Sợ ôm nợ vì condotel, khách hàng tính khởi kiện Cocobay
TCDN - Nhiều khách hàng sợ phải gánh một khoản nợ lớn khi vay ngân hàng để đầu tư condotel của Cocobay nên rất hoang mang khi chủ đầu tư cắt lợi nhuận cam kết.
Chia sẻ với PV, nhiều khách hàng mua condotel tại dự án Cocobay Đà Nẵng vẫn chưa hết bất ngờ và bức xúc trước việc Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển và Xây dựng Thành Đô (Tập đoàn Empire) cho biết chỉ trả lợi nhuận theo cam kết đến ngày 31/12.
Trong thông báo phát đi, doanh nghiệp cho biết việc kinh doanh condotel thời gian qua gặp nhiều khó khăn, khung pháp lý chưa hoàn thiện dẫn đến nhiều bất cập, thủ tục pháp lý tại địa phương có nhiều vướng mắc. Điều này làm ảnh hưởng đến hoạt động khai thác và vận hành dự án. Vì vậy, chủ đầu tư không thể trả mức lợi nhuận cam kết 12%/năm như đã hứa.
Lo trở thành con nợ
Ông Huỳnh Quang Châu (Đà Nẵng) cho biết có đầu tư vào một căn hộ rộng khoảng 90 m2 tại dự án Cocobay từ năm 2016. Tổng số tiền đầu tư là 2,3 tỷ đồng. Trong số vốn đó, ông Châu chỉ có 40%, còn lại phải vay ngân hàng 60%.
Theo tính toán đầu tư ban đầu, ông Châu cho biết mức lợi nhuận cam kết khoảng 12%/năm đủ để ông trả góp ngân hàng. Như vậy, sau khoảng 8-10 năm, khoản đầu tư bỏ ra sẽ hòa vốn và ông được sở hữu căn hộ khách sạn tại dự án rộng 23 ha ở Đà Nẵng.
“Với những người chỉ có khoảng 40% giá trị mua căn hộ, được hỗ trợ bởi ngân hàng và mức cam kết lợi nhuận như vậy rất hấp dẫn. Nếu không, với số tiền chỉ 900 triệu đồng, chúng tôi khó đầu tư dự án nào được”, ông này lý giải việc quyết định đầu tư.
Từ khi ký hợp đồng, chủ đầu tư đã chi trả 3 kỳ lãi cho ông Châu với thời gian 6 tháng/lần. Số tiền nhận được mỗi lần khoảng trên 105 triệu đồng, đủ để ông trả góp phần vay ngân hàng.
Tuy nhiên, gần đây nhất, chủ đầu tư đã chậm trả lãi tới 3 tháng. Ông Châu lo lắng, nếu cắt mức lãi suất hiện tại, người đầu tư như ông sẽ không có tiền trả nợ ngân hàng hàng tháng.
Vị này nhấn mạnh, dựa vào mức cam kết của chủ đầu tư nên ông đã tính kỹ dòng tiền để quyết định rót vốn, như một kiểu “đầu tư trả góp”. Nếu mức cam kết thấp hơn, chưa chắc ông đã đầu tư. Nếu chủ đầu tư phá vỡ cam kết thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dòng tiền nhờ hỗ trợ của ngân hàng.
Ngoài mức cam kết, ông Châu cũng cho rằng cách đây mấy năm, condotel là kênh đầu tư tốt, được nhiều người lựa chọn khi dự án quy mô, chủ đầu tư triển khai nhanh.
“Chắc chắn là chúng tôi khởi kiện. Chủ đầu tư phải tuân thủ hợp đồng mua bán, pháp luật”, ông Châu nói.
Cũng trong tình cảnh tương tự, một khách hàng tên là Châu Huyền (Hà Nội) cho biết đang bất an về khoản nợ ngân hàng nếu chủ đầu tư cắt mức cam kết lợi nhuận là 12%/năm. Chị Huyền và chồng quyết định vay ngân hàng 65% để đầu tư condotel tại Cocobay và đã được trả lãi 3 kỳ.
Chị này kỳ vọng nếu thị trường tốt, chủ đầu tư cam kết đúng thì 8-10 năm có thể hòa vốn.
