Số thu từ đất đai đạt 160.000 tỷ đồng/năm

28/02/2023, 15:40
báo nói -

TCDN - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, số thu từ đất đai giai đoạn từ năm 2013 - năm 2020 trung bình khoảng gần 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm trung bình khoảng hơn 15% tổng thu ngân sách nhà nước.

Ngày 28/2, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị trực tuyến lấy ý kiến về các quy định liên quan đến vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và các vấn đề khác có liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, sau gần 10 năm tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013, công tác quản lý đất đai nói chung và tài chính đất đai nói riêng đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo lập hành lang pháp lý tương đối đồng bộ, chặt chẽ cho việc huy động, khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.

Trong đó, chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai từng bước được hoàn thiện, là cơ sở để huy động các khoản thu vào ngân sách nhà nước, số thu từ đất đai giai đoạn từ năm 2013 - năm 2020 trung bình khoảng gần 160.000 tỷ đồng/năm, chiếm trung bình khoảng hơn 15% tổng thu ngân sách nhà nước.

Chính sách ưu đãi về thuế, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã góp phần quan trọng thu hút đầu tư, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế - xã hội khó khăn. Chính sách đất đai về nhà ở xã hội đạt được một số kết quả quan trọng. Khung giá đất và bảng giá đất được xây dựng theo quy định, có tính đến giá đất phổ biến trên thị trường.

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nhưng sau thời gian gần 10 năm thi hành, các quy định tại Luật Đất đai năm 2013, trong đó có các quy định về tài chính đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2021 của Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ ra một số hạn chế như: Chính sách tài chính trong lĩnh vực đất đai chưa thực sự khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, bền vững; chưa hạn chế được tình trạng lãng phí và vi phạm pháp luật về đất đai; cơ cấu nguồn thu từ đất chưa bền vững. Các phương pháp định giá, đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập, chưa phù hợp với thực tế. Giá đất được xác định thường thấp hơn nhiều so với giá đất trên thị trường...

Nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra trong Nghị quyết số 18-NQ/TW; khắc phục những hạn chế, bất cập sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013; Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ ngành liên quan xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), hiện đang được gửi xin ý kiến nhân dân.

Dự thảo Luật gồm 16 chương, 236 điều; trong đó có 1 chương (18 điều, từ Điều 147 - Điều 164) quy định về vấn đề “Tài chính về đất đai, giá đất”, quy định các nguyên tắc, nội dung cơ bản về các khoản thu tài chính từ đất đai và giá đất như: Các khoản thu từ đất đai; Điều tiết nguồn thu từ đất; Căn cứ, thời điểm tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; Nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết của dự án…

Ngoài ra, dự thảo Luật còn có các quy định không phải về tài chính về đất đai nhưng ảnh hưởng trực tiếp tới vấn đề này như: Phân loại đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; công nhận (cấp Giấy chứng nhận) quyền sử dụng đất; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng…

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi giao Cục Quản lý công sản là đơn vị chủ trì tham mưu cho lãnh đạo Bộ về các vấn đề liên quan đến tài chính đất đai cũng như các nội dung quy định khác có liên quan tại dự thảo Luật tổng hợp đầy đủ, chi tiết các ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị và các ý kiến bằng văn bản để hoàn thiện Báo cáo kết quả góp phần hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Chính phủ, trình Quốc hội.

PGS.TS. Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế cho rằng, để xác định giá đất sát với giá thị trường cần ban hành nguyên tắc và phương pháp định giá tài sản, đồng thời, khi định giá đất sẽ do các tổ chức cơ quan chuyên nghiệp về địa giá đất độc lập tiến hành thực hiện. Bên cạnh đó, các các chủ thể cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động định giá đất tại các địa phương, từ đó nâng cao năng lực, trình độ, phẩm chất và đạo đức của đội ngũ định giá viên.

Hải Đăng
Bạn đang đọc bài viết Số thu từ đất đai đạt 160.000 tỷ đồng/năm tại chuyên mục Thuế & cuộc sống của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan

Sửa đổi Luật Đất đai: Nhìn từ chính sách tài chính
Sau hơn 8 năm thực hiện Luật Đất đai, chính sách tài chính về đất đai đã góp phần tạo nguồn thu đáng kể, tạo sự chuyển biến tích cực trong quản lý nhà nước. Tuy nhiên, chính sách này hiện vẫn chưa khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả; chưa hạn chế được tình trạng vi phạm pháp luật về đất.