Techcombank bơm thêm 1.500 tỷ đồng cho Khoáng sản Núi Pháo

14/03/2022, 10:49

TCDN - Techcombank vừa có Nghị quyết phê duyệt cấp khoản tín dụng 1.500 tỷ đồng cho Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo và Công ty TNHH Vonfram Masan.

Trước đó hồi tháng 2, HĐQT Techcombank cũng đã phê duyệt khoản tín dụng 250 tỷ đồng cho Công ty Cổ phần Phúc Long Heritage – công ty con do Masan sở hữu gián tiếp 51% vốn.

Cụ thể, Techcombank đã phê duyệt cấp khoản tín dụng cho Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo (Khoáng sản Núi Pháo) và Công ty TNHH Vonfram Masan (MTC), đồng thời thông qua giao dịch ký kết hợp đồng cấp tín dụng và các văn bản, tài liệu liên quan đến các hợp đồng giữa 2 bên.

Dự án Núi Pháo tại Thái Nguyên.

Dự án Núi Pháo tại Thái Nguyên.

Khoản tín dụng Techcombank sẽ cấp cho Công ty Khoáng sản Núi Pháo tối đa là 1.500 tỷ đồng và không quá 600 tỷ đồng với Công ty Vonfram Masan. Đây là công ty thành viên của Tập đoàn Masan (MSN), hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản tại dự án Núi Pháo (tỉnh Thái Nguyên).

Các khoản vay này có thời hạn 12 tháng, bao gồm hình thức cho vay, bảo lãnh, thư tín dụng, chiết khấu và thấu chi.

Mục đích của khoản vay là bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của Khoáng sản Núi Pháo và Vonfram Masan.

Theo hợp đồng ký kết giữa 2 bên, tài sản đảm bảo cho khoản vay này là cổ phiếu MSR của Công ty CP Masan High-Tech Materials do Công ty CP Tầm nhìn Masan sở hữu.

Đáng chú ý, động thái cấp tín dụng của Techcombank diễn ra chỉ sau ít ngày Tập đoàn Masan thông báo mua thêm 31% cổ phần của chuỗi trà, cà phê Phúc Long với giá 110 triệu USD. Sau thương vụ này, công ty của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang trở thành cổ đông nắm quyền chi phối một trong những doanh nghiệp F&B lâu đời nhất Việt Nam.

Masan và Techcombank được biết đến là bộ đôi doanh nghiệp – ngân hàng điển hình tại Việt Nam với mối quan hệ đặc biệt thân thiết.

Masan hiện đang là đơn vị sở hữu 19,9% vốn của Techcombank, gần chạm mức trần 20% theo quy định và là cổ đông lớn nhất tại ngân hàng này.

Ngoài ra, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan hiện đang là Phó Chủ tịch thứ nhất tại Techcombank. Trong khi, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh cũng từng có thời gian giữ cương vị Phó Chủ tịch tại Masan Group.

Khoáng sản Núi Pháo bị thu hồi hơn 58 ha đất nằm ngoài quy hoạch do vi phạm

Đầu năm nay, 20/1/2022 Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên vừa ban hành quyết định thu hồi hơn 582.231m2 (hơn 58,2ha) đất do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo đang quản lý nằm ngoài ranh giới quy hoạch. 

Theo ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, vị trí ranh giới khu đất được xác định theo bản đồ địa chính (trích lục) phục vụ công tác thu hồi đất theo kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Văn phòng đăng ký đất đai lập ngày 6/1/2022 đã được Sở Tài nguyên và Môi trường xác nhận.

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Trước đó, ngày 27/4/2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có Kết luận thanh tra số 2065/KL-BTNMT xung quanh việc quản lý, sử dụng đất đai tại dự án khai thác, chế biến khoáng sản Núi Pháo tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo làm chủ đầu tư.

Kết luận thanh tra trên cho biết trong dự án, có 19,72 hécta đất được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên thu hồi và giao cho Công ty Núi Pháo nhưng đến nay chưa hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho 11 hộ gia đình, cá nhân.

