Thay "ghế nóng" chóng mặt tại Eximbank: Chuyện gì đang diễn ra?
TCDN - Giới chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá, vấn đề hiện hữu ở Eximbank là cơ cấu cổ đông và sự tranh chấp nắm quyền điều hành ngân hàng giữa các nhóm cổ đông quá phức tạp, kéo dài
Một trong những điểm chú ý trong mùa họp đại hội cổ đông ngân hàng năm nay là Eximbank sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 vào 26/4/2021 tại Hà Nội. Ngay sau đó 1 ngày, tức ngày 27/4, Eximbank sẽ tổ chức họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021.
Dự kiến, nhiều vấn đề "nóng" sẽ được Eximbank trình tại phiên họp cổ đông thường niên sắp tới như sửa đổi điều lệ ngân hàng và kế hoạch trả cổ tức 1.800 đồng/cổ phiếu sau 7 năm không chia.
Trong đó, ngân hàng trình sửa đổi tỷ lệ số cổ đông dự họp trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để có thể tiến hành đại hội đồng cổ đông giảm từ 65% xuống 50%.
Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành, thì thông báo mời họp lần thứ 2 của ngân hàng phải được gửi trong 30 ngày kể từ ngày dự định họp lần thứ nhất. Họp đại hội đồng cổ đông lần thứ hai được tiến hành khi tỷ lệ giảm từ 51% xuống 33%.
Trường hợp cuộc họp lần thứ 2 không đủ điều kiện tiến hành, cuộc họp lần thứ 3 sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào tỷ lệ cổ đông dự họp.
Đồng thời, hội đồng quản trị Eximbank cũng muốn điều chỉnh tỷ lệ tán thành để thông qua quyết định của đại hội đồng cổ đông từ 65% xuống 50%.
Trong 2 năm 2019 và 2020, Eximbank nhiều lần thông báo tổ chức họp đại hội nhưng đều bất thành vì nhiều lý do. Trước đó, vào ngày 30/6/2020 và 29/7/2020, phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên lần thứ nhất và 2 của Eximbank tổ chức ở TP.HCM không thể thực hiện được do không đủ số cổ đông tham dự.
Sau đó, ngân hàng dự định tổ chức họp đại hội lần 3 tại Hà Nội vào ngày 17/8/2020 nhưng không thể tổ chức được do dịch Covid-19. Và ngày 15/12/2020, phiên họp cổ đông thường niên 2020 của ngân hàng này vẫn chưa thể diễn ra vì lý do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
Giới chuyên gia tài chính ngân hàng đánh giá vấn đề hiện hữu ở Eximbank là cơ cấu cổ đông và sự tranh chấp nắm quyền điều hành ngân hàng giữa các nhóm cổ đông quá phức tạp, kéo dài.
Liên quan tới chuyển động nhân sự tại ngân hàng này, Hội đồng quản trị Eximbank trong ngày 13/4/2021 vừa qua đã có tới 2 Nghị quyết quyết định về chức danh Chủ tịch HĐQT. Cụ thể, tại Nghị quyết số 156, HĐQT Eximbank đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh.
Đồng thời, HĐQT Eximbank thông qua việc bầu ông Nguyễn Quang Thông tạm thời giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank để chủ tọa cuộc họp HĐQT ngày 13/4/2021 đối với các nội dung tiếp theo của cuộc họp HĐQT Eximbank cho đến khi HĐQT bầu nhân sự giữ chức danh chủ tịch HĐQT mới.
HĐQT Eximbank giao ông Thông thay mặt HĐQT ký Nghị quyết HĐQT về việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Yasuhiro Saitoh theo Đơn từ nhiệm của ông Yasuhiro Saitoh ngày 6/4/2021.
Nghị quyết số 156 được ban hành căn cứ theo Đơn từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của ông Yasuhiro Saitoh ngày 6/4/2021; theo kết quả biểu quyết đa số tán thành của các thành viên HĐQT tại cuộc họp ngày 13/4/2021 vào lúc 10h15 phút và cuộc họp lúc 10h45 phút. Nghị quyết này được ký bởi ông Nguyễn Quang Thông.
Tuy nhiên, ngay sau đó, Eximbank tiếp tục có Nghị quyết 157, được ký bởi ông Yasuhiro Saitoh. Nghị quyết này được ban hành căn cứ theo kết quả biểu quyết tại cuộc họp HĐQT vào lúc 11h10 phút ngày 13/4/2021.
Nghị quyết 157 lại thông qua việc bầu ông Yasuhiro Saitoh giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Eximbank. Các nội dung trước đây trái với Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành.
Ông Yasuhiro Saitoh trở lại giữ ghế Chủ tịch HĐQT Eximbank chưa đầy 1 tiếng sau khi được miễn nhiệm. Động thái này của Eximbank khiến dư luận xôn xao liệu đây có phải là sự điều chỉnh mang tính kỹ thuật trước thềm phiên họp đại hội đồng cổ đông Eximbank hay không?
Eximbank vốn là ngân hàng có "truyền thống" thay đổi nhân sự cấp cao trước mỗi kỳ đại hội đồng cổ đông. Và như vậy, chỉ trong hơn 1 năm trước đó, "ghế nóng" của Eximbank cũng đã đổi Chủ tịch HĐQT đến 5 lần, từ ông Lê Minh Quốc sang bà Lương Thị Cẩm Tú, về ông Lê Minh Quốc, sang ông Cao Xuân Ninh và mới nhất là ông Yasuhiro Saitoh.
Chia sẻ với Dân trí, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng, những biểu hiện này của Eximbank là điển hình cho thấy không có sự nhất trí, nhất quán trong nội bộ ngân hàng do có nhiều nhóm cổ đông đại diện cho nhiều đường lối.
Về quan điểm liệu có hay không có vấn đề "lợi ích nhóm" trong câu chuyện của Eximbank, ông Hiếu không bình luận. Tuy nhiên, theo ông, cụm từ "lợi ích nhóm" hầu như ở đâu cũng có, nhất là ở những ngân hàng, doanh nghiệp luôn lùm xùm về mặt nhân sự khi các lãnh đạo/cổ đông không tìm được sự đồng thuận.
"Việc ngân hàng này thay đổi lãnh đạo thường xuyên, tiêu biểu cho sự không nhất trí, thống nhất trong nội bộ một thời gian dài đã đẩy lùi sự phát triển của Eximbank", ông Hiếu nhận xét.
"Còn nhớ năm 1995, khi tôi từ nước ngoài về Việt Nam làm việc, Eximbank nổi lên là một ngân hàng quan trọng ở TP.HCM, ngân hàng số 2 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Vietcombank. Đấu đá nội bộ, các vi phạm, cán bộ ra tòa... đã đẩy Eximbank trượt dài, không còn uy tín như ngày xưa. Thật đáng buồn!", TS. Nguyễn Trí Hiếu nuối tiếc.
Là cố vấn cao cấp cho nhiều ngân hàng tại Việt Nam, ông Hiếu kiến nghị Eximbank nếu muốn lấy lại ví trí top đầu như thời gian trước đây cần có cuộc "đại cách mạng" thay đổi cách quản trị công ty, tìm được sự đồng thuận về chính sách, định hướng cũng như quản lý ngân hàng...
email: [email protected], hotline: 086 508 6899