Sẽ kiểm toán hàng năm các báo cáo ngân sách

24/08/2020, 14:35

TCDN - Đây là một trong những nội dung được đặt ra trong Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030.

Sứ mệnh Kiểm toán nhà nước là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công hoạt động độc lập, khách quan.

Sứ mệnh Kiểm toán nhà nước là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công hoạt động độc lập, khách quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước (KTNN) đến năm 2030.

Mở rộng kiểm toán nước ngoài

Tại cuộc họp cho ý kiến về Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng, hiện nay, ở Việt Nam, đa phần chỉ có kiểm toán Nhà nước mà chưa có kiểm toán ngoài Nhà nước. Việc kiểm toán là phải theo hướng độc lập, chuyên nghiệp, mang giá trị gia tăng, nhiều nơi phải cần đến mình nên cần phải hướng tới kiểm toán ngoài Nhà nước để thể hiện uy tín, thương hiệu kiểm toán của Việt Nam nhằm hướng tới hợp tác quốc tế.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, KTNN nên mở rộng vào việc lĩnh vực tài chính, sử dụng tài sản công, đầu tư vào các thiết bị hiện đại có kết cấu hạ tầng. Việc kiểm toán có quyền đình chỉ, ngăn chặn những việc làm sai phạm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, lần đầu tiên, KTNN có vị thế pháp lý quan trọng trong Hiến pháp nên việc cần xây dựng chiến lược để phát triển theo hướng: Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Không ngừng gia tăng giá trị là cần thiết. Tuy nhiên, lĩnh vực kiểm toán không chỉ thực hiện kiểm toán ở các cơ quan Nhà nước mà cần phải là cơ quan kiểm soát tài sản công của Nhà nước một cách hiệu quả. Vì vậy, hoạt động kiểm toán phải hướng tới thực hiện mỗi năm 1 lần, chứ không phải là 2 năm/lần như hiện nay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030.

Chiến lược nâng cao chất lượng kiểm toán

Cho ý kiến về chất lượng KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị KTNN xem xét lại nhận định trong nội dung này khi coi chất lượng kiểm toán là một trong những trụ cột quan trọng trong Chiến lược để tránh tạo ra sự không thống nhất với mục Các trụ cột phát triển đã nêu trước đó (chỉ có 3 trụ cột là khuôn khổ pháp lý, nguồn nhân lực và công nghệ).

Theo ông Nguyễn Đức Hải, KTNN cần phấn đấu thực hiện mục tiêu cho thời gian dài (10 năm) tiến tới kiểm toán thường xuyên (1 năm/1 lần) đối với báo cáo quyết toán ngân sách của Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để hoàn thiện chức năng đánh giá, xác nhận của KTNN quy định tại Điều 9 Luật KTNN với mục tiêu cuối cùng là đánh giá, xác nhận báo cáo quyết toán NSNN.   

Để nâng cao năng lực kiểm toán quyết toán NSNN, KTNN cần đổi mới phương pháp kiểm toán báo cáo tài chính, cân nhắc triển khai hợp lý số lượng các cuộc kiểm toán toàn diện ngân sách, tiền, tài sản nhà nước với các cuộc kiểm toán chỉ hướng tới mục tiêu kiểm toán tài chính để đánh giá, xác nhận báo cáo tài chính.

Bên cạnh đó, ông Hải cũng cho rằng, thời gian qua, việc thực hiện kiến nghị kiểm toán nhất là việc xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân đối với các sai phạm chưa đầy đủ, kịp thời, nghiêm minh; việc công khai kết quả của các cuộc kiểm toán còn hạn chế.

“Vì vậy, KTNN cần phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, phấn đấu đến năm 2025 trên 90% kiến nghị và đến năm 2030 cơ bản các kiến nghị kiểm toán được thực hiện; đồng thời công khai kịp thời kết quả kiểm toán của các cuộc kiểm toán và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN để nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán và hiệu lực kết luận, kiến nghị kiểm toán”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề xuất.

Kết luận về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá cao Chiến lược. Theo đó, Chiến lược cần tập trung vào mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị cốt lõi, bám sát vào Luật Kiểm toán và Hiến pháp. Trong giai đoạn hiện nay, việc kiểm toán đối với các cơ quan, đơn vị là 2 năm/lần. Tuy nhiên, từ năm 2026 trở đi, mục tiêu cụ thể KTNN đối với các cơ quan, đơn vị phải được kiểm toán mỗi năm/lần theo hướng tổng quát, còn kiểm toán chuyên ngành là thực hiện chuyên sâu.

Về biên chế KTNN đến năm 2030 là không quá 2.700 người. Mỗi giai đoạn, KTNN phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cấp có thẩm quyền xem xét về nguồn nhân lực. 

An Nhiên
Bạn đang đọc bài viết Sẽ kiểm toán hàng năm các báo cáo ngân sách tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan