Thanh tra Chính phủ: Nhiều dự án không tổ chức đấu giá, ngân sách thất thu

10/08/2021, 08:36

TCDN - Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP) trong quá trình quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng đối với một số dự án chuyển mục đích sử dụng đất tại TP.Hà Nội giai đoạn 2003-2016 còn có những tồn tại, thiếu sót, vi phạm dẫn đến thất thu cho ngân sách nhà nước.

Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra một số dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay, việc chuyển đổi, chuyển nhượng, nhà đất của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước, nhà đất có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TP.Hà Nội giai đoạn 2003-2016.

Theo đó, giai đoạn này, UBND TP Hà Nội đã tích cực đưa các cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành không còn phù hợp hoặc gây ô nhiễm ra ngoại thành. Các khu đất cũ sau đó được chuyển mục đích sử dụng làm văn phòng, nhà ở, khách sạn, trung tâm thương mại...

Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng đối với một số dự án chuyển mục đích sử dụng đất còn có những tồn tại, thiếu sót, vi phạm.

 TTCP đã chỉ ra rằng, trong số các khu đất được chuyển đổi có dự án Hà Nội không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư mà tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ dẫn đến số tiền thu về cho ngân sách Nhà nước thấp.

Trong đó có dự án Tổ hợp công trình văn phòng làm việc, kinh doanh thương mại và căn hộ cao cấp tại 167 Thụy Khuê (tên thương mại là dự án Five Star West Lake) do Công ty CP quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất (CIRI – thuộc Tập đoàn GFS) làm chủ đầu tư.

Ngoài ra cũng có một số dự án cũng gặp tình trạng tương tự như dự án số 1 Phùng Chí Kiên, dự án 365A Minh Khai, dự án Rivera Park 69 Vũ Trọng Phụng, dự án Sakura Tower 47 Nguyễn Tuân, dự án King Palace số 108 Nguyễn Trãi, dự án Aqua Central 44 Yên Phụ...

“Việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách Nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa”, TTCP nêu rõ.

Bên cạnh việc nhiều dự án không được tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư dẫn đến số tiền thu về cho ngân sách nhà nước thấp, TTCP còn chỉ ra rằng việc tính toán và phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất với dự án chuyển mục đích sử dụng đất không căn cứ vào Thông tư số 145/2007/TT-BTC ngày 6/12/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 188/2001/ND-CP ngày 16/11/2004 và Thông tư số 36/2014/TT-BTMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thực hiện Nghị  định số 44/2014/ND-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về phương pháp xác định giá đất và khung các loại giá đất. 

Các dự án ở 2 giai đoạn này, liên ngành (thực hiện theo Thông tư 145), Sở Tài nguyên và Môi trường (thực hiện theo Thông tư 36) đã trình UBND Thành phố khi xác định giá tiền sử dụng đất theo phương pháp thặng dư, trong đó, tổng chi phí phát triển dự án đã đưa vào một số khoản chi phí không đúng theo quy định của pháp luật như: Chi phí dự phòng, lãi tiền vay ngân hàng, chi phí kiểm định và chứng nhận phù hợp chất lượng công trình (1%) chi phí xây dựng, và khoản thu nhập chịu thuế tính trước (5,5%) trong suất đầu tư (giai đoạn thực hiện Thông tư 36)… để giảm trừ khi xác định giá tiền sử dụng đất, dẫn đến chủ đầu tư được hưởng lợi về kinh tế, trong khi ngân sách nhà nước bị thất thu số tiền lớn.

Phải kể đến một số dự án như Khu trường học, văn phòng, dịch vụ nhà ở cao tầng và thấp tầng tại 170 đường La Thành, dự án xây dựng khu hỗn hợp trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng văn phòng, nhà ở để bán tại 108 đường Nguyễn Trãi,…

Dự án Five Star West Lake và đôi điều về chủ đầu tư

Được biết, dự án Five Star West Lake được Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chấp thuận quy hoạch tổng mặt bằng tại văn bản số 292/QHKT-P1 ngày 4/9/2008, được UBND TP cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 19/11/2009, điều chỉnh ngày 31/12/2014.

Dự án có quy mô 14 tầng nổi, 3 tầng hầm, gồm 32 căn hộ để ở và 38 căn hộ dịch vụ. Dự án này quảng bá có vị trí đắc địa trên khu đất "kim cương" 167 Thụy Khuê - 162 Hoàng Hoa Thám (quận Tây Hồ, Hà Nội) với diện tích sử dụng đất 2.672m2, tổng mức đầu tư 300 tỷ đồng; tiến độ thực hiện dự án từ quý III/2017 đến quý III/2019.

Nói về nguồn gốc đất dự án, năm 1998 Công ty Giầy thụy Khuê thuê khu đất để làm nhà xưởng sản xuất kinh doanh.

Đến năm 2004, UBND TP Hà Nội cho phép Công ty Giầy Thụy Khuê chuyển đổi mục đích sử dụng đất để liên doanh với Công ty CIRI thực hiện dự án.

Sau đó 2 năm, UBND TP.Hà Nội cho phép Công ty Giầy Thụy Khuê rút khỏi liên doanh và chuyển giao cho Công ty CIRI tiếp tục làm chủ đầu tư dự án.

Ngày 9/9/2019,UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 4202/QĐ-UBND thu hồi 2.665m2 đất của Công ty Giầy Thụy Khuê giao cho Công ty CIRI thực hiện dự án.

Tập đoàn GFS thành lập năm 1997, tiền thân là đơn vị trực thuộc Tổng công ty xây dựng Công trình giao thông 8 (Cienco 8) thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Sau khi được cổ phần hóa vào năm 2005, tập đoàn hiện có 12 đơn vị thành viên, hoạt động trong ba lĩnh vực chính là tài chính, bất động sản, năng lượng.

Theo tìm hiểu, hiện nay, pháp nhân trung tâm của Tập đoàn GFS là Công ty Cổ phần Quan hệ quốc tế Đầu tư sản xuất (CIRI), có trụ sở chính tại số 508 đường Trường Chinh, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Ông Phạm Thành Công là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn GFS.

PV (T/h)
Bạn đang đọc bài viết Thanh tra Chính phủ: Nhiều dự án không tổ chức đấu giá, ngân sách thất thu tại chuyên mục Bất động sản của Tạp chí Tài chính doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác:

email: [email protected], hotline: 086 508 6899

Tin liên quan