Ngoài ra, trên 46 hécta đất được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên thu hồi và giao cho Công ty Núi Pháo từ năm 2007 không còn nhu cầu sử dụng nhưng chưa hoàn chỉnh thủ tục bàn giao cho địa phương quản lý và sử dụng theo quy định.

66 hécta đất được Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên thu hồi và giao cho doanh nghiệp từ năm 2009, nhưng không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nằm ngoài quy hoạch của dự án, nhưng chưa hoàn thiện hồ sơ để trả lại đất.

Gần 3 hécta đất nông nghiệp của 50 hộ gia đình, cá nhân được thuê để sử dụng làm kho hàng và bãi để xe phục vụ cho hoạt động của công ty không có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định.

Ngoài ra, theo Kết luận thanh tra, trong quá trình hoạt động, Công ty Núi Pháo có nhiều tồn tại, vi phạm về khoáng sản, môi trường và tài nguyên nước.

Khoáng sản Núi Pháo lỗ 251 tỉ nửa đầu năm, dòng tiền kinh doanh vẫn âm 

Mặc dù doanh thu tăng gấp đôi cùng kỳ nhưng 6 tháng đầu năm 2021, Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo vẫn lỗ trước thuế hơn 281 tỉ đồng, cao hơn mức 256,2 tỉ đồng cùng kỳ năm 2020. 

Theo BCTC hợp nhất quý II/2021 đã được kiểm toán của Khoáng sản Núi Pháo, 6 tháng đầu năm, Công ty đạt 6,116 tỉ đồng doanh thu thuần, cao gấp 2,37 lần cùng kỳ 2020. Mặc dù giá vốn cũng tăng mạnh lên 5.313 tỉ đồng nhưng lợi nhuận gộp vẫn đạt gần 794 tỉ đồng, tăng 617 tỉ đồng so với cùng kỳ.

Một góc dự án Núi Pháo. Ảnh: Masan Group

Một góc dự án Núi Pháo. Ảnh: Masan Group

Công ty cho biết, doanh thu và lợi nhuận gộp tăng mạnh nửa đầu năm do sáp nhập H.C.Starck và nhu cầu về vonfram trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là quý II/2021 vượt kỳ vọng, giá vonfram cũng đã duy trì ổn định ở mức cao.

Tuy nhiên, thu nhập tài chính của Khoáng sản Núi Pháo giảm 74% so với cùng kỳ, chỉ ghi nhận 134 tỉ đồng trong 2 quý đầu năm. Trong khi đó chi phí tài chính vẫn ở mức cao 704 tỉ đồng. Cộng thêm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng vọt gấp 2,5 lần và 3,8 lần lần lượt là 199 tỉ và 290 tỉ đồng. Ngoài ra, hoạt động khác của công ty tiếp tục lỗ gần 20 tỉ đồng. Kết quả, Khoáng sản Núi Pháo lỗ trước thuế hơn 281 tỉ đồng, cao hơn cùng kỳ 2020.

Nhờ 68,7 tỉ đồng lợi ích thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại nên Khoáng sản Núi Pháo lỗ sau thuế 223,3 tỉ đồng nửa đầu năm 2021, giảm so mức lỗ 322,3 tỉ đồng của cùng kỳ 2020.

Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh kỳ này tiếp tục âm 889 tỉ đồng chủ yếu do chi phí lãi vay, chi phí đi vay và biến động hàng tồn kho... Điều này kéo theo lưu chuyển tiền thuần trong kỳ cũng tiếp tục âm 107 tỉ đồng, thấp hơn mức âm tới 1.076 tỉ cùng kỳ 2020.

Kết thúc quý II/2021, tổng tài sản của Núi Pháo là 36.013 tỉ đồng, giảm hơn 450 tỉ so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu là 11.072 tỉ đồng, nợ phải trả lớn gấp hơn 2 lần vốn chủ sở hữu, ở mức 24.941 tỉ đồng. Trong đó, tổng nợ vay và nợ trái phiếu của Khoáng sản Núi Pháo lên tới hơn 10.400 tỉ đồng.

Hoàng Nhung
Bạn đang đọc bài viết Techcombank bơm thêm 1.500 tỷ đồng cho Khoáng sản Núi Pháo tại chuyên mục Tài chính của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Bình luận

Tin liên quan