Khó dự đoán diễn biến giá vàng miếng tuần này

24/08/2020, 10:09

TCDN - Trong tuần qua, chỉ có một phiên duy nhất giá vàng miếng SJC bật lên mốc 58,15 triệu đồng/lượng, còn lại các ngày khác đều lình xình quanh ngưỡng 56,6 triệu đồng/lượng.

Cuối tuần, giá mua – bán vàng miếng SJC đóng cửa ở mức 55,35 – 56,75 triệu đồng/lượng, tính chung cả tuần giá vàng chỉ tăng khoảng 200.000 – 300.000 đồng/lượng.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần, trên thị trường thế giới, giá vàng miếng giao ngay đứng lại quanh mức 1.943USD/ounce. So với mức giá cao nhất trong tuần là 2.013 USD/ounce thì đến cuối tuần giá vàng thế giới giảm tới 70 USD/ounce, tức giảm tới gần 2 triệu đồng/lượng.

Với mức giá này, kim loại quý trên thị trường thế giới vẫn thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 2,3 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng thế giới đã có tuần đi xuống thứ hai liên tiếp. Trong tuần, dù có thời điểm giá quay trở lại mốc 2.000 USD/ounce nhưng chỉ trong chớp nhoáng, phiên lao dốc sau đó đã xóa sạch thành quả tăng trước đó, sau khi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 7 với thông tin kém tích cực về lãi suất và các gói cứu trợ bị trì hoãn.

Giá vàng miếng tuần này rất khó dự đoán.

Giá vàng miếng tuần này rất khó dự đoán.

Ngay sau báo cáo, thị trường vàng chịu sức ép khi đồng USD phục hồi từ vùng đáy. Chứng khoán Mỹ phiên cuối tuần cũng đi lên và lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng sau số liệu PMI sơ bộ cho thấy, hoạt động sản xuất tại Mỹ tháng 7 lên cao nhất kể từ đầu năm 2019. Trong ngắn hạn, giá vàng còn bị hưởng bởi áp lực chốt lời của các nhà đầu tư sau khi tăng vượt ngưỡng 2.000 USD/ounce.

Tuy nhiên, theo David Meger – Giám đốc Giao dịch Kim loại quý tại High Ridge Futures, các số liệu kinh tế tốt hơn đã xuất hiện trên một vài phương diện, nhưng mối lo về đại dịch Covid-19 vẫn còn, đặc biệt là trên thị trường việc làm.

Trong tuần này, theo giới phân tích, một sự kiện quan trọng rất có thể mang đến một đợt biến động mới, có khả năng làm thay đổi mọi thứ trên thị trường kim loại quý và giúp giá phục hồi sau hai tuần đi xuống liên tiếp.

Đúng là USD mạnh hơn đang tạo áp lực lên giá vàng trong thời điểm hiện tại, khi thị trường vẫn còn “bối rối” trước các thông điệp mới nhất từ Fed. Theo như phân tích từ Peter Hug, Giám đốc giao dịch toàn cầu của Kitco Metals, “Động lực chính cho việc bán tháo trong tuần này là phản ứng của thị trường đối với biên bản của Fed. Và sức mạnh tạm thời của USD khiến kim loại này bị bán tháo. Định vị ngắn hạn của đồng USD ở mức cực đoan đã khiến thị trường kim loại quý suy yếu”.

Các thị trường đều đang “nín thở” chờ đợi Chính phủ Mỹ tung ra một số gói kích thích tài chính để hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, có vẻ như chương trình cứu trợ sẽ chậm trễ, với thời gian gián đoạn ít nhất là cho đến tháng 9. Mọi người đã lo lắng và chuyển sự quan tâm sang tiền mặt, USD vì thế đã đảo chiều gần 2%.

Nhận định về thị trường, Nhà kinh tế hàng hóa Caroline Bain của Capital Economics nói với Kitco News hôm thứ Sáu (21/8) rằng: “Giá vàng giảm có vẻ liên quan đến việc nhà đầu tư bán ra - rất có thể là chốt lời, cũng như do ảnh hưởng bởi sức mạnh của USD trong những ngày gần đây.

Trong 2 ngày 27-28/8, “các đại bàng” của ngành tài chính thế giới sẽ tề tựu đông đủ về thung lũng tuyệt đẹp ở vùng Wyoming (Mỹ) dự Hội nghị chuyên đề Jackson Hole.

Sự kiện quan trọng này có thể coi là Hội nghị thượng đỉnh của ngành tài chính để cùng bàn luận về các vấn đề chính yếu hiện nay của nền kinh tế Mỹ, cũng như toàn cầu, các phương án và giải pháp...

Sở dĩ Hội nghị Jackson Hole là sự kiện mà giới tài chính toàn cầu không bao giờ bỏ qua vì như đã nói ở trên, các “đại bàng” có máu mặt trong giới sẽ tề tựu về đó.

Mặc dù sự kiện không cho báo chí tham dự vào, nhưng những thông tin được rò rỉ từ đây, hoặc những phát biểu, bình luận hoặc các trả lời phóng vấn nhanh bên lề cũng hứa hẹn đem đến các thông tin quan trọng, khiến thị trường biến động.

