Thanh Hóa thu gần 14,5 nghìn tỷ đồng ngân sách nửa đầu năm
TCDN - Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa nhìn chung gặp khó khăn, hầu hết các khoản thu từ doanh nghiệp đều giảm so với 6 tháng đầu năm 2019.
Nhiều khó khăn do dịch bệnh
Theo số liệu của Cục thống kê tỉnh Thanh Hóa công bố, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2020 theo giá so sánh năm 2010 ước tăng 3,70% so với cùng kỳ.
Trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,90%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 7,45% (riêng công nghiệp tăng 7,36%); các ngành dịch vụ giảm 1,66%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,98%.
Trong 3,7% tăng trưởng của 6 tháng đầu năm 2020, ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đóng góp 0,4 điểm phần trăm; ngành công nghiệp, xây dựng đóng góp 3,55 điểm phần trăm (riêng công nghiệp đóng góp 2,42 điểm phần trăm); các ngành dịch vụ làm giảm 0,46 điểm phần trăm; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,21 điểm phần trăm.
Về cơ cấu kinh tế 6 tháng đầu năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản chiếm 14,28%, tăng 1,42%; ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 48,47%, giảm 0,93%; các ngành dịch vụ chiếm 27,09%, giảm 0,82%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,16%, tăng 0,34% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong sáu tháng đầu năm 2020, do tác động của dịch bệnh Covid-19, một số ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: may trang phục, sản xuất giày dép sản lượng sản phẩm sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ do thiếu nguyên liệu và thị trường xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, một số ngành công nghiệp như: sản xuất bia, thuốc lá thị trường bị thu hẹp, nhu cầu tiêu dùng giảm, nên sản lượng sụt giảm; thu hoạch nguyên liệu phục vụ sản xuất của các nhà máy chế biến đường chậm, sản lượng đường đạt thấp so với cùng kỳ…
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn ổn định, sản lượng sản phẩm tăng khá cao so với cùng kỳ; các sản phẩm xi măng, gạch xây, đá ốp lát, thép cán duy trì được sản xuất do ít chịu tác động của dịch bệnh. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp tăng khá so với cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành ước tính tháng 6 năm 2020 tăng 5,56% so với tháng trước, tăng 6,42% so với tháng cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, số lao động làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 1,39% so với cùng kỳ; trong đó, khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 6,17%; khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 4,84%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,42% so với cùng kỳ năm trước.
Phát triển doanh nghiệp tiếp tục được quan tâm và đạt kết quả tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2020 dự kiến thành lập mới 1.321 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 14.256 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm 2019, tăng 2,2% về số doanh nghiệp và tăng 24,2% về vốn đăng ký.
Thu, chi ngân sách đều tăng
Trong 6 tháng đầu năm 2020, có 426 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn quay trở lại hoạt động, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước.Thu, chi ngân sách Nhà nước nằm trong kế hoạch.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhìn chung gặp khó khăn, hầu hết các khoản thu từ doanh nghiệp đều giảm so với 6 tháng đầu năm 2019.
Tổng thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 14.485,5 tỷ đồng, bằng 50% dự toán năm (năm 2016 bằng 45,6%; năm 2017 bằng 40,9%; năm 2018 bằng 31,4%; năm 2019 bằng 51,4%), tăng 4,3% so cùng kỳ.
Trong đó, thu nội địa 8.457 tỷ đồng, tăng 0,6% so cùng kỳ.
Trong thu nội địa, trừ thu thuế thu nhập cá nhân tăng 12,0%; thu phí, lệ phí tăng 0,4%; các khoản thu về nhà đất tăng 30,0%; thu từ hoạt động xổ số kiến thiết tăng 46,0%; thu khác ngân sách tăng 33,0%; thu từ quỹ đất công ích, hoa lợi công sản khác tăng 33,0% so cùng kỳ.
Các khoản thu còn lại đều giảm so với cùng kỳ năm trước, như: thu từ doanh nghiệp nhà nước giảm 25,0%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 25,0%; thu từ thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh giảm 12,0%; thuế bảo vệ môi trường giảm 8,0%...
Thu cân đối hoạt động xuất nhập khẩu đạt 6.028,5 tỷ đồng, bằng 64,1% dự toán năm, tăng 10,0% cùng kỳ (chủ yếu thu từ nhập khẩu dầu thô của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn).
Chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 17.257,2 tỷ đồng, bằng 48,9% dự toán năm, tăng 16,0% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2018 tăng 13,6% so với cùng kỳ, 6 tháng đầu năm 2019 tăng 11,1%).
Trong đó, chi đầu tư phát triển 4.498,7 tỷ đồng, bằng 64,3% dự toán năm, tăng 44,0 so với cùng kỳ; chi thường xuyên 11.459,7 tỷ đồng, bằng 50,5% dự toán, tăng 10,0% so cùng kỳ năm 2019.
Tín dụng, ngân hàng hỗ trợ người dân vượt khó do dịch
Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động của các ngân hàng theo sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc NHNN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, NHNN chi nhánh Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt, mạnh mẽ và có hiệu quả các giải pháp về điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, tập trung các nguồn lực thực hiện tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng vay vốn bị thiệt hại bởi dịch bệnh.
Huy động vốn của các tổ chức tín dụng (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) dự kiến đến 30/6/2020 đạt 110.000 tỷ đồng (nguồn vốn huy động bằng VND chiếm 98,5%), tăng 10,25% so với đầu năm.
Tổng dư nợ (không bao gồm Ngân hàng Phát triển) dự kiến đến 30/6/2020 đạt 119.500 tỷ đồng (dư nợ cho vay bằng VND chiếm 99% tổng dư nợ), tăng 3,67% so với đầu năm; trong đó, dư nợ ngắn hạn chiếm 48%, dự nợ trung - dài hạn chiếm 52% tổng dư nợ.
email: [email protected], hotline: 086 508 6899