Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước: EVN đứng đầu doanh thu, Viettel quán quân về lợi nhuận, nộp thuế
TCDN - Báo cáo Giám sát tài chính của Bộ Tài chính vừa phát hành cho thấy, tổng doanh thu của 143 doanh nghiệp nhà nước trung ương là 743.706 tỷ đồng. Trong đó, EVN đứng đầu bảng. Nhưng chiếm vị trí quán quân về lợi nhuận, nộp NSNN lại thuộc về Tập đoàn Viettel với mức nộp 32.348,5 tỷ đồng.
Tổng doanh thu 143 DNNN đạt 743.706 tỷ đồng
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ở khối trung ương hiện có 143 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Tổng doanh thu của 143 doanh nghiệp là 743.706 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu 13 doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 500.957 tỷ đồng (chiếm 67,36% tổng doanh thu). 79 doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng là 192.246 tỷ đồng (chiếm 25,85% tổng doanh thu). Còn lại 51 DNNN thuộc các Bộ, ngành khác là 50.503 tỷ đồng (chiếm 6,79% tổng doanh thu).
Một số doanh nghiệp có doanh thu lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là 285.521 tỷ đồng (chiếm 38,39% tổng doanh thu, tăng 7,9% so với năm 2017), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là 92.915 tỷ đồng (chiếm 12,49% tổng doanh thu, tăng 37,5% so với năm 2017), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) là 73.593 tỷ đồng (chiếm 9,9% tổng doanh thu, tăng 42,57% so với năm 2017). Nguyên nhân doanh thu PVN tăng do Công ty mẹ ghi nhận doanh thu chi nhánh bao tiêu sản phẩm lọc hóa dầu của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (PVNDB) là 18.505 tỷ đồng.
Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đạt 20.804 tỷ đồng (chiếm 2,8% tổng doanh thu, tăng 26,62% so với năm 2017); Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đạt 94.517,9 tỷ đồng (chiếm 12,71% tổng doanh thu nhưng chỉ đạt 37,58% so với năm 2017), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là 45.702 tỷ đồng (chiếm 6,1% tổng doanh thu nhưng chỉ đạt 96,15% so với năm 2017), Tổng công ty Viễn thông MobiFone là 36.926 tỷ đồng (chiếm 4,96% tổng doanh thu nhưng chỉ đạt 92,06% so với năm 2017).
Báo cao cũng cho biết: Tổng lợi nhuận sau thuế của 143 doanh nghiệp là 87.843 tỷ đồng, trong đó, một số doanh nghiệp có lợi nhuận cao như: Viettel là 29.943 tỷ đồng, PVN là 28.050 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Viettel chỉ đạt 86,2% so với năm 2017 và PVN chỉ đạt 91,78% so với năm 2017.
Trong số 143 doanh nghiệp có 134 đơn vị kinh doanh có lãi; 09 đơn vị kinh doanh lỗ.
Tổng công ty 15 lỗ 67,15 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Hà Thành lỗ 1,02 tỷ đồng , Công ty TNHH MTV NXB Lao động - Xã hội lỗ 4 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long lỗ 22,50 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp lỗ 1,42 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV XNK Nông sản thực phẩm lỗ 3,06 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Hãng Phim Tài liệu và KHTW lỗ 1,02 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể dục thể thao lỗ 0,3 tỷ đồng , Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 125,9 tỷ đồng.
Nộp ngân sách nhà nước đạt 105.313 tỷ đồng
Số nộp ngân sách của 143 doanh nghiệp là 105.313 tỷ đồng, trong đó một số doanh nghiệp có số nộp lớn như: Viettel là 32.348,5 tỷ đồng, PVN là 20.842 tỷ đồng, EVN là 11.361,8 tỷ đồng, TKV là 9.585,6 tỷ đồng,…
Trong số 143 doanh nghiệp có: 52 đơn vị được chủ sở hữu đánh giá an toàn về tài chính; 08 đơn vị được đánh giá là mất an toàn về tài chính; Tổng công ty 15, Công ty TNHH MTV NXB Lao động - Xã hội, Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long, Công ty TNHH MTV XNK Nông sản thực phẩm, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Sách báo Việt Nam, Công ty TNHH MTV Hãng Phim Tài liệu và KHTƯ, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể dục thể thao.
05 đơn vị được chủ sở hữu đánh giá là có dấu hiệu mất an toàn về tài chính; Tổng công ty Thái Sơn, Tổng công ty XD Lũng Lô, Tổng Công ty Thành An, Tổng công ty xây dựng trường Sơn, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thế giới.
Nhiều DN có vốn nhà nước thua lỗ nặng nề
Đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước, Bộ Tài chính tổng hợp số liệu của 66 doanh nghiệp.
Theo đó, tổng doanh thu năm 2018 của 66 doanh nghiệp là 354.674 tỷ đồng, trong đó một số doanh nghiệp có doanh thu lớn như: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là 137.063 tỷ đồng (chiếm 38,64% tổng doanh thu, tăng 24,84% so với năm 2017), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnamairlines) là 73.227 tỷ đồng (chiếm 20,64% tổng doanh thu, tăng 12,79% so với năm 2017), Tổng công ty Bia rượu Nước giải khát Sài gòn (Sabeco) là 38.581 tỷ đồng (chiếm 10,87% tổng doanh thu, tăng 5,8% so với năm 2017), Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) là 17.770 tỷ đồng (chiếm 5,01% tổng doanh thu, tăng 18,62% so với năm 2017), Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (Lilama) là 10.301 tỷ đồng (chiếm 2,9% tổng doanh thu, giảm 35,84% so với năm 2017)…
Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2018 là 27.354 tỷ đồng, trong đó một số doanh nghiệp có lợi nhuận cao như: ACV lợi nhuận 6.028 tỷ đồng (tăng 43,73% so với năm 2017), Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt nam - CTCP (VEAM) lợi nhuận 5.224 tỷ đồng (tăng 2% so với năm 2017), Sabeco lợi nhuận 3.414 tỷ đồng (giảm 35,35% so với năm 2017), Petrolimex lợi nhuận 3.062 tỷ đồng (giảm 17,75% so với năm 2017)…
Số nộp ngân sách là 29.819 tỷ đồng, trong đó Petrolimex nộp 11.978 tỷ đồng, Sabeco nộp 8.346,75 tỷ đồng…
Trong số 66 doanh nghiệp có: 48 đơn vị kinh doanh có lãi; 07 đơn vị kinh doanh lỗ. Cụ thể: Công ty cổ phần xây lắp Tây Hồ lỗ 2,48 tỷ đồng, Công ty cổ phần Cơ khí ô tô 3-2 lỗ 15 tỷ đồng, Tổng công ty Cơ khí xây dựng - CTCP lỗ 163 tỷ đồng, Tổng công ty Sông Hồng - CTCP lỗ 376,3 tỷ đồng, Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) lỗ 349,88 tỷ đồng, CTCP Dịch vụ Truyền hình Viễn thông VN (VTVBroadcom) lỗ 4,1 tỷ đồng, Tổng công ty Lương thực miền Nam lỗ 1.834,4 tỷ đồng.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899