Tăng hơn 2.200 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển cho Tổng cục Thuế, Hải quan
TCDN - Quốc hội quyết định tăng 2.268,3 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của Bộ Tài chính, trong đó, của Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng, cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang năm 2023 để thực hiện đầu tư 95 dự án của 2 cơ quan trên.
Chiều 9/1, với tỷ lệ 480/485 số đại biểu quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (tương đương 96,77% tổng số đại biểu), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.
Về điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh giảm dự toán vốn vay lại năm 2022 của 7 địa phương, với tổng mức giảm là 1.547,8 tỷ đồng; điều chỉnh tăng dự toán vốn vay lại (từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ) năm 2022 của 7 địa phương với tổng mức tăng là 226 tỷ đồng; điều chỉnh tăng dự toán chi trả nợ gốc của tỉnh Bắc Kạn thêm 33,7 tỷ đồng để thực hiện trả nợ trước hạn.
Nghị quyết nêu rõ, Chính phủ chịu trách nhiệm về các số liệu điều chỉnh tăng, giảm dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và chỉ đạo tổ chức thực hiện; bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn và thời hạn giải ngân số vốn điều chỉnh tăng dự toán năm 2022 của các địa phương theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm kế hoạch vay lại vốn vay nước ngoài và mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2022 không vượt mức Quốc hội đã phê duyệt.
Về bổ sung dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, Nghị quyết của Quốc hội bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) số tiền 14.713,362 tỷ đồng. Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương phối hợp với Kiểm toán nhà nước rà soát số liệu để thực hiện quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại (nguồn chi thường xuyên) và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, số liệu.
Về điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị, giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính số tiền 2.268,3 tỷ đồng, trong đó, của Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng; tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của Bộ Tài chính, trong đó, của Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng; cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang năm 2023 để thực hiện đầu tư 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan theo đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 503/TTr-CP ngày 26.12.2022, thời gian giải ngân đến hết ngày 31.12.2024.
Nghị quyết giao Chính phủ thực hiện phân bổ vốn, chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện các dự án bảo đảm tuân thủ đúng quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan; tổng hợp, báo cáo Quốc hội vào cuối kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Về chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022, Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị chuyển 5.016,674 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương đã bố trí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 còn dư của 24 địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 để chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng quy định, không sử dụng cho mục đích khác; hủy dự toán số chuyển nguồn không sử dụng hết trong niên độ ngân sách nhà nước năm 2022 theo quy định. Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương có liên quan triển khai thực hiện, quản lý, sử dụng kinh phí chuyển nguồn đúng mục tiêu, đúng quy định của pháp luật.
Trong chiều 9/1, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Kết quả như sau: có 489 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 98.59% tổng số đại biểu quốc hội (ĐBQH)), trong đó có 449 đại biểu tán thành (bằng 90.52% tổng số ĐBQH); có 29 đại biểu không tán thành (bằng 5.85% tổng số ĐBQH); có 11 đại biểu không biểu quyết (bằng 2.22% tổng số ĐBQH).
Quốc hội biểu quyết thông qua Điều 25, Điều 104, Điều 11 và toàn bộ Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Kết quả như sau:
Về Điều 25 quy định về Hội đồng Y khoa Quốc gia: có 481 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 96.98% tổng số ĐBQH), trong đó có 382 đại biểu tán thành (bằng 77.02% tổng số ĐBQH); có 79 đại biểu không tán thành (bằng 15.93% tổng số ĐBQH); có 20 đại biểu không biểu quyết (bằng 4.03% tổng số ĐBQH).
Về Điều 104 quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh: có 482 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 97.18% tổng số ĐBQH), trong đó có 418 đại biểu tán thành (bằng 84.27% tổng số ĐBQH); có 31 đại biểu không tán thành (bằng 6.25% tổng số ĐBQH); có 33 đại biểu không biểu quyết (bằng 6.65% tổng số ĐBQH).
Về Điều 11 quy định về quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh: có 471 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94.96% tổng số ĐBQH), trong đó có 381 đại biểu tán thành (bằng 76.81% tổng số ĐBQH); có 55 đại biểu không tán thành (bằng 11.09% tổng số ĐBQH); có 35 đại biểu không biểu quyết (bằng 7.06% tổng số ĐBQH).
Về toàn bộ Luật: có 473 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 95.36% tổng số ĐBQH), trong đó có 386 đại biểu tán thành (bằng 77.82% tổng số ĐBQH); có 51 đại biểu không tán thành (bằng 10.28% tổng số ĐBQH); có 36 đại biểu không biểu quyết (bằng 7.26% tổng số ĐBQH).
email: [email protected], hotline: 086 508 6899