Phó chủ tịch Quốc hội: Phải đánh giá lại thị trường xăng dầu

28/02/2023, 14:34
báo nói -

TCDN - Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, yêu cầu bức thiết phải đánh giá lại tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Thị trường xăng dầu diễn biến phức tạp

Sáng 28/2/2023, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu.

Phát biểu khai mạc phiên giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, xăng dầu là mặt hàng vật tư chiến lược, mặt hàng tiêu dùng thiết yếu đối với người dân và là đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Với tầm quan trọng của sự ổn định của thị trường xăng dầu, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng cũng như an ninh quốc gia thì giá cả cung ứng xăng dầu và quản lý nhà nước được lãnh dạo đảng nhà nước quan tâm cử tri nhân dân kì vọng.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, thời gian qua, biến động của thị trường xăng dầu có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Phiên giải tình lần này là cơ hội để các đại biểu Quốc hội trao đổi, đối thoại với cơ quan quản lý nhà nước làm rõ những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và giải pháp. Từ đó có tham mưu chính sách nâng cao tính ổn định của thị trường.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, việc lựa chọn chủ đề này là hết sức cần thiết, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; thành công của phiên giải trình sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thúc đẩy ổn định thị trường xăng dầu, góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định sản xuất kinh doanh, đời sống của nhân dân.

Theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã có rất nhiều nỗ lực. Tuy nhiên tình hình thị trường xăng dầu vẫn diễn biến hết sức phức tạp; thiếu hụt xăng dầu vẫn diễn ra cục bộ ở một số địa phương; chưa chủ động được nguồn cung; hàng dự trữ lưu thông theo quy định có những thời điểm không đạt, có tình trạng doanh nghiệp vi phạm về bảo đảm dự trữ bắt buộc; biến động giá xăng dầu trong nước luôn chậm hơn so với xu hướng chung của thế giới, tốc độ tăng/giảm không đồng bộ;

Theo số liệu thống kê, nhiều trường hợp khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá trong nước giảm và ngược lại; nhiều ý kiến cho rằng các quy định về chi phí định mức, lợi nhuận định mức bất cập không bảo đảm nguyên tắc thị trường trong xác định giá bán xăng, dầu; quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu chưa đạt  mục tiêu bình ổn giá; trích lập, sử dụng chưa bảo đảm tính công khai, minh bạch; nhiều ý kiến cho rằng cần phải đánh giá, điều chỉnh các loại thuế đánh vào mặt hàng xăng, dầu; đánh giá lại trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngành, trách nhiệm của các loại hình thương nhân kinh doanh xăng, dầu; các chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu.

Trong khi xăng dầu luôn là vấn đề “nóng”, ảnh hưởng đến kinh tế, an ninh năng lượng, an sinh xã hội, tác động đến cuộc sống của gần 100 triệu người dân Việt Nam. Thực trạng trên đặt ra yêu cầu bức thiết phải đánh giá lại tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu để tìm ra nguyên nhân khách quan, chủ quan, nguyên nhân từ cơ chế chính sách, đến tổ chức thực hiện để đề ra giải pháp căn cơ, toàn diện khắc phục. Đặc biệt là trong tình hình hiện nay, việc kiểm soát lạm phát là một trong những ưu tiên hàng đầu để ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ.

Rà soát điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở xăng dầu

Tại phiên giải trình, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Lãnh đạo các bộ ngành, địa phương và các đại biểu tham dự thẳng thắn trao đổi, xác định rõ vấn đề vướng mắc, nguyên nhân và giải pháp để thay đổi thực trạng hiện nay, ổn định thị trường xăng dầu, đóng góp quan trọng vào ổn định và phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng, an sinh xã hội, đời sống của nhân dân.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình.

Trong đó tập trung vào các vấn đề về đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp tại Nghị quyết 499/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như xây dựng các kịch bản, phương án cụ thể, rõ ràng và thực hiện quyết liệt để bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, bảo đảm cân đối cung cầu xăng dầu trong mọi tình huống. Có giải pháp tổng thể, căn cơ, kịp thời giải quyết những vướng mắc của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn; làm rõ trách nhiệm các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các cam kết trong hợp đồng về đầu tư và kinh doanh.

Nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu; thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối về xăng dầu. Tiếp tục điều hành giá xăng dầu, bám sát diễn biến giá thế giới, sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân. Kết hợp việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với công cụ thuế và các công cụ khác để bình ổn thị trường; trường hợp giá xăng dầu tăng cao, thực hiện hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn (như ngư dân, người nghèo, người có thu nhập thấp…).

Tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, rà soát điều chỉnh các loại thuế, phí và các yếu tố cấu thành giá cơ sở, các định mức hao hụt, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức… phù hợp với thực tế, đảm bảo công khai, minh bạch. Tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý, trái quy định.

Hai là, về chính sách pháp luật, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến về tính đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất của hệ thống chính sách pháp luật không chỉ các vấn đề về Luật mà cả các văn bản hướng dẫn Luật, các Nghị định, thông tư; thẳng thắn nêu các hạn chế, bất cập; lưu ý các quy định về thuế, các quy định liên quan đến bảo đảm nguồn cung, dự trữ xăng, dầu; quy định về tính giá cơ sở, giá bán; quy định về bình ổn giá, Quỹ bình ổn giá xăng dầu; quy định về chế tài, xử lý vi phạm

Ba là, về tổ chức thực hiện, đề nghị các đại biểu cho ý kiến về việc thực hiện các quy định của pháp luật để điều hành thị trường xăng dầu trong đó tập trung vào việc ban hành, sửa đổi các Nghị định, thông tư; việc thực hiện trách nhiệm của các bộ ngành, các doanh nghiệp, thương nhân đầu mối, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ; việc phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan quản lý nhà nước; việc đáp ứng nguồn cung, thực hiện dự trữ; việc điều hành giá, việc quản lý và sử dụng quỹ bình ổn giá.

Đặc biệt là nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm an toàn, an ninh năng lượng, cân đối cung, cầu xăng dầu trong mọi tình huống; nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ quốc gia; công khai, minh bạch, tách bạch giữa dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông; điều hành giá bám sát diễn biến giá thế giới; rà soát, hoàn thiện quy định về thuế, các yếu tố cấu thành giá cơ sở, định mức hao hụt, chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…

Hà Giang
Bạn đang đọc bài viết Phó chủ tịch Quốc hội: Phải đánh giá lại thị trường xăng dầu tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan

CPI tháng 2 tăng 0,45% do giá xăng dầu và giá nhà ở thuê
Tổng cục Thống kê cho biết, giá xăng dầu, giá gas trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tiếp tục tăng do nhu cầu tăng cao sau dịp Tết Nguyên đán là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2023 tăng 0,45% so với tháng trước.
Hôm nay, hai bộ giải trình về xăng dầu
Hôm nay (28/2), Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ phải giải trình về tình hình xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý nhà nước về xăng dầu trước Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.