Tập đoàn Bamboo Capital: Nợ 1,2 tỷ USD, phải cầm cố cổ phiếu
TCDN - Tập đoàn Bamboo Capital không chỉ sở hữu khối nợ khổng lồ lên đến 1,2 tỷ USD, mà dòng tiền vẫn âm nặng và phải cầm cố cổ phiếu.
Khối nợ khổng lồ từ trái phiếu
Công ty cổ phần Tập đoàn Bamboo Capital (Tập đoàn Bamboo Capital – BCG) là một trong những doanh nghiệp đang nổi lên với định hướng đa ngành, trong đó bất động sản và năng lượng là nổi bật nhất.
Để tăng tốc phát triển và đầu tư dàn trải, Tập đoàn Bamboo Capital đã vướng phải nợ nần. Tại ngày 30/9/2022, nợ phải trả của Tập đoàn Bamboo Capital đạt 30.118 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD).
Trong đó, nợ vay chiếm tỷ trọng tương đối lớn. Tại thời điểm cuối quý 3/2022, tổng nợ vay tại Tập đoàn Bamboo Capital đạt 15.527 tỷ đồng, tăng 1.855 tỷ đồng, tương đương 13,6% so với hồi đầu năm 2022. Nợ vay đến từ tiền vay ngân hàng và trái phiếu.
Thời gian qua, Bamboo Capital là một trong những tập đoàn năng nổ trong phát hành trái phiếu.
Trong Đại hội cổ đông, ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Bamboo Capital cho rằng mục đích của các lô trái phiếu phát hành trong thời gian qua là để huy động nguồn vốn. Trong đó, 90% nguồn vốn huy động được sử dụng cho các dự án năng lượng, còn lại là bất động sản.
Đáng chú ý, Bamboo Capital cũng từng có tên trong danh sách các công ty bất động sản phát hành trái phiếu không tài sản đảm bảo.
Dòng tiền vẫn âm nặng
Bamboo Capital huy động được nguồn tiền lớn chủ yếu từ nợ vay. Dù doanh thu tăng vọt trong quý 3/2022 nhưng Bamboo Capital lại rơi vào tình cảnh dòng tiền vẫn âm nặng.
Cụ thể, cùng với khoản nợ phải trả tăng đáng kể lên 30.118 tỷ đồng, doanh thu quý 3/2022 của Bamboo Capital cải thiện mạnh, tăng 721 tỷ đồng, tương đương 158% so với quý 3/2021 lên 1.178 tỷ đồng; lũy kế 9 tháng đầu năm tăng mạnh từ 1.905 tỷ đồng lên 3.354 tỷ đồng.
Dù doanh thu thăng hoa nhưng lợi nhuận lại “lao dốc”, giảm 178,5 tỷ đồng, tương đương 81,9% so với quý 3/2021 xuống chỉ còn 39,5 tỷ đồng. Nguyên nhân là do chi phí tài chính tăng mạnh, từ 435 tỷ đồng lên 564 tỷ đồng.
Kết quả là công ty vẫn âm nặng dòng tiền. Tại ngày 30/9/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Bamboo Capital âm 1.872 tỷ đồng. Trước đó, hồi cuối quý 3/2021, con số này còn âm tới 7.009 tỷ đồng.
Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư của Bamboo Capital là âm 5.187 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 3.131 tỷ đồng hồi cuối quý 3/2021.
Trong kỳ, dòng tiền của Bamboo Capital tăng cường “chảy” ra bên ngoài khi công ty dành 5.861 tỷ đồng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, chi 1.762 tỷ đồng cho vay, mua công cụ nợ của các đơn vị khác.
Đáng chú ý, rất nhiều khoản đầu tư của Bamboo Capital cho thấy những con số vẫn thua lỗ thảm. Trong 9 tháng đầu năm 2022, Bamboo Capital ghi nhận 978 tỷ đồng lỗ từ hoạt động đầu tư, giảm so với con số lỗ 1.550 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Bamboo Capital đã dành 909 triệu đồng để dự phòng đầu tư tài chính dài hạn.
BCG thường xuyên dưới mệnh giá, phải cầm cố cổ phiếu không niêm yết
Mặc dù có tổng tài sản lên đến cả tỷ USD nhưng cổ phiếu BCG của Bamboo Capital lại có chuỗi năm dài giao dịch dưới mệnh giá. Thậm chí, trong năm 2020, BCG thường xuyên chỉ ở mức trên 2.000 đồng/CP (giá quy đổi).
Tuy nhiên, cùng với đà tăng “bốc đầu” của cổ phiếu bất động sản, BCG cũng bứt phá mạnh và đạt đỉnh 26.180 đồng/CP tại ngày 24/3/2022 (giá quy đổi). Thế nhưng, BCG nhanh chóng lao dốc.
Đóng cửa phiên cuối cùng của tháng 11/2022, BCG dừng ở mức 7.850 đồng/CP, giảm 18.330 đồng/CP, tương đương 70% so với “đỉnh” năm 2022.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899