức mua bán nợ trên thị trường (như DATC hay VAMC). Nếu cơ chế này được xây dựng và thực thi, những khoản nợ xấu, nợ khó đòi tại các doanh nghiệp theo lộ trình thoái vốn của SCIC sẽ được xem xét, đàm phán để bán lại cho DATC/VAMC.

Qua đó giúp SCIC đẩy nhanh quá trình bán vốn, kịp thời thu hồi vốn cho Nhà nước, hoàn tất quá trình cổ phần hóa toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đồng thời, DATC/VAMC trong vai trò cổ đông sẽ hỗ trợ HĐQT và Ban điều hành doanh nghiệp cải tiến công tác quản trị và tình hình tài chính, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thu Hằng
Bạn đang đọc bài viết SCIC đề xuất bán nợ cho DATC tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Diễn đàn Tái cơ cấu DNNN
Diễn đàn Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp phối hợp với Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) và Ngân hàng BIDV diễn ra tại Hà Nội.
Tăng tốc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Sáng 8/8, Diễn đàn Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước do Tạp chí Tài chính Doanh nghiệp phối hợp với Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) và Ngân hàng BIDV diễn ra tại khách sạn Bảo Sơn, Hà Nội.