Sự kiện năm nay có chủ đề "Điều hướng thập kỷ tiếp theo: Hàm ý đối với chính sách tiền tệ" và Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến ​​sẽ phát biểu vào lúc 9h10 sáng ngày 27/8 (giờ địa phương).

Như Giám đốc điều hành RBC Wealth Management, George Gero cho biết, "vũ điệu hoang dã" của vàng sẽ tiếp tục vào tuần tới và bài phát biểu của Chủ tịch Powell sẽ là một trong những sự kiện quan trọng nhất để theo dõi. Thậm chí, vị chuyên gia này còn cho rằng, “Mọi người sẽ ngừng giao dịch cho đến khi họ có thể hiểu được thông điệp của Fed.

“Bất cứ khi nào Chủ tịch Fed phát biểu, thị trường đều có sự biến động đáng kể. Hiện thị trường kim loại quý đang nghe ngóng xem, liệu ông Powell có lo lắng hay không và quan điểm của ông về nền kinh tế 3 tháng tới là như thế nào. Nếu ông ấy thể hiện bất kỳ dấu hiệu lo ngại nào, rất có thể sẽ tạo nên sự sự rung lắc đáng kể trên thị trường.

Cuộc họp tháng 7 của Fed diễn ra trong bối cảnh kinh tế vẫn đang trên đà phục hồi sau khi mở cửa nền kinh tế trở lại, nên Fed vẫn còn tự tin với chính sách tiền tệ hiện hành.

Tuy nhiên, bước sang tháng 8, dịch bệnh diễn biến phức tạp hơn, chắc chắn sẽ tác động tiêu cực nhiều hơn đến kinh tế Mỹ.

Do đó, trong bài phát biểu của Chủ tịch Fed không loại trừ khả năng sẽ thay đổi mục tiêu chính sách tiền tệ hiện hành, chẳng hạn bật tín hiệu sử dụng công cụ đường cong lợi suất, hoặc tăng cường quy mô mua trái phiếu kho bạc và MBS…

Điều này chắc chắn sẽ buộc Fed phải thay đổi mục tiêu lạm phát trung và dài hạn, thay vì duy trì 2% như hiện nay và đương nhiên sẽ đẩy giá vàng tuần tới tăng cao hơn.

Tuy nhiên, nếu Chủ tịch Fed vẫn giữ quan điểm duy trì chính sách tiền tệ hiện hành như trong biên bản cuộc họp tháng 7, thì giá vàng tuần tới có thể sẽ giảm mạnh, bởi phải chịu thêm áp lực trong ngắn hạn.

Giá vàng đang có mức hỗ trợ quan trọng đầu tiên tại 1.910USD/ounce. Hiện có rất nhiều lệnh cắt lỗ được đặt ở dưới mức này. Do đó, nếu giá vàng bị đẩy xuống dưới mức 1.910 USD, thì rất có thể áp lực bán tháo sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, đặc biệt từ các quỹ đầu tư ETF đang nắm giữ tới hơn 3.750 tấn vàng.

Dự kiến, tại Hội nghị Jackson Hole lần này, Mỹ cũng công bố một vài số liệu kinh tế quan trọng, như chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE), đơn đặt hàng hóa bền lâu, niềm tin tiêu dùng, GDP quý 2 sửa đổi lần 2…

Trong đó, GDP quý 2 dự kiến ở mức - 32,5% so với kỳ trước – 32,9%. Nhìn chung, các số liệu này của Mỹ vẫn kém khả quan, nên có thể sẽ tác động tích cực đến giá vàng tuần này, nhưng với mức độ hạn chế.

Theo phân tích kỹ thuật, xu hướng tăng dài hạn của giá vàng vẫn được duy trì. Tuy nhiên, xu hướng ngắn hạn vẫn cho thấy sự điều chỉnh, tích lũy. Nếu không trụ vững trên 1.910USD/ounce, thì giá vàng tuần tới có thể sẽ xuống 1.860USD/ounce.

Ngược lại, giá vàng tuần tới sẽ tăng lên 1.975 đến trên 2.000USD/ounce. Diễn biến này được cho là phục thuộc nhiều vào quan điểm của Fed tại Hội nghị Jackson Hole.

Theo kết quả khảo sát của Kitco về xu hướng giá vàng trong tuần từ 24-28/8, trong số 2.830 độc giả tham gia khảo sát trực tuyến của Kitco, có 1.596 người (56%) nhận định giá vàng sẽ tăng; 702 người (25%) nhận định giá vàng sẽ giảm; 532 người (19%) cho rằng giá vàng sẽ đi ngang.

Trong 15 chuyên gia cuộc thăm dò ý kiến giá vàng tại Phố Wall cho thấy tâm lý được phân chia đồng đều cho cả 2 phe tăng và giảm, với mỗi bên nhận được 7 phiếu (tương đương 47%). Còn lại 1 nhà phân tích (tương đương 7%) dự đoán, giá sẽ giao dịch đi ngang.

PV
Bạn đang đọc bài viết Khó dự đoán diễn biến giá vàng miếng tuần này tại chuyên mục Thị trường của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

Giá vàng miếng sáng nay giảm mạnh
Các công ty vàng bạc sáng nay (17/8) đồng loạt giảm giá bán 400.000-900.000 đồng mỗi lượng, hiện giao dịch quanh 55,3 - 55,7 triệu đồng.