"Việc bán lại dự án ở Cocobay là không thể"
Trong khi đó, một người đầu tư khác là ông Trương Quốc Thắng (Hà Nội) cho rằng bản thân không quá sốt ruột khi chủ đầu tư bỏ cam kết lợi nhuận 12%/năm.
Anh này cho biết bỏ ra hơn 2 tỷ đồng để đầu tư vào dự án và hoàn toàn không vay mượn ngân hàng. Đến nay đã nộp được khoảng hơn 70% khoản đầu tư dựa vào tiến độ.
Anh Thắng mong muốn dự án tiếp tục triển khai để có thể khai thác, vận hành, từ đó, từng bước thu được khoản vốn đã bỏ ra. Nhà đầu tư này nhận định chỉ những khách hàng đang đi vay ngân hàng để đầu tư dựa trên mức cam kết lợi nhuận 12%/năm là “sốt ruột nhất”.
Những khách hàng không đi vay sẽ bình tĩnh hơn và chờ đợi các bước giải quyết của chủ đầu tư.
Nói về việc đi vay, nhà đầu tư Huỳnh Quang Châu (Đà Nẵng), người đã vay ngân hàng 60%, cũng cho biết mức lãi suất vay ở mức rất cao kiến những người đi vay đầu tư cảm thấy lo lắng và bất an. Ban đầu ngân hàng cho biết mức vay khoảng 8-9%/năm. Tuy nhiên, nếu tính toán các khoản cam kết và đóng thêm khác, lãi suất lên đến khoảng 13%/năm.
Chị Châu Huyền và chồng cho rằng chủ đầu tư phải có sức ép lên ngân hàng để giãn nợ. Khi khách hàng đi vay, ngân hàng hợp tác cùng Thanh triển khai dự án theo kiểu bảo lãnh tín dụng. Khi dự án chậm tiến độ thì ngân hàng cũng phải có trách nhiệm giãn nợ, hoãn nợ.
Hiện tại, chị Huyền và anh Châu mong muốn chủ đầu tư thanh lý hợp đồng, trả lại khoản đầu tư đã đổ vào Cocobay, qua đó bản thân có tiền trả nợ ngân hàng. Nếu không thanh lý hợp đồng, chủ đầu tư phải thực hiện đúng cam kết đã ký.
Nói thêm PV, anh Châu cho biết hiện tại rất khó để bán lại hay giao dịch căn hộ condotel tại Cocobay bởi tính pháp lý chưa rõ ràng, căn hộ chưa được cấp sổ. Trong khi đó, với những lùm xùm hiện tại, việc mua đi - bán lại là gần như không thể.
“Giờ bán lại chắc chưa được nổi một nửa giá trị. Có tiền tôi cũng không dám đầu tư condotel nữa”, anh Châu nói.
“Vỡ trận đã âm ỷ trong thời gian dài”
Trao đổi với báo chí, đại diện Tập đoàn Empire khẳng định khách hàng của Cocobay Đà Nẵng "chưa bị thiệt hại gì".
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải chấp nhận việc đưa ra tòa giải quyết", vị này nói.
Theo đại diện chủ đầu tư, việc dự án condotel “vỡ trận” trong chi trả lợi nhuận cam kết là đề tài đã âm ỷ thời gian dài. Việc này không chỉ ở dự án Cocobay này mà cả thị trường.
"Thành Đô chỉ là người đầu tiên dám dũng cảm đưa ra cùng các giải pháp để giải quyết vấn đề này”, vị này nói.
Tập đoàn Empire cam kết chi trả đầy đủ cho khách hàng đến 31/12. Doanh nghiệp này nhắc đến nhiều lý do dẫn tới khó khăn của mình như mô hình condotel không rõ ràng trong hệ thống pháp luật, dễ dẫn đến những hệ lụy có thể sẽ xảy. Trong đó việc thành lập đơn vị ở, xác định hộ khẩu, làm rõ việc mua bán ra sao…
Từ 2016, dự án Cocobay Đà Nẵng khởi động với tuyên bố số vốn là 11.000 tỷ đồng. Phân khu đầu tiên của dự án có tên gọi Coco Ocean Resort, các căn hộ diện tích 70-89 m2 với mức giá được bán trên dưới 2 tỷ đồng/căn hộ. Chủ đầu tư tuyên bố hỗ trợ vay vốn lên tới 70% trong vòng 25 năm